Styx: Master of Shadows – Trong hai tuần vừa qua, cuộc hành trình của Talion chống lại bè lũ Uruk của Sauron xuyên vùng đất Mordor trong Middle-earth: Shadow of Mordor đã khiến cho không ít game thủ “mất ăn mất ngủ”.
Trong khi đó, Cyanide Studio, nhà phát triển game độc lập đến từ nước Pháp từng gây được ít tiếng tăm qua những tựa game như Blood Bowl hay Aarklash Legacy, lại cùng Focus Home Interactive cho ra mắt tựa game Styx: Master of Shadows một cách thầm lặng.
Nếu như Middle-Earth: Shadow of Mordor là tựa game “mô phỏng diệt Orc” đúng nghĩa thì Styx: Master of Shaows lại đưa người chơi vào vai một tên Goblin 200 năm tuổi chuyên đi… “ăn hiếp” con người.
Styx: Master of Shadows là tiền bản (prequel) của trò chơi nhập vai khá kén người chơi của Cyanide Studio: Of Orcs and Men, được phát hành vào năm 2011.
Liệu nỗ lực đầu tiên khi lấn sân sang mảng game hành động bí mật của hãng có thành công như mong đợi?
BẠN SẼ THÍCH
Đặc sắc lối chơi hành động bí mật
Lấy mốc thời gian trước những sự kiện trong Of Orcs and Men, Styx: Master of Shadows đưa người chơi vào vai Styx – gã goblin (yêu tinh) đầu tiên trong loài – thâm nhập vào tòa tháp chọc trời Akenash, với mục đích đánh cắp trái tim của Đại Cổ Thụ (World-Tree). Nguồn hổ phách (amber) đến từ Đại Cổ Thụ không những đáng giá cả một gia tài, mà nó còn là cơ hội cho Styx lấy lại những ký ức về ngọn nguồn của mình.
Styx: Master of Shadows chú trọng lối chơi hành động bí mật truyền thống và sở hữu chất “hardcore” đúng nghĩa.
Với bản chất là một tên goblin chỉ có chiều cao chỉ tới… đùi của một người trưởng thành, Styx không thể nào đấu tay đôi với tất cả lính canh trong suốt màn chơi, đó là lý do vì sao mà người chơi sẽ cần phải vận dụng triệt để kỹ năng di chuyển, ẩn nấp hay đôi khi là đánh lạc hướng, nếu muốn lành lặn về đích.
Tuy vậy, nhược điểm trên hoàn toàn có thể được “biến hóa” để trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người chơi. Styx có thể chui xuống gầm bàn hay nấp sau những bệ đá nhỏ. Khả năng nhảy cực cao cũng là một lợi thế giúp cho Styx với tới những khu vực an toàn hơn.
Hổ phách đóng vai trò quan trọng trong Styx: Master of Shadows, không những chỉ ở cốt truyện, mà còn trong lối chơi. Nhờ nó mà Styx có thể tạo ra những con goblin nhân bản, chúng có thể luồn qua khe cửa, làm loạn bằng cách nhảy lên đầu lính canh và đánh lạc hướng; hổ phách còn giúp cho Styx có thể kích hoạt “amber vision”, đánh dấu kẻ địch hay những chiếc móc ẩn trong bóng tối; khả năng cuối cùng là tàng hình, cũng là một kỹ năng cực kỳ quan trọng nếu người chơi muốn “chuồn êm” sau khi bị địch phát hiện hoặc không muốn đánh động những con orc với kích thước gấp… 10 lần Styx.
Styx: Master of Shadows chú trọng lối chơi hành động bí mật truyền thống và sở hữu chất “hardcore” đúng nghĩa
Tuy sở hữu biệt danh “bậc thầy của bóng đêm”, Styx không hề an toàn 100% khi ẩn nấp trong bóng tối, thế nên người chơi sẽ cần phải cân nhắc hành động một cách kỹ lưỡng. Những cú tiếp đất sau khi nhảy từ trên cao xuống hay những pha kết liễu đối thủ từ trên không luôn để lại tiếng động, một xác chết “lộ thiên” sẽ khiến cho địch cảnh giác…
Hãy luôn nhớ rằng, tuy bóng tối không hoàn toàn bảo vệ bạn, nhưng nó lại là trợ thủ đắc lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hãy luôn để ý hình xăm trên lưng của Styx, nếu nó sáng lên thì tức là bóng tối đang yểm trợ bạn, và luôn nhớ, nếu không tìm được bóng tối, thì hãy tạo ra nó!
Không dành cho người thiếu kiên nhẫn!
Như đã nói ở trên, Styx: Master of Shadows là một tựa game “hardcore” đúng nghĩa. Đối tượng mà trò chơi nhắm đến là dân “cày” game hành động bí mật lâu năm, cụ thể là các lão làng của loạt game Thief.
Thế nên đừng mong rằng Styx: Master of Shadows sẽ “nắm tay” bạn và chỉ dẫn từ đầu đến cuối game, và hãy chuẩn bị tinh thần để nhấn nút F5 (lưu nhanh) liên tục, nếu bạn không muốn “đứt mạch máu não” trong khi chơi.
Điểm đầu tiên mà người viết nhận ra ở Styx: Master of Shadows là… sự thô kệch. Nghe có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng thực sự đúng là như vậy.
Tựa game mang hơi hướm của thể loại hành động bí mật từ… thế hệ trước: từ cách điều khiển nhân vật cho đến cơ chế đấu “một chọi một” trong game, nhưng tất cả các khía cạnh trong lối chơi lại được trau chuốt cực kỳ tỉ mỉ và tinh tế, đến nỗi những cơ chế tưởng chừng như “lỗi thời” này lại trở thành điểm sáng cực kỳ đáng giá của trò chơi.
Cơ chế đánh “một chọi một” được tự động kích hoạt nếu người chơi bị một tên lính phát hiện ở khoảng cách gần. Gọi nó là một thử thách QTE cũng đúng, hay một mini-game canh nhịp cũng không sai. Người chơi sẽ phải canh lúc kẻ địch giơ kiếm lên, nhấn chuột trái và Styx sẽ đỡ đòn, nếu đỡ được một hoặc hai nhát kiếm thì Styx sẽ có cơ hội “xử đẹp” hắn và tìm chỗ ẩn nấp trước khi bọn còn lại kéo tới.
Tới đây, người chơi lại sẽ dễ dàng nhận ra sự thô kệch trong cơ chế này. Tuy nhiên, nếu xét theo góc nhìn khách quan, trò mini-game kỳ quặc này lại được lồng ghép vào game một cách hợp lý.
Bạn thấy đấy, Styx chỉ là một gã goblin “lùn tẹt” với một con dao trong tay và không hề được huấn luyện kỹ năng cận chiến nào cả. Thế nên sẽ chả lạ gì nếu như Styx hoàn toàn yếu ớt khi phải đối đầu với một tên lính cùng bộ giáp trụ sáng loáng và cây kiếm to gấp đôi cánh tay. Điều đó buộc người chơi phải cực kỳ cẩn thận và không được để cho kẻ địch phát hiện ra mình.
đừng mong rằng Styx: Master of Shadows sẽ “nắm tay” bạn và chỉ dẫn từ đầu đến cuối game, và hãy chuẩn bị tinh thần để nhấn nút F5 (lưu nhanh) liên tục
Cái cách mà Styx leo trèo buộc người chơi phải “khổ luyện” mới có thể làm chủ được tất cả các tình huống đang diễn ra. Khác với những tựa game hiện đại, chỉ cần người chơi giữ hay nhấn một nút nào đó thì nhân vật sẽ vượt qua tất cả các chướng ngại vật dễ dàng, thì Styx lại buộc người chơi phải cực kỳ cẩn trọng trong từng bước nhảy.
Nhìn sang một hướng và nhấn nút vẫn chưa đủ, mà người chơi cần phải điều khiển camera và hướng nhảy của Styx đang rơi tự do nữa. Cá nhân người viết xém tý nữa là đã… đập bàn phím ngay ở màn đầu tiên, bởi thỉnh thoảng bị trượt chân hay Styx không bám vào mép của ban công, nhưng không mất nhiều thời gian sau đó để hoàn toàn làm chủ được lối di chuyển trong game.
Styx: Master of Shadows buộc bạn phải mất kha khá thời gian để “khổ luyện”, và sự thành thục trong từng động tác chính là thành quả của quá trình khổ luyện đó. Cyanide cố ý thực hiện cơ chế này một cách “vụng về” nhất có thể, và nó cũng phản ánh luôn cả khả năng tự vệ của Styx.
Cơ chế đánh một chọi có thể được coi như là một cơ hội thứ hai để người chơi sửa sai, và dĩ nhiên với lượng máu và hổ phách cực kỳ có hạn, bạn không thể nào đánh nhau trực tiếp với bốn, năm tên lính canh liên tục.
Đó là chưa kể trong số những kẻ địch còn có những tên Knight có khả năng… đập bẹp Styx mà không cần phải giao chiến trực tiếp.
Ngoài ra, nếu như bạn không muốn thấy lại trò mini-game này thì cũng không sao, độ khó cao nhất là “Goblin” sẽ hoàn toàn loại bỏ cơ chế này, mỗi tội nếu bạn bị phát hiện thì chỉ có ba đường: một là chạy, hai là… chờ chết, ba là nhấn nút F9 (nạp lại game – nên cân nhắc kỹ lưỡng!).
Giá trị chơi lại cực cao!
Styx: Master of Shadows sở hữu tổng cộng 7 màn chơi, từng màn được chia ra thành 3 khu vực riêng mà một vài khu vực được tái sử dụng ở các màn sau. Có thể nhiều người sẽ hơi thất vọng bởi vì bối cảnh Styx: Master of Shadows chỉ gói gọn trong tòa tháp Akenash, nhưng từng màn chơi lại sở hữu quy mô cực lớn cùng với rất nhiều “động cơ” thúc đẩy người chơi không ngừng tìm tòi.
Ngoài các nhiệm vụ chính ra, người chơi có thể thực hiện các nhiệm vụ phụ khác nhau và chúng sẽ mang lại lượng điểm cần thiết để người chơi tiếp tục nâng cấp các kỹ năng chính dành cho Styx. Đó có thể là “thó” hộp đựng vàng (trong game gọi nó là… “kitty”) của một tên lính canh, “xử đẹp” một tên buôn lậu hổ phách và mang xác hắn về cho ông lão Ozkan hay tra khảo một tên goblin nhân bản… các nhiệm vụ phụ trong Styx: Master of Shadows rất đa dạng, và ắt hẳn người chơi sẽ phải tiêu tốn khá nhiều thời gian nếu muốn hoàn thành tất cả.
Đối với dân ghiền mò mẫm và khoái “lượm lặt”, Styx: Master of Shadows cũng đặt những đồng xu (token – tổng cộng 30 đồng ở từng màn) rải rác ở từng khu vực, cứ 5 đồng xu thu thập được thì người chơi sẽ được thưởng 30 điểm kinh nghiệm.
bối cảnh Styx: Master of Shadows chỉ gói gọn trong tòa tháp Akenash, nhưng từng màn chơi lại sở hữu quy mô cực lớn cùng với rất nhiều “động cơ” thúc đẩy người chơi không ngừng tìm tòi
Ngoài ra, để sở hữu các món cổ vật (relic), người chơi cũng buộc phải giải một số câu đố khá thú vị, phần thưởng cuối cùng là những “chiến tích” được đặt trang hoàng trên bệ gỗ ở nơi ẩn náu của Styx.
Những ai ưa thích thử thách cũng có thể hoàn thành những yêu cầu của Styx: Master of Shadows như không để kẻ địch phát hiện, tay không “nhuốm máu” hoặc hoàn thành màn chơi trong một khoản thời gian cố định.
Hoàn thành các yêu cầu này ngoài việc được nhận thêm một lượng điểm thưởng thì dĩ nhiên, người chơi còn có thể khoe thành tích của mình nữa.
BẠN SẼ GHÉT
Hình-âm nhiều… xung đột
Người viết khá “đau đầu về mảng đồ họa và âm thanh trong Styx: Master of Shadows, bởi chúng có nhiều điểm cực “chất” nhưng cũng có quá nhiều sạn đáng “ghét”.
Đầu tiên là ở phần đồ họa, không thể phủ nhận rằng Styx: Master of Shadows sở hữu phong cách nghệ thuật rất “ngầu”, với những tòa tháp chọc trời được thiết kế khá công phu kết hợp với bối cảnh huyền ảo đen tối (dark-fantasy), vốn từng là điểm mạnh của Of Orcs and Men.
mảng đồ họa và âm thanh trong Styx: Master of Shadows có nhiều điểm cực “chất” nhưng cũng có quá nhiều sạn đáng “ghét”
Tuy vậy, về mặt kỹ thuật thì Styx: Master of Shadows lại tỏ ra khá “yếu thế”. Điểm yếu lớn nhất ở mặt đồ họa là mô hình nhân vật và bề mặt vật thể kém chi tiết, ngoại trừ Styx ra thì tất cả các nhân vật khác trong game đều thiếu chăm chút ở bề ngoài và cử động khá cứng nhắc. Tông màu của Styx: Master of Shadows hơi nhợt nhạt, kể cả trong các khu vực có ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Tương tự với phần âm thanh, người viết khá “kết” các bản nhạc nền trong Styx: Master of Shadows, nhưng chúng lại có khá ít đất diễn.
Đối với mảng lồng tiếng thì ngoài một số nhân vật chính như Styx, Ozkan hay Barimen ra, thì tất cả các vai phụ trong game đều trình diễn tệ hại một cách… buồn cười. Nếu buộc phải nghe tiếng kêu “Áááááá, có con quái vật kìa!” như bị… thụi vào “vùng kín” của mấy gã học giả một lần nữa thì chắc người viết đập chiếc loa mất!
A.I “thiếu iot”
Trí thông minh nhân tạo (A.I) của kẻ địch trong Styx: Master of Shadows không hẳn tồi, nhưng chúng lại mắc quá nhiều lỗi kỳ quặc và có thể khiến người chơi phải “tròn vo hai con mắt”.
Người viết đã gặp phải một số tình huống khá trớ trêu nhưng cũng không kém phần buồn cười. Khi Styx bị phát hiện rồi nhanh chóng núp sau một cây cột, một toán lính chạy nhanh tới, trong đó có một tên vừa… nhìn thẳng vào Styx và hỏi… “Nó chạy đi đâu rồi ?”.
Lần khác thì theo kịch bản, hai tên lính canh đáng lẽ phải thực hiện một cuộc đối thoại nhỏ rồi quay về vị trí canh gác, nhưng chả hiểu vì lý do gì mà cuộc hội thoại cứ tiếp tục lặp lại và chả tên nào chịu… đi ra chỗ khác!
Ngoài ra, có một số trường hợp kẻ địch phản ứng “hơi thiếu” logic so với tình huống vừa diễn ra. Nếu như người chơi thả một chiếc đèn chùm lên đầu của một tên lính, những kẻ khác sẽ bắt đầu rút kiếm ra và bắt đầu tìm kiếm Styx, trong khi trước đó Styx vẫn chưa hề bị phát hiện.
Tuy nhiên khá may mắn là điều này không hề ảnh hưởng lớn đến quá trình chơi.
Trí thông minh nhân tạo (A.I) của kẻ địch trong Styx: Master of Shadows không hẳn tồi, nhưng chúng lại mắc quá nhiều lỗi kỳ quặc