Thần Trùng – Có một thực tế là người Việt làm ra không ít những tựa game, nhưng hầu hết đều tập trung ở mảng di động (như Flappy Bird chẳng hạn) và khá thầm lặng vì nhiều lý do khó nói.
Do đó, khi một tựa game được đầu tư, được ra mắt trong cộng đồng quốc tế qua các nền tảng như Steam, mà lại là game chơi đơn ngoại tuyến (offline) vốn rất hiếm hoi trong bối cảnh một thị trường chỉ toàn game eSports, mobile và MMO, ắt hẳn sẽ đem lại một sự phấn khích và bùng nổ tới từ game thủ Việt.
Thần Trùng (The Death), đến từ studio DUT, một game kinh dị góc nhìn người thứ nhất, là một trường hợp hiếm hoi như vậy.
Nhất là, Thần Trùng lại lấy một bối cảnh quá đỗi quen thuộc, một truyền thuyết cũng quen thuộc không kém, điều này đủ khiến game thủ Việt Nam ngóng chờ ngày được trải nghiệm tựa game này.
Vậy, sau khi đã trải nghiệm Thần Trùng, liệu tựa game có xứng đáng với kỳ vọng?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé.
BẠN SẼ THÍCH
Khung cảnh thân thuộc mà rùng rợn
Là một công dân Việt Nam, tất nhiên là người viết luôn muốn nền game của nước nhà phát triển rực rỡ, sánh ngang với các cường quốc năm châu. Và được chứng kiến những khung cảnh quen thuộc trong một tựa game, đơn giản chỉ như tấm biển chỉ đường “nghách 41/3”, biển hiệu cửa hàng bán “sôi thịt”, ngõ nhỏ Hà Nội tối om với ánh đèn đường le lói, tới nền gạch hoa huyền thoại, cũng đem lại cho người viết một cảm giác tương đối tự hào và thân quen.
Thuộc thể loại tựa game kinh dị, việc sử dụng những hình ảnh thân thuộc như vậy cùng với nền nhạc tương đối ổn đã phần nào khuếch đại được hiệu ứng gây sợ hãi dành cho người chơi.
Cùng với những hình ảnh bàn thờ, quan tài, nhạc đám ma, và những truyền thuyết mà chắc hẳn người Việt nào cũng đã từng nghe qua, đã giúp Thần Trùng thành công trong việc tạo ra một bầu không khí ma quái, rùng rợn, lôi cuốn đậm chất Việt Name để người chơi chìm đắm vào.
Không chỉ có khung cảnh và không khí, những vật phẩm giải đố trong game, những màn chơi mini-game cũng được truyền tải văn hóa dân gian Việt Nam vào, từ những con tò he, cho tới tháp Hà Nội, rồi trò chơi xếp hình của tuổi thơ, v.v.
Thần Trùng đã tương đối thành công việc khai thác bối cảnh thân quen đối với người chơi Việt Nam để từ đó đánh sâu vào tâm lý họ, tạo nên một bầu không khí khá ghê rợn và lôi cuốn
Nói tóm lại, Thần Trùng đã tương đối thành công việc khai thác bối cảnh thân quen đối với người chơi Việt Nam để từ đó đánh sâu vào tâm lý họ, tạo nên một bầu không khí khá ghê rợn và lôi cuốn.
Tuy nhiên, có lẽ đây là điểm mạnh duy nhất mà người viết có thế kể ra được khi chơi Thần Trùng!
BẠN SẼ GHÉT
Mạch truyện mơ hồ
Trong Thần Trùng, bạn sẽ nhập vai một anh chàng lên Hà Nội thuê trọ, cơ mà có vẻ như phòng trọ này không được ổn cho lắm, khi mà người dân xung quanh bảo phòng trọ này ngày xưa… chết 3 mạng người cùng một gia đình.
Mặc kệ những lời đồn đại, mặc kệ luôn cả việc chưa vào trong nhà, mới đứng ngoài ngõ bạn đã… bị ma hù, bạn vẫn hiên ngang tiến vào sống trong khu trọ và bắt đầu giải mã bí ẩn của căn nhà ma ám này!
Cốt truyện của game xoay quanh truyền thuyết dân gian về Thần Trùng, một hung thần chuyên tra tấn người chết vào giờ trùng tang để họ khai nhân thân họ hàng, từ đó Thần Trùng sẽ tới và bắt linh hồn họ đi, gây ra hiện tượng trùng tang.
Căn nhà trọ này cũng chính là như vậy, vì một số mâu thuẫn mà người viết sẽ không tiện “spoil” (bật mí huỵch toẹt), gia đình này bị Thần Trùng bắt đi, và linh hồn họ không thể nào siêu thoát được, quanh quẩn trong khu nhà và ám ảnh người chơi.
Mặc dù có một tiền đề rất hay, liên quan tới một truyền thuyết dân gian rất đáng sợ của Việt Nam, nhưng quả thực mạch truyện game là tương đối rời rạc, thiếu mạch lạc, các sự kiện nối chuỗi nhau lẻ tẻ, cảm giác như đi tới đâu thì nhà làm game nghĩ ra tình tiết tới đó chứ không có kế hoạch và dàn ý cụ thể.
Trong nghệ thuật viết kịch, có một khái niệm tên là “khẩu súng của Chekhov”. Nhà văn Anton Chekhov, người viết ra tác phẩm “Người trong bao” mà chúng ta khi học Ngữ văn đều đã học qua, đã từng nói rằng: “Nếu bạn viết rằng có một khẩu súng ở trên tường ở Chương Một, thì trong các chương kế khẩu súng đó phải được bắn.”
Nghĩa là, những yếu tố được đưa vào cốt truyện thì phải mang một ý nghĩa nhất định trong cốt truyện, không thể nào chỉ vứt đó. Tuy nhiên, việc này xảy ra rất nhiều trong Thần Trùng. Tựa game có rất nhiều tình tiết mà người viết cảm thấy thừa thãi, những vật phẩm, những tài liệu mà chẳng hề có bất cứ công dụng gì trong cốt truyện, tạo nên những dấu hỏi thật lớn khi hoàn thành game.
mạch truyện game là tương đối rời rạc, thiếu mạch lạc, các sự kiện nối chuỗi nhau lẻ tẻ, cảm giác như đi tới đâu thì nhà làm game nghĩ ra tình tiết tới đó chứ không có kế hoạch và dàn ý cụ thể
Thậm chí, một vật phẩm – người viết mạn phép bạn đọc “spoil” một chút, đó là một lọ thuốc – được người viết nhặt lên, và có vẻ như nó khá quan trọng trong mạch truyện. Nhưng sau khi hoàn thành, cả kết thúc xấu và kết thúc tốt, thì lọ thuốc này không đóng góp vào bất cứ phân cảnh nào, cũng chẳng biết nó thực sự là thuốc gì, công dụng thuốc là gì, tất cả chỉ mơ hồ, không rõ ràng, người chơi chỉ còn cách… tự suy đoán.
Kết thúc game càng làm người viết cảm thấy cụt hứng hơn nữa, khi cảm giác mọi thứ cứ thế… đột ngột chấm dứt (cả kết thúc xấu lẫn kết thúc tốt). Kết thúc xấu thì có lẽ còn có một chút logic, nhưng kết thúc tốt thì cứ như có một vật phẩm “từ trên trời rơi xuống” để chấm dứt game cho nhanh vậy.
Ngoài ra, tiêu điểm của game là Thần Trùng, game xoay quanh Thần Trùng, thì người viết cũng mong chờ để nhân vật chính chạm trán Thần Trùng, rồi đòi lại người chết từ tay thần hay đại khái như vậy, một thứ gì đó hoành tráng một chút.
Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta thấy là tầm… hai giây để vị thần này làm “cameo” cho game!
Tóm lại, cốt truyện của Thần Trùng tuy rằng đã có một tiền đề vững chãi, nhưng được xây dựng rời rạc, thiếu gắn kết, và quá nhiều nút thắt không được xử lý.
Mà nói thực, bí ẩn lớn nhất của Thần Trùng, đó là anh chàng nhân vật của chúng ta nhà giàu, sắm được cả dàn máy tính xịn, kho game Steam nghìn game, có cả PS5, không rõ làm sao… thuê cái nhà trọ lụp xụp tối tăm ma ám này làm cái gì?
Kết thúc “bí mật” có khi lại là kết thúc hợp lý nhất!
Quá lạm dụng “jumpscare”
Thần Trùng có một không khí rùng rợn, trong một căn nhà trọ hẹp, tối tăm, đáng lẽ họ có thể cứ thế giữ nguyên như vậy, có khi còn tạo cho người chơi một cảm giác hoang mang, hồi hộp hơn.
Nhưng không! Thần Trùng sử dụng “jumpscare” một cách quá đà tới mức không thể lạm dụng hơn được nữa, khiến trải nghiệm chơi game càng ngày càng đi xuống.
“Jumpscare” (nhảy ra hù bất chợt) mà hợp lý thì người viết cũng tạm thời chấp nhận, coi như là game kinh dị giật gân, tuy nhiên có nhiều phân cảnh, nhiều đoạn mà “jumpscare” một cách chẳng có đầu đuôi gì, rất vô lý, y như mấy video “hù ma” trên YouTube, khi một video đang rất bình thường tự nhiên có con ma chẳng có liên hệ gì xồ ra để dọa người xem.
Game tiếp tục phạm vào sai lầm mà nguyên tắc “khẩu súng của Chekhov” đã nêu ra: mọi yếu tố trong một câu chuyện đều phải phát huy tính cần thiết và những yếu tố không liên quan thì nên được loại bỏ; khi nhiều cảnh hù ma trong game đúng là chỉ để hù một lần, mà chẳng hề có một chút nào nhân quả về sau.
Thần Trùng sử dụng “jumpscare” một cách quá đà tới mức không thể lạm dụng hơn được nữa, khiến trải nghiệm chơi game càng ngày càng đi xuống
Không chỉ khiến cho trải nghiệm chơi game càng ngày càng trở nên chai lỳ, mà việc này còn khiến Thần Trùng trở nên rẻ rúng, dựa dẫm vào những yếu tố “jumpscare” để gây sợ thay vì đào sâu vào những yếu tố tâm linh nền tảng của game, những thứ có thể gây nên hiệu ứng lo lắng, bồn chồn tốt hơn nhiều.
Giải đố quá sơ sài
Những màn giải đố của Thần Trùng, nếu chúng ta có thể gọi đó là màn giải đố, đơn giản tới mức người viết tự hỏi: nếu cắt hết các màn giải đố đi (có lẽ là trừ hai minigame Tháp Hà Nội và xếp hình – NV) thì thời lượng chơi game có giảm đi được quá 10 phút không?
Với một game kinh dị giải đố, không cần chiến đấu gì, thì người viết đã hi vọng rằng sẽ có những câu đố hóc búa hơn, hay có những vật phẩm để giải đố mà chúng ta không thể lường được, khiến ta phải đi khám phá, tìm tòi, động não.
Ấy vậy mà…
nếu cắt hết các màn giải đố đi (có lẽ là trừ hai minigame Tháp Hà Nội và xếp hình – NV) thì thời lượng chơi game có giảm đi được quá 10 phút không?
Lồng tiếng, mô hình nhân vật chưa tốt
Như đã đề cập, âm thanh của game làm tương đối không tệ, nhưng phần lồng tiếng và phần mô hình mấy con ma có lẽ là phải giảm hơn 50% độ kinh dị của game mất rồi!
Người viết có biết là studio tự thu âm để lồng tiếng cho game, và nghe những đoạn hội thoại của người Việt trong một tựa game đem lại cho người viết cảm xúc khó tả.
Tuy nhiên, việc lồng tiếng không chuyên khiến cho nhiều phân cảnh căng thẳng trở nên rất… buồn cười, như là xem một tập Vlog 1977 vậy.
Mô hình của các hồn ma thì chẳng có chút nào đáng sợ cả, nhìn chẳng giống ma quỷ lắm mà giống mấy con búp bê hỏng mạch hơn.
Thà rằng để che mặt tối om như bà hàng xóm đầu game có lẽ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn nhiều.
Mô hình của các hồn ma thì chẳng có chút nào đáng sợ cả, nhìn chẳng giống ma quỷ lắm mà giống mấy con búp bê hỏng mạch hơn