Sniper Elite 4 – Đối với những ai không thực sự theo dõi sát dòng game Sniper Elite, thì có lẽ việc một nhà phát triển game đặt trụ sở tại thành phố Oxford – xứ sở tôn vinh vẻ đẹp tri thức và kiến trúc hoa lệ của Anh Quốc, gầy dựng nên tên tuổi của mình bằng loạt game bắn súng với hình ảnh viên đạn bay xuyên qua… tinh hoàn trở thành biểu tượng đặc trưng, hẳn sẽ khiến nhiều người cảm thấy… sốc!
Rebellion Developments có một lý lịch thực sự không “trong sạch” lắm với những NeverDead, Shellshock 2: Blood Trail và Rogue Warrior, trở thành những cái tên mà chẳng ai dám tự nhận mình là người hâm mộ của chúng, thế nhưng một khi họ chấm dứt mối ràng buộc với những hợp đồng phát triển “game hạng C” và toàn tâm toàn ý với sản phẩm “con cưng” của họ, thì mọi chuyện trở nên khá khẩm hơn rất nhiều.
Khi so sánh hai cái tên bắn tỉa lớn nhất trong làng game hiện tại, hẳn đa số người sẽ đồng ý rằng Sniper Elite là dòng game vượt trội hơn nhiều so với Sniper Ghost Warrior (người viết vẫn đang thắc mắc vì sao CI Games vẫn đang bám víu vào dòng game này), mặc cho sự thay đổi giữa hai phiên bản gần đây nhất là không đáng kể, và Rebellion Developments hoàn toàn có… lý do chính đáng để lặp lại chính công thức đã tạo nên thành công đó.
Sniper Elite 4, một lần nữa, được xây dựng dựa trên những gì mà Sniper Elite 3 đã thực hiện được, rồi mở rộng nó tới một quy mô có thể nói là rất gần đến ngưỡng của AAA, song nó vẫn còn thiếu đôi chút cái sự chỉn chu thông thường của game AAA để thực sự trở nên xuất sắc.
BẠN SẼ THÍCH
SÂN CHƠI CỦA NHỮNG CON MẮT ĐẠI BÀNG
Nói ngắn gọn, các màn chơi trong Sniper Elite 4 gần như sở hữu lối thiết kế bối cảnh của Metal Gear Solid V: The Phantom Pain làm nguồn cảm hứng để tạo nên những màn chơi với độ rộng và cao, đủ khiến ai cũng phải ngước nhìn, điều mà có lẽ cũng là ưu điểm lớn nhất và là… nhược điểm khó nhận ra nhất của Sniper Elite 4.
Trò chơi vẫn thực hiện rất tốt “thương hiệu” của mình: cho người chơi dõi theo những viên đạn từ khẩu súng tỉa thực hiện cuộc hành trình từ họng súng tới cầu mắt của những tên lính Phát Xít xấu số!
Thế nhưng dù cho bạn có sáng tạo đến mấy thì số lượng cung cách viên đạn “chạm yêu” vào nội tạng thông qua X-Ray cũng đều giới hạn.
Một tựa game bắn tỉa chỉ cho phép người chơi “tỉa” từng địch thủ một trên màn hình rồi qua màn thì thật là tẻ nhạt, đó là lý do vì sao mà cơ chế Relocate (thay đổi vị trí) của Sniper Elite 3 quay trở lại trong Sniper Elite 4 và tiếp tục “tỏa sáng” với những màn chơi rộng lớn hơn kỳ này.
Sniper Elite 4 trở nên thú vị hơn nhiều khi người viết ngừng chơi theo phong cách “bóng ma” và bắt đầu chuyển phong cách của mình theo hướng “giương đông kích tây”.
Đạn giảm thanh của súng tỉa và khẩu súng lục Welrod cực kỳ hữu dụng, song lạm dụng chúng trong vòng 90% thời lượng của game thì thật gò bó, bởi không phải ngẫu nhiên mà trò chơi mang đến cho bạn một kho đồ phong phú, với rất nhiều loại chất nổ khác nhau phục vụ cho hai công việc: gây tổn thất về phía địch và đánh lạc hướng.
Những loại mìn kích nổ khi địch thủ dậm phải đều là công cụ chống đỡ những tên lính chuẩn bị đánh úp bạn, hoặc chặn các hành lang chật hẹp một cách hoàn hảo, chúng cũng có thể được giấu dưới xác địch làm “món quà” cho những ai có máu tò mò, chiếc mìn chống tăng Teller Mine có thể được chuyển sang dạng “tái kích hoạt”, chỉ phát nổ khi kẻ địch bước qua lần hai, một viên đạn Welrod bay thẳng vào thùng nhiên liệu của chiếc xe tải ở xa sẽ thu hút mọi sự chú ý của địch thủ và cho bạn một khoảng thời gian để thay đổi vị trí…
cơ chế Relocate (thay đổi vị trí) của Sniper Elite 3 quay trở lại trong Sniper Elite 4 và tiếp tục “tỏa sáng” với những màn chơi rộng lớn hơn kỳ này
Bạn thấy đấy, chiến thuật hữu dụng nhất trong Sniper Elite 4 đó là hạ thủ vài kẻ địch bằng súng tỉa, nhanh chóng di chuyển tới vị trí khác và chờ đợi kẻ thù bước vào cái bẫy của mình.
Đó không phải là một chiến thuật phức tạp và đòi hỏi người chơi phải tính toán cao siêu, nhưng một khi mọi thứ “nổ tung” theo đúng thứ tự hệt như mình đã dự đoán, thì hẳn không một ai có thể cảm thấy sảng khoái.
Dĩ nhiên, trò chơi không thể thiếu các cung cách bắn tỉa “cổ điển” dành cho những ai tìm được những vị trí quan trọng cho hoạt động của mình.
Rất nhiều thứ có thể che chắn tiếng súng của bạn trong một khoảnh khắc ngắn, từ tiếng máy bay rú gầm trời cho đến những họng súng pháo ngắm thẳng trên trời.
Nếu không tìm ra chúng thì hãy tự tạo ra chúng: các cỗ máy phát điện có thể che chắn âm thanh trong một khoảng thời gian ngắn, những tiếng nổ lớn phát ra cùng lúc khi bạn bóp cò cũng có thể khiến địch thủ bị “điếc” trong tích tắc, và với sự xuất hiện của đạn giảm thanh dành cho súng tỉa với số lượng có hạn, hẳn công việc “đếm sọ” của người chơi trong Sniper Elite 4 trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Sniper Elite 4 cũng mang đến khá nhiều cải tiến mới mẻ.
Màn chơi rộng đồng nghĩa với lối thiết kế nhiệm vụ tận dụng mọi milimet trên bản đồ một cách hữu dụng nhất có thể, một màn chơi sở hữu 4 hoặc 5 nhiệm vụ phụ khác nhau với độ đa dạng vừa phải và số điểm kinh nghiệm được thưởng hoàn toàn không tồi.
Karl Fairburne – nhân vật chính của dòng game, có khả năng leo lên ống nước và bám tường, dẫu chưa đạt đến “level” của Assassin’s Creed và cơ chế di chuyển còn hơi gượng gạo, song vẫn là điểm sáng đáng hoan nghênh khi cho phép người chơi có nhiều lựa chọn hơn trong cách di chuyển.
Cuối cùng, các bụi rậm khiến bạn “tàng hình” trước kẻ địch, dẫu cho khẩu súng tỉa đang lồi ra chình ình và chỉ bị phát hiện khi kẻ địch tới gần là công cụ đầy hữu dụng trong lúc lén lút.
Cuối cùng, Rebellion quyết định… “Watch Dogs hóa” Sniper Elite 4 với một đặc điểm nhỏ: khi bạn dùng ống nhòm để đánh dấu kẻ địch, bạn sẽ nhận được một dòng thông tin ngắn gọn về tên lính đó.
Bạn còn có thể tìm được những lá thư của người thân khi lục xác chúng, có thể đó là từ một bà mẹ lo lắng cho đứa con của mình, một người bạn nói rằng có một bữa tiệc đang chờ đợi ở quê nhà, hay một người vợ đang có sự ngạc nhiên dành cho người chồng khi trở về…
Dĩ nhiên, chiến tranh mà, ai cũng phải ngã xuống, những ai may mắn còn sống sót hẳn cũng chẳng lành lặn về thể xác, lẫn tinh thần.
Và mặc cho yếu tố này tuy không thực sự hài hòa với tông điệu của Sniper Elite 4 cho lắm (chúng ta đang bàn về sự thương cảm con người trong một tựa game một-chấp-vài-trăm, cho phép bạn nhìn xuyên cơ thể người khi đạn chạm phải mục tiêu), chí ít thì Rebellion cũng đã tạo nên một “rào cản” nho nhỏ nhưng khá hay ho để người chơi chợt nghĩ trước khi bóp cò.
(Cơ mà nếu họ muốn toàn mạng thật sự thì đã chẳng ngáng đường Karl Fairburne rồi).
THI THỐ “ĐẾM SỌ”!
Có thể khi xét về độ chỉn chu trong lối thiết kế thì Sniper Elite 4 khó có thể so bì với các tựa game AAA, nhưng số lượng nội dung của trò chơi hoàn toàn có thể so kè với bất kỳ tựa game bắn súng AAA nào ở thời điểm hiện tại.
Phần chơi cộng tác (co-op) quay trở lại với hai thể thức quen thuộc là Overwatch và Survival.
Tương tự như hai phiên bản trước, Overwatch đưa hai người chơi vào các màn chơi được thiết kế riêng, một người thực hiện điệp vụ trên mặt đất với súng máy và ống nhòm để đánh dấu kẻ địch, trong khi người còn lại dùng súng tỉa và hạ thủ kẻ địch từ trên cao.
Còn phần chơi Survival là mục chơi chống đỡ theo lượt cổ điển.
Chất lượng của hai phần chơi này có thể bị giảm thiểu đôi chút so với 8 nhiệm vụ chính của phần chơi đơn, nhưng… game nào mà chẳng vui hơn khi có bạn bè chơi cùng?
Sự lặp lại của Survival hay giới hạn vai trò của Overwatch hoàn toàn có thể được bù trừ khi mà người chơi được “đếm sọ” cùng bạn bè.
Phần chơi cộng tác (co-op) quay trở lại với hai thể thức quen thuộc là Overwatch và Survival
Phần chơi mạng của Sniper Elite 4 vẫn “chất” hệt như Sniper Elite 3 trước đây với rất nhiều tinh chỉnh cho luật chơi trong phần Custom Game cùng với hệ thống chống “camper” bằng chiếc ống nhòm, điều này khiến cho người viết thực sự rất… “đau lòng” khi chứng kiến số lượng người tham gia phần chơi mạng chỉ dừng lại ở hai chữ số!
Ngoài các chế độ đấu đơn và đấu đội đơn thuần, Sniper Elite 4 còn mang đến một số cái tên mới như Distance King – đo độ xa của phát bắn của người chơi rồi tính điểm tương ứng, hay No Cross – tạo một vùng đất tách bạch hai khu của hai đội mà không ai có thể vượt qua được – chế độ hoàn toàn chặn đứng những ai khoái sử dụng “súng máy” đi càn, song cũng dễ bị chơi xấu nếu một đội quyết định không thèm ló mặt ra ngoài khi dẫn trước.
May mắn thay là trong khoảng 8 trận No Cross mà người viết được trải nghiệm thì hiện tượng này không bao giờ xảy ra.
BẠN SẼ GHÉT
CHỆCH HƯỚNG…
Xây dựng từ cái nền của Sniper Elite 3 rồi mở rộng với những thêm thắt mới, Sniper Elite 4 đã thực hiện công việc của mình rất tốt nếu như trò chơi không mắc phải những hạt sạn… vô duyên đến mức ngớ ngẩn!
Vấn đề đầu tiên mà cả Sniper Elite 4 lẫn rất nhiều tựa game AAA mắc phải, đó là AI (trí thông minh nhân tạo).
Nếu nhìn theo hướng tích cực thì kẻ địch giờ đây giấu mình kỹ hơn, biết “gank” thường xuyên hơn cũng như sử dụng lựu đạn nhiều hơn, thế nhưng vấn đề chính của AI trong game là chúng quá dễ bị bắt bài.
Bổ sung mới nhất của game – bụi rậm, vô tình thể hiện rõ khuyết điểm này, kẻ địch hoàn toàn “mù lòa” nếu như bạn dùng Welrod chĩa thẳng vào đầu kể cả khi bạn ngồi ngay trước mặt chúng, hạ thủ một loạt đồng đội của chúng ngay bên cạnh và chúng sẽ trở nên cảnh giác nhưng không thể xác định nổi viên đạn bắn từ đâu.
Thế nên bạn hoàn toàn có thể: núp trong bụi rậm, bắn những tên địch đi đằng sau bằng Welrod, cứ lặp lại cho đến khi diệt hết kẻ địch xung quanh là chúng không thể nào biết được bạn đang ở đâu, trừ phi… bạn bắn hụt!
Chưa kể, phản ứng của AI kể cả ở độ khó cao nhất là Authentic vẫn cực kỳ chậm và đôi khi thiếu nhất quán.
Người chơi hoàn toàn có thể chạy thẳng một mạch tới chỗ kẻ địch trong lúc thanh trạng thái chuyển sang màu vàng một cách từ tốn và hạ thủ bằng cận chiến với một nút bấm duy nhất là bạn có thể yên tâm, bởi vì kẻ địch chỉ báo động một khi tiếng súng bắt đầu nổ ra.
Tốc độ phát giác của kẻ địch thay đổi rất ít, kể cả khi bạn có ở xa hay gần chúng.
Đó là chưa kể, AI trong game đôi khi “điếc đặc” trong rất nhiều trường hợp.
Cũng liên quan đến độ phản xạ ở trên, chúng sẽ không nghe thấy tiếng chạy của bạn một khi bạn đã ở cực gần và sẵn sàng cận chiến.
Đạn giảm thanh của súng bắn tỉa mặc dù được cho biết là chỉ “bịt” được khoảng 30% âm lượng nhưng thực chất khi khai hỏa ở tầm xa khoảng hơn 100m thì không ai có thể nghe được tiếng súng.
Đôi khi kẻ thù có thể nghe được tiếng Welrod chạm “keng keng” vào mũ giáp của các tên lính Jager ở gần, nhưng đôi lúc thì lại không.
Khuyết điểm lớn nhất của Sniper Elite 4 mà thực sự người viết không thể nào hiểu nổi, đó là sự biến mất hoàn toàn của các khu vực Sniper Nest (ổ bắn tỉa).
Trong Sniper Elite 3, đây là các khu vực sở hữu vị trí thuận lợi ở độ cao, giúp người chơi có cái nhìn rõ trong một phần của khu vực, cũng như mục tiêu của mình.
Việc Sniper Elite 4 hoàn toàn gỡ bỏ các khu vực này có thể được biện hộ rằng trò chơi muốn người chơi tự tìm khu vực thuận lợi để bắn tỉa, nhưng vấn đề ở đây là tìm vị trí thế quái nào khi gần như mọi màn chơi trong game đều chẳng có lấy một khu vực trên cao ra hồn?
Sniper Elite 4 sở hữu rất, rất nhiều màn chơi và khu vực rộng lớn, và đó là cái nền quá tốt để “nhét” vào game các vị trí bắn tỉa tuyệt vời, với khoảng cách gần chạm nóc 1 km!
Thế nhưng, Rebellion Developments chỉ có thể tận dụng được ưu điểm này trong đúng màn chơi đầu tiên, những màn chơi còn lại trong game tuy rộng, nhưng tầm nhìn giữa chúng bị che lấp bởi những căn nhà san sát nhau hoặc bởi tán lá trong khu rừng.
Nếu như bạn tìm được tầm nhìn về phía một tên địch cách mình 300m hoặc hơn, thì người viết cá rằng chênh lệch độ cao giữa bạn và địch chỉ hơn thua… vài bậc cầu thang.
Còn những khu vực có thuận lợi về độ cao thì tầm xa lại chẳng nhằm nhò gì.
Sniper Elite 4 đã thực hiện công việc của mình rất tốt nếu như trò chơi không mắc phải những hạt sạn… vô duyên đến mức ngớ ngẩn
Cuối cùng, Sniper Elite 4 sở hữu một trong những cơ chế nâng cấp vũ khí… ngớ ngẩn nhất mà người viết từng trải nghiệm.
Mỗi khẩu súng tỉa có ba chỉ số khác nhau, có thể được nâng cấp bằng cách thực hiện nhiều yêu cầu khác nhau, ví dụ như hạ thủ 30 tên địch trong trạng thái nằm, hoặc “ăn” 30 mạng khi nhịn thở.
Vấn đề ở đây là các yêu cầu này đòi hỏi số lượng địch thủ bị hạ rất nhiều và người chơi gần như chỉ có thể hoàn thành chúng khi mà game gần kết thúc, khiến cho các nâng cấp hoàn toàn không có “đất dụng võ” nếu như bạn không có dự tính chơi lại game nhiều lần.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Rebellion Developments
- Phát hành: Rebellion Developments
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 14/02/2017
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: 64-bit Windows 7, Windows 8.1, Windows 10
- Processor: Intel CPU Core i7-3770 / AMD equivalent
- Memory: 8 GB RAM
- Graphics: Nvidia GPU GeForce GTX 970 / AMD GPU Radeon RX 480
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI REBELLION DEVELOPMENTS – CHƠI TRÊN HỆ PC