Tencent Games – Bạn làm thế nào để xây dựng công ty game lớn nhất hành tinh?
Đầu tiên là cho ra mắt một vài tựa game nhỏ dựa trên đam mê, rồi từ đó lấy vốn, thu hút danh tiếng.
Có tiền rồi, bạn đầu tư vào công nghệ, vào quảng cáo, vào xây dựng những tựa game lớn hơn.
Nếu thành công, bạn sẽ có được một công ty với những dòng sản phẩm game huyền thoại (như Square Enix và thương hiệu bất diệt Final Fantasy), những nhân vật đi vào lịch sử (như Nintendo và chàng thợ sửa ống nước trứ danh Mario), hay những sản phẩm phần mềm “hộ giá” ngành game (như Valve và hay Steam).
Cách làm khá ổn về lý thuyết, và trên thực tế là con đường này đã giúp nhiều công ty trở thành những gã khổng lồ.
Tuy nhiên, “trùm” của ngành game hiện tại là Tencent Games, và công ty này đã thâu tóm thị trường bằng con đường khác!
Hãy cùng Vietgame.asia xem cách mà Tencent Game đã “nắm thóp” ngành giải trí này ra sao!
THAY VÌ TẠO RA… HÃY MUA LẠI!
Nintendo, Square Enix, Valve, Sony, Microsoft… dành ra hàng thập kỷ để xây dựng các thương hiệu và sản phẩm của mình liên quan tới ngành game.
Nói đến Nintendo, bạn sẽ nghĩ tới Mario; Nói tới Sony, bạn nghĩ tới PlayStation; Nói tới Microsoft, bạn sẽ nghĩ tới Xbox…
Nói tới Tencent Games, bạn nghĩ tới sản phẩm gì mà công ty tự tay tạo ra và xứng đáng “lưu danh hậu thế”…
Đơn giản là không có đâu, bởi Tencent Games làm giàu bằng con đường khác.
Tencent Games được sáng lập vào năm 2003, tách ra từ Tencent Interactive Entertainment để đầu tư vào game online.
Cũng không phải là công ty không làm ra sản phẩm gì tử tế, mà công ty chủ yếu xây dựng sản phẩm “cây nhà lá vườn”.
Honor of Kings là một sản phẩm của Tencent Games, và đây là tựa game phổ biến nhất và có doanh thu cao nhất toàn cầu vào 2017, nhưng nếu bạn chưa nghe thấy nó thì đơn giản là… bởi nó độc quyền thị trường Trung Hoa.
Nhưng nói chung, làm ra sản phẩm không phải là cách mà Tencent mở rộng, mà thay vào đó, công ty mua những đối thủ khác.
Tencent Games chỉ là một mảng của Tencent, một tập đoàn công nghệ “nhúng tay” vào khá nhiều mảng liên quan tới Internet, giải trí, trí tuệ nhân tạo… Và chủ của tập đoàn này là Mã Hóa Đằng, doanh nhân giàu nhất Trung Quốc và giàu top 10 thế giới, với tổng số tài sản 45 tỉ USD vào năm 2020.
Ngắn gọn là Tencent Games sinh ra trong một “gia đình” cách vạch đích vài ngàn KM, nhưng lại là cách về phía sau.
Nên thay vì cố gắng xây dựng thương hiệu, anh chỉ cần rút ví, tung tiền vô tư và sẽ có được mọi thứ mình muốn!
Riot Games, Epic Games, Ubisoft, Activision Blizzard… là một vài cái tên lớn trong giới game thuộc sở hữu hoặc có cổ phần thuộc sở hữu của Tencent Games.
Mà các cái tên lớn đã vậy, thì biết bao nhiêu công ty nhỏ khác đã bị Tencent Games thâu tóm.
Tóm lại, Tencent Games trở thành kẻ vĩ đại nhất là vì sinh ra trong gia đình “bố của thiên hạ” nên đủ tiềm lực để thâu tóm, mua sạch những kẻ khác và chờ chúng nó đẻ ra lợi nhuận, danh tiếng, ảnh hưởng cho mình.
“CỬA KHẨU” NGOẠI NHẬP
Gây ảnh hưởng tới thế giới là một chuyện, nhưng “hàng ngoại” muốn vào được Trung Quốc cũng dễ phải qua “ải” Tencent Games.
Như các bạn đã biết, Trung Quốc là một quốc gia kiểm soát khá chặt thông tin.
Thế nên khi một công ty muốn đưa sản phẩm của mình vào thị trường màu mỡ gần 1.4 tỉ dân này, nhà nước sẽ kiểm duyệt các sản phẩm ấy.
Và chắc chắn game không phải là ngoại lệ!
Các công ty nước ngoài muốn đưa game vào Trung Quốc thì phải qua một công ty kiểm duyệt và phát hành nào đó, và Tencent Games thường là lối đi chính.
Do vậy, công ty có nền tảng phát hành game riêng là WeGame cho Trung Quốc, hợp tác với Bluehole để phát hành PUBG hay với Activision để ra mắt Call of Duty: Mobile cho Trung Quốc.
Tới cả Nintendo muốn bán Switch tại Trung Quốc cũng phải thông qua Tencent Games.
Tóm lại, Tencent Games đủ giàu, đủ có “chống lưng” để chơi tay đôi, thậm chí chấp một đánh hai, đánh ba với rất nhiều gã khổng lồ, và những gã khổng lồ này muốn vào được thị trường Trung Quốc béo bở thì đều phải “đi ngày” với Tencent Games.
Nên việc công ty trở thành cái tên lớn nhất trong ngành video game là điều dễ hiểu.
MỌI THỨ SẼ HƯỚNG VỀ ĐÂU?
Với tiềm lực kinh tế không hề nhỏ, lại còn có “bố” là tập đoàn siêu khổng lồ, Tencent Games gần như bất khả chiến bại.
Và nếu công ty này phải triển quá to… ắt sẽ có chuyện chẳng lành.
Biết nó to vậy thôi chứ tầm này, muốn đánh bại một gã khổng lồ như Tencent Games chỉ là mơ, trừ phi hoặc là có biến “long trời lở đất” gì đó diễn ra với “bố cháu nó”, hoặc là có gã khổng lồ nào tay to hơn bật lại Tencent Games.
Nhưng mà ít ra trước mắt, ở thị trường toàn cầu, công ty cầm đầu mảng PC game vẫn là Valve và khác với Epic Games, Sony, Microsoft, Square Enix… Valve lại là công ty tư nhân nên Tencent Games muốn mua được Steam thì phải mua được “Gà Béo” – Gabe Newell.
Ca này hơi khó!
Hơn thế nữa, Steam thâm nhập thị trường Trung Quốc đã chọn qua cửa Perfect World chứ không phải Tencent Games, và tạo ra sức cạnh tranh với Tencent Games trực tiếp tại Trung Quốc.
Cuối cùng, chiến dịch “mua mọi thứ trên thị trường” của Tencent Games tuy mạnh nhưng không phải là không có điểm yếu, và điểm yếu lớn nhất của cách làm này là công ty không có một bệ đỡ vững chắc, không có một sản phẩm “bất tử” để bám vào mà cải tiến, làm ra tiền.
Một gã khổng lồ ngạo nghễ dễ “ngủ quên” trên vai của những kẻ khác có thể sẽ bị một cơn sóng “đột phá công nghệ” cuốn đi thôi…
BÀI MỚI NHẤT
- Hãng phát triển Unknown 9: Awakening cắt giảm 18% nguồn nhân lực! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard và Silent Hill 2 Remake “ế ẩm” tại Châu Âu – Tin Game
- Tổng hợp đánh giá STALKER 2: Heart of Chornobyl: Bất đồng ý kiến! – Tin Game
- Square Enix công bố Final Fantasy XIV Mobile – Tin Game
- Farming Simulator 25 đã bán được 2 triệu bản trong tuần đầu tiên! – Tin Game
- Starfield đã thu hút được 15 triệu người chơi! – Tin Game