Styx: Shards of Darkness – Theo như lời của Styx, người viết nhận ra được ba điều: Nút “nhảy” có lẽ được đặt ở xương chậu của người chơi, tay cầm chơi game nằm trong túi quần và chắc chắn sẽ không ai biết nếu như bạn giảm độ khó xuống nếu như “tử nạn” quá nhiều lần.
Đó mới chỉ là ba trong số hàng tá câu chê trách mà bạn sẽ nhận lấy, nếu như lỡ tay… đưa gã Goblin với biệt danh “cục phân màu xanh lá cây bé tẹo” tới màn hình “Game Over” trong Styx: Shards of Darkness.
3 năm sau khi Styx: Master of Shadows ra mắt và được một bộ phận người hâm mộ với số lượng khiêm tốn coi như là “người kế thừa” nhỏ bé của dòng game Thief huyền thoại, Cyanide Studio tiếp tục cuộc hành trình mới của gã Goblin luôn mồm chửi bậy với rất ít sự đổi mới, song vẫn mang đến dư vị hành động bí mật thuần túy của phiên bản tiền nhiệm.
BẠN SẼ THÍCH
“KNOCK-KNOCK!”
9 màn chơi được cấu thành bằng nhiều khu vực kết nối với nhau trong Styx: Shards of Darkness lấy bối cảnh tại thành phố Korrangar của tộc Elf, nơi mà đại nữ thần Lyssril đang thực hiện mưu đồ giành lấy khả năng trường sinh bất lão bằng chất hổ phách (amber) và đá thạch anh (quartz).
Tính mạng của số lượng Goblin còn sót lại càng bị đe dọa khi đá thạch anh được con người và Dwarf sử dụng để truy lùng “lũ giòi bọ màu xanh” – và gã Goblin biết nói duy nhất của chúng ta cũng nằm trong số đó, chỉ khác là tình huống xô đẩy hắn sau một vụ trộm bất thành.
Vẫn tương tự như game tiền nhiệm, Styx: Shards of Darkness sở hữu phong cách hành động lén lút thuần túy đến mức tối đa, nơi mà bóng tối, vật chắn và bất kỳ nơi nào khuất tầm nhìn của đối phương là vũ khí tối thượng.
Vẫn là những năng lực quen thuộc như tạo bản sao Goblin có thể vô hiệu hóa tầm nhìn của địch tạm thời, hoặc kích hoạt các vật dụng trong môi trường, Amber Vision làm rõ mọi vật dụng và những chiếc móc cho phép Styx trèo lên trong tầm nhìn, và khả năng tàng hình tiêu tốn rất nhiều hổ phách (hoạt động như mana) nhưng hữu dụng hệt như cái tên của nó.
Các món “đồ chơi” trước đây như phi tiêu thay thế cho dao ném, bình acid phân hủy xác cũng quay trở lại, cùng với hai loại dụng cụ mới là chiếc kén cho phép Styx tạo bản sao từ khoảng cách xa và những chiếc lọ thủy tinh dùng để đánh lạc hướng kẻ thù.
Mặc cho lối chơi hành động lén lút không có nhiều thay đổi, điểm mạnh nhất trong phần trước là lối thiết kế màn chơi tiếp tục được phát huy và mở rộng trong Styx: Shards of Darkness.
Toàn bộ các màn chơi trong game sở hữu quy mô khá rộng, với độ cao thỏa mãn những ai ưa thích leo trèo – và dĩ nhiên, số nơi mà bạn có thể leo và bám vào là không thể nào đếm xuể.
Bất kỳ màn chơi nào trong Styx: Shards of Darkness đều sở hữu vô số cách mà bạn có thể tận dụng để tiến tới mục tiêu của mình.
Những chiếc lọ, tủ và gầm bàn (lộ ra khoảng trống vừa vặn với chiều cao của Styx một cách… khó tin) đều là những chỗ nấp hoàn hảo, nhưng chúng không thể nào sánh bằng với lúc mà bạn đang chễm chệ trước mặt kẻ thù nhưng chúng không hề nhìn thấy bạn do khác biệt về vị trí độ cao.
Và thế là trong phần lớn thời gian, Styx: Shards of Darkness vô tình trở thành game… platformer 3D và người chơi hẳn sẽ ưu tiên những khu vực cao “chót vót”, khi hỗ trợ tầm nhìn lẫn con đường vượt qua mọi cửa ải một cách tối ưu nhất.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào Styx: Shards of Darkness cũng “hào phóng” tặng cho người chơi những đường đi dễ dàng như vậy.
Sẽ có lắm lúc bạn phải sử dụng chính khả năng di chuyển và khả năng của mình trong các phân đoạn nhất định (đa số là tuyến tính), điển hình là 6 khu vực “thử lửa” chết người của Elf trong màn chơi thứ 7 hay khi Styx lưu lạc trong ổ “gián” Roabies ở gần cuối game.
Cũng như phần trước, các màn chơi trong game được tái sử dụng ở 3 màn cuối cùng, song không mang lại cảm giác nhàm chán như trước, bởi người chơi đều xuất phát ở một vị trí khá thuận tiện thay vì phải “đi ngược lũ” từ điểm Z về A, cũng như việc game bắt đầu mở các khu vực phụ dễ bỏ qua trong lần lặp lại màn chơi tiếp theo (ê hèm, nói nhỏ chút… bạn có thể tìm thấy một chiếc áo tàng hình trong màn chơi thứ 8 đấy).
Styx: Shards of Darkness sở hữu phong cách hành động lén lút thuần túy đến mức tối đa, nơi mà bóng tối, vật chắn và bất kỳ nơi nào khuất tầm nhìn của đối phương là vũ khí tối thượng
Sự thiếu thốn đổi mới của Styx: Shards of Darkness thực chất không phải là trở ngại lớn bởi cốt lõi lối chơi của game quá dễ gây nghiện.
Sự luân phiên hoán đổi đa dạng giữa hành động lén lút và “platformer” khiến cho việc di chuyển khắp màn chơi trở nên hấp dẫn một cách lạ kỳ, bởi lối điều khiển của game chỉn chu hơn trước rất nhiều, bạn hoàn toàn có thể theo đuổi thành tích (vượt qua màn trong thời gian ngắn nhất, không hạ sát bất kỳ ai và không gây báo động) nhưng mặc cho bạn hoàn toàn “yếu thế”, thực chất việc xử tử bất kỳ kẻ thù nào mà lưỡi dao của Styx có thể chạm vào không phải là phương án tồi.
Và hẳn nhiên, ngoài mục tiêu chính còn có các nhiệm vụ phụ ngay trong từng màn chơi và những đồng Token mang yếu tố sưu tầm, khiến cho mọi hoạt động trong Styx: Shards of Darkness không bao giờ trở nên tẻ ngắt.
BẠN SẼ GHÉT
CỐT TRUYỆN HỜI HỢT, CHƯA ĐỦ THỬ THÁCH
Cốt truyện là yếu tố đầu tiên mà Styx: Shards of Darkness chùn chân khi so sánh với người tiền nhiệm.
Một câu chuyện với rất ít hứng khỏi, một thế lực phản diện mà người viết thực sự không rõ là mình đang đối đầu với ai một cách chính xác, số lần Styx phá “bức tường thứ tư” trong lúc chơi hay khi tử nạn rồi hiện trước màn hình châm chọc người chơi có thể thú vị ban đầu nhưng cũng bắt đầu trở nên phiền toái về sau, các nhân vật phụ không sở hữu sự ưu tiên thỏa đáng, đặc biệt là Helledryn – nhân vật đáng để người chơi quan tâm nhất, lại hoàn toàn mất dạng sau một nhiệm vụ phụ gần cuối game.
Cái kết chưng hửng mang tính “câu kéo” phần sau của game là cực kỳ đáng thất vọng đặc biệt khi ta đặt nó lên bàn cân với Styx: Master of Shadows, mặc dù sở hữu tuyến truyện không khởi sắc hơn bao nhiêu nhưng cái kết “xoắn não” khiến trò chơi đóng lại những nút mở tốt hơn Styx: Shards of Darkness rất nhiều.
Cốt truyện là yếu tố đầu tiên mà Styx: Shards of Darkness chùn chân khi so sánh với người tiền nhiệm
A.I vẫn là khuyết điểm đáng thất vọng mà Styx: Shards of Darkness vẫn chưa thể cải thiện được.
Góc nhìn của kẻ thù vẫn khá là hẹp, Styx hoàn toàn có thể di chuyển chậm rãi ngay sát bên cạnh hay đằng sau mà vẫn không hề phát hiện hay cảm thấy được; trò chơi cho biết những tấm thảm sẽ làm giảm tiếng động khi bạn nhảy từ trên cao xuống, thế nhưng thực chất thì lính canh hoàn toàn “điếc đặc” mặc cho bạn có thoải mái chạy nhảy leo trèo ngay sát mình.
Nếu không thể hiện sự… vô dụng của giác quan thì A.I vẫn hành động thiếu nhất quán một cách kỳ cục, đôi lúc một chiếc lọ bị vỡ là đủ để phát báo động, nhưng có khi một con Goblin trùm đầu mình thì chỉ cần mất 3 giây sau là lại trở về vị trí cũ như không có gì xảy ra!?
Cũng bởi do khả năng leo trèo linh hoạt của Styx và A.I quá dễ khai thác mà Styx: Shards of Darkness vẫn chưa có được độ thử thách mà người viết ưng ý.
Khá thất vọng bởi kể cả ở độ khó “Goblin” hoàn toàn tắt khả năng đỡ đòn của Styx (bị địch thủ tóm lấy là 100% nạp lại màn chơi), trò chơi vẫn chưa thể hiện được độ thử thách khiến người viết “vò đầu bức tai” như Styx: Master of Shadows hay bất kỳ phiên bản Thief cổ điển nào.
- Sản xuất: Cyanide Studio
- Phát hành: Focus Home Interactive
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 14/03/2017
- Hệ máy: PC | PS4 | Xbox One
- OS: Windows 7/8/10 (64-bit)
- CPU: AMD FX-6300 (3,5GHz) / Intel i5-2500 (3,3GHz)
- RAM: 8 GB
- VGA: 1 GB, AMD Radeon R7 260X / NVIDIA GeForce GTX 560
- HDD: 11 GB
- OS: Windows 10 (64-bit)
- CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI FOCUS HOME INTERACTIVE – CHƠI TRÊN HỆ PC