Star Wars Jedi: Survivor – Tương tự như vũ trụ siêu anh hùng, các tựa game mang thương hiệu Star Wars phải nói là nhiều vô số kể và góp mặt trên khắp mọi thể loại, từ thế giới đồ chơi Lego – Lego Star Wars: The Complete Saga, game nhập vai trực tuyến nhiều người Star Wars: The Old Republic hay cả giả lập lái phi thuyền không gian trong Star Wars: Squadrons.
Nhưng kể từ khi Disney thâu tóm toàn bộ thương hiệu này và trao lại quyền phát hành game trên PC, console về tay EA năm 2013, thì phần lớn các dự án game Star Wars hướng đến đối tượng là những người chơi có sử dụng kết nối trực tuyến (online multiplayer) nhiều hơn, cụ thể như các game bắn súng Star Wars: Battlefront của đội ngũ DICE (được biết đến nhiều từ dòng game Battlefield).
Mãi tới năm 2019, khi Star Wars Jedi: Fallen Order, một tựa game hành động phiêu lưu mới toanh do Respawn Entertainment phát triển và gặt hái được thành công vang dội với hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ (nổi bật có đề cử “Game Hành động Phiêu lưu Xuất sắc Nhất Năm” tại sự kiện TGA 2020), cũng như đạt được doanh số bán lý tưởng (hơn 10 triệu bản chỉ trong năm 2020) thì mới thật sự là lúc công ty chủ quản EA bắt đầu nhìn nhận lại tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của những tựa game chơi đơn – “single-player” như thế này.
Dù EA sau đó lại “vạ miệng”… chê các tựa game chơi đơn trên Twitter khiến dân tình lại thêm một phen “dậy sóng”, nhưng thật may là mọi chuyện vẫn kết thúc êm đẹp khi phần hậu bản Star Wars Jedi: Survivor đã được giới thiệu vào năm 2022 với nhiều hứa hẹn hấp dẫn, càng đáng chú ý khi đây sẽ là một tựa game next-gen đích thực khi không còn hỗ trợ ngược các thế hệ console đời trước (PS4, Xbox One).
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem liệu Star Wars Jedi: Survivor có vượt qua cái bóng của đàn anh Fallen Order và một lần nữa chứng minh cho EA thấy: những tựa game “chơi đơn” sẽ luôn còn chỗ đứng trong lòng người hâm mộ hay không nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Hành trình giàu cảm xúc!
Star Wars Jedi: Survivor lấy bối cảnh diễn ra 5 năm sau đoạn kết dang dở ở phần đầu và tiếp nối các sự kiện của tập phim Star Wars Episode III: Revenge of the Sith, khi nhân vật chính Cal Kestis trước sự truy đuổi khốc liệt của Đế chế Galactic Empire đã quyết định phá hủy khối cầu holocron để giữ kín thân phận của những đứa trẻ có tiềm năng trở thành Jedi.
Nhóm phi hành đoàn Stinger Mantis giờ đây đã “tan đàn, xẻ nghé” khi mỗi người chọn lối đi riêng, còn Cal và chú droid BD-1 vẫn tiếp tục sứ mệnh giải phóng thiên hà, với những người bạn mới.
Sau một phân đoạn mở đầu kịch tính, Cal buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống hành tinh Koboh và vô tình khám phá ra những tàn tích còn sót lại từ kỷ nguyên High Republic (thời kỳ hoàng kim của các Jedi), manh mối giúp cậu và đồng đội thắp lên tia hy vọng có thể phản công lại đạo quân Đế Chế, lật đổ Chúa tể bóng tối Darth Vader tàn ác.
Và như thế một chương mới về hai mặt sáng tối, đối lập của Thần lực (The Force) lại tiếp diễn với rất nhiều bước ngoặt bất ngờ, từ chuyện ly tan rồi lại hợp giàu cảm xúc của cả nhóm, những cuộc chạm trán gây cấn tới ngộp thở cho tới những phân cảnh hành động nảy lửa “ngầu bá cháy” mang đậm chất vũ trụ điện ảnh Star Wars.
về cốt lõi thì nội dung Star Wars Jedi: Survivor không thật sự quá cầu kỳ phức tạp mà tập trung nhiều hơn vào khai thác diễn biến tâm lý anh chàng Carl Kestis
Người viết sẽ không “spoil” thêm để bạn đọc tự tay trải nghiệm, nhưng về cốt lõi thì nội dung Star Wars Jedi: Survivor không thật sự quá cầu kỳ phức tạp mà tập trung nhiều hơn vào khai thác diễn biến tâm lý anh chàng Carl Kestis, cùng mối quan hệ gắn kết của anh với những người bạn đồng hành trên chiếc phi thuyền Stinger Mantis.
Chất lượng diễn hoạt tự nhiên kết hợp khâu biên kịch khá tốt cũng giúp tuyến nhân vật từ mới đến cũ có chiều sâu với nhiều “đất diễn” hơn.
Chuyến phiêu lưu kỳ thú!
Thiết kế màn chơi Star Wars Jedi: Survivor lần này mang lại sự tự do và phóng khoáng hơn phần trước.
Những cung đường nhỏ hẹp nhiều rào cản vật lý thường thấy trong lối thiết kế game tuyến tính đã dần ít xuất hiện hơn, thay vào đó là những khu vực cực kỳ rộng lớn có kích cỡ bản đồ đủ để ngốn hàng chục giờ khám phá và trải nghiệm của người chơi.
Người viết đã phải sững sờ khi lần đầu đặt chân xuống hành tinh Koboh, cảm giác giống như lần đầu được khám phá một cõi (Realm) mới trong God Of War Ragnarok vậy, nếu chỉ dùng từ “choáng ngợp” thì có lẽ vẫn chưa đủ để diễn giải được hết.
Cũng thật may là anh chàng Cal không còn phải… đi bộ thường xuyên nữa, tính cơ động kỳ này đã được tăng cường đáng kể với khả năng thuần hóa nhiều loại thú cưỡi hay thậm chí có thể “đu càng” một số loại chim để bay lượn trên bầu trời, dù rằng phải tùy hoàn cảnh mới sử dụng được chứ không phải cứ “huýt sáo” là chúng sẽ có mặt!
Tính năng Fast Travel (dịch chuyển nhanh) giữa các điểm thiền Meditation cũng được thêm thắt giúp cắt ngắn quãng thời gian di chuyển đáng kể, nhất là khi các mục tiêu thường nằm rải rác và cách rất xa nhau trên bản đồ.
Đó là chưa nói ngoài chuỗi nhiệm vụ chính lẫn phụ thì có hàng tá thứ khác để tìm tòi và đắm chìm vào thế giới của game.
Ngay sau khi hội ngộ với ông bạn Greez dí dỏm, thuyền trưởng con tàu Stinger Mantis, người chơi sẽ được giới thiệu quán rượu do ông sở hữu có tên Pyloon, nơi được dùng làm cứ điểm chính và có thể mời gọi các nhân vật NPC từ khắp nơi về trú ẩn, cũng như sinh hoạt tại đây.
Những NPC này không chỉ để thêm vào cho “xôm” mà còn mang lại nhiều lợi ích khác từ thay đổi nhạc nền, giúp săn bắt và chiêm ngưỡng đàn cá kiểng trong bể bơi cho đến mở khoá cả một mini-game chiến thuật có tên “holotactics” (gần giống board game mô hình Machine Strike trong Horizon: Forbidden West) rất hấp dẫn và đặc sắc.
Các hạt giống (Seeds) nằm rải rác khắp thiên hà, sau khi thu thập được cũng có thể đem ươm mầm tạo thành cả một vườn cây trang trí lộng lẫy trên sân thượng của quán Pyloon.
Còn những fan có thú vui giải đố (puzzle) thì hãy yên tâm: không thiếu các hầm ngục bí mật Jedi Chamber luôn chực chờ người chơi khám phá, với những thử thách “hack não” cùng phần thưởng hấp dẫn!
Một khía cạnh nữa của Star Wars Jedi: Survivor mà người viết rất thích chính là cơ chế tùy biến… thời trang.
Vâng, bạn không nghe lầm đâu, làm anh hùng giải cứu cả ngân hà mà chỉ mặc mỗi một bộ cánh, với vài cái khăn choàng Poncho đổi màu như trong phần một thì thật sự là quá nhàm chán!
Thiết kế màn chơi Star Wars Jedi: Survivor lần này mang lại sự tự do và phóng khoáng hơn phần trước
Qua phần này, game đã hết sức “chiều lòng” các fan với phục trang đa dạng mà còn được chia thành nhiều phần riêng biệt, giúp Cal “lột xác” đúng theo nghĩa “thời trang phang thời tiết” từ quả tóc, bộ râu cho tới áo phông, áo khoác, quần bò.
Bạn có thể diện kiểu cách bụi bặm, phong trần như Han Solo với áo jacket nhiều túi cùng chiếc quần jean thắt lưng huyền thoại của ông, hay khoác lên mình bộ áo choàng Ẩn sĩ kinh điển của huyền thoại Jedi: Obi-Wan Kenobi.
Ngoại hình chú robot BD-1 cũng không hề kém cạnh khi ngoài lớp sơn và chất liệu còn có thể thay đổi đến chi tiết từng bộ phận và lắp ghép chúng với nhau tùy ý thích.
Lối chơi lôi cuốn và hấp dẫn!
Thật không ngoa khi nói Star Wars Jedi: Survivor là tựa game Star Wars có cơ chế chiến đấu xuất sắc nhất từ trước đến nay.
Đơn giản chỉ là bấm và phối hợp giữa hai nút “chặt chém” khi tấn công nhưng cảm giác cầm nắm, loan múa thanh kiếm ánh sáng (lightsaber) thật sự đã được đội ngũ Respawn truyền tải hết sức sống động và mãn nhãn!
Từ đầu game, Cal không chỉ giữ lại toàn bộ kỹ năng, kiếm thuật đã học ở phần trước từ những thứ cơ bản như nhảy kép (double jump), Thần Lực (Force Abilities) cho tới thế (Stance) hai đầu kiếm Double-Blade, mà về sau cậu sẽ còn được bổ sung thêm ba thế kiếm mới rất ngầu là song kiếm (Dual-Blade), trường kiếm Cross-guard (như Kylo Ren sử dụng trong Force Awakens) và cuối cùng là một tay cầm súng Blaster, một tay chơi kiếm lightsaber.
Mỗi thế kiếm sẽ có cả một bảng kỹ năng (skill tree) để nâng cấp, mở rộng thêm combo cũng như mục đích sử dụng riêng biệt, ví như Double-Blade có tầm đánh rộng dùng khi giáp lá cà với nhiều mục tiêu, súng Blaster công kích từ xa khi cần giữ khoảng cách với đối phương, còn Dual-Blade thì sát thương kém nhưng bù lại có tốc độ cực nhanh thích hợp để “quấy nhiễu” các loại quái to bự mà chậm chạp.
Người chơi cũng phải lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi lâm trận vì cùng một lúc chỉ có thể mang cố định và chuyển qua lại giữa hai thế kiếm, còn muốn thay đổi thì phải về lại những điểm Meditation hay Workbench.
Và đương nhiên, đã là một Jedi thì không thể không nhắc đến sức mạnh từ Thần Lực, hút tất cả đối thủ lại gần, nhấc bổng những tên xạ thủ từ xa lên trên không, đẩy bật mục tiêu rơi xuống hố, tận dụng môi trường làm vật cản, tấn tần tật những chiêu trò mà người chơi có thể nghĩ ra được và kết hợp chúng tạo để nên những trải nghiệm thật “sướng tay, đã mắt”.
cảm giác cầm nắm, loan múa thanh kiếm ánh sáng (lightsaber) thật sự đã được đội ngũ Respawn truyền tải hết sức sống động và mãn nhãn!
Chưa kể, Thần lực của Cal bấy giờ còn mạnh mẽ hơn so với phần trước (hay nói vui “The Force is strong with this game”) với những tuyệt chiêu mới nổi trội như Focus Sight giúp chỉ cần giữ một nút bấm để tự né tránh và phản đòn vật lý, Confuse làm “loạn trí” khiến đối phương tấn công luôn đồng bọn của chúng.
Cơ chế phòng ngự vẫn mang nhiều cảm hứng từ Sekiro: Shadows Die Twice với một nút đỡ và phản đòn (Block/Parry), một nút nhảy tránh (Dodge), một thanh Block Meter (tương tự Posture Gauge trong Sekiro) bên cạnh thanh máu mà khi Cal cạn hết thì sẽ “ăn hành”, còn ngược lại là đối thủ thì sẽ giúp bạn tung ra những chiêu hay chuỗi liên hoàn kết liễu đẹp mắt!
Ngoài những thời khắc chiến đấu “phê pha” thì phần còn lại của Star Wars Jedi: Survivor là sự pha trộn khá độc đáo giữa chất liệu hành động phiêu lưu (nhảy nhót, leo trèo) của dòng game Uncharted, với cơ chế thăng cấp mang thương hiệu “Soulslike”.
Cụ thể, mỗi khi nghỉ ngơi (Rest) để hồi máu tại những điểm thiền Meditation (y chang Bonfire của Dark Souls) thì tất cả mọi kẻ địch sẽ được hồi sinh (respawn), còn người chơi hy sinh thì cũng bị rớt mất một phần điểm kinh nghiệm và có thể thu hồi lại bằng cách đi …”nhặt xác”
Tuy vậy game vẫn có rất nhiều tùy chỉnh độ khó có thể thiết lập ở bất kỳ thời điểm nào.
Ở cấp “hơi khó” (Jedi Master) người viết thử nghiệm thì game khá là cân bằng, mang lại mức thử thách vừa đủ nhưng vẫn đảm bảo được độ kịch tính và thư hùng của những trận đánh trùm, đặc biệt là những con trùm bí mật như quái vật Rancor thì Cal cũng chỉ “gánh” được tới… hai hit là “ngủm”.
Về sau, người chơi sẽ còn được mở khóa và tự trang bị thêm các hiệu ứng phụ trợ gọi là Perks giúp phát triển nhân vật như tăng cường thanh máu, mở rộng Thần Lực hay tăng mức sát thương lên Block Meter của đối thủ.
BẠN SẼ GHÉT
Hiệu năng tối ưu còn quá “đuối”
Dù mang tiếng “next-gen” và thật sự rất đẹp nhưng đáng tiếc là trải nghiệm của người viết với Star Wars Jedi: Survivor trên cỗ máy PS5 lại… chả hề mượt mà như mong đợi.
Đầu tiên, phải kể đến việc game “ngốn” tới gần… 150 GB dung lượng ổ cứng SSD. Đó quả thật là một con số khủng khiếp, vượt xa cả những “bom tấn” hành động khác trên PS5 như God Of War Ragnarok hay Horizon: Forbidden West
Tiếp đến là vấn đề trồi sụt khung hình (fps) diễn ra thường xuyên rất khó chịu, đặc biệt là ở khu vực đầu game và những địa điểm có không gian mở trên hành tinh Koboh.
Nhiều lúc tình trạng trồi sụt fps này nặng tới mức làm màn hình lag, giật… “tung chảo” mà đáng trách nhất là chúng lại diễn ra ở ngay thiết lập “Performance Mode”, vốn đã tinh giản nhiều hiệu ứng đồ họa để tối ưu hiệu năng nhất có thể.
Điều này cũng dẫn đến nhiều hạn chế khác làm giảm đáng kể chất lượng hình ảnh như hiện tượng nhiễu hạt và răng cưa (grainy and pixelated), chi tiết vật thể bị mờ nhòe hay bóng đổ nhìn rất “giả trân”.
Nhiều lúc tình trạng trồi sụt fps này nặng tới mức làm màn hình lag, giật… “tung chảo” mà đáng trách nhất là chúng lại diễn ra ở ngay thiết lập “Performance Mode”
Còn nhiều “sạn”
Tại thời điểm viết bài, người viết đã cập nhật bản vá Day-1 trên PS5 (ra cùng ngày phát hành game chính thức) nhưng game vẫn còn tồn đọng khá nhiều lỗi vụn vặt như vài huy hiệu (Trophy) không tự mở khóa, vật thể môi trường lúc ẩn lúc hiện, đối thủ thì bị mắc kẹt không thoát ra được.
Thỉnh thoảng phần lồng tiếng và âm thanh cũng bị trật nhịp hay hiện tượng xé hình (screen-tearing) diễn ra khá nhiều mỗi khi cắt cảnh..
Đáng kể là tính năng HDR dường dư cũng chưa được hỗ trợ làm màu sắc trong game bị “xỉn”, vùng tối thì mờ đục khiến độ tương phản cực kì kém.
Cũng có nhiều báo cáo về khả năng tối ưu “thảm họa” trên PC khiến những card màn hình thời thượng như RTX 4090 mà còn chưa thể cân nổi 60 fps ở thiết lập cấu hình… thấp nhất, nên nếu bạn có ý định mua game trên hệ máy này thì hãy thật sự cân nhắc.
có nhiều báo cáo về khả năng tối ưu “thảm họa” trên PC khiến những card màn hình thời thượng như RTX 4090 mà còn chưa thể cân nổi 60 fps ở thiết lập cấu hình… thấp