Skip to content

Stranger of Sword City – Đánh Giá Game

Stranger of Sword City

Stranger of Sword City – Ngày nay, khi nói đến game nhập vai, ắt hẳn nhiều người sẽ hình dung ngay đến các sản phẩm thế giới mở lung linh vi diệu như Skyrim hoặc The Witcher 3, trung thực như mơ kiểu Final Fantasy XV sắp ra mắt, hoặc bét ra cũng phải bá đạo hoành tráng giống các tựa MMORPG “đỉnh” hiện nay như Black Desert Online, Blade & Soul

Sự thật thì trong vài chục năm qua, với đà tiến và sự phát triển của công nghệ, game nhập vai đã có những bước đi rất dài, từ nâng cấp đồ họa, lối chơi cho đến các cơ chế hệ thống, sự tiện lợi…

Tuy vậy, không có nghĩa là người ta đã chán ghét những tinh hoa cổ điển của game nhập vai, chẳng hạn cơ chế chạm trán ngẫu nhiên (random encounter), hệ thống xây dựng nhân vật tỉ mỉ từ chỉ số đến chức nghiệp, những mê cung vô cùng vô tận, những trận đấu theo lượt nhàm chán…

Những game thủ gạo cội của thể loại J-RPG chắc hẳn vẫn còn rất đam mê với các tựa game “dungeon crawler” có hệ thống chiến đấu góc nhìn chính diện “cổ lổ sĩ” như Shin Megami Tensei hoặc Etrian Odyssey – mặc dù đối với rất nhiều người khác thì game dạng này có thể bị xem là quá cũ kỹ, quá nhàm chán…

Tuy nhiên, những giá trị kinh điển thì vẫn không ai có thể phủ nhận được, và cũng vì không có các game như thế này thì cũng chẳng có game nhập vai của ngày hôm nay.

Đến từ Experience Inc., Stranger of Sword City đã từng ra mắt trên hệ PS Vita và gặt hái được rất nhiều tình cảm của người chơi truyền thống.

Thừa thắng xông lên, Stranger of Sword City đã đặt chân lên hệ PC thông qua kênh Steam với sự hỗ trợ của hãng phát hành NIS America.

Vậy, một sản phẩm cổ điển liệu có thể làm nên chuyện trên mảnh đất PC vốn vô cùng khắc nghiệt và “hardcore” này hay không?

Mời bạn đọc hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau.

BẠN SẼ THÍCH

LỐI CHƠI “DUNGEON CRAWLER” KINH ĐIỂN!

Lấy đề tài một tựa game huyễn mộng kiểu Nhật, cốt truyện trong Stranger of Sword City nói về một thế giới song song đầy ma thuật mà đôi lúc những người bình thường có thể rơi vào trong các vụ tai nạn máy bay, xe cộ.

Tại đây, những thế lực hắc ám ngự trị và bản thân các chủng tộc của thế giới này cũng tồn tại những mâu thuẫn nhất định.

Những người đến từ thế giới bình thường được gọi là “Stranger” (người lạ) và sở hữu những năng lực thần bí, khiến họ mạnh mẽ hơn cư dân bản địa rất nhiều.

Là một Stranger, người chơi nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy phân tranh sức mạnh trong nội bộ một hiệp hội Stranger có sứ mệnh phải tiêu diệt quỷ dữ, đồng thời cũng phải khám phá những bí ẩn tại đây và tìm đường trở về nhà.

Bắt đầu trong Stranger of Sword City, người chơi sẽ được tạo cho mình một nhân vật với chỉ số, tuổi tác, chức nghiệp… khác nhau, hệt như các tựa nhập vai cổ điển.

Việc tạo nhân vật thực tế cũng không quan trọng lắm, vì người chơi có tùy chọn đổi lớp nhân vật thoải mái trong game, do đó chỉ cần tập trung trải nghiệm game là đủ chứ cũng không cần lăn tăn nhiều.

]Khi xây dựng đội hình cần lưu ý đế vị trí và tầm đánh của các loại vũ khí, kẻo cho Fighter đứng hàng sau thì nó cũng chỉ biết trơ mắt ra nhìn cho quái vật… mắc cỡ tự lăn ra chết mà thôi

Sau một số màn “chào hỏi” và hướng dẫn cơ bản, người chơi sẽ được tạo thêm một số nhân vật đồng hành khác.

Người có kinh nghiệm chơi nhập vai sẽ cố gắng cân đối một đội hình vừa có “tank” đỡ đòn, vừa có sát thương diện rộng, vừa có buff chỉ số/ hồi máu… để hành trình của mình dễ thở hơn.

Tuy vậy, nếu tự tin thì người chơi cũng có thể làm một đội hình 6 con Mage, bắn đâu chết đấy – nó không chết thì… mình chết!

Những trận đấu trong Stranger of Sword City diễn ra theo lượt, và đội hình người chơi có chia ra hàng trước và hàng sau.

Khi xây dựng đội hình cần lưu ý đế vị trí và tầm đánh của các loại vũ khí, kẻo cho Fighter đứng hàng sau thì nó cũng chỉ biết trơ mắt ra nhìn cho quái vật… mắc cỡ tự lăn ra chết mà thôi.

Thế giới trong Stranger of Sword City bao gồm hằng hà sa số các mê cung rắc rối được biểu thị qua góc nhìn người thứ nhất.

Vì vậy khi di chuyển, người chơi sẽ cần phải chú ý đến phương hướng, bố cục bản đồ cũng như các điểm sự kiện quan trọng để có thể ẩn núp hoặc mai phục kẻ địch.

Và dĩ nhiên, hành trình trong các mê cung này không thể nào vui vẻ nhẹ nhàng như đi dạo trong siêu thị được, mà sẽ tràn đầy hiểm nguy từ các cạm bẫy rút máu cho đến các loại quái vật có thể vượt cấp người chơi.


ĐỒ HỌA ĐẶC SẮC

Thông thường, với một tựa game dạng dungeon crawler thì mảng đồ họa sẽ không được chú trọng – bởi vì thực tế nếu muốn đầu tư về đồ họa, hiệu ứng, diễn hoạt… thì nhà phát triển đã không chọn thể loại game cổ điển này để làm.

Tuy vậy, với Stranger of Sword City thì có vẻ như định lý này không hoản toàn đúng – bởi vì game chia ra hai mảng đồ họa là 3D (khi di chuyển trong mê cung) và 2D (giao diện, nhân vật, cảnh chiến đấu).

Mảng 3D của Stranger of Sword City không mấy xuất sắc lắm, bởi vì với bố cục chia ô vuông từng bước đi thì mọi thứ trong game sẽ phải thiết kế theo kiểu “vuông thành sắc cạnh”, dẫn đến những hình thể vuông vức một cách phi tự nhiên.

Tuy không đồng nhất về phong cách, nhưng bút pháp thể hiện các hình mẫu nhân vật lẫn quái vật trong Stranger of Sword City đều rất chuyên nghiệp

Mảng 2D của Stranger of Sword City lại có thể xem là một kỳ quan của thế giới game, bởi vì nó cực kỳ xuất sắc.

Stranger of Sword City

Tuy ngoại hình nhân vật không ảnh hưởng đến lối chơi – cũng như người chơi có quyền nhập hình bên ngoài vào làm hình đại diện nhân vật, thế nhưng các hình mẫu được tạo sẵn trong Stranger of Sword City đều được đầu tư rất công phu.

Tuy không đồng nhất về phong cách, nhưng bút pháp thể hiện các hình mẫu nhân vật lẫn quái vật trong Stranger of Sword City đều rất chuyên nghiệp – cả từ khâu thiết kế, tạo hình, cho đến thể hiện sáng tối và các thủ pháp nghệ thuật khác.

Người chơi sẽ không có cái cảm giác “rẻ tiền” khi đang trải nghiệm Stranger of Sword City, một phần cũng nhờ vào mảng đồ họa 2D tuyệt vời này.

BẠN SẼ GHÉT

Stranger of Sword City

VÀI BẤT CẬP NHỎ

Trước tiên, vấn đề lớn nhất của Stranger of Sword City, đó là không biết do bản thân game như vậy hay do thiết lập PC của người viết sai – mà Stranger of Sword City không thể hiển thị ở trạng thái toàn màn hình.

Người viết đã phải trải nghiệm game ở dạng cửa sổ, tuy không mấy ảnh hưởng đến cảm thụ nhưng ít nhiều gì cũng tạo nên một sự khó chịu nào đó.

Kế tiếp, là những vấn đề cố hữu của dạng dungeon crawler cổ điển – chẳng hạn như hệ thống chiến đấu nhàm chán chỉ toàn chữ số nhảy lên và các hiệu ứng chiêu thức sơ sài.

Tất nhiên với fan của game nhập vai thời xưa thì Stranger of Sword City vẫn có thể xem là sống động và đẹp mắt chán, thế nhưng chưa chắc ai cũng có cùng cảm thụ như vậy.

Sau cùng, đó là khâu tạo nhân vật được làm khá tự do phóng khoáng, khiến người chơi không cảm thấy “cái tôi” thực sự của mình

Sau cùng, đó là khâu tạo nhân vật được làm khá tự do phóng khoáng, khiến người chơi không cảm thấy “cái tôi” thực sự của mình.

Từ việc được tự do nhập hình ảnh làm ảnh đại diện (vì không quan trọng lắm) cho đến việc có thể thay đổi chức nghiệp tùy ý – tất cả đều tạo nên một cảm giác nhập nhằng giữa nhân vật chính và phụ.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Experience Inc.,
  • Phát hành: NIS America
  • Thể loại: Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 7/06/2016
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7
  • CPU: Intel / AMD
  • RAM: 4GB
  • VGA: NVIDIA GeForce 320 512MB
  • HDD: 4 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel Xeon E3-1230 v2 3.30ghz
  • RAM: 16 GB
  • Graphics: EVGA Nvidia GTX 660Ti SC 2GB edition
  • HDD: 1TB Blue + 128gb SSD

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI NIS AMERICA  CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.0

Với tư cách một tựa game "mò hầm ngục" (dungeon crawler), Stranger of Sword City đã làm khá xuất sắc vai trò của mình với một cốt truyện hay và nhiều khúc mắc, hệ thống chiến đấu cổ điển và phong cách đồ họa đẹp mắt.
Thế nhưng có vẻ như các game thủ thời hiện đại sẽ không có nhiều kiên nhẫn để trải nghiệm cái tinh hoa của game nhập vai theo lượt thời xưa, đặc biệt là khi không có những hiệu ứng chiêu thức hoành tráng làm điểm nhấn.