Tetragon là một tựa game đi cảnh – giải đố xoay quanh… một khung hình duy nhất, và yêu cầu người chơi phải thao túng toàn bộ màn chơi để có thể đi tiếp.
Thể loại này hiện nay là không hiếm, nhưng với những tựa game như Manifold Garden hay Superliminal liên tục mang tới những ý tưởng mới đầy đột phá nhưng phức tạp, thì Tetragon (đến từ hãng phát hành BUKA) lại là một tựa game nhẹ nhàng và đầy quen thuộc cho những người lớn lên cùng thời với những tựa game flash đơn giản.
Vậy hãy cùng Vietgame.asia nhảy vào thế giới kì lạ của Tetragon và cùng anh tiều phu Lucio đi tìm con trong một trải nghiệm dù ngắn và đơn giản, nhưng không kém phần thỏa mãn sau đây bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Cõi xa lạ thần tiên!
Tetragon bao gồm nhiều màn chơi được thiết kế tỉ mỉ và tuyệt đẹp, với mỗi màn chơi xoay quanh một hướng giải quyết và mạch giải quyết tương đối rõ ràng.
Hầu hết các màn chơi này đều xoay quanh những cơ chế tương tác và thao túng môi trường để nhân vật chính Lucio có thể đi tới màn chơi tiếp theo.
Các cơ chế này chủ yếu xoay quanh việc “xoay” toàn bộ màn chơi sao cho đúng. Người chơi sẽ điều khiển Lucio đến một vật thể nhất định, tương tác với nó để cho màn chơi xoay. Hiếm khi nào ngươi chơi được thoải mái xoay màn chơi theo ý muốn, khi mỗi màn chơi chỉ được xoay theo một chiều nhất định.
Càng về sau sẽ có thêm những cơ chế nhất định để game được đa dạng hơn như di chuyển bục, cổng dịch chuyển hay thay đổi vị trí tức thời, nhưng hầu hết nói chung vẫn xoay quanh thao túng môi trường.
Nhưng đừng nghĩ vì sự đơn giản đó mà game sẽ đơn giản!
Mặc dù Tetragon chưa bao giờ là quá khó, nhưng vẫn không thiếu những câu đố yêu cầu người chơi phải vận dụng tối đa khả năng quan sát và xâu chuỗi dữ kiện của mình.
Người viết đặc biệt thích những câu đố ở “vùng” thứ hai, khi đây là sự kết hợp rất tốt giữa những cơ chế cơ bản xoay quanh việc xoay chuyển màn chơi đã được làm quen ở vùng trước đó, cũng như cơ chế mới là di chuyển các bục của lâu đài kì bí nọ.
Trải qua bốn vùng chính của trò chơi là 42 màn chơi với những đặc điểm thú vị trong lối tiếp cận thiết kế lối chơi, và với độ khó và cơ chế tương đối nhất quán.
Tetragon chưa bao giờ là quá khó, nhưng vẫn không thiếu những câu đố yêu cầu người chơi phải vận dụng tối đa khả năng quan sát và xâu chuỗi dữ kiện
Bốn vùng này dù không chi tiết hơn những tựa game ra những năm gần đây, nhưng vẫn hết sức xinh đẹp và cá tính!
Người viết đặc biệt thích vùng rừng rậm đầu game, khi những câu đố vẫn chưa quá phức tạp. Màu sắc của vùng này tôn lên màu xanh nhẹ nhàng của cây cối hòa trong ánh nắng vàng, cùng một đoạn nhạc nền hết sức thư giãn khiến người viết cảm thấy rất hào hứng với game.
BẠN SẼ GHÉT
Tồn đọng cồng kềnh
Dù trải nghiệm của Tetragon nhìn chung là tương đối tích cực, nhưng vẫn sẽ không thiếu những pha vò đầu bứt tai một cách vô lý và cũng như một câu chuyện đầy hụt hẫng.
Trước hết, người chơi nên biết là việc điều khiển Lucio rất cồng kềnh, ông ấy đi chậm, mất thời gian lấy đà và quán tính lớn.
Điều này có nghĩa là việc để ông ấy đi đến một vận tốc chấp nhận được là tương đối mất thời gian, và càng mất thời gian hơn để phanh ông ấy lại.
Người chơi chắc hẳn sẽ có nhiều pha thả tay ra khỏi nút chạy rồi nhưng Lucio nhà ta vẫn chạy thêm một đoạn rồi… lao xuống vực mà chết!
Tetragon nhìn chung là tương đối tích cực, nhưng vẫn sẽ không thiếu những pha vò đầu bứt tai một cách vô lý và cũng như một câu chuyện đầy hụt hẫng
Người viết đoán rằng việc thiết kế Lucio thế này để tăng thêm chiều sâu trong lối chơi, ép người chơi phải tính toán đường đi nước bước kĩ lưỡng, nhưng rất nhiều màn chơi yêu cầu phản xạ nhanh và chính xác ở “vùng” thứ ba, khiến cho lựa chọn thiết kế này kì quặc và gây khó chịu.
Điểm yếu thứ hai là cốt truyện của game, khi Lucio mất con, ông nhảy vào thế giới kì lạ nọ mà không biết cụ thể… là để làm gì. Và sự đơn giản đến mức nực cười của Tetragon thực sự khiến thế giới thần tiên và sáng tạo kia bị bỏ phí và làm người chơi không thực sự nhập tâm vào đó.