Skip to content

Skul: The Hero Slayer – Đánh Giá Game

Skul: The Hero Slayer

Skul: The Hero Slayer – Dạng game hành động mang phong cách Roguelike/roguelite hiện nay đang đi đầu của sự phát triển trong ngành công nghiệp game. 

Có thể nói, các game kiểu Roguelike/Roguelite vừa dễ tiêu thụ, vừa gầy dựng tiếng tăm nhanh nên rất được giới làm game tự do (indie) hướng tới, như các ví dụ điển hình của Cult of the Lamb, Hades, v.v. 

Đây đồng thời cũng là tiêu chí khởi đầu của các nhà làm game indie trẻ tuổi, trong đó có studio SouthPAW Games, qua tác phẩm: Skul: The Hero Slayer, do hãng Neowiz phát hành.

Các bạn chắc hẳn được nghe khá nhiều về những câu chuyện anh hùng đánh bại ma vương nhằm cứu rỗi những người dân bị áp bức bởi đoàn quân quái vật.

Tuy nhiên ở Skul: The Hero Slayer là chiều hướng ngược lại, nhân vật chính hay chúng ta sẽ là… một bộ xương trên hành trình giải cứu cậu ma vương trẻ tuổi bị bắt và phải đánh bại người hùng ở đất nước Carleon.

Liệu Skul có thể chiếm được một phần trái tim của các bạn đang yêu thích sự thử thách, hay chỉ là sản phẩm bị mang tiếng là “ăn theo người tiền nhiệm”?

Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài đánh giá sau, bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

HÌNH ẢNH BẮT MẮT, LỐI CHƠI ĐA DẠNG

SouthPAW Games đã làm tốt trong việc dựng nên bối cảnh thế giới huyễn tưởng đầy màu sắc trong định dạng pixel, những khu rừng xanh tươi, cung điện hoàng gia lộng lẫy, cho đến hầm thí nghiệm bí ẩn đều hiện hữu ở trước mắt chúng ta.

Về phần cốt truyện ngay từ ban đầu đã đặt ra nhiều câu hỏi cho chúng ta trong đầu: tại sao chúng ta là bộ xương, vì sao ta phải cố gắng giải cứu những quái vật khác cũng như ma vương, điều bí ẩn gì khiến con người phải bắt quái vật và thí nghiệm chúng? 

Tất cả sẽ luôn hiện hữu và để có thể trả lời được, ta chỉ có thể tiến lên phía trước!

Giải cứu ma vương lẫn đánh bại anh hùng không phải là mục tiêu duy nhất, mà còn là hành trình đi tìm lại những mảnh vỡ ký ức để tìm ra một con đường, hướng đi cho nhân vật chính.

Có thể nói, Skul: The Hero Slayer đã học tập những game đi trước và tự tạo nên tính “Roguelite” riêng của mình, bộ xương nhỏ bé của chúng ta có được những năng lực mà ta có thể tạo nên những lối chơi riêng cho mỗi lần chơi.

Điển hình như ta có thể thay đổi… đầu của mình sang những cái đầu khác, ở mỗi đầu đều có những kỹ năng, lối chơi riêng biệt được phân chia thành ba loại đầu: Balance, Speed, Power.

SouthPAW Games đã làm tốt trong việc dựng nên bối cảnh thế giới huyễn tưởng đầy màu sắc trong định dạng pixel

Với Balane sẽ thể hiện tính cân bằng cũng như ổn định, kiểm soát trong hầu hết các trường hợp, Speed thì mang lại khả năng linh hoạt, còn Power như tên gọi, sức mạnh vượt trội!

Để giúp thăng tiến sức mạnh cũng như giữ được kiểu chơi yêu thích, game đã cho thêm cơ chế tiến hóa với các xương ở độ hiếm thấp (mỗi loại đầu sẽ có những độ hiếm khác nhau với bốn loại: Common, Rare, Uniqe, Legendary – NV). Việc tiến hóa từ Rare lên Uniqe sẽ được sử dụng thêm một kỹ năng.

Việc định hình lối chơi ở mỗi lần chơi không chỉ phụ thuộc vào loại đầu mà ta đã chọn, nó còn phụ thuộc vào những trang bị mà ta thu thập được trong tiến trình chơi; bạn sẽ phải cân nhắc và đưa ra lựa chọn trang bị đó có phù hợp với mình hay không nhằm tối ưu hoá sát thương tốt nhất, cũng như tăng tính đa dạng.

Với lối xây dựng nhân vật có một vài nét tương đồng với người đàn anh đi trước – Dead Cells, khác ở chỗ Dead Cells xây dựng dựa trên hai loại vũ khí đang sở hữu và cách tối ưu chúng nên việc xây dựng (theo ý kiến của người viết) có phần dễ hơn so với Skul: The Hero Slayer.

Một trong những yếu tố không thể thiếu ở Skul: The Hero Slayer đó là tiến trình chơi của bạn, phần lớn sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm cũng như khả năng của bản thân.

Người chơi phải học hỏi, làm quen từng chuyển động của những kẻ địch hay những con trùm mới chạm mặt, đây sẽ là một phần thách thức không nhỏ trên con đường trở nên mạnh mẽ hơn.

  Với những bạn chưa biết rõ về khái niệm Roguelite, ta có thể hiểu đơn giản rằng trong mỗi lần chơi sẽ không giống nhau, ta phải xây dựng lối chơi dựa trên lượng tài nguyên và vật phẩm thu thập được; nhưng một khi đã chết, tất cả vật phẩm lẫn tài nguyên hiện tại sẽ bị bay sạch, ngoại trừ một vài dạng tài nguyên giữ lại cho người chơi để lần chơi kế “dễ thở” hơn, trong Skul: The Hero Slayer đó là Dark Quartz.

Skul: The Hero Slayer

Dark Quartz sẽ được tích lũy dựa trên mỗi lần chúng ta chết và được sử dụng để nhằm tăng vĩnh viễn chỉ số của người chơi. Qua những lần bạn “chết đi sống lại”, thứ bạn nhận được ngoài tài nguyên cố định để giúp bạn mạnh hơn, sẽ là kinh nghiệm mà người chơi phải tích luỹ, cố gắng cải thiện để tránh phải sai lầm đã mắc phải với mục đích tiến bộ hơn.

Sau khi hoàn thành lần chơi đầu tiên, trước mắt người chơi sẽ còn những thách thức mới với những bản cập nhật được nhà phát triển cập nhật trong tương lai, nhằm tăng tính giá trị chơi lại của game lên ở mức cao hơn.

Dù game đến thời điểm hiện tại vẫn đang được cập nhật nhằm có thêm những chế độ chơi mới, nhưng không thể tránh khỏi những hạt sạn mà bản thân game đang mắc phải.

BẠN SẼ GHÉT

Skul: The Hero Slayer

ÂM NHẠC “MỘT MÀU”, THIẾT KẾ MÀN CHƠI ĐƠN ĐIỆU

Khi nghe phần nhạc nền của game ở giai đoạn mới chơi, chúng cũng không đến mức tạo cho ta cảm giác hứng thú; trái lại khi bản chất của game phải “chơi đi, chơi lại” nhiều lần khiến người viết thấy âm nhạc như một yếu tố dư thừa, nếu không muốn nói là khó chịu vì cứ “nhai” lại. 

Sự thay đổi sẽ có nếu ta chơi “Skull nhạc rock”, bản thân loại đầu đó có khả năng tạo nên bản nhạc rock hoành tráng, nhưng với chỉ nhiêu đó thôi thì vẫn chưa thể “cứu vớt” được.

Không chỉ riêng Skul: The Hero Slayernhững game thuộc kiểu Roguelike/Roguelite thường chúng mang giá trị chơi lại rất cao, nhưng lại không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt với những người chơi thiếu kiên nhẫn, nóng nảy.

Họ sẽ thường gặp trường hợp dậm chân tại chỗ, hoặc khả năng của họ chỉ đến mức đó và dần dần trở nên dễ nản game hơn.

Skul: The Hero Slayer

Đối với các game Roguelite khác như Dead Cells, sự đa dạng giữa những đường đi đến các màn chơi khác nhau lẫn cách thiết kế bản đồ đa dạng khiến game trở nên linh động trong việc lựa chọn các lối đi khác nhau ở mỗi tiến trình chơi. 

Điều đó cũng giúp người chơi tăng được tính trải nghiệm và đỡ bị “ngấy” hơn, tuy nhiên Skul: The Hero Slayer vẫn chưa thể làm tốt được yếu tố này: thiết kế màn chơi đơn điệu, tuyến tính đến mức bạn chỉ cần đi lại từ khoảng ba đến bốn lần đã nhận ra sự lặp lại từ các màn chơi; đó cũng là một phần yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi không hề nhỏ, cụ thể hơn là dễ chán game hơn.

Skul: The Hero Slayer vẫn chưa thể làm tốt được yếu tố này: thiết kế màn chơi đơn điệu, tuyến tính

Bạc 8.0

Skul: The Hero Slayer sẽ là một trải nghiệm tốt dành cho những bạn yêu thích sự thử thách, cũng như muốn theo dõi hành trình mà bộ xương nhỏ đang dẫn bước.

Hiển nhiên, nếu bạn thuộc tuýp người chơi chỉ muốn trải nghiệm sẽ cần phải “chịu khó” một tí để thực sự am hiểu và từng bước một chạm được “đích đến” của game.

Dễ dàng hay khó khăn, trôi chảy hay chông gai, đều phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn!

Thông tin

  • Skul: The Hero Slayer
  • Nhà phát triển
    SouthPAW Games
  • Nhà phát hành
    NeoWiz
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    21/01/2021
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4, Nintendo Switch

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7+
  • CPU
    Dual core Intel / AMD 2.8 GHz
  • RAM
    4GB
  • GPU
    Nvidia 450 GTS / Radeon HD 5750
  • Lưu trữ
    1GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi VIETGAME.ASIA. Chơi trên PC.

Tác giả