Skip to content

Street Fighter V – Đánh Giá Game

Street Fighter V

Street Fighter V – Giữ vững định kiến của mình về việc game đối kháng bắt buộc phải tuân thủ “quy luật” màn hình ngang như một yếu tố tiên quyết, mặc kệ cho các đối thủ khác đồng loạt biến chuyển game của họ sang môi trường ba chiều, “Đấu Sĩ Đường Phố” thế hệ thứ tư vẫn thành công rực rỡ.

Street Fighter IV trở thành minh chứng của Capcom trong việc hãng đã tự mình tạo ra xu hướng mới khiến các sản phẩm đi sau phải noi theo, làm các đối thủ khác phải nhìn nhận lại, thổi một phần “hồn” rất mới mẻ vào thể loại game đối kháng 2D cổ điển vốn đã bị bão hòa, ảm đạm và ít có sự biến tấu trong suốt hàng chục năm trở lại đây.

Qua 3 phiên bản với sự hoàn thiện ngày một tăng tiến cho tới khi chạm tới tột đỉnh ở bản Ultra Street Fighter IV trên PS4, Street Fighter chính thức ra mắt thế hệ thứ 5, một sự ra mắt hoành tráng hơn bao giờ hết với giải đấu tầm cỡ thế giới và giải thưởng lên tới nửa triệu USD.

Thế nhưng về cốt lõi, liệu tựa game có thực sự tạo nên sự khác biệt nào, hay xu hướng gì đáng kể như “lứa trước” của nó?

Mời các bạn hãy cùng Vietgame.asia đi tìm câu trả lời trong bài đánh giá sau đây.

BẠN SẼ THÍCH

Street Fighter V - Đánh Giá Game

QUẢ “BOM TẤN”… NHẸ NHẤT 2016!

Theo đà phát triển không ngừng của trò chơi điện tử, các trò chơi ngày càng đồ sộ hơn, kéo theo việc dung lượng của chúng dần lên tới những con số khủng khiếp như 20GB, 30GB, v.v.

Và cũng kể từ đó trở đi, game thủ luôn phải thích nghi với thói quen dọn dẹp ổ cứng, phải thường xuyên xóa bỏ những tựa game khác, thậm chí là game mình đang chơi dở, để mở rộng ổ cứng đón chào những game mới ra mắt. Đã không còn là một điều lạ lẫm đối với phần lớn game thủ!

Chẳng nói đâu xa, ngay cả thế hệ thứ tư của Street Fighter được ra mắt từ nhiều năm về trước, sau nhiều nâng cấp và sửa đổi với phiên bản Ultra Street Fighter IV, trò chơi “chỉ còn” nặng khoảng… 10GB!

Đây vốn đã là một thành tích đáng nể của Capcom trong việc nén game, bởi nếu tính tổng dung lượng của Street Fighter IV cùng các bản cập nhật từ trước cho tới phần Ultra, thì game có thể lên tới hơn 20GB!

Vậy, nếu thử đặt mình ở thời điểm mà Street Fighter V chưa ra mắt, bạn nghĩ phiên bản mới sẽ còn nặng đến thế nào? 20GB hay 30GB?

Thay vì phô diễn một thứ hàm hồ gọi là “dung lượng khủng”, Capcom đã đầu tư thật nhiều tâm huyết vào việc nén game, giúp người hâm mộ “cảm động” không nói nên lời khi nghe tin rằng Street Fighter V chỉ nặng vỏn vẹn gần… 7GB.

Với dung lượng nhỏ như vậy, game chỉ đòi hỏi một khoản thời gian rất ngắn cho việc tải game để thưởng thức.

Thay vì phô diễn một thứ hầm hố gọi là “dung lượng khủng”, Capcom đã đầu tư thật nhiều tâm huyết vào việc nén game, giúp người hâm mộ “cảm động” không nói nên lời khi nghe tin rằng Street Fighter V chỉ nặng vỏn vẹn gần 7GB

Street Fighter V - Đánh Giá Game

Thêm nữa, trong trường hợp bạn không phải là một game thủ thi đấu chuyên nghiệp thường bỏ ra nhiều giờ đồng hồ một ngày để “cày” Street Fighter V, mà chỉ là một người chơi thích “cưỡi ngựa xem hoa”, thỉnh thoảng vào game giải trí đôi chút cùng bạn bè, hoặc trong trường hợp vì một lý do nào đó mà bạn chưa hài lòng với nội dung hiện tại của game, và quyết định đợi các bản cập nhật nội dung tiếp theo ra mắt, thì 7GB chẳng bao giờ đủ nặng để trở thành một “bao cát” nằm “chình ình” trong ổ cứng của bạn.

Street Fighter V sẽ “ngoan ngoãn” nằm im ở đó, luôn luôn chờ đợi bạn, chỉ để “nở một nụ cười thật tươi” đáp trả, mỗi khi bạn cần tới nó nhất!


Street Fighter V - Đánh Giá Game

DỄ HƠN, VUI HƠN… NHƯNG KHÔNG THIẾU ĐIỀU MỚI MẺ!

Tiếp tục phát huy điểm mạnh của mình trong việc tạo ra những sản phẩm có lối chơi chặt chẽ và xuất sắc, Capcom đã biến thế hệ thứ 5 của Street Fighter trở nên dễ tiếp cận đối với người chơi hơn nữa, mà đặc điểm dễ nhận thấy nhất là để thi triển chiêu đánh mạnh nhất, người chơi chỉ cần kết hợp tổ hợp phím di chuyển và một nút đánh duy nhất, thay vì cả một cụm 3 nút như phiên bản cũ.

Cách kích hoạt khả năng hoặc chiêu đánh ẩn đặc thù (gọi là V-Trigger) của mỗi nhân vật thì luôn là bấm nút đấm mạnh – đá mạnh cùng một lúc…

Chức năng hy sinh thanh lực để ngắt đòn đánh giữa chừng (cancel) như ở bản 4 đã được bỏ đi do nó làm người mới chơi khó theo kịp.

Giờ đây người chơi chỉ cần biết cách thực hiện và tạo liên kết giữa các đòn đánh thường, đòn đánh đặc biệt và đòn tóm… là có thể tạo được các pha đánh liên hoàn (combo) lợi hại và đẹp mắt.

Chưa hết, ngoài việc mở rộng vòng tay chào đón những người mới, thì Street Fighter V cũng không thiếu những điểm nhấn để “quyến rũ” những người cũ, một số đòn đánh của game đã được thay đổi chức năng hoàn toàn, để khiến tình tiết của mỗi trận đẫu trở nên khác biệt rõ ràng so với phần trước.

Ví dụ như đòn focus (dồn lực) nay đã trở nên nhanh hơn, mạnh hơn, có cơ chế xuất chiêu mới mẻ hơn, hay như đòn counter (phản đòn) thì còn có hẳn hiệu ứng đặc biệt và tốc độ trả đòn trở thành siêu tốc…

Các dạng nhân vật thường thấy của dòng game như Zoner, Grapple, Turtle hay Divekicker, Footsie, Vortex vẫn còn đó, khiến cho kiến thức bạn thu thập được trong quá trình chơi Street Fighter IV vẫn có thể được tái sử dụng trong bản mới này.

Tiếp tục phát huy điểm mạnh của mình trong việc tạo ra những sản phẩm có lối chơi chặt chẽ và xuất sắc, Capcom đã làm thế hệ thứ 5 của Street Fighter trở nên dễ tiếp cận đối với người chơi hơn nữa

Nhìn chung thì về lối chơi, Street Fighter V vẫn giữ nguyên tới 80% phong cách của các phiên bản tiền nhiệm như truyền thống từ trước tới nay của dòng game, trong khi 20% thay đổi còn lại, lại rất sáng suốt, rất thích hợp.

Nó nhanh chóng “thuyết phục” người chơi rằng Street Fighter V là một game đối kháng mà ai cũng có thể chơi, dù là game thủ chuyên nghiệp với mong muốn khẳng định bản thân, hay là những game thủ đại trà chơi để tìm niềm vui, từ những con “gà mờ” mới chập chững “nhập môn” cho tới các “lão làng” đã lên hàng “cao thủ” từ lâu – đều đón nhận Street Fighter V như một tựa game đối kháng vô cùng tuyệt vời!

BẠN SẼ GHÉT

HÌNH ẢNH, CẢI NHƯNG ÍT TIẾN!

Còn nhớ, việc chuyển đổi từ nền tảng đồ họa 2D sang 3D (có kết hợp với công nghệ Cel-shading) trong khi vẫn giữ nguyên phong cách đối kháng màn hình ngang, Street Fighter IV đã tạo nên một sự mê hoặc không nói được thành lời đối với người chơi toàn thế giới, tạo ra một “cuộc cách mạng” lớn về đồ họa nếu chỉ nói riêng dòng game đối kháng.

Không thể nói rằng Street Fighter V không đẹp! Thế nhưng, xét cho cùng, ở thời điểm hiện tại, thì có game bom tấn nào mà chẳng đẹp chứ?

Về tổng quan, cái đẹp của Street Fighter V chỉ dừng lại ở nét đẹp về “phụ tùng” và “trang sức” mà thôi, còn về “ngoại hình” của trò chơi… thì vẫn vậy, vẫn là những mô hình nhân vật 3D “béo béo vuông vuông” chẳng khác gì bản cũ.

Về tổng quan, cái đẹp của Street Fighter V chỉ dừng lại ở nét đẹp về “phụ tùng” và “trang sức” mà thôi

Đồ họa có sắc nét và chi tiết hơn một chút thật đấy, hiệu ứng có màu mè và sống động hơn nhiều đấy, nhân vật cũng được “vẽ” lại với tạo hình ngầu hơn rồi đấy.

Nhưng tựu chung, nó chẳng thể gây ra sự ấn tượng sâu sắc như khi người ta nhìn thấy Street Fighter IV lần đầu tiên vào năm 2008, mà thay vào đó là một cảm giác “giữ lại khung xương thay da đổi thịt”, “thằn lằn thoát xác” nhiều hơn.


CHỨC NĂNG ĐÁNG CHÁN, GIAO DIỆN RỐI RẮM

Nếu mặt hình ảnh của Street Fighter V có cải mà không có tiến, thì về mặt giao diện và chức năng, trò chơi biến luôn thành “cải lùi” đúng nghĩa đen.

Không hiểu Capcom suy tính ra sao ở quyết định làm cho Street Fighter V không còn mục chơi Arcade (mục chơi đấu loại với máy) nữa, nên những lúc bạn muốn vào game giải trí với vài ba trận đánh nhỏ lẻ, bạn sẽ phải chọn các mục chơi khác với nhiều điểm bất cập rõ rệt và vô cùng rườm rà.

Lựa chọn đầu tiên của bạn là mục chơi cốt truyện, nơi mà bạn sẽ phải đấu đi đấu lại “lần thứ n” với những đấu sĩ được chỉ định sẵn, xem lại hoặc mất công bỏ qua các đoạn phim cắt cảnh rườm rà.

Thấy không ổn chút nào, bạn chuyển qua mục chơi mạng mà lắm lúc khiến bạn phát “oải” vì lag, nếu chẳng may đụng phải những đối thủ có vị trí địa lý quá xa hoặc đường truyền mạng không được ổn định, lúc này bí quá mới “nhảy” sang mục chơi Versus thì cũng chẳng được bền, vì bạn cứ phải chọn nhân vật liên tục sau mỗi trận đấu bằng cách thủ công, hoặc phải mất công kiếm thêm một người khác ngồi chơi cùng… tựu chung sẽ khiến bạn chẳng còn hứng thú mà tìm đến Street Fighter V cho mục đích giải trí đơn thuần nữa.

Game tồn tại nhiều câu hỏi tượng trưng cho vô số điều bất cập, mà có vẻ như Capcom thừa biết nhưng vẫn áp dụng vào game, vô tình hoặc cố tình biến Street Fighter V trở thành một phiên bản thử nghiệm “trá hình” với đầy những “lỗ thủng” khó chịu!

Kinh khủng hơn nữa, Street Fighter V có một giao diện được bố trí rắc rối tới… “dã man”, chỉ những việc đơn giản như thay đổi nhân vật trong mục đấu online, tạo kênh để mời bạn bè vào chơi, điều chỉnh nút bấm tay cầm hoặc bàn phím… đã khiến bạn “uể oải”, phải không ngừng tìm kiếm thông tin trên Internet mới giải quyết được những vấn đề tưởng chừng như rất cơ bản và đơn giản bên trên.

Về phần này, game không bằng một góc của bản Ultra Street Fighter IV – nơi mọi chức năng đều được thiết kế, bố trí hết sức trực quan, thủ tục nhập phòng, tạo phòng không quá lằng nhằng…

Street Fighter V chú trọng vào việc làm người chơi rối loạn với những hạng mục không cần thiết.

Ví dụ, tại sao phải chia đấu xếp hạng và đấu giao hữu thành hai hạng mục khác nhau? Tại sao đấu xếp hạng lại không được chọn nhân vật? Nếu đang ở mục đấu hạng mà người chơi đổi ý muốn chọn nhân vật khác thì sao?

Tại sao không chống lại vấn nạn “Rage Quit” bằng các chức năng phạt người chơi thoát game giữa chừng (người chơi ăn gian sẽ thoát game giữa chừng để kết quả trận đấu không được ghi nhận)?…

Và còn rất nhiều câu hỏi nữa, tượng trưng cho vô số điều bất cập có vẻ như Capcom thừa biết mà vẫn áp dụng vào game, vô tình hoặc cố tình biến Street Fighter V trở thành một phiên bản thử nghiệm “trá hình” với đầy những “lỗ thủng” khó chịu, chứ không giống một tựa game hoàn chỉnh!

7.0

Dù đồ họa không còn gây được tiếng vang như thế hệ thứ 4, song nhờ lối chơi có nhiều cải tiến, phù hợp với nhiều đối tượng người chơi mà lại rất hấp dẫn, nên bản thân Street Fighter V không phải là một tựa game kém chất, trò chơi bị đánh giá thấp là vì sự “táo tợn” của Capcom trong việc thiết kế ra một giao diện “chẳng giống ai”, gồm toàn các chức năng thừa thãi và rắc rối.



Trò chơi làm cho người chơi cảm giác như nó chỉ là một phiên bản thử nghiệm chưa “chín tới” không hơn không kém, và Capcom vẫn còn phải hoàn thiện Street Fighter V thêm nữa trong thời gian tới, trước khi nó nhận được sự công nhận của cộng đồng game thủ đối kháng, đủ độ “chín” để thực sự thay thế được người anh quá đỗi xuất sắc là Street Fighter IV.

Thông tin

  • Street Fighter V
  • Nhà phát triển
    Capcom
  • Nhà phát hành
    Capcom
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    16/02/2016
  • Nền tảng
    Windows, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7 64-bit
  • CPU
    Intel Core i3-4160 @ 3.60GHz
  • RAM
    6GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 480, GTX 570, GTX 670
  • Lưu trữ
    7GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CAPCOM. Chơi trên PC.