Soul Hackers 2 – Trong hai năm trở lại đây, người hâm mộ của thể loại JRPG kinh điển nói chung và dòng game Shin Megami Tensei nói riêng chắc chắn đang bị bội thực vì có quá nhiều lựa chọn tuyệt vời trên thị trường.
Từ một Monark dù trái chiều nhưng vẫn chiều lòng được một bộ phận fan nhất định đến màn xuất quân hoành tráng của Shin Megami Tensei V, từ màn trở lại ngoạn mục của Shin Megami Tensei III Nocturne cho tới chiến dịch “lấn sân” PC và Xbox sắp tới của dòng Persona.
Với một công ty nức tiếng là có những quyết định… quái đản và bảo thủ như ATLUS, thì những nước đi này hầu hết là được cộng đồng hoan nghênh, dù cho việc “làm tiền” của hãng vẫn cứ gọi là… tham lam và khó hiểu tới cỡ nào đi chăng nữa.
Vậy nên, khi hậu bản của Soul Hackers, một phiên bản “ngoại truyện” (spin-off) đã 20 tuổi, được công bố, cộng đồng càng bất ngờ và hoan nghênh hơn nữa!
Việc quay lại một dòng game phụ tuy cũ nhưng được nhiều người yêu mến chắc chắn là một động thái được hoan nghênh, vì với nhiều thành viên trong cộng đồng, nếu ATLUS quan tâm đến Soul Hackers, chắc chắn họ cũng sẽ quan tâm đến phần còn lại của thương hiệu Devil Summoner, rồi mở rộng ra các thương hiệu tiềm năng và giàu nội dung hơn nữa như Digital Devil Saga hay dàn ngoại truyện đồ sộ của Shin Megami Tensei 1.
Thêm nữa, cộng đồng người hâm mộ cũng đang rất mong chờ động thái tiếp theo của ATLUS sau một Shin Megami Tensei V đầy thỏa mãn, và thoạt nhìn qua, Soul Hackers 2 trông có vẻ như mang trong mình rất nhiều cải tiến từ những phiên bản Megami Tensei trước, từ phong cách đồ họa tới lối chơi, nên mức độ hào hứng và thích thú của fan hâm mộ với game càng cao hơn nữa.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, vậy Soul Hackers 2 có đạt được kì vọng của người hâm mộ dòng game Shin Megami Tensei nói chung và thể loại JRPG nói chung?
Hãy cùng Vietgame.asia du hành đến một Tokyo hiện đại nhưng đầy những bí ẩn ma mị để tìm hiều nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Quỷ dữ thời công nghệ cao
Khác với những bản Shin Megami Tensei trước đó, phong cách nghệ thuật ma mị quen thuộc của Masayuki Doi và Kazuma Kaneko đã được thay bằng những mảng màu tương phản sắc bén và đầy cá tính của họa sĩ Shirow Miwa, mang lại rất nhiều dấu ấn riêng cho game.
Cụ thể, Shirow Miwa chính là tác giả của những bộ manga với phong cách nghệ thuật vô cùng ấn tượng như Dogs hay RWBY, nên dấu ấn của anh trong Soul Hackers 2 là vô cùng rõ ràng.
Sự tế nhị trong thiết kế của Masayuki Doi hay sự ma mị trong thiết kế của Kazuma Kaneko giờ đây được thay bằng sự tự tin và sắc bén của Shirow Miwa, khi hầu hết các nhân vật trong game đều bộc lộ cá tính vô cùng rõ ràng chỉ thông qua thiết kế của họ.
Chàng Arrow lơ ngơ, nàng Milady gai góc, Ringo kiêu ngạo hay Figue dịu dàng, tất cả những thiết kế nhân vật này đều bao gồm các gam màu chủ đạo vô cùng bắt mắt và có tính tương phản cao như đỏ, xanh neon hay hồng cánh sen – ngay cả những nhân vật có tông màu tối hơn như đen (Madame Ginko) hay xám (Victor, Hughes) đều có những điểm chấm phá sáng màu, tương phản để nâng độ bắt mắt lên.
Điều này cộng với những thiết kế trang phục tương đối có chiều sâu khiến cho dàn nhân vật của Soul Hackers 2 khá đáng nhớ và liên tục để lại ấn tượng tốt cho người chơi.
Phong cách nghệ thuật và đồ họa của Soul Hackers 2 thực sự là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng và là một bước tiến rõ rệt so với phần còn lại của thương hiệu game nức tiếng, vì những thiết kế đồ họa đáng nhớ
Điểm mạnh trong phong cách nghệ thuật của game cũng được mở rộng ra ở cách môi trường và thế giới được thiết kế, khi Tokyo phiên bản Cyberpunk được lột tả một cách vô cùng ấn tượng. ATLUS đã cắt sửa vô cùng tinh tế một thành phố cô đặc, phức tạp và hiện đại vào trong một bối cảnh cyberpunk rất dị và rất ma mị, với quỷ dữ lùng sục xung quanh cùng các thế lực hắc ám đang tranh đấu giành quyền lực.
Phong cách nghệ thuật và đồ họa của Soul Hackers 2 thực sự là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng và là một bước tiến rõ rệt so với phần còn lại của thương hiệu game nức tiếng, vì những thiết kế đồ họa đáng nhớ.
BẠN SẼ GHÉT
Xấu gỗ nhưng tốt nước sơn
Tuy nhiên, những lời khen của người viết dành cho Soul Hackers 2 chỉ dừng lại ở đó: phong cách đồ họa ấn tượng! Tất cả mọi khía cạnh còn lại đều là những “bước lùi” nghiêm trọng cho thương hiệu Megami Tensei nói riêng và thể loại JRPG kinh điển nói chung.
Trước hết, hãy nói về cốt truyện game, dù cho dàn nhân vật, thế giới và môi trường được thiết kế một cách vô cùng cá tính, câu chuyện game thực sự kể lại vô cùng đáng quên.
Trong hai tiếng đầu tiên, cốt truyện của game dường như được phơi bày ra hết cho người chơi, khi các thảm họa diệt vong được giới thiệu huỵch toẹt ra chứ không dẫn dắt một cách tế nhị và khéo léo như cách các bản Megami Tensei khác thường làm.
Và sau khi Soul Hackers 2 đã tiết lộ hầu hết các nút thắt cốt truyện quan trọng, game thực sự gặp khó khăn trong việc giữ chân người chơi khám phá tiếp cốt truyện game, đặc biệt khi là các nội dung phụ quá đỗi thưa thớt và thiếu chiều sâu.
Việc có một câu chuyện tận thế lối mòn, với các nhân vật nhàm chán và nội dung phụ thiếu chiều sâu khiến cho người viết gần như quên toẹt những gì đã xảy ra trong game, ngay sau khi dòng credit xuất hiện trên màn hình.
Gượm đã, Shin Megami Tensei V cũng không có một cốt truyện thực sự đáng nhớ so với những game tiền nhiệm, nhưng lối chơi sâu sắc và lôi cuốn đã “gánh” mạnh game, lỡ trường hợp tương tự xảy ra với Soul Hackers 2 thì sao?
Cái này thì… vừa có vừa không. Soul Hackers 2 mang lại một số cải tiến thú vị trong lối chơi, như các kỹ năng hiệu ứng như gây độc, trói, câm lặng cũng có thể gây sát thương, và hệ thống “thêm lượt” giờ đây được thay bằng một đòn đánh bổ sung lên những kẻ thù bị đánh trúng điểm yếu, một cơ chế không phải lần đầu xuất hiện trong Megami Tensei nhưng trong Soul Hackers 2 giờ đây có những thay đổi nhất định.
Tưởng chừng như điều này là thay đổi có lợi, nhưng lại khiến chất lượng game ảnh hưởng nghiêm trọng vì chúng làm game dễ hơn rất nhiều. Sát thương giờ đây trở nên thừa mứa, và với việc cơ chế “điểm yếu” mới vô cùng bá đạo, nhiều cuộc đối đầu trở nên dễ như ăn kẹo.
Lối chơi nhàm chán, khám phá môi trường nhàm chán, cốt truyện cũng nhàm chán nốt, Soul Hackers 2 thực sự không đáng với mức giá mà nó đòi hỏi người chơi
Thêm nữa, việc game không cho người chơi tùy chỉnh “party” (nhóm) của mình một cách tự do như các phiên bản trước và bám chặt vào công thức Persona, khiến cho những bổ sung của Soul Hackers 2 càng làm game đơn giản và thiếu sáng tạo hơn.
Điều này cũng mở rộng ra cách game thiết kế các hầm ngục, khi 99% thời lượng người chơi sẽ phải chạy thục mạng trên những hành lang trống rỗng dài ngoằng tránh né kẻ thù, không có những cơ chế đặc biệt như trong Persona 5 hay một thế giới mở sống động và tuyệt đẹp như trong Shin Megami Tensei V.
Không giải đố, không cơ chế đặc biệt, chỉ hành lang trống. Lâu lâu thỉnh thoảng game sẽ bỏ vài cơ chế có vẻ là “khác lạ” nhưng thực ra chả có giá trị gì như thang máy, cổng dịch chuyển…
Động lực khám phá của người chơi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa, khi cơ chế truy tìm quỷ để thuyết phục chúng về phe bạn đã bị… vứt ra cửa sổ, mà thay thế vào đó bằng một cơ chế tự động vừa khó hiểu, vừa quá nhàm chán.
Lối chơi nhàm chán, khám phá môi trường nhàm chán, cốt truyện cũng nhàm chán nốt, Soul Hackers 2 thực sự không đáng với mức giá mà nó đòi hỏi người chơi, nhưng thậm chí ATLUS không dừng lại ở đó, hãng còn “xé” nhỏ game ra để làm tiền tối đa người chơi!
Phiên bản xịn nhất của game đòi người chơi tới gần… 2 triệu đồng, nhưng tất cả những gì nó mang lại là một phần chơi khám phá hầm ngục lê thê nhàm chán, vài bộ quần áo, và thậm chí còn ép người chơi “xì tiền” cho ATLUS nếu muốn sử dụng những con demon thương hiệu của cả dòng game như Masakado hay Nemissa.