Skip to content

Sid Meier’s Civilization VII – Đánh Giá Game

Sid Meier's Civilization VII

Sid Meier’s Civilization VII – Sau khoảng thời gian bùng nổ vào những năm đầu thế kỷ XXI, thể loại game chiến thuật (Strategy) dần dần trở nên thoái trào, kéo theo đó là hàng loạt các dòng game đình đám một thời chìm dần vào quên lãng, bất kể đó là game Chiến thuật thời gian thực (Real Time Strategy – RTS) hay game Chiến thuật theo lượt (Turn Based Strategy).

Những tên tuổi lừng danh một thời như Warcraft, Starcraft hay Heroes of Might and Magic đều không còn tiếp tục được phát triển các phiên bản tiếp theo, dẫu cho các nhà phát triển dòng game nãy vẫn “ăn nên làm ra” với các dòng game hành động khác trên thị trường.

Trong bối cảnh đó, dòng game chiến thuật theo lượt trường phái 4X – Civilization, xuất phát từ tay nhà thiết kế game Sid Meier có thể xem là một kỳ tích khi vẫn “sống khoẻ” trong suốt hơn 30 năm tồn tại của mình, với hàng chục phiên bản, trải dài trên tất cả các hệ máy chơi game từ PC, đến console và thậm chí là cả trên điện thoại di động, đạt được nhiều thành công

Sau một thời gian khá dài ngừng lại so với tần suất ra mắt ồ ạt của các phiên bản trước, Sid Meier’s Civilization VII đã được Firaxis Games chính thức ra mắt cộng đồng game thủ hâm mộ sau hơn 4 năm phát triển với một lối chơi thay đổi hoàn toàn mới, hứa hẹn đem tới cho game thủ một trải nghiệm mới mẻ và… “kích thích” hơn.

Những thay đổi này liệu có tạo nên sức hút mới cho một dòng game đã nhiều năm tuổi?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu trò chơi qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Sid Meier's Civilization VII - Đánh Giá Game

Thay đổi từ căn bản!

Đối với dòng game chiến thuật theo lượt 4X – Civilization, dù đã trải qua hơn 30 năm với hàng ngàn những đổi thay, cả trong bối cảnh, đồ hoạ hay cách chơi, vẫn có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là người chơi phải tìm đủ mọi cách để nâng cấp thời kỳ nhanh nhất có thể tạo ra ưu thế quyết định khi làm cho năng suất sản xuất tăng vọt, sức mạnh vượt trội các đơn vị quân hiện đại, hay thậm chí là ưu thế thời gian trong “cuộc đua” xây dựng các kỳ quan (Wonders).

Quá trình này tích luỹ dần dần theo mỗi thời kỳ như một “quả cầu tuyết” lớn dần lên, đủ sức cuốn phăng cả những đối thủ máy, dù cho chúng có được các nhà phát triển “ăn giang” bằng cách “chơi cheat” để tăng tài nguyên và sức mạnh lên.

Sid Meier's Civilization VII - Đánh Giá Game

Thế nhưng cũng chính sức mạnh tăng lên như quả cầu tuyết này mà ở giai đoạn sau của game, thường người chơi sẽ có cảm giác nhàm chán và có ít thao tác cần phải xử lý hơn. Tất nhiên, đây không phải là nhược điểm của một lối chơi thiết kế không “tới” tạo ra hiện tượng “đầu voi đuôi chuột”, mà đó cũng là đặc điểm chung của thể loại game chiến thuật theo lượt 4X như phần chơi chiến dịch của các tựa game dòng Total War (chẳng hạn Total War: Pharaoh, Total War: Three Kingdoms, v.v.), dòng Age of Wonders (chẳng hạn Age of Wonders III, Age of Wonders: Planetfall, v.v.)

Thế nên đến với Sid Meier’s Civilization VII, các nhà thiết kế game đã gần như “đập ra xây lại” hoàn toàn lối chơi của dòng game, khiến cho phần mới nhất này gần như chẳng còn chút chia sẻ nào với phiên bản Sid Meier’s Civilization VI ra mắt hồi năm 2016.

Để cho dễ hình dung, mỗi thời kỳ trong Sid Meier’s Civilization VII có thể xem như một mini-game với một định hướng phát triển (Legacy Path) khác nhau. Người chơi sẽ phải cạnh tranh với các nền văn minh khác để đạt được tiêu chuẩn giành chiến thắng trong các lĩnh vực chinh phục, văn hoá, kinh tế.

Sid Meier's Civilization VII - Đánh Giá Game

Điều này tạo ra một “sân khấu” có phần công bằng hơn cho tất cả các bên tham gia, tránh được tình trạng dùng “ưu thế thời kỳ”: mang xe tăng và đại bác đi chiến đấu chống lại kỵ binh và cung thủ thời kỳ Trung cổ như ở các phiên bản trước đó.

Mỗi khi kết thúc một thời đại, người chơi phải chọn hướng phát triển tiếp theo cho nền văn minh của mình tuỳ theo nhân vật lịch sử mà bạn chọn làm đại diện, chẳng hạn như nếu bạn chọn nền văn minh Hán trong Antiquity Age, bạn có thể phát triển tiếp lên Mông Cổ, Minh, Thanh, hay rẽ hướng sang Đại Việt ở Exploration Age…

Từ đó, gần như tất cả các nỗ lực của bạn sẽ bị… xáo lại từ đầu cho một màn chơi hoàn toàn mới với số lượng lính giới hạn, các thành phố quay lại với công trình cơ bản và những điểm cộng (bonus) cho nền văn minh của bạn, cũng thay đổi chóng vánh sang những yếu tố mới mẻ và lạ lẫm, gần như buộc người chơi phải làm quen lại.

Tất nhiên là với bối cảnh thời kỳ mới, công nghệ mới với những loại tài nguyên mới, bạn sẽ trở nên bận rộn hơn rất nhiều, thay vì nhởn nhơ tận hưởng thành quả bằng những cuộc chinh phạt chớp nhoáng nhân lúc đối thủ còn “ăn lông ở lỗ” hay tranh thủ đặt xây dựng kỳ quan để chiếm lợi thế tiên phong.

Thứ mà bạn nhận được khi giành chiến thắng trong mỗi thời kỳ trước đó là một số điểm lợi thế mà bạn có thể bố trí cho thời đại sau.

Sid Meier's Civilization VII - Đánh Giá Game

Với cách làm chia nhỏ quá trình chơi thành các thời kỳ, các game thủ mới làm quen với dòng game sẽ cảm thấy hứng thú hơn thay vì các màn chơi dài lê thê kéo dài hàng trăm lượt, đòi hỏi khả năng quy hoạch chặt chẽ qua từng lượt đi.

Dĩ nhiên là với một luật chơi hoàn toàn mới mẻ, các cơ chế khác đều được thiết kế lại với các công trình, bộ cây công nghệ và trình hướng dẫn (tutorial) chi tiết phục vụ cho mục đích này với một giao diện khá dễ nhìn, dù lượng thông tin vô cùng phức tạp không kém gì tựa game gây “ngộp” người chơi như HumanKind.

Sid Meier’s Civilization VII là phần game có những thay đổi táo bạo nhất từ lối chơi gốc rễ của mình, đem đến một “làn gió mới” cho một dòng game đã có hơn 30 năm tuổi

Chẳng hạn như hệ thống quản lý tài nguyên theo “làng” xoay quanh thành thị giảm thiểu rất nhiều công sức điều khiển vi mô của người chơi so với hệ thống dựa trên “nhân công” (Worker) trong các phiên bản trước, giúp giản lược thời gian quản lý vi mô cho mỗi lượt như truyền thống.

Công bằng mà nói, đây cũng là một điểm sáng của Sid Meier’s Civilization VII khi đem đến một tựa game khá dễ làm quen và dễ chơi, có phần giống với loạt game dành cho di động: Civilization Revolution, nhiều hơn.

Một số yếu tố được thêm thắt vào game như hệ thống kịch bản tôn giáo có phần quen thuộc với những người đã từng chơi qua dòng game Crusader Kings, mang đến một tuyến cốt truyện mang tính kết nối hơn cho thời kỳ Exploration, thêm vào không ít “gia vị” cho người chơi .

Phần hình ảnh của game cũng được nâng cấp đúng mực so với phiên bản trước đó, đẹp hơn, nhưng cũng không quá nặng máy và chiếm dụng nhiều dung lượng lưu trữ, chỉ 11GB mà thôi, khá nhỏ so với hầu hết các tựa game hiện đại.

Phần âm thanh vẫn là phần thể hiện xuất sắc nhất trên Sid Meier’s Civilization VII dù Christopher Tin, người đảm nhiệm sáng tác chính đem lại thành công cho phần âm của những bản game trước đó, chỉ đóng góp hai bài nhạc nền, trong đó có bản Live Gloriously tạo ra dấu ấn đậm nét cho game ngay trong phần mở đầu, thể hiện tinh thần chinh phục, khai phá của phần chơi này.

Nhà soạn nhạc Geoff Knorr là người chịu trách nhiệm chính cho các bản nhạc nền trong phần game lần này. Ông cũng là một trong những người theo sát dòng game từ năm 2007 đến nay trong vai trò nhà soạn nhạc thứ hai.

Đặc biệt nhất là các bản nhạc nền “đặc trị” cho các nền văn minh như bản Khmer Empire hay bản The Abbasids đều mang âm hưởng đặc trưng của các nền văn minh này, thể hiện sự nghiên cứu, tìm tòi sâu sắc của nhà soạn nhạc đối với văn hóa truyền thống của hai nền văn minh cổ.

Nhìn chung, Sid Meier’s Civilization VII là phần game có những thay đổi táo bạo nhất từ lối chơi gốc rễ của mình, đem đến một “làn gió mới” cho một dòng game đã có hơn 30 năm tuổi, khiến cho cả những game thủ trẻ cũng có thể có một khởi đầu mới đơn giản hơn với dòng game này.

BẠN SẼ GHÉT

Không quá hợp với fan lâu năm!

Tất nhiên là cái gì cũng có tính hai mặt của nó, khi thay đổi cơ bản về lối chơi để người mới dễ dàng tiếp cận hơn thì Sid Meier’s Civilization VII cũng làm mất lòng các fan lâu năm, nhất là từ lối chơi bị chia nhỏ theo thời kỳ của mình.

Với lối chơi truyền thống, gần như người chơi phải có tính toán thật kỹ lưỡng từng nước đi để tích cóp lợi thế mà có thể “lên đời” nhanh chóng. Đặc biệt là ở các chế độ khó, khi đối thủ được “ưu ái sử dụng cheat”, khiến cho những màn lấn lướt của máy dai dẳng đeo bám theo người chơi trong suốt màn chơi.

Sự kết hợp giữa hai yếu tố này khiến cho việc chơi ở các cấp độ khó cao trở nên “hành xác”, chứ không đơn thuần là một loại thử thách về trí tuệ và kỹ năng mang đến hứng thú như ở nhiều tựa game chiến thuật khác.

Đó là chưa kể đến cơ chế game giới hạn khả năng chiến thắng bằng biện pháp quân sự tới mức thấp nhất, bởi lẽ người chơi không thể tích luỹ quân đội khi nâng cấp thời kỳ và chi phí “đầu tư” cho lĩnh vực quân sự sẽ là quá lớn nếu chỉ tính riêng trong một thời kỳ nhất định có thể kéo tụt tất cả khả năng sản xuất lẫn nghiên cứu của nền văn minh xuống.

Tệ hại hơn, những thử thách xuất hiện theo kiểu “có kế hoạch” khi thời kỳ đi đến gần đoạn cuối như thiên tai, dịch bệnh… có thể kéo tụt khả năng chinh chiến của người chơi rất sâu ngay cả khi bạn đang ở đỉnh cao. Do đó, rất khó để bạn có thể tiến hành các cuộc chiến chinh phạt để đạt được hình thức chiến thắng này.

Đó là chưa kể điểm thưởng khi chiến thắng từng thời kỳ nhỏ cũng không có quá nhiều tác dụng hay lợi thế cho người chơi trong các thời kỳ sau đó, tạo ra cảm giác công sức của mình không được đền bù xứng đáng.

Ngoài ra, cách phát triển theo kiểu “nhảy cóc” thời kỳ đổi cả nền văn minh cũng khiến cho những người yêu thích một nền văn minh cố định nào đó phải thay đổi theo kiểu “cưỡng ép”, cũng khiến fan lâu năm của dòng game cảm thấy khó chịu.

Về tổng thể, rất khó để nói lối chơi mới của Sid Meier’s Civilization VII có thật sự thành công hay không vì ở các cấp độ khó thấp, tựa game khá dễ tiếp cận, dễ chơi, thậm chí là có đôi chút nhàm chán, thế nhưng khi chơi ở các mức độ khó cao mà đối thủ máy phải dùng tới “cheat” thì người chơi sẽ dễ dàng cảm thấy gánh nặng thật sự.

Theo ý kiến riêng của người viết thì với một fan lâu năm của dòng game thì cơ chế này không quá thích hợp, nó khiến trải nghiệm game vụn vỡ hơn rất nhiều.

khi thay đổi cơ bản về lối chơi để người mới dễ dàng tiếp cận hơn thì Sid Meier’s Civilization VII cũng làm mất lòng các fan lâu năm

7.0

Sid Meier's Civilization VII đã làm nên cuộc cải cách sâu sắc chưa từng có đối với dòng game Civilization, đem đến một trải nghiệm tương đối dễ dàng hơn cho người mới, nhưng với các fan lâu năm thì đây là một trải nghiệm không quá dễ chịu.

Thông tin

  • Sid Meier's Civilization VII
  • Nhà phát triển
    Firaxis
  • Nhà phát hành
    2K Games
  • Thể loại
    Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    11/02/2025
  • Nền tảng
    Windows, Linux

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Win 10 64 Bit
  • CPU
    Intel Core i5-10400 / AMD Ryzen 5 3600X
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA RTX 2060 / AMD RX 6600 / Intel Arc A750
  • Lưu trữ
    20GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi 2K Games. Chơi trên PC.