Skip to content

The Banner Saga – Đánh Giá Game

The Banner Saga - Đánh Giá Game

The Banner Saga – Đầu năm 2012, sau thời gian dành tâm sức của mình cho Star Wars: The Old Republic (game trực tuyến nhiều người chơi), ba nhà làm game thuộc BioWare đã quyết định rời hãng để theo đuổi dự án game của riêng mình tại studio độc lập (indie) do chính họ thành lập – Stoic.

Sau một chiến dịch quyên vốn từ cộng đồng trên nền tảng Kickstarter đầy thành công (thu về hơn 700.000 USD so với mục tiêu ban đầu là 100.000 USD) cùng thêm gần hai năm trời nỗ lực, vào tháng 01/2014, “đứa con đầu lòng” của Stoic đã chào đời.

Đó là The Banner Saga – một tựa game nhập vai chiến thuật lấy bối cảnh thế giới giả tưởng được xây dựng dựa trên cảm hứng đến từ những câu chuyện về các chiến binh Viking huyền thoại, và những vùng đất mà họ từng sinh sống ở miền tuyết phủ Bắc Âu.

Với thành công lớn cả về danh tiếng cũng như doanh số nhờ vào chất lượng tuyệt vời của mình, không khó hiểu khi mà chỉ chưa đến một năm sau ngày ra mắt, The Banner Saga đã chính thức có người kế nhiệm – The Banner Saga 2. Theo kế hoạch, ngày 20/04 tới đây sẽ là thời điểm thương hiệu game đầu tay của Stoic tái ngộ người chơi với phần hai chính thức của mình.

Có thể nói trong năm 2016 này, nếu bạn là một người yêu thích game nhập vai thì The Banner Saga 2 hẳn sẽ là một trong những cái tên đáng để bạn lưu tâm nhất. Không chỉ vì những lời hứa hẹn của Stoic về một phiên bản kế nhiệm xứng đáng của The Banner Saga mà còn chính vì những gì mà tựa game tiền nhiệm đã thể hiện.

BẠN SẼ THÍCH

Bản anh hùng ca của máu và nước mắt

“Các vị thần đã chết, nhưng sự sống trên thế giới này sẽ không vì thế mà thôi tiếp diễn. Nếu có gì đó trên thế gian này ngừng lại thì chỉ có một mà thôi, Mặt Trời.”

Câu chuyện của The Banner Saga khởi đầu với một hiện tượng khó lòng có thể xem là điềm báo điều gì đó tốt đẹp sắp đến: Mặt Trời đã ngừng lại, lơ lửng giữa trời, chẳng mảy may nhúc nhích. Và khi mà con người cùng Varl (một giống người khổng lồ có sừng, năng lực chiến đấu cao hơn hẳn người thường) sắp chính thức kí kết hiệp ước liên minh quan trọng với nhau, thì mối quan hệ đồng minh vừa chớm thành hình của họ đã phải đối mặt với một thử thách cực lớn: cuộc xăm lăng của Dredge – giống người quái dị với toàn thân là giáp trụ, tử thù từ ngàn xưa của Varl, tưởng như đã tuyệt diệt nhưng đã bất ngờ xuất hiện trở lại, lần thứ ba khai chiến với Varl cũng như những sinh linh khác trên mặt đất.

Nội dung của The Banner Saga chính là xoay quanh cuộc đại chiến lần ba này giữa liên minh con người – Varl và Dredge.

Cuộc hành trình của người chơi trong The Banner Saga gồm có bảy chương, được kể dưới góc nhìn của nhiều nhân vật khác nhau, mang đến cho người chơi cái nhìn đa chiều về thế giới của game, về những con người, những số phận trong game.

Toàn bộ The Banner Saga là một bản anh hùng ca về những con người bình thường đứng lên chiến đấu bởi một lý do khó thể giản đơn và chính đáng hơn – vì bình yên cho chính bản thân họ và những người mà họ yêu quý.

Họ lao vào cuộc chiến, chấp nhận hi sinh, mất mát mà không nghĩ ngợi gì nhiều ngoài ý chí quyết tâm bảo vệ những giá trị mà họ trân quý, chẳng mảy may nghĩ đến cái chết hay sự tôn vinh. Và đó chính là điều biến họ thành những anh hùng, dù có được thừa nhận hay không.

Diễn tiến của The Banner Saga sẽ do chính bạn, chứ không phải ai khác, định hình bằng những quyết định của mình. Những sự lựa chọn của bạn sẽ quyết định ai sống, ai chết và câu chuyện của game sẽ tiến triển theo chiều hướng nào với những hệ quả lâu dài, sâu sắc mà nhiều khi bạn không tài nào lường trước được.

Game buộc bạn phải có trách nhiệm thực sự với từng quyết định của mình thay vì sự hời hợt như trong nhiều tựa game khác cũng cho người chơi lựa chọn, nhưng chỉ là những sự lựa chọn “vô thưởng, vô phạt” mà kết quả chúng mang lại chẳng khác nhau là mấy.

Không chỉ dừng lại trong bản thân game, những quyết định bạn đưa ra trong The Banner Saga sẽ còn có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc hành trình sắp tới đây của bạn trong The Banner Saga 2 bởi người kế nhiệm này sẽ tiếp nối chính xác những gì đã diễn ra trong phiên bản đầu tiên.

Dẫu vậy, tất nhiên Stoic sẽ không ép buộc bạn phải hoàn thành The Banner Saga và nạp tập tin lưu game của game vào The Banner Saga 2, để có thể trải nghiệm phiên bản kế nhiệm sắp ra mắt này.

Cuộc hành trình của người chơi trong The Banner Saga gồm có bảy chương, được kể dưới góc nhìn của nhiều nhân vật khác nhau


The Banner Saga

Những trận chiến cân não

Chọn cho mình lối chơi chiến thuật theo lượt, mỗi trận chiến trong The Banner Saga sẽ là một “ván cờ” cân não đúng nghĩa đối với bạn, nhất là khi phe bạn thua thiệt về quân số so với đối phương (phe nào bị tiêu diệt hết quân trước sẽ thua). 

Trong mỗi lượt đi, bạn sẽ chỉ có thể điều khiển một chiến binh phe mình di chuyển, ra đòn tấn công hoặc sử dụng kĩ năng đặc biệt (bạn có thể tùy ý sắp xếp thứ tự sử dụng các chiến binh của mình trong trận chiến, duy chỉ có một quy định là bạn không thể sử dụng cùng một chiến binh trong hai lượt đi liên tiếp).

Lưu ý rằng, bạn có thể sử dụng sức mạnh “Willpower” để giúp cho nhân vật di chuyển được xa hơn, gây được nhiều sát thương hơn so với khả năng vốn có của họ. Tuy nhiên, lượng “Willpower” mà mỗi nhân vật có thể sử dụng là tương đối hạn chế, do đó bạn cần thiết phải sử dụng loại năng lượng này một cách hợp lý, tuyệt đối đừng phí phạm!

Cũng giống như diễn tiến cốt truyện của game, những quyết định của bạn đều sẽ có ý nghĩa thực sự trong mỗi trận chiến.

Khi nào cho quân mình áp sát đối phương? Khi nào thì dãn ra giữ khoảng cách? Những nhân vật nào sẽ được sắp xếp gần nhau để hỗ trợ cho nhau? Gây sát thương trực tiếp cho kẻ địch hay ưu tiên phá hoại năng lực phòng thủ của chúng trước để những đòn tấn công sau sẽ gây được sát thương nhiều hơn cho chúng? Nhắm vào kẻ địch nào trước (đội quân của Dredge gồm nhiều binh chủng khác nhau với năng lực chiến đấu khác nhau)?

Có rất nhiều vấn đề chiến thuật sẽ được đặt ra cho bạn, không chỉ đòi hỏi bạn cần lên cho mình một chiến lược tiếp cận trận chiến một cách tỉ mỉ, chính xác mà còn phải có khả năng ứng biến với những biến hóa của phe địch. Chỉ một sai lầm thôi là bạn có thể tuột mất thế trận khỏi tay mình, đồng nghĩa với đánh mất chiến thắng và nắm lấy thất bại.

Chọn cho mình lối chơi chiến thuật theo lượt, mỗi trận chiến trong The Banner Saga sẽ là một ‘ván cờ” cân não đúng nghĩa

Bạn sẽ không chỉ phải chiến đấu chống lại bọn Dredge gớm ghiếc mà còn phải chống chọi với những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt trên quãng đường xa xôi, trắc trở. Điều tối quan trọng là đoàn dân – quân của bạn phải luôn có đủ lương thực và được nghỉ ngơi hợp lý (mục đích là để các chiến binh bị thương có thể hồi phục). Đói kém, mệt mỏi sẽ khiến sĩ khí của cả đoàn đi xuống, ảnh hưởng rõ đến sức chiến đấu.

Quản lý việc sử dụng lượng “Renown” kiếm được từ các trận chiến sẽ là một vấn đề mang tính sống còn đối với bạn. Dùng “Renown” để mua sắm trang bị, nâng cấp cho các chiến binh sẽ giúp họ có sức chiến đấu cao hơn, giúp bạn “dễ thở” hơn trong các trận chiến.

Nhưng đổi lại, nếu lượng “Renown” đó được dùng để mua trữ thật nhiều lương thực thì đoàn của bạn sẽ không phải lo lắng về việc thiếu đói trên đường. Nan giải thật, phải không?


The Banner Saga

Hình – âm chất lượng!

Toàn bộ hình ảnh của The Banner Saga đều là những bức vẽ tay được trau chuốt tỉ mỉ, có cho mình nét góc cạnh vừa ẩn hiện những nét mềm mại, phóng khoáng. Dù được lấy cảm hứng từ thế giới của người Viking cổ đại, khi nhìn vào phong cách đồ họa của game, chúng ta có thể dễ dàng thấy được ngay những điểm sáng tạo riêng chịu ảnh hưởng của lối vẽ hoạt họa phương Tây trong giai đoạn giữa thế kỷ trước khá đậm nét, mang đến cho tạo hình nhân vật, khung cảnh trong game chất “hiện đại” nhất định, giúp người chơi cảm thấy “thân thiện” hơn với game.

Về “hình” là vậy, còn về “âm”, Austin Wintory – nhà soạn nhạc từng nhận được đề cử tại giải Grammy cho phần nhạc nền của tựa game nổi danh Journey đã thể hiện hết tài năng của mình, mang đến cho The Banner Saga cũng như người chơi những giai đoạn lúc trầm hùng, khi da diết, “thổi hồn” vào từng khung cảnh, từng trận chiến của game.

The Banner Saga

Trong danh sách những tựa game đáng để bạn chi tiền mua gói nhạc nền, chắc chắn The Banner Saga sẽ có mặt ở một thứ hạng cao, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào.

Tiếc thay, phần lồng tiếng lại là một điểm trừ của The Banner Saga khi mà phần lớn lời thoại, lời kể trong game không được lồng tiếng mà chỉ đơn giản hiện lên dưới dạng ký tự trên màn hình của người chơi.

Đáng nói là những phân đoạn được lồng tiếng đều cho thấy được trình độ cao của Stoic ở phương diện này. Thật là đáng tiếc!

Toàn bộ hình ảnh của The Banner Saga đều là những bức vẽ tay được trau chuốt tỉ mỉ, có cho mình nét góc cạnh vừa ẩn hiện những nét mềm mại, phóng khoáng

Vàng 9.0

Một cốt truyện thú vị được tạo nên bởi chính những quyết định của bản thân bạn, một lối chơi hấp dẫn thử thách tài trí người chơi cùng một nền tảng đồ họa – âm thanh quá sức chất lượng – phải nói rằng The Banner Saga là một trong những tựa game đã đạt đến tiêu chuẩn “tuyệt vời về mọi phương diện”.



Với những gì mà game đã mang lại cho người chơi, chắc chắn rằng The Banner Saga 2 sẽ là một trong những cái tên đáng mong chờ bậc nhất với những ai đam mê game nhập vai trong năm 2016 này.

Thông tin

  • The Banner Saga
  • Nhà phát triển
    Stoic
  • Nhà phát hành
    Versus Evil
  • Thể loại
    Nhập vai, Chiến thuật
  • Ngày ra mắt
    15/01/2014
  • Nền tảng
    Windows

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7 64-bit / Windows 8.1 64-bit / Windows 10 64-bit
  • CPU
    3.20 GHz Intel i5 650 / 2.5 GHz AMD Phenom X4 9850
  • RAM
    4GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GT 640 / AMD Radeon HD 7730
  • Lưu trữ
    40GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    N/A
  • CPU
    N/A
  • RAM
    N/A
  • GPU
    N/A
  • Lưu trữ
    N/A
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi VERSUS EVIL. Chơi trên PC.

Tác giả