Steam Deck – Khi nhắc đến máy chơi game cầm tay, Nintendo Switch chắc hẳn sẽ là lựa chọn đầu tiên của nhiều người và gần như là nhà vô địch không đối thủ ở mảng này.
Tuy nhiên, đời có ai biết được chữ ngờ!
Một sáng đẹp trời, ông lớn của ngành công nghiệp game, Valve, đột nhiên đưa ra một công bố khiến bao người ngã ngửa: Steam Deck, một thiết bị chơi game PC cầm tay đầy mạnh mẽ, việc mà trước đây tưởng chừng như “viễn tưởng”.
Thậm chí, đến Tim Sweeney (CEO của Epic Games) cũng phải vỗ đùi khen đối thủ, ông cho đây là một… “nước đi hay của Valve”, dù Epic Games và Steam đều là kẻ thù “không đội trời chung”.
Liệu Steam Deck sẽ thay đổi tương lai của dòng máy chơi game cầm tay – nơi Nintendo đã “thôn tính” nhiều năm?
Hãy cùng Vietgame.asia “mổ xẻ” thử cỗ máy qua bài viết sau!
Phần cứng
1. Cấu hình
Về cấu hình của Steam Deck, Valve đã hợp tác cùng AMD tạo nên một bộ chip tích hợp (APU) được tối ưu riêng cho bộ máy, bao gồm bốn nhân CPU Zen 2 và GPU AMD RDNA 2 với tám đơn vị xử lý (CU) – cấu trúc trước đó đã được trang bị trên Xbox Series X/S và cả PlayStation 5, cùng 16GB RAM LPDDR5.
Nếu là bộ máy chơi game cầm tay “mạnh mẽ, đầy đủ nhất”, cấu hình của Steam Deck có thể được so sánh như thế nào so với các đối thủ, cụ thể là “người anh em” Nintendo Switch hay các đối thủ “nặng ký” hơn như PlayStation 5 và Xbox Series X/S?
So sánh với Nintendo Switch – vốn đã ra mắt được hơn bốn năm và vừa được cập nhật cách đây không lâu với phiên bản OLED, Steam Deck dường như mạnh mẽ hơn “một trời một vực” khi hoàn toàn có thể chơi được những tựa game mà Switch không thể, như Control (khi Switch chỉ có thể chơi thông qua dịch vụ đám mây), Star Wars Jedi: Fallen Order hay No Man’s Sky theo hình ảnh Valve công bố.
Khi đem PlayStation 5 và Xbox Series X/S lên “bàn cân”, Steam Deck dường như không thể so sánh do mang thân máy bé hơn được thiết kế để chơi cầm tay.
Steam Deck dường như mạnh mẽ hơn “một trời một vực” khi hoàn toàn có thể chơi được những tựa game mà Switch không thể
Tuy khi so với các thế hệ máy chơi game trước, hiệu năng GPU của Steam Deck sẽ cao hơn so với Xbox One S (ở 1.4 TFLOPS) và thấp hơn không quá nhiều với PlayStation 4 (ở 1.84 TFLOPS).
Steam Deck | Xbox Series X | Xbox Series S | PlayStation 5 | |
CPU | Bốn nhân AMD Zen 2 CPU @ 2.4-3.5GHz | Tám nhân AMD Zen 2 CPU @ 3.8GHz (3.6GHz với SMT) | Tám nhân AMD Zen 2 CPU @ 3.6GHz (3.4GHz với SMT) | Tám nhân AMD Zen 2 CPU @ 3.5GHz |
GPU | AMD RDNA 2 (8 CU) @ 1.0-1.6GHz | AMD RDNA 2 (52 CU) @ 1.825GHz | AMD RDNA 2 (20 CU) @ 1.565GHz | AMD RDNA 2 (36 CU) @ 2.23GHz |
Hiệu năng GPU | 1.6 TFLOPS | 12.15 TFLOPS | 4 TFLOPS | 10.28 TFLOPS |
RAM | 16GB LPDDR5 | 16GB GDDR6 | 10GB GDDR6 | 16GB GDDR6 |
Đáng lưu ý, do bộ máy sử dụng cấu trúc RDNA 2 mới nên sẽ khó có thể so sánh trực tiếp hiệu năng đồ họa thực tế giữa các hệ máy.
2. Điều khiển
Đầu tiên khi nhìn vào thiết kế của Steam Deck, chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao bộ máy lại có quá nhiều… nút.
Để bộ máy có thể đáp ứng “tất cả trong một”, Valve đã trang bị rất nhiều lựa chọn điều khiển khác nhau gồm hai nút di chuyển với cảm biến cảm ứng điện dung (capacitive touch sensor), nút điều hướng (D-pad), bốn nút chức năng ABXY, bốn nút điều khiển phía trên và thêm bốn nút tùy chỉnh phía sau.
Để bộ máy có thể đáp ứng “tất cả trong một”, Valve đã trang bị rất nhiều lựa chọn điều khiển khác nhau
Đáng chú ý, Steam Deck còn được trang bị con quay hồi chuyển sáu trục IMU nhằm giúp việc “nhắm tốt hơn”, mang lại độ chính xác cao hơn nhiều so với bàn di hay nút di chuyển khi chơi các tựa game FPS.
Bên cạnh đó, bộ máy còn được trang bị màn hình 7-inch LCD với cảm ứng đa điểm giúp cho việc thao tác dễ dàng hơn, cũng như hai bàn di nhỏ với phản hồi xúc giác (haptic) và cảm ứng lực nhấn để “chơi những tựa game PC chưa từng được thiết kế cầm tay”.
3. Thời lượng pin
Khi có cấu hình tương đối mạnh, không thể không nhắc đến thời lượng pin của Steam Deck.
Valve cho biết đã trang bị cho bộ máy viên pin 40Wh, cho thời lượng chơi từ hai đến tám tiếng tùy vào tựa game – so sánh với 4.5 đến tám tiếng của Switch.
Trao đổi với IGN, Valve cho biết bộ máy sẽ có thời lượng chơi chính xác khoảng bốn tiếng với Portal 2 chạy ở 720p với 60FPS, và đạt được tối đa tám tiếng với các tác vụ nhẹ nhàng hơn như lướt web hay stream game từ máy khác.
Valve cho biết đã trang bị cho bộ máy viên pin 40Wh, cho thời lượng chơi từ hai đến tám tiếng tùy vào tựa game – so sánh với 4.5 đến tám tiếng của Switch
4. Khả năng mở rộng
Khi đã thiết kế một chiếc máy có khả năng chơi “tất cả trong một”, một trong những yếu tố quan trọng nhất là khả năng mở rộng với các phụ kiện thứ ba, và giải pháp của Valve?
Sử dụng cổng USB-C.
Đào sâu hơn, cổng USB-C trên Steam Deck được Valve sử dụng chuẩn USB 3.2 Gen 2, với băng thông lên đến 20Gbps để có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: vừa sạc, vừa kết nối phụ kiện và vừa xuất hình ảnh.
Công ty cho biết Steam Deck có thể xuất hình ảnh lên đến 8K@60Hz hoặc 4K@120Hz với chuẩn DisplayPort 1.4.
Valve cho biết công ty cũng sẽ ra mắt một mẫu dock chính thức cho Steam Deck trong tương lai.
Steam Deck có thể xuất hình ảnh lên đến 8K@60Hz hoặc 4K@120Hz với chuẩn DisplayPort 1.4.
Hiện tại, chỉ cổng thiết kế của bộ dock được tiết lộ gồm DisplayPort 1.4, HDMI 2.0, cổng USB-C sạc, cổng mạng, một cổng USB 3.1 và hai cổng USB 2.0.
Ngoài ra, Steam Deck còn khả năng mở rộng dung lượng với khe cắm thẻ microSD và kết nối tay cầm, tai nghe và phụ kiện không dây với Bluetooth, cũng như kết nối mạng không dây qua Wifi.
Không như Switch vốn bị giới hạn các kết nối bởi phần mềm (dù Switch cũng có cổng USB-C và Bluetooth), Steam Deck sử dụng SteamOS 3.0 – vốn đã được Valve phát triển dựa trên Arch Linux, là một nền tảng “rộng cửa” chào đón khả năng mở rộng phụ kiện đến gần như vô tận.
Phần mềm
Ngoài phần cứng mạnh mẽ, Valve cũng đã “đập đi xây lại” SteamOS với giao diện hoàn toàn mới, được tối ưu riêng cho Steam Deck.
Dù mới, nhưng Valve cho biết gần như mọi chức năng quen thuộc của Steam đều sẽ có mặt: như chat, thông báo, sao lưu đám mây, Remote Play, cửa hàng, cộng đồng và cả Overlay hoàn toàn được thiết kế lại.
Qua Steam Deck, Valve cũng đã ra mắt SteamOS 3.0 với nhân được phát triển dựa trên Arch Linux, so với Debian ở các phiên bản trước. Và vì nó là Linux, những tựa game phát triển cho Windows thường không thể chạy được. Khi đó, Proton sẽ “bước vào cuộc chơi”.
Proton có thể được coi như một lớp tương thích để các ứng dụng (và game) Windows chạy được trên Linux mà không cần nhà phát triển phải port riêng một phiên bản.
Với Steam Deck, Valve đã cải thiện rất nhiều hiệu năng của Proton, thậm chí cho biết đang làm việc với các nhà phát triển phần mềm chống gian lận (như BattlEye và Easy Anti-Cheat) để tăng khả năng tương thích của các tựa game “trước thềm ra mắt”.
Vietgame.asia trước đó đã phân tích về Proton, và vì sao nó sẽ mở ra một “kỷ nguyên mới cho game trên Linux”.
Valve cho biết gần như mọi chức năng quen thuộc của Steam đều sẽ có mặt: như chat, thông báo, sao lưu đám mây, Remote Play, cửa hàng, cộng đồng và cả Overlay
Tuy được tối ưu để sử dụng cầm tay, Valve cho biết SteamOS sẽ không ngăn chặn người dùng làm những việc khác.
Kết nối chuột và bàn phím và sử dụng như một chiếc PC thật thụ, hay thậm chí cài hệ điều hành khác (chào Windows) và cài các cửa hàng bên thứ ba (như Origin và Epic Games Store).
Giá bán
Steam Deck sẽ được ra mắt vào tháng 12 năm nay với mức giá khởi điểm 399 USD cho cấu hình 64GB dung lượng eMMC, 529 USD cho cấu hình 256GB NVMe SSD và 649 USD cho cấu hình 512GB NVMe SSD tốc độ cao.
Các cấu hình đều sẽ đi kèm với một bao đựng máy, riêng phiên bản 512GB sẽ sử dụng kính khắc chống lóa cao cấp và một bao đựng được thiết kế riêng.
Hiện Valve đã cho đặt trước với các tài khoản Steam đã tiêu dùng trước tháng 07/2021, với giới hạn mỗi tài khoản một máy nhằm hạn chế việc mua để bán lại – trước đó đã khiến người dùng gặp khó khi mua PlayStation 5 và Xbox Series X/S.