Skip to content

Sự kiện game 06-2024: Shadow of the Erdtree chiếm sóng!

Sự kiện game 06-2024 – Thế là chúng ta đã đi qua được một nửa năm 2024 và tháng Sáu vừa qua cũng đã để lại khá nhiều biến động trong ngành.

Tuy không diễn ra nhiều đợt sa thải nhân sự lớn hay có nhiều studio bị đóng cửa như những tháng đầu năm, chúng ta vẫn được chứng kiến nhiều sự kiện đáng nhớ – điển hình là màn ra mắt của bản mở rộng Shadow of the Erdtree cho Elden Ring.

Từ việc Shadow of the Erdtree trở thành bản mở rộng được đánh giá cao nhất mọi thời đại đến việc Valve bị kiện lên đến 840 triệu USD ở nước Anh, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua top 11 sự kiện game 06-2024 nhé!

1. SHADOW OF THE ERDTREE TRỞ THÀNH DLC ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CAO NHẤT MỌI THỜI ĐẠI

Sau khi các bài đánh giá của giới phê bình dần dần xuất hiện trên cộng đồng mạng vào trước hôm 21/06, Shadow of the Erdtree đã nhanh chóng có con điểm cao nhất mọi thời đại cho một bản DLC.

Ở thời điểm bài được viết, trang Metacritic của bản mở rộng đang có 61 bài đánh giá từ giới phê bình với con điểm 95/100. Tuy nhiên, về phía những bài đánh giá từ phía cộng đồng người chơi thì bản mở rộng có đến 1.208 bài đánh giá và đang nằm ở mức điểm 8.2/10.

Nếu chỉ xét riêng về con điểm do giới phê bình đưa ra thì bản mở rộng của Elden Ring đã trở thành DLC được đánh giá cao nhất mọi thời đại. Trước đó, danh hiệu này từng thuộc về Blood and Wine của The Witcher 3 – tức có con điểm 92/100 trên Metacritic.

2. SHADOW OF THE ERDTREE BỊ NÉM ĐÁ VÌ… QUÁ KHÓ

Mặc dù giới phê bình cho rằng Shadow of the Erdtreebản mở rộng hay nhất mọi thời đại, cộng đồng người chơi trên Steam có vẻ lại không nghĩ như thế.

Dựa theo thông số trên Steam, khi bản mở rộng mới ra mắt, nó nắm giữ con điểm 63% tích cực (tức nằm ở mức Mixed) với tổng cộng 30.480 bài đánh giá từ phía game thủ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, số lượng bài đánh giá đã tăng lên 62.660 bài và điểm số của nó cũng tăng lên 71%.

shadow-of-the-erdtree-bi-nem-da-tren-steam-vi-qua-kho-tin-game-1

Mặc dù một số bài đánh giá đề cập đến những vấn đề liên quan đến hiệu suất cùng với khả năng tối ưu của bản mở rộng, phần lớn những ý kiến của game thủ lại hướng về phía độ khó của nó.

Tuy ai cũng biết cái tên FromSoftware đồng nghĩa với game khó, nhiều cá nhân cho biết độ khó của bản mở rộng lại hơn game gốc rất nhiều.

Theo lời của họ, bên cạnh những con trùm hùng mạnh thì Shadow of the Erdtree cũng mang đến thêm một hệ thống lên cấp hoàn toàn mới và chính hệ thống này khiến cho trải nghiệm của họ trở nên vô cùng khó khăn.

Mặc dù Rune (điểm kinh nghiệm ở game gốc) vẫn còn tồn tại, hệ thống lên cấp mới được giới thiệu trong bản mở rộng dưới dạng những mảnh Scadutree Fragment. Cụ thể, những mảnh này có thể được tìm thấy trong lúc bạn khám phá Realm of Shadow và nó có khả năng tác động trực tiếp đến lượng sát thương mà bạn nhận và gây ra khi chơi bản DLC.

Nếu bạn quay trở về thế giới của game gốc thì Scadutree Fragment sẽ không có hiệu lực.

Lý do FromSoftware giới thiệu hệ thống này chính là vì hãng muốn đảm bảo mọi người chơi đều có một trải nghiệm cân bằng, nhất là đối với những ai đã vượt qua cấp độ khuyến nghị để bắt đầu bản mở rộng.

3. SHADOW OF THE ERDTREE BÁN ĐƯỢC 5 TRIỆU BẢN TRONG… 3 NGÀY

Sau khi chính thức ra mắt bản mở rộng của Elden Ring vào ngày 21/06 vừa qua, FromSoftware giờ đây cho biết Shadow of the Erdtree đã bán được hơn 5 triệu bản chỉ trong vòng… 3 ngày.

Trong bài đăng trên Twitter, FromSoftware đã chia sẻ vài lời về thành tích này như sau:

“Gửi đến những người đã đi theo con đường được vạch ra bởi Miquella, chúng tôi trân thành cảm ơn các bạn.”

Trong suốt những ngày vừa qua, bản mở rộng này chính là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất ở trên từng trang mạng – đặc biệt là về độ khó của nó, tức khiến cho không ít người chơi cảm thấy “cay cú” và phải đăng hàng loạt bài đánh giá tiêu cực trên Steam.

Để điều chỉnh điều này, FromSoftware đã đưa ra một số thay đổi nhỏ nhằm khiến cho việc đánh bại những tên trùm ở đầu bản mở rộng dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hãng còn có ý định “nerf” thêm vài tên trùm khó trong tương lai.

4. TAKE-TWO INTERACTIVE CHÍNH THỨC SỞ HỮU GEARBOX ENTERTAINMENT

Sau gần 3 tháng kể từ khi thương vụ được công bố, Take-Two Interactive và Embracer Group giờ đây cho biết họ đã hoàn tất quá trình chuyển giao quyền sở hữu Gearbox Entertainment.

Embracer Group chia sẻ như sau trên trang web chính thức của mình:

“Vào ngày 28/03/2024, Embracer Group AB đã ký một thỏa thuận để thoái vốn Gearbox Entertainment cho Take-Two Interactive. Mọi điều kiện cho giao dịch đã được đáp ứng và giao dịch đã hoàn tất vào ngày hôm nay.”

Thương vụ này khiến cho Embracer phải phát 8,23 triệu cổ phiếu loại B ở mức 9,56 USD mỗi phiếu để giải quyết “một vài nghĩa vụ kiếm tiền nhất định” (Earnout Obligations).

Thêm vào đó, để giải quyết nghĩa vụ kiếm tiền của Lost Boys Interactive, Embracer cũng phải phát thêm 2,08 triệu cổ phiếu loại B ở mức 7,66 USD mỗi phiếu.

Đổi lại, theo điều khoản của thỏa thuận, Embracer nhận được 460 triệu USD dưới dạng cổ phiếu mới phát hành của Take-Two Interactive.

Đối với những ai không biết, Take-Two giờ đây sở hữu Gearbox Software, Gearbox Montreal và Gearbox Studio Quebec chính nhờ thương vụ này. Không những thế, hãng cũng nắm giữ bản quyền cho dòng Borderlands, Tiny Tina’s Wonderlands, Risk of Rain, Brothers in Arms, Duke NukemHomeworld.

Về phía Embracer Group, hãng vẫn còn giữ lại được Gearbox Publishing San Francisco (tức đã được đổi tên thành Arc Games). Ngoài ra, hãng đồng thời cũng giữ lại Cryptic Studios (Neverwinter Online, Star Trek Online), Lost Boys Interactive cùng với Captured Dimensions.

Hiện tại, Take-Two vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch hay mục tiêu kinh doanh của mình sau khi mua lại Gearbox Entertainment và các thương hiệu nổi tiếng của họ.

5. BEHAVIOUR INTERACTIVE SA THẢI THÊM 95 NGƯỜI

Chưa đầy 6 tháng kể từ lúc sa thải 40 nhân viên, Behaviour Interactive (hãng phát triển Dead by Daylight) giờ đây đã cho nghỉ việc thêm 95 người nữa.

Trong bài đăng trên trang web chính thức của mình, hãng cho biết họ đang có khoảng 1.300 nhân viên (5 năm trước thì họ chỉ có tầm 575 người). Tuy nhiên, “mức độ phổ biến chưa từng thấy trước đó” của ngành game mà chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng của nó đồng thời cũng đã dẫn đến “mức độ cạnh tranh chưa từng thấy trước đó”.

“Trong bối cảnh đầy thách thức này, Behaviour đã đổi mới sự tập trung vào thế mạnh của mình. Những điều này bao gồm vị trí dẫn đầu của công ty trong lĩnh vực game kinh dị, chuyên môn sản xuất và 30 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ đặc biệt cho các đối tác phát triển của mình.


Để theo đuổi tầm nhìn này Behaviour sẽ phải thực hiện nhiều thay đổi chiến lược đối với cơ cấu công ty của mình, cải thiện sự khác biệt giữa các nguồn tài nguyên cho sản phẩm, quá trình sản xuất, phát triển kinh doanh và marketing.



Do đó, công ty sẽ cắt giảm 90 nhân viên, hết 70 người bị ảnh hưởng đó là ở Montreal.”

Đặc biệt, Behaviour Interactive cho biết đợt sa thải lần này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Dead by Daylight.

Thêm vào đó, một đại diện của hãng còn chia sẻ với trang PC Gamer rằng 2 dự án khác của hãng là Meet Your Maker (một game bắn súng pha trộn với yếu tố xây dựng) và The Casting of Frank Stone (một game ngoại truyện trong vũ trụ của Dead by Daylight) cũng không bị ảnh hưởng.

Hiện tại, chúng ta không biết liệu Behaviour còn có dự định sa thải thêm nhân viên nào trong tương lai tới hay không.

6. UBISOFT TORONTO SA THẢI 33 NHÂN VIÊN

Chưa đầy 1 tháng sau tham gia quá trình phát triển của Prince of Persia: The Sands of Time Remake, Ubisoft Toronto cho biết hãng vừa phải thực hiện một đợt sa thải hàng loạt và lần này thì có đến tận 33 nhân viên đã bị ảnh hưởng.Cụ thể, hãng đã chia sẻ thông tin này như sau:

“Ubisoft Toronto đã quyết định tiến hành một đợt tái cơ cấu có mục tiêu để đảm bảo vẫn có thể thực hiện lộ trình đầy tham vọng của mình. Đáng buồn thay, điều này cũng có nghĩa là 33 thành viên trong đội phát triển sẽ rời khỏi Ubisoft.

Chúng tôi cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ toàn diện cho họ, bao gồm hỗ trợ thôi việc và hỗ trợ nghề nghiệp, để giúp họ vượt qua quá trình chuyển đổi này.”

Vào đầu năm nay, trang Insider Gaming đã đăng một bài phân tích xuyên sâu về tình hình căng thẳng diễn ra ở nội bộ Ubisoft cũng như ở tất cả chi nhánh con của hãng. Vào tháng 11/2023, hơn 100 nhân viên đã bị đuổi việc và trước đó, có hơn 60 người bị ảnh hưởng bởi một đợt sa thải hàng loạt diễn ra ở các chi nhánh tại nước Anh và Bắc Mỹ.

Qua đến tháng Hai năm nay, nhiều nhân viên của hãng tại Pháp đã bắt đầu đình công nhằm mục đích thúc đẩy cơ hội đàm phán để tăng lương.

Đây là một năm khá là đáng sợ cho những cá nhân làm việc trong ngành game, với hàng loạt studio bất ngờ bị đóng cửa sau nhiều năm hoạt động, không ít dự án bị hủy sau nhiều năm thực hiện và dường như vô vàn nhân viên bị đuổi việc chỉ trong chớp mắt.

Ubisoft Toronto là nạn nhân mới nhất của “lời nguyền sa thải này” và có vẻ họ cũng sẽ không phải là studio cuối cùng bị ảnh hưởng từ giờ đến hết năm nay.

7. TỔNG QUẢN LÝ THƯƠNG HIỆU WARCRAFT RỜI KHỞI BLIZZARD SAU 12 NĂM CỐNG HIẾN

John Hight, Phó Giám đốc Cấp cao (Senior Vice President) và Tổng Quản lý (General Manager) của thương hiệu Warcraft, đã rời khỏi Blizzard sau 12 năm cống hiến để theo đuổi công việc mới.

Trong bài đăng trên Twitter gần đây, Hight đã công bố điều này cũng như gửi gắm vài lời đến cộng đồng game thủ vì đã hỗ trợ ông trong suốt quãng thời gian qua.

“Sau 12 năm tuyệt vời tại Blizzard, tôi đã quyết định bước sang hướng khác và bắt đầu một cuộc hành trình mới.


Đây là một quyết định khó khăn, nhưng tôi cảm thấy đây là khoảnh khắc hợp lý: Warcraft đang đứng ở một vị trí rất tuyệt vời trong lúc nó đẩy sang tuổi 30.



Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi đã có thể đồng hành cùng những vị anh hùng của Azeroth.”

John Hight gia nhập Blizzard vào năm 2011 trong vai Giám đốc Sản xuất (Executive Producer) và Phó Giám đốc (Vice President) cho thương hiệu Warcraft, sau đó được thăng chức lên Tổng Quản lý cho thương hiệu này vào năm 2021.

Trong nhiệm kỳ của ông, Hight đã giám sát quá trình phát triển của Mists of Pandaria, Warlords of Draenor, Legion, Battle for Azeroth, Shadowlands, và Dragonflight. Thêm vào đó, ông cũng có đóng góp cho Hearthstone, Warcraft Rumble cũng như bộ phim Warcraft được khởi chiếu vào năm 2016.

Trước khi gia nhập Blizzard, John Hight đã nắm giữ vai trò lãnh đạo ở nhiều công ty lớn khác như EA, Atari và Sony.

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết ông đang theo đuổi công việc gì.

8. UBISOFT XÁC NHẬN BEYOND GOOD & EVIL 2 VẪN CHƯA BỊ HỦY

Ngay sau khi Ubisoft công bố Beyond Good & Evil – 20th Anniversary Edition, hàng loạt người hâm mộ đã lập tức đề cập đến Beyond Good & Evil 2.

Tựa game được công bố lần đầu vào năm 2016 và kể từ đó, dự án đã nằm trong trạng thái lấp lửng. Trong suốt những năm qua, trò chơi phải tái khởi động quá trình phát triển nhiều lần cũng như trải qua hàng loạt đợt thay đổi nhân sự khiến cho nhiều cá nhân trong cộng đồng nghĩ rằng dự án sớm muộn gì cũng sẽ bị hủy.

Tuy nhiên, vào đầu tuần này, Ubisoft đã xác nhận là Beyond Good & Evil 2 vẫn đang được thực hiện.

Hãng đã chia sẻ thông tin này trên Twitter như sau:

“Đúng vậy, Beyond Good & Evil 2 vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chúng tôi rất nóng lòng để các bạn khám phá thêm về quá khứ của Jade trong bản 20th Anniversary Edition.”

Mặc dù hãng không chia sẻ thêm bất kỳ thông tin nào khác, nhưng ít nhất những người hâm mộ lâu năm của dòng game này vẫn sẽ cảm thấy an tâm khi biết rằng dự án vẫn chưa bị hủy sau 10 năm trong lò.

Beyond Good & Evil 2 vẫn chưa có khung thời gian ra mắt cụ thể nhưng hãng phát triển cho biết sẽ công bố thông tin này sớm nhất có thể.

Về phía những dự án hiện tại, hãng mới đây đã cho ra mắt Beyond Good & Evil – 20th Anniversary Edition trên PS4, PS5, Xbox One, Xbox Series X/S, Switch, Amazon Luna và PC (thông qua Steam, Epic Games Store và Ubisoft Store).

9. BETHESDA GAME STUDIOS MONTREAL ĐANG CỐ THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN

Với sự bất ổn trong ngành game đang dâng lên mức cao trào, có vẻ Bethesda Game Studios Montreal (chi nhánh Montreal của Bethesda) chính là studio tiếp theo đang cố gắng thành lập nên công đoàn để đảm bảo sự bền vững công việc.

Trong một loạt bài đăng trên Twitter vào đầu tuần này, chi nhánh Montreal của Bethesda đã công bố ý định thành lập nên công đoàn với sự trợ giúp từ tổ chức CWA Canada (Communications Workers of America Canada).

Đi cùng với lời công bố này, những nhân viên làm việc tại studio còn nêu luôn lý do nộp đơn chứng nhận lên Ban Lao Động Quebec (Quebec Labor Board).

“Là một công đoàn, chúng tôi sẽ cố gắng biến BGS thành một nơi làm việc tốt mà có thể thúc đẩy sự sáng tạo và tài năng.


Điều này sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục làm nên những tựa game đứng đầu trong ngành tại studio mà mọi người chúng tôi đều yêu thích.



Có một chỗ ngồi trong bàn đàm phán sẽ đảm bảo sự an toàn chức nghiệp cũng như cải thiện tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính linh hoạt và nhiều điều nữa. Chúng tôi muốn đảm bảo mọi người đều nhận được thù lao công bằng cho công việc của họ và giá trị mà họ mang lại.”

Những nhân viên tại Bethesda Game Studios Montreal cho biết bằng cách thành lập nên công đoàn, họ sẽ có thể “thúc đẩy những thay đổi quan trọng nhằm phản ánh nhu cầu và mong muốn của tất cả nhân viên”.

Ở thời điểm bài được viết, ZeniMax (công ty mẹ của Bethesda) lẫn Microsoft (công ty mẹ của ZeniMax) vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về quyết định thành lập nên công đoàn tại chi nhánh Montreal của Bethesda.

10. GAME AAA PHẢI ĐƯỢC CÔNG BỐ SỚM DO SỢ… BỊ HỦY

Mark Darrah, “cha đẻ” của dòng Dragon Age và cố vấn cho Dragon Age: The Veilguard, vừa qua đã chia sẻ lý do vì sao quá trình phát triển những game AAA ngày nay lại tốn vô cùng lâu.

Mặc dù ông chia sẻ khá là nhiều điều trong đoạn video dài 25 phút của mình, một yếu tố khá là quan trọng mà ông nhắc tới có liên quan đến những lo ngại nội bộ của các studio phát triển game.

“Có lý do vì sao các studio và các hãng phát hành cần phải đảm bảo những sản phẩm của họ tồn tại trong ý thức của những người tiêu dùng.


Nó có thể là do dàn game của hãng phát hành hơi yếu và họ muốn công chúng biết rằng họ còn những game lớn đang được phát triển nữa. Nó cũng có thể là do studio phát triển muốn dự án được công bố sớm bởi vì họ sợ hãng phát hành sẽ hủy nó nếu làm quá lâu.”

Bên cạnh đó, Darrah còn cho biết việc tạo sự chú ý xoay quanh dự án sớm như thế thường không phải là một chiến thuật tốt.

Ngoài ra, Darrah thậm chí còn bật mí là chỉ vì một studio nói họ đang phát triển một tựa game, nhưng điều đó lại không có nghĩa họ đang tập trung hay đang dồn hết toàn bộ nguồn tài nguyên của mình vào dự án đó ở thời điểm nó được công bố.

“Các studio có thể hay gây hiểu lầm ở mảng này, bởi vì họ sẽ nói những câu như: ‘Chúng tôi đã bắt đầu quá trình phát triển cho Elder Scrolls 6.’ hoặc họ có thể sẽ tung ra trailer cho tựa game trong khi đội phát triển còn chưa có đủ 10 người.


Vì vậy, họ khiến cho mọi người nghĩ rằng đây là một sự phát triển song song, rằng họ đang thực hiện tựa game này, nhưng thực tế thì nó chỉ là một vài người tổ chức một vài cuộc họp và dự án không có nhiều tiến triển mấy.”

Không những thế, Darrah cho biết khi những tựa game tốn khoảng 10 năm hoặc hơn để phát triển thì có khả năng khá cao nó không có bất kỳ tiến triển gì đáng kể trong những năm đầu tiên.

Để có thể nắm bắt toàn bộ nội dung mà Mark Darrah chia sẻ về quá trình thực hiện của những game AAA ngày nay, bạn có thể xem toàn bộ đoạn video trên kênh Youtube chính thức của ông.

11. VALVE ĐANG BỊ KIỆN LÊN ĐẾN 840 TRIỆU USD Ở NƯỚC ANH

Ở nước Anh, Valve đang phải đối mặt với một vụ kiện có trị giá 656 triệu bảng Anh (tức tương đương 840 triệu USD) với nhiều lời cáo buộc cho rằng hãng đang sử dụng Steam để “lợi dụng game thủ nước Anh”.

Vấn đề cốt lõi được nêu ra ở đơn kiện chính là trong nhiều năm qua, Valve đã “gian lận trong thị trường” bằng cách loại bỏ sự cạnh tranh và nắm giữ sự độc quyền trên thị trường game PC.

Dựa theo thông số lấy được từ VG Insights (thông qua BBC), vào năm 2023, hãng đã báo cáo lượng doanh thu cao nhất trong khắp lịch sử hoạt động của Steam – thu về được hơn 9 tỷ USD toàn cầu và bán được hơn 580 triệu game.

Theo đơn kiện được đệ trình lên Tòa án Khiếu nại Cạnh tranh (Competition Appeal Tribunal), Valve bị tố là đã tính phí quá cao cho game – tức buộc game thủ nước Anh phải mua game ở mức giá cao hơn rất nhiều so với khi mua trên các hệ máy khác như Xbox hoặc PlayStation.

Trong lời tuyên bố hành động tập thể này, nhiều nhà vận động quyền kỹ thuật số đã gọi hành động của hãng là “bất hợp pháp”.

Natasha Pearman, một luật sư làm việc cho Milberg và cũng là luật sư chính của vụ kiện này, cho biết như sau:

“Game thủ Anh phải bỏ ra hàng tỷ mỗi năm và Valve đang nắm giữ toàn bộ thị trường game PC trong tay. Luật cạnh tranh được đề ra là để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả.”

Trước đó, Milberg cũng đã làm việc với những người tiêu dùng để kiện Sony. Vào năm 2022, hãng luật này đã kiện Sony với mức giá 5 tỷ bảng Anh vì những lý do tương tự.


Như vậy chúng ta vừa điểm qua 11 sự kiện game 06-2024 đáng chú ý nhất của tháng qua.

Liệu còn sự kiện game 06-2024 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?

Hãy góp ý qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!