Skip to content

Tears of Avia – Đánh Giá Game

Tears of Avia

Tears of Avia – Khi nhắc đến game nhập vai (RPG), đại khái người chơi trên thế giới có thể chia thành hai dạng chính là nhập vai phương Tâynhập vai Nhật Bản (J-RPG)

Nếu nhập vai phương Tây có thể chia ra nhiều loại khác như nhập vai chặt chém, nhập vai chiến thuật… thì J-RPG thường chỉ bó hẹp trong một khuôn mẫu là nhập vai theo lượt.

Tạm không bàn đến sự khác biệt về văn hoá và logic làm game để tạo nên những sự phân hóa này, thì tuy có số lượng đầu game cực nhiều, thế nhưng các sản phẩm J-RPG hầu như đều có cùng một công thức là tới lượt, chọn lệnh, thực thi, chờ lượt kế. 

Và tuy có nhiều loại “gia vị” khác nhau như cốt truyện, tạo hình nhân vật, cơ chế phụ… thì việc người chơi cảm thấy “ngán tới cổ” cũng không có gì lạ, đặc biệt với cái tính chất nặng về “cày cuốc” của J-RPG.

Do đó, để mở rộng thêm các trải nghiệm mới, một “biến chủng” của J-RPG ra đời với cái tên tắt là S-RPG (Tactical/Strategic RPG), hay có thể hiểu là nhập vai chiến thuật… theo lượt (vãi cả dài dòng). 

Điểm khác biệt so với J-RPG truyền thống đó là từ những trận đánh chỉ bó hẹp trong một tổ đội gồm 3 – 5 nhân vật trong một cảnh, thì giờ đây chiến trường là một tổ hợp vô số ô vuông ráp thành một bàn cờ chiến thuật rộng lớn, với số nhân vật có thể điều động lên đến hàng chục.

Để dễ hình dung về S-RPG, có thể kể ngay đến nhiều cái tên tiêu biểu như là Fire Emblem (Mộc Đế) hay Langrisser

So với J-RPG, thì S-RPG nâng độ tính toán và “hại não” của người chơi lên cao hơn đáng kể từ việc chọn chỗ đứng, bày trận thế, tính toán tầm đi/ tầm đánh… của cả phe ta lẫn phe địch. 

Tuy vậy, do tính chất hơi “khó nhằn” của mình nên dù sao S-RPG vẫn có khá ít đầu game hơn người anh em J-RPG của mình.

Vì vậy, việc các hãng cũ lẫn mới tìm cách làm giàu thư viên game S-RPG cũng không phải là chuyện gì khó hiểu. 

Tuy nhiên, muốn là một chuyện, mà làm được hay không là chuyện khác. 

Đến từ hãng CooCooSqueaky Games, Tears of Avia là một ví dụ cho việc muốn “chơi game khó” nhưng bạn chưa nạp lần đầu. 

Vậy thì tựa game này có những gì đặc sắc, và có những mặt tối nào? 
Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.

BẠN SẼ GHÉT

Thiết kế game yếu kém!

Về cơ bản, Tears of Avia sở hữu một cốt truyện… dưới mức trung bình, đơn giản và thẳng tuột chả có lắc léo gì, chỉ có thể tóm tắt trong một câu: một đội quân gồm các thanh niên thiếu nữ cùng hợp sức chống lại thế lực hắc ám để giải cứu thế giới. Hết! 

Vì vậy người viết sẽ không đi sâu thêm về phần này, do… cũng chẳng có gì để mà nói!

Về lối chơi, Tears of Avia là một tựa game S-RPG (chiến thuật – nhập vai) tiêu chuẩn, trong đó từ giao diện chính (thị trấn), người chơi sẽ chọn tham gia vào các chiến trường (được “mở khóa” dần theo cốt truyện), và có thể chơi lại màn cũ để cày cấp/ cày đồ. 

Mỗi màn chơi là một bản đồ được kết cấu thành các ô vuông dạng bàn cờ, trong đó người chơi sẽ điều khiển một nhóm nhân vật (có thể thu phục/tùy biến/sắp xếp) chiến đấu với kẻ địch.

Tuy nhiên, nếu các game S-RPG “xịn sò” khác thường có nhiều nhiệm vụ để biến thiên trải nghiệm chơi; từ diệt tướng địch, cố thủ “x” lượt, đưa nhân vật A đến điểm B… thì trong Tears of Avia, mọi màn chơi đều có chung một đích đến: diệt sạch hết địch trong màn. 

Việc làm này khiến người chơi có cảm giác tù túng và nhàm chán, do cứ lặp đi lặp lại một quy trình hết màn này tới màn khác.

Tiếp đến, là việc Tears of Avia có tính cân bằng cực kém: có những lớp nhân vật mạnh một cách vô lý, khiến cho những chức nghiệp khác không có đất dụng võ – hoặc game cũng chẳng hề có một “ngưỡng tiến bộ” cụ thể nào khi tỉ lệ rơi đồ vô cùng loạn xạ, đồ “khủng bố” có thể rớt ngay từ những màn đầu tiên!

Tears of Avia có tính cân bằng cực kém

Phần UX (trải nghiệm người dùng) của Tears of Avia cũng không khá hơn là mấy, khi chỉ để thực hiện một thao tác đơn giản, người chơi phải bấm đến 3-4 lần nút xác nhận/di chuyển. 

Với một game S-RPG vốn có rất nhiều việc cần làm trong một lượt, nhân lên “n” lượt thì những thiết kế “tào lao” như vậy rất dễ tạo nên cảm giác mệt mỏi, ức chế.


Tears of Avia

Đồ họa “nửa vời”

Về mặt hình ảnh, thoạt trông thì Tears of Avia cũng có thể gọi là khá ổn áp, với phong cách tạo hình nhân vật đặc sệt chất “anime”. 

Game sử dụng các mô hình 3D ở cả môi trường chiến đấu, lẫn các mô hình nhân vật và các hiệu ứng chiến đấu.

Tuy vậy, chỉ cần chơi tầm khoảng 1 – 2 giờ, là những vấn đề trong mảng đồ hoạ sẽ bộc lộ ra rõ rệt mà cũng không cần phải dùng V-Rohto nhỏ mắt mới thấy được. 

Chẳng hạn như việc các mô hình nhân vật tuy không đến nỗi quá tệ, nhưng với số lượng diễn hoạt (animation) cực ít, thế giới trong game và phân cảnh chiến đấu trông rất cứng nhắc, vô hồn.

Tears of Avia

Nếu các game S-RPG khác đầu tư rất mạnh vào việc kiến tạo thế giới hoặc cảnh nền khi chiến đấu, thì Tears of Avia lại cực kỳ yếu kém trong mảng này, khi số lượng môi trường trong game khá ít ỏi và được tái sử dụng rất nhiều. 

Việc game sử dụng những mảng đen để “lấp đầy” những khoảng trống ở cảnh nền, khiến mọi thứ bị thiếu hụt về chiều sâu, tạo ra cảm giác lệch lạc về thị giác.

chỉ cần chơi tầm khoảng 1 – 2 giờ, là những vấn đề trong mảng đồ hoạ sẽ bộc lộ ra rõ rệt

Những chi tiết khác như biểu tượng, giao diện, ảnh đại diện nhân vật… cũng có chất lượng không đồng đều: cái thì trông cũng ổn áp, cái thì lại khá vụng về và có chất lượng kém. 

Người viết có cảm giác như nhân lực của hãng không đủ nên phải thuê “outsource” (nhân lực ngoài) làm lấn bớt, khiến mọi thứ trở nên không nhất quán.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: CooCooSqueaky Games
  • Phát hành: PQube Limited
  • Thể loại: Chiến thuật, Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 15/10/2020
  • Hệ máy: PC, XBox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7
  • CPU: Dual Core 2.8GHz
  • RAM: 4 GB
  • VGA: nVidia GeForce 8600/9600GT, ATI/AMD Radeon HD2600/3600
  • HDD: 4 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: Gigabyte Rx 560 OC 2GB
  • HDD: Samsung 950 Pro 256GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI PQUBE – CHƠI TRÊN HỆ PC

4.0

Tears of Avia là một tựa game S-RPG ở mức trung bình kém, dù xét theo bất cứ khía cạnh nào.



Cốt truyện “có như không”, đồ hoạ nửa vời không đồng nhất, lối chơi cũ kỹ thiếu sáng tạo, tính cân bằng cực tệ… là những thứ khó có thể nào chấp nhận được, đặc biệt là với cái giá 22.99 USD không hề thấp.

Tác giả