Skip to content

The Crew 2 – Đánh Giá Game

The Crew 2 - Đánh Giá Game

The Crew 2 – Được mong chờ sẽ là lá cờ đầu định nghĩa cho thể loại đua xe của thời đại mới, nơi mà PS4 và Xbox One lĩnh ấn tiên phong, nhưng The Crew của năm 2015 là một thất bại không thể nặng nề hơn dù những người lãnh trách nhiệm phát triển là Ivory Tower từng cho ra đời tựa game Driver San Francisco khá thành công.

Nhưng Ubisoft cho thấy họ là một hãng phát hành luôn có đủ kiên nhẫn với các sản phẩm của mình khi trao cơ hội tiếp theo cho hãng, để hậu bản The Crew 2 ra đời 3 năm sau đó.

3 năm là một khoản thời gian đủ dài để Ivory Tower nghiền ngẫm lại xem họ sai từ đâu và cần sửa những gì.

Đó cũng là khoảng thời gian hoàng kim của Microsoft khi dòng Forza Horizon thống trị đường phố, còn thương hiệu Need For Speed danh tiếng lại lay hoay tìm lối ra và vấp ngã với Need For Speed: Payback, thế nên đây là cơ hội để The Crew 2 thể hiện bản thân cũng như chen chân vào làng đua xe trước khi Forza Horizon 4 tiến hành “càn quét”.

Liệu còn cơ hội nào cho The Crew 2 trước gã khổng lồ vẫn đang bất bại?

BẠN SẼ THÍCH

QUY MÔ ĐÁNG NỂ

Quy mô rộng đến bạt ngàn là điểm nhấn không thể phủ nhận của The Crew.

Tiếp bước game tiền nhiệm, The Crew 2 hẳn nhiên vẫn giữ lấy điểm sáng duy nhất đó.

Thật sự, nếu chỉ xét ở khoảng “đất liền” thì The Crew 2 không hoành tráng hơn trước là bao, nhưng việc bổ sung thêm vùng trời và vùng sông nước đã tạo nên những thêm thắt đáng kể, đồng thời giúp phân chia rạch ròi nội dung thành 4 mục chơi chính: Street Race, Offroad, Freestyle, Pro Racing.

Mỗi mục chơi này lại có thêm 3 hay 4 mục chơi nhỏ khác bên trong chờ game thủ tiếp tục khám phá.

Street Race là kiểu đua đường phố truyền thống và cũng được đầu tư kĩ lưỡng nhất với số lượng màn chơi tương đối nhiều.

Offroad là sự tổng hợp của thể loại đua địa hình từ những cuộc đua trong môi trường rộng đến các màn tranh tài trên yên những chiếc cào cào.

The Crew 2 - Đánh Giá Game

Freestyle thiên về những màn ghi điểm bằng kĩ năng thực hiện các pha trình diễn mạo hiểm khi lái máy bay, thuyền hay monster truck (những chiếc xe có bánh khổng lồ thường xuất hiện trong các chương trình truyền hình tại Mĩ).

Còn Pro Racing là tập hợp của những màn đua chính thống trải dài từ thuyền đến đua xe chuyên nghiệp.

Với rất nhiều những “danh mục” như vậy, người chơi chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian cho The Crew 2. Ivory Tower đã khôn khéo phủ kín bản đồ nước Mĩ bằng rất nhiều những hoạt động được “mở khóa” dần khi người chơi gom về cho mình đủ lượng người theo dõi.

Do có quy mô nội dung trải dài, người chơi sẽ được chu du đủ khắp mọi ngóc ngách của bản đồ, cá biệt có màn chơi còn đưa game thủ đi ngang bản đồ và thời gian hoàn thành kỉ lục ở thời điểm này là hơn 30 phút với những siêu xe tốc độ trên 300km/h.

nếu chỉ xét ở khoảng “đất liền” thì The Crew 2 không hoành tráng hơn trước là bao, nhưng việc bổ sung thêm vùng trời và vùng sông nước đã tạo nên những thêm thắt đáng kể

Điều đó cũng đủ để thấy độ rộng của The Crew 2 đáng nể như thế nào!

Như đã đề cập từ bài giới thiệu bản beta, The Crew 2 có rất nhiều phương tiện để người chơi sử dụng.

Điều này không phải bàn cãi khi trải dài từ siêu xe đến các mẫu thông thường, từ máy bay đua đến máy bay dân dụng… Gần như thứ gì có thể “lái” được thì Ivory Tower đều cố mang cho hết vào trong The Crew 2 và thỏa mãn mọi nhu cầu “cầm cương” của game thủ.

BẠN SẼ GHÉT

The Crew 2 - Đánh Giá Game

LẮM LƯỢNG NHƯNG THIẾU “CHẤT”

Không thể phủ nhận rằng mở rộng quy mô là một hành động đáng khích lệ, nhưng trong trường hợp của The Crew 2 thì điều đó có thật sự cần thiết hay không?

Trước hết hãy nhìn qua một tựa game khác của Ubisoft là Tom Clancy Ghost Recon Wildlands, chính việc sở hữu quy mô bản đồ quá lớn khiến cho nhiều khía cạnh khác quan trọng khác không được đầu tư đúng mực, đáng tiếc The Crew 2 cũng đi vào vết xe đổ như thế.

Đầu tiên là ở bản đồ, để tạo nên một nước Mĩ rộng thênh thang từ cao xuống thấp, từ đường lộ ra đến sông ngòi đã khiến Ivory Tower hy sinh kha khá chi tiết mà đáng lẽ phải được chăm chút tỉ mỉ hơn.

Dù rằng đồ họa của The Crew 2 đã được nâng cấp đáng kể, nhưng vẫn chưa thể gọi là đủ khi còn đó quá nhiều chi tiết thô cứng.

Điều này thường không được chú ý kĩ khi đang căng não trong các cuộc đua nhưng rất dễ nhận ra khi người chơi xách xe đi dạo lòng vòng.

Lúc này, những tòa nhà thô cứng, những vân phủ bề mặt chất lượng thấp hiện ra rõ nét góp phần làm “chướng mắt” người chơi.

Quy mô của bản đồ cũng buộc hãng phải hy sinh cả tương tác vật lí để cho game có thể vận hành ổn định.

Kết quả là những phương tiện trong game khi va chạm lại giống như những món đồ chơi chạm nhau mà chẳng có chút sứt mẻ nào, với những màn lái máy bay “nhựa” chính là đỉnh điểm của hệ thống vật lí có cũng như không của The Crew 2.

Những vết xước khi va chạm cũng được thực hiện hời hợt khi chỉ có đúng vài kiểu hình rồi áp vào hết từ mô hình này đến mô hình khác, đến mức người chơi phải lắc đầu ngán ngẩm.

Đó là còn chưa kể những vật thể như hàng rào, cột điện… bị gãy thành từng đoạn cực kì giả tạo, tương tự như Watch Dogs của 5 năm về trước.

Tiếp đến, The Crew 2 lại gặp vấn đề ở chính các chế độ chơi mà game mang tới, khi có quá nhiều những thể loại khác nhau thì khó mà chỉn chu hết được, dẫn đến dù có rất nhiều những hoạt động nhưng đáng để nhớ thì chỉ đếm trên đầu một bàn tay, phần còn lại toàn là những màn tranh tài na ná nhau theo một khuôn mẫu từ đầu đến cuối.

Nhiều phương tiện cũng lại nảy sinh tiếp vấn đề đó là không thể chăm chút toàn diện cảm giác lái của từng chiếc một, sự khác nhau có chăng chỉ nằm ở tốc độ còn những đặc điểm riêng biệt thì hầu như không thể cảm nhận được.

để tạo nên một nước Mĩ rộng thênh thang từ cao xuống thấp, từ đường lộ ra đến sông ngòi đã khiến Ivory Tower “hy sinh” kha khá chi tiết mà đáng lẽ phải được chăm chút tỉ mỉ hơn

Liệu bạn có thể chấp nhận những siêu xe đường phố như Lamborghini Veneno, Ferrari LaFerrari lại có cảm giác lái tương tự như một chiến mã đường đua như Pagani Zonda R không? 

Chắc chắn là khó chấp nhận rồi nếu bạn là một tín đồ của game đua xe.

Tính năng nâng cấp một lần nữa thể hiện rằng quy mô quá lớn đã làm hại chính Ivory Tower khi không hề mang đến một bài toán nào để người chơi phải nghiền ngẫm.

Mỗi khi hoàn thành một màn chơi, những nâng cấp ngẫu nhiên sẽ rớt ra với những màu khác nhau với xanh lá là bình thường, xanh dương là “xịn” và hồng là “cực xịn”.

Nhưng điều này chẳng có nghĩa lý gì khi món nào có chỉ số cao hơn cứ đắp thẳng vào là được, còn xịn thì cũng chỉ tăng nhẹ một vài chỉ số nào đó chẳng đáng kể.

Vậy nên chẳng việc gì phải đau đầu suy nghĩ xem món nào là phù hợp, còn món nào không, dù mỗi phương tiện trong game có đến 7 bộ phận có thể nâng cấp được.


The Crew 2 - Đánh Giá Game

NHỮNG KẺ LẮM CHUYỆN!

Nếu như The Crew cố gắng nghiêm túc hóa bằng nội dung hơi hướng “hình sự” và thất bại không thể thảm hại hơn, thì người kế nhiệm đã thẳng tay loại bỏ những ân oán giang hồ, mà thay vào đó là chương trình truyền hình đem đến cơ hội đổi đời cho các tay đua.

Việc thay đổi này cũng nhằm đơn giản hóa lại phần nội dung vốn đã tệ và chỉ để làm nền cho phần đua xe, hơn là truyền tải một câu chuyện đáng nhớ.

Ý đồ của Ivory Tower có thể nhận ra rất rõ ràng khi muốn game thủ chẳng cần để tâm đến nội dung, nhưng cách thực hiện thì thảm hại lần hai và mang lại bực mình còn nhiều hơn trước.

Điều đó được cụ thể hóa bằng việc ở mỗi mục chơi lớn sẽ có một nhân vật nào đó thực hiện công việc “dẫn dắt” các tay đua, chắc chẳng ai thèm nhớ tên của những người này, nhưng độ phiền phức mà họ đem lại thì vô đối vì khoản “nói nhiều”.

The Crew 2

Cứ mỗi lần chuẩn bị bước vào màn chơi là lại vang lên tiếng lải nhải của các nhân vật này, vấn đề họ nói thì trải dài từ Đông sang Tây nhưng chẳng có lấy một điểm nhấn.

Câu từ được thốt ra toàn “đao to búa lớn”, nói về chân lý lái xe, cảm giác lái, luật lệ… nhưng ai mà chịu nổi vì tất cả chỉ khiến người chơi mất thời gian?

Nói một cách hơi châm biếm đó là phải có sự kiên nhẫn thuộc hàng “vô địch” mới không nổi cáu với kiểu thuyết giảng dông dài của The Crew 2.

Tệ hơn nữa là khi game buộc bạn phải nghe cho hết mới có thể tiến vào khu vực bắt đầu màn đua chứ không thể bỏ qua được.

Cứ mỗi lần chuẩn bị bước vào màn chơi là lại vang lên tiếng lải nhải của mấy nhân vật này, vấn đề họ nói thì trải dài từ Đông sang Tây nhưng chẳng có lấy một điểm nhấn

Đối với người viết, vào trình đơn tắt luôn phần âm thanh cho giọng nói là quyết định sáng suốt nhất trần đời.

Quay về vấn đề chính, The Crew 2 có thật sự cần phải “làm khổ” người chơi và cố gồng mình tỏ ra “sâu sắc” như thế khi cốt truyện đã được giản lược bớt đi hay không?

Tại sao không nhìn sang một trường hợp tương tự như dòng Forza Horizon để thấy được cái nào mới là cái người chơi cần?

Ivory Tower và Ubisoft chắc chắn cần phải ngồi lại với nhau cho thật kĩ nếu không muốn The Crew 3 tiếp tục sa lầy…


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Ivory Tower
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Đua xe
  • Ngày ra mắt: 29/06/2018
  • Hệ máy: PC, Xbox One, PS4

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 SP1, 8.1, 10
  • CPU: Intel Core i5-2400s @ 2.5 GHz or AMD FX-6100 @ 3.3 GHz
  • RAM: 8 GB
  • VGA: NVIDIA GeForce GTX 660 or AMD HD 7870
  • HDD: 25 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel i7-4790
  • RAM: 16GB
  • VGA : GIGABYTE RTX 2070 Windforce 8GB
  • HDD: Western Blue 1 TB 7200 rpm

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT – CHƠI TRÊN HỆ PC

7.0

Mở rộng quy mô luôn là điều tốt và đáng để khen ngợi, nhưng không phải lúc nào cũng tốt, nhất là khi nền tảng chưa vững. Với The Crew 2, Ubisoft lại có thêm một tấm gương điển hình nữa sau trường hợp của sản phẩm gần nhất là Tom Clancy Ghost Recon Wildlands khi quá chú trọng số lượng mà bỏ quên chất lượng.



Hiện tại The Crew 2 vẫn còn thời gian để tạo thiện cảm với game thủ trước khi Forza Horizon 4 xuất quân.



Còn về tương lại, dòng game này thật sự cần một cuộc cách mạng và làm mới bản thân nếu không muốn tiếp tục trở thành một sản phẩm thất vọng nữa.