Symphony of War: The Nephilim Saga – Đã từ rất lâu, game nhập vai theo lượt (turn-based RPG) vốn dĩ có thể xem là một trong những thể loại game lâu đời nhất mà vẫn duy trì sức hút cho đến mãi tận ngày nay. Vốn xuất thân từ các hãng game Nhật Bản cách đây 40 năm có lẻ, hằng hà sa số các dòng game J-RPG đã để lại tên tuổi trong biên niên sử dài dằng dặc của ngành videogame như Final Fantasy, Dragon Quest…
Và khi một dạng game nào đó trở nên quá nổi tiếng, việc xuất hiện nhiều biến thể nhằm đa dạng hóa trải nghiệm game là điều hiển nhiên. Bằng cách dung hợp lối chơi chiến thuật theo ô lưới (grid), một thể loại game mới ra đời và được đặt tên là S-RPG, với vài đại diện tiêu biểu như Fire Emblem (Mộc Đế) hoặc Tactics Ogre.
Nói riêng về Fire Emblem thì không thể phủ nhận tuy đã trải qua rất nhiều phiên bản với không ít lần “reboot” (tái khởi động), dòng game huyền thoại này vẫn có một sức hút kỳ lạ khó giải thích, dù ở các phiên bản biến tấu như Three Houses hay phá cách như Engage.
Do đó, việc Fire Emblem có nhiều phiên bản “nhái”, bất kể vì muốn đu bám danh tiếng hay chỉ đơn thuần là ngưỡng mộ, thì âu cũng là điều bình thường. Đến từ Dancing Dragon Games, Symphony of War: The Nephilim Saga chính là một ví dụ điển hình, nhưng đã có những nét chấm phá thật sự tách biệt để không trở thành cái bóng của “game gốc”.
Với kết quả đánh giá “Overwhelmingly Positive” trên Steam, Symphony of War: The Nephilim Saga rõ ràng đã tạo nên những bước đi đột phá riêng và gặt hái được thành công.
Vậy Symphony of War: The Nephilim Saga đã làm điều đó như thế nào? Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia đi tìm câu trả lời qua bài đánh giá sau đây.
BẠN SẼ THÍCH
Lối chơi cách tân, đột phá!
Về cơ bản, Symphony of War: The Nephilim Saga vẫn mang cái sườn của dòng game S-RPG (chiến thuật nhập vai), khi mà các màn chơi được chia thành từng chương nhỏ theo diễn biến của một cốt truyện chính.
Mỗi màn chơi được chia thành vô số ô vuông tượng trưng cho số bước đi của các đơn vị, và mỗi ô lại thuộc một nhóm địa hình với những lợi thế/ bất lợi nhất định được quy ước sẵn (tăng/giảm tỉ lệ né tránh…).
Đầu mỗi màn chơi, người chơi Symphony of War: The Nephilim Saga sẽ được bố trí sẵn các đơn vị chủ chốt vốn là những nhân vật chính trong cốt truyện. Nhiệm vụ cũng thường là tiêu diệt hết kẻ địch trong màn, hoặc chiếm một cứ điểm quan trọng.
Cấu trúc màn chơi được chia thành lượt của người chơi và lượt của địch, lần lượt xen kẽ với nhau.
Trong lượt mình, người chơi có thể điều khiển từng nhân vật để di chuyển và tấn công kẻ địch trong phạm vi cho phép. Kẻ địch mặc định sẽ đánh trả (nếu tầm đánh cho phép) nếu chúng chưa bị tiêu diệt sau khi bị người chơi tấn công.
Các nhân vật sẽ nhận điểm kinh nghiệm khi tiêu diệt kẻ địch và sẽ thăng cấp, gia tăng chỉ số.
Khi đạt đến một cấp độ nhất định, người chơi có thể “tiến hóa” nhân vật lên một chức nghiệp mới với khung chỉ số và bộ kỹ năng mới tốt hơn.
Tuy nhiên, Symphony of War: The Nephilim Saga đã có những bổ sung, thay đổi thật sự đáng giá nhằm tạo ra điểm nhấn riêng của mình, và chúng tỏ ra vô cùng hiệu quả để nâng tầm trải nghiệm của người chơi.
Đầu tiên có thể kể đến việc thay vì mỗi ô chỉ là một nhân vật như S-RPG truyền thống, thì với Symphony of War: The Nephilim Saga người chơi có thể gán ghép nhiều binh chủng vào để tạo thành một Squad (tổ đội) lên đến 9 đơn vị, với nhân vật chính là nhóm trưởng.
Mỗi binh chủng với phạm vi di chuyển, tầm đánh, dạng sát thương, kỹ năng bổ trợ… riêng biệt, kết hợp với kỹ năng của nhóm trưởng, sẽ tạo nên vô số tổ hợp chiến thuật khác nhau cho người chơi mặc sức thí nghiệm.
Chưa kể đến việc số đơn vị trong một Squad càng nhiều thì số lượt tấn công cũng tăng theo, chứ không phải chỉ có thể đánh một lần/lượt như các S-RPG khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng tổ đội và thứ tự tấn công trong một lượt, do kẻ địch cũng có số lần đánh trả tỉ lệ thuận với quân số trong Squad của chúng.
Kế đến, đó là việc Symphony of War: The Nephilim Saga sở hữu số binh chủng cũng như dạng tiến hóa nhiều một cách đáng kể so với chính Fire Emblem hay những S-RPG khác. Điểm thú vị đó là trong Symphony of War: The Nephilim Saga, mỗi binh chủng được thiết kế ra hoàn toàn với ý đồ chiến thuật và đặc thù riêng biệt để người chơi tận dụng và khai thác, chứ không phải được chế ra cho đông mà cứ na ná nhau như cách mà nhiều game khác hay làm.
Đặc điểm này kết hợp với việc người chơi có thể “chiêu hàng” kẻ địch bại trận và “mua” các đơn vị lính đánh thuê càng làm cho người chơi Symphony of War: The Nephilim Saga có cảm giác trở thành một thống soái thực thụ, dẫn dắt quân đội của mình càn quét qua chiến trường khốc liệt.
Cuối cùng, đó là việc Symphony of War: The Nephilim Saga hết sức tận tâm và chỉn chu trong việc cung cấp cho người chơi lượng thông tin cần thiết nhưng được truyền tải cặn kẽ và kỹ lưỡng.
Symphony of War: The Nephilim Saga có hẳn một quyển bách khoa toàn thư về các cơ chế, khái niệm và binh chủng trong game với hình vẽ minh họa rất đẹp mắt và bố cục mục lục khoa học, dễ truy cập.
Điều này thực sự là một cứu cánh cho người chơi, bởi lẽ với các dạng game mà có quá nhiều cơ chế phức tạp chồng chéo lên nhau như Symphony of War: The Nephilim Saga, trừ phi người chơi cực kỳ “hạt co” (hardcore) kỳ cựu, chứ với đại đa số người chơi phổ quát mà bắt phải tự nhớ mà không có chỗ tra cứu lại thì đa phần sẽ nản mà “gãy gánh” giữa chừng.
Symphony of War: The Nephilim Saga hết sức tận tâm và chỉn chu trong việc cung cấp cho người chơi lượng thông tin cần thiết nhưng được truyền tải cặn kẽ và kỹ lưỡng
BẠN SẼ GHÉT
Nhiều vấn đề vụn vặt
Một tình trạng chung đối với sản phẩm từ các studio nhỏ hoặc indie, ấy là cho dù ý tưởng có đột phá hay cách thể hiện có tốt đến đâu thì việc tồn tại nhiều bất cập hoặc “sạn” nhỏ là điều không tránh khỏi. Căn bản là kinh phí và thời gian để QC (kiểm định chất lượng), hậu kỳ và sửa chữa là một vấn đề đau đầu không nhỏ.
Symphony of War: The Nephilim Saga cũng thuộc vào nhóm này, khi tuy game sở hữu rất nhiều yếu tố đột phá đủ sức thoát ly khỏi cái sườn của dòng S-RPG kinh điển; thế nhưng vẫn còn đâu đó khá nhiều “sạn” khiến trải nghiệm chơi game không được trọn vẹn.
Trước hết phải nói đến chất lượng đồ họa không đồng đều của Symphony of War: The Nephilim Saga.
Game chọn lối đồ họa pixel (điểm ảnh) làm chủ đạo nhằm tái hiện lại cảm giác retro của những dòng S-RPG cổ điển, thế nhưng trừ nhóm nhân vật và binh chủng được đầu tư hết sức chăm chút và tỉ mỉ, những yếu tố đồ họa khác lại “kém sắc” hẳn.
Có thể thấy rõ phần bản đồ chơi hoặc các màn hội thoại có bản đồ nền là dạng “ghép mảng” với đồ họa mặc định của các phần mềm như S-RPG Maker. Chất lượng chúng đã không cao, mà lại còn là kiểu “copy/ paste” nên khiến cho cảnh quan nhìn rất tù túng và lặp lại.
Ngoài ra không hiểu sao với đồ họa chính là pixel, Symphony of War: The Nephilim Saga lại chọn vẽ chân dung các nhân vật kiểu HD (độ nét cao). Hai phong cách đồ họa đối lập mạnh mẽ này “đá” nhau chan chát, khiến trải nghiệm của người chơi cứ bị “lợn cợn”, không được thoải mái.
Kế đến là tuy game cho người cho sở hữu đến HÀNG TRĂM nhân vật cùng một lúc, nhưng cơ chế và giao diện quản lý lại quá “sida”. Người chơi không hề có tùy chọn bộ lọc để dễ bề thao tác, mà hầu như chỉ có thể cuộn tay để tìm kiếm và xem từng đơn vị một.
Thật sự với một tựa game đặt nặng yếu tố “thí nghiệm” các tổ hợp trận hình như Symphony of War: The Nephilim Saga, việc làm sao để cho các thao tác tìm, quản lý và sắp xếp mượt hết mức có thể lẽ ra phải là ưu tiên số một – vì phần lớn thời lượng chơi đều dành cho quản lý tổ đội cơ mà?
Tiếp nữa, là phần cốt truyện của Symphony of War: The Nephilim Saga thật sự rất yếu kém. Game tỏ ra khá “ghê ghê” như đàn anh Fire Emblem bằng cách xây dựng một cuộc đại chiến xuyên lục địa giữa các quốc gia, đan xen với những âm mưu quỷ kế chính trị, điểm xuyến bằng những mảng truyện riêng lẻ của các nhân vật.
Thế nhưng mạch truyện rời rạc, thoại dài dòng nhưng lan man, câu từ sến súa và cách xây dựng tính cách nhân vật khá “nông” và không nhất quán… là những vấn đề chí mạng đã bóp chết hoàn toàn mảng cốt truyện của Symphony of War: The Nephilim Saga.
Bản thân người viết đã chọn “Bỏ qua” hầu hết khoảng 2/3 các đoạn hội thoại cuối game vì thật sự quá nhàm và “oằn”.
Sau cùng là cơ chế cân bằng của Symphony of War: The Nephilim Saga khá bất ổn và đuối dần về nửa sau. Game cho người chơi quá nhiều tài nguyên và cơ chế để cường hóa đội quân của mình mà hầu như không có hạn chế nào, dẫn đến việc ở nửa sau game người chơi luôn áp đảo kẻ địch cả về quân số lẫn chỉ số.
Lúc này thì đội hình, chiến thuật hay cơ chế tương khắc… đều trở nên vô nghĩa khi quân của người chơi dễ dàng tiêu diệt kẻ địch chỉ trong 1,2 lượt đánh và nhận về rất ít tổn thất. Có thể nói về cuối game, việc chia binh chủng hay tổ đội cũng không còn ý nghĩa nữa khi nếu đã mạnh như nhau và áp đảo tuyệt đối thì chuyện xài A hay xài B cũng chả khác gì nhau.
cơ chế cân bằng của Symphony of War: The Nephilim Saga khá bất ổn và đuối dần về nửa sau