Windows có lẽ là lựa chọn đầu tiên và cũng là duy nhất cho hầu như toàn bộ các game thủ PC khi nói tới hệ điều hành. Cũng đúng thôi, bởi Windows từ lâu vốn thân thiện với người dùng, chiếm đại đa số thị phần PC và được các nhà làm game, các hãng sản xuất phần cứng tối ưu như con cưng. Nhưng Windows không phải là hệ điều hành duy nhất, mà vẫn còn những cái tên khác “kém danh” hơn, ít ra là ở thị trường máy tính cá nhân, như MacOS hay Linux.
Với vị thế “cao ngất ngưởng” của Windows hiện tại, các nhà sản xuất game đương nhiên luôn ưu tiên xây dựng cho hệ điều hành này, còn những hệ điều hành khác thì có khi… bỏ qua luôn. Tuy nhiên, các nhà làm game có thể “quên”, nhưng Valve, kẻ “cầm trịch” thị trường game PC, thì chắc chắn phải “nhớ”.
Năm 2010, Valve cho ra mắt Steam Play, tính năng cho phép người dùng chỉ cần mua game ở một hệ điều hành là có thế chơi được bản game đó ở những hệ điều hành khác có bản game tương ứng hỗ trợ. Tới nay, con số sản phẩm game chạy được trên Linux đã lên tới trên 3000… tuy chẳng thấm vào đâu so với lượng game từ Windows, nhưng nó cũng là minh chứng cho sự tồn tại của thị trường game Linux.
Ngót nghét tám năm sau, Valve lại mang một món quà nữa cho hệ điều hành yếu thế này qua bản cập nhật mới nhất của Steam Play. Nếu độc giả có hứng thú muốn tìm hiểu thêm về những tính năng hỗ trợ mới của Steam cho Linux, hãy để Vietgame.asia “dẫn lối” nhé!
PROTON – KỈ NGUYÊN MỚI CHO LINUX GAMING?
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu về bản cập nhật mới cho Steam Play, chúng ta cũng nên điểm qua đôi điều về hệ điều hành Linux.
Windows quả thực là một hệ điều hành dễ dùng và phổ biến, nhưng có rất nhiều thứ nó không thể làm và ứng dụng tốt được, ví dụ như trong các hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ điều hành chủ yếu thường dùng là Linux. Để liệt kê những ưu, nhược điểm của cả hai hệ điều hành này thì có khi cả một bài viết vẫn chưa đủ, nhưng một điều nổi trội không thể bàn cãi của Linux đó là tính mở. Là một hệ điều hành miễn phí với mã nguồn mở, Linux là nền tảng để xây dựng nhiều hệ điều hành khác nhau như Ubuntu, Fedora, Android… Và đặc biệt là, bạn đoán xem SteamOS được xây dựng trên gì? Chính xác, đó là Linux. Do vậy, Valve luôn luôn có ý định thúc đẩy thị phần game trên Linux, và bản Steam Play mới có thể nói là một bước đi tuyệt vời của họ.
Vậy lần cập nhật này đã mang tới điều gì cho tính năng Steam Play? Đó chính là Proton.
Proton là công cụ tương thích giúp các game vốn được thiết kế cho Windows có thể chạy trên Linux. Tiền thân của Proton là Wine, một công cụ tương thích khác có mục đích tương tự và cũng từng được Valve đầu tư phát triển. Các điểm nhấn của Proton nói riêng và bản Steam Play mới này nói chung gồm có:
- Cài đặt mọi game trên Windows lên Linux (kể cả những game đã có bản Linux sẵn), kèm theo hỗ trợ các tính năng của Steam như Steamworks hay OpenVR.
- Giả lập DirectX 11 và DirectX 12 đều được hỗ trợ thông qua sử dụng Vulkan, tăng độ tương thích và giảm mất mát hiệu năng.
- Cải tiến hỗ trợ chơi toàn màn hình.
- Cải tiến hỗ trợ tay cầm điều khiển, game sẽ có thể chạy bằng mọi loại tay cầm nhận diện được bởi Steam.
- Các game sử dụng nhiều lõi vi xử lý được Proton củng cố hiệu năng hơn so với bản Wine thông thường.
CẦN GÌ CHO TRẢI NGHIỆM?
Trong đợt hỗ trợ đầu tiên, Steam đưa ra danh sách chính thức gồm 27 game như sau:
- Beat Saber
- Bejeweled 2 Deluxe
- Doki Doki Literature Club!
- DOOM
- DOOM II: Hell on Earth
- DOOM VFR
- Fallout Shelter
- FATE
- FINAL FANTASY VI
- Geometry Dash
- Google Earth VR
- Into The Breach
- Magic: The Gathering – Duels of the Planeswalkers 2012
- Magic: The Gathering – Duels of the Planeswalkers 2013
- Mount & Blade
- Mount & Blade: With Fire & Sword
- NieR: Automata
- PAYDAY: The Heist
- QUAKE
- S.T.A.L.K.E.R.: Shadow of Chernobyl
- Star Wars: Battlefront 2
- Tekken 7
- The Last Remnant
- Tropico 4
- Ultimate Doom
- Warhammer® 40,000: Dawn of War® – Dark Crusade
- Warhammer® 40,000: Dawn of War® – Soulstorm
27 so với hàng chục nghìn sản phẩm trên Steam đúng là một con số chẳng thấm vào đâu, nhưng dù gì đây vẫn là bước đi đầu tiên, và hiện đang có nhiều tựa game khác nữa cũng hỗ trợ Linux, nên mọi thứ vẫn đang rất có triển vọng.
Tuy nhiên, 27 game đó chỉ là 27 game chính thức, bạn có thể thử khởi chạy bất kì tựa game Windows nào nhờ Proton. Vấn đề chỉ là bật lên thì có… chơi được hay không thôi…
Nếu đang sử dụng Linux và muốn trải nghiệm tính năng Steam Play mới, bạn cần đảm bảo 4 điều sau:
- GPU hỗ trợ và đã cài driver Vulkan. Do Proton sử dụng Vulkan để khởi chạy DirectX 11 và DirectX 12 của Windows, nên thiếu nó thì coi như bạn “trắng tay”.
- Đã cài Python 2.7. Proton cần Python 2.7 để hoạt động. Python 3 không hoạt động được với bản Proton hiện tại.
- Hệ thống tập tin không ở dạng NTFS. Thông thường, hệ thống tập tin của phân vùng cài Ubuntu sẽ ở dạng ext4, nhưng nếu bạn cài game vào một phân vùng khác thì nhớ kiểm tra xem nó có phải NTFS không. Phiên bản Proton hiện tại đang bị lỗi khi khởi chạy game trên hệ thống tập tin NTFS, khiến game tự động tắt ngay. Vấn đề này chắc sẽ được khắc phục trong tương lai gần thôi, nhưng trước mắt, bạn hãy lưu ý điều này.
- Tham gia vào chương trình thử nghiệm cho Steam Client, vì phiên bản Steam Play hiện tại mới chỉ có ở bản Beta.
Và sau đó bạn có thể thử tải các tựa game trên Windows về Linux và trải nghiệm được rồi.
Vietgame.asia cũng đã thử tải về một số tựa game nằm ngoài danh sách hỗ trợ, và có một lượng lớn game chạy khá ổn. Lưu ý là bản driver bạn cài cho card đồ họa có thể ảnh hưởng rất lớn tới khả năng game bắt đầu chạy được hay không. Đương nhiên, hiệu năng thì không thể bằng Windows được, và vẫn còn một số tựa game không thể khởi chạy, nhưng nhìn chung, tương lai của Proton khá “sán lạn”.
Nếu còn thắc mắc về những tựa game nào chạy được hay không, gặp vấn đề gì, cần bản driver nào, bạn có thể xem qua bản danh sách không chính thức sau đây từ cộng đồng.
CÓ GÌ Ở TƯƠNG LAI?
Bên cạnh lượng game chạy được không phải là nhỏ, Proton còn một “vũ khí bí mật” riêng: tính mở như của chính hệ điều hành Linux. Bạn hoàn toàn có thể truy cập vào mã nguồn của Proton trên Github của Valve, sửa đổi nó và tự tạo ra bản Proton cho riêng mình.
Từ rất lâu rồi, Windows vẫn luôn được coi là “lá cờ đầu” của game thủ PC nên Linux thường bị “bỏ đói”. Nhưng cũng chính trên hệ điều hành Linux này lại tập hợp rất nhiều công cụ mạnh mẽ, hữu ích cho dân lập trình hơn cả Windows. Kết hợp với tính mở của hệ điều hành Linux này nói chung và Proton nói riêng, trong tương lai, chúng ta có thể thấy một Proton được phát triển mạnh mẽ nhờ sức của toàn bộ cộng đồng. Hơn thế nữa, không như Wine, Proton sẽ được tích hợp thẳng vào Steam Client nên độ phổ biến của công cụ này có thể lên “như diều gặp gió” nữa. Để có câu trả lời thực tế, chúng ta cần phải đón chờ tương lai thôi, nhưng chắc chắn rằng lượng game cho Windows chơi được trên Linux sẽ ngày càng mở rộng.
Ngoài ra, Valve đã cải tiến hệ thống wishlist trong Steam cho nhà sản xuất. Khi một người dùng bỏ tựa game họ ao ước vào danh sách wishlist, nhà sản xuất sẽ tìm hiểu được cả hệ điều hành mà người dùng đó yêu thích. Đương nhiên, hệ điều hành chủ yếu hẳn vẫn là Windows thôi, nhưng tính năng này có phần thúc đẩy nhà sản xuất tối ưu game cho Linux khi họ thấy được một con số người dùng mong muốn cụ thể.
Tuy nhiên, Proton cũng gặp phải một số vấn đề khó giải quyết, đặc biệt là khả năng tương thích với các phần mềm quản lý kỹ thuật số DRM. Chạy được game đã khó, chạy được cả game và DRM chắc chắn sẽ tốn không hề ít công sức phát triển.
Cuối cùng, ngoài Linux và Windows, vẫn một hệ điều hành cũng khá tiếng tăm khác là MacOS. Hiện tại, Valve chưa có bất kì kế hoạch gì hỗ trợ tính năng Steam Play mới cho hệ điều hành này. Tuy nhiên, do cả Wine và Proton đều có thể chạy được trên MacOS, nếu là người dùng Mac, bạn có thể tự trải nghiêm game Windows trên MacOS, hay thậm chí tự viết nên phiên bản Proton cho riêng mình.