The Invincible – Có một cái gì đó rất đặc biệt về các sản phẩm khoa học viễn tưởng thế kỉ 20. Kỷ nguyên nguyên tử là một giai đoạn của những phép màu về công nghệ, và tư tưởng con người dường như không thể nào bắt kịp những thay đổi về công nghệ. Nhưng bên cạnh tiện nghi cao cũng là những hiểm họa khó lường về vũ khí hạt nhân và chính những chân trời công nghệ mới, khi giờ đây con người không còn phải đối đầu với tự nhiên và với nhau nữa, họ còn phải đối mặt với vũ trụ và những trí thông minh nhân tạo không bị gò bó bởi giới hạn cơ thể con người.
Có lẽ vì thế nên có rất nhiều game được chuyển thể từ các tác phẩm trong giai đoạn kỷ nguyên nguyên tử. Dù có rất nhiều sản phẩm theo chủ đề Raygun Gothic / Atompunk diễn ra xuyên suốt thời kì Chiến tranh Lạnh, thế nhưng tiếc thay, điểm nhìn của khối Xã hội Chủ nghĩa dường như lại ít được nhắc đến, và chỉ tập trung ở các nước tư bản Bắc Mỹ, Tây Âu hoặc Nhật Bản. Và đây là một điều đáng tiếc vì các quốc gia Đông Âu trong thời kì này có rất nhiều sản phẩm khoa học viễn tưởng xuất sắc, và rất hiếm được chuyển thể thành game!
Một trong số tác giả của những sản phẩm xuất sắc đó là nhà văn Ba Lan huyền thoại – Stanislaw Lem, một trong những “cây đại thụ” của nền văn học Đông Âu nói chung và thể loại khoa học viễn tưởng nói riêng, với các tác phẩm khoa học viễn tưởng “cứng” đầy thử thách như The Cyberaid, Eden, Summa Technologiea và đặc biệt nhất là hai tiểu thuyết lớn: Solaris và The Invincible (đã được xuất bản tiếng Việt dưới cái tên “Con Tàu Bất Bại”)
Một trong những lý do khiến cho các tác phẩm của ông ít được chuyển thể như vậy là vì sự phức tạp, công nghệ đặc thù và những câu chuyện triết lý tới ngộp thở của ông rất khỏ để truyền tải bên ngoài câu chữ, và đôi khi phải cần đến những nhà làm phim đại tài như Andrei Tarkovsky hay Ryusuke Hamaguchi để chuyển thể thành công một tác phẩm của ông, ví dụ điển hình là Solaris.
Tuy nhiên, điều này không hề cho các nhà làm game của đội ngũ Starward Industries nhụt chí, khi họ đã quyết tâm chuyển thể tiểu thuyết du hành không gian kì bí – The Invincible, thành một tựa game và câu chuyện của riêng họ.
Vậy đội ngũ “newbie” (tân binh) này có thành công trong việc chuyển thể một tác phẩm khó như vậy?
Hãy cùng Vietgame.asia mặc bộ đồ phi hành gia lên và du ngoạn tới hành tinh Regis-III để khám phá những gì đã xảy ra ở đây trong The Invincible, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Chân trời cuối cùng
Người chơi sẽ theo chân Yasna, một nhà sinh vật học vũ trụ thám hiểm không gian cùng phi hành đoàn của tàu Dragonfly. Cô và đồng đội sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã lên đường trở về, nhưng giấc ngủ đông của cô bị gián đoạn đột ngột và tỉnh dậy trên một hành tinh sa mạc kỳ lạ có tên Regis-III. Mọi người mất tích, chỉ còn lại Yasna, thế là một cuộc thám hiểm truy tìm các đồng đội cũ và chân tướng sự thật bắt đầu.
Khác với cuốn sách, tựa game The Invincible không nói về… con tàu Invincible, mà là những sự kiện trước khi nó hạ cánh xuống Regis-III, cụ thể hơn là giúp người chơi hiểu được hơn về những sự kiện diễn ra xung quanh con tàu Condor. Bằng cách này, tựa game The Invincible đã khá khéo léo trong việc… né những chủ đề nhân sinh quan khó nhằn mà quyển sách đụng đến, mà thay vào đó chỉ tập trung vào việc xây dựng thế giới game.
Những tổ chức vốn không được nhắc đến trong quyển sách như The Confederate hay The Commonwealth được đội ngũ Starward Industries thêm vào game, để đóng vai trò bổ trợ cho câu chuyện lẫn người chơi.
Tựa game đóng vai trò như tiền truyện cho quyển sách cũng có nghĩa là cốt truyện của The Invincible dành kha khá thời gian giới thiệu và thêm thắt những yếu tố “làm nền” cho những tình tiết quan trọng diễn ra trong sách, ví dụ như quân đoàn vi máy, những con robot khổng lồ bí ẩn và những đoàn phi hành gia tới trước cả tàu Dragonfly và Invincible.
Dẫu là vậy, người chơi không nhất thiết phải đọc qua tác phẩm gốc của Stanislaw Lem để có thể “cảm” được hết cốt truyện. Game cũng dành rất nhiều thời gian xây dựng Yasna và những nhân vật phụ khác xuyên suốt Regis-III, duy trì một mạch bí ẩn rất nhất quán và một câu chuyện trọn vẹn cho cô.
Từ những cuộc đối thoại vô cùng tự nhiên với cấp trên và những độc thoại nội tâm được biên soạn hợp lý và kỹ lưỡng, Yasna bật lên như một nhân vật quyết đoán, hiếu kỳ và vô cùng đáng mến, và chỉ riêng điều đó đã khiến cho chuyến phiêu lưu của cô trở nên vô cùng thú vị với bất cứ người chơi nào.
Việc Yasna quyết đoán và có tính cách rõ ràng như vậy còn khiến cho các lựa chọn cốt truyện trong game đặc biệt có sức nặng. The Invincible sẽ có tới… 11 cái kết, tùy vào cách người chơi tiếp cận câu chuyện.
Điều này có vẻ ngộp, nhưng đây là một lối tiếp cận tương đối tài tình, biến câu chuyện game kể thành câu chuyện của riêng người chơi, nhưng vẫn củng cố thêm cho sự bí ẩn mà Rohan cùng phi hành đoàn tàu Invincible gặp phải trong tiểu thuyết.
Nhưng để làm tốt phần dẫn truyện như vậy với một tác phẩm giả tưởng “cứng” đầy thô ráp và khô khan như The Invincible, câu chuyện game kể chỉ đóng một phần, phần còn lại là một trải nghiệm nghe-nhìn tuyệt hảo.
Regis-III là một hành tinh sa mạc tuyệt đẹp với những cồn cát đỏ xa vời vợi, những dãy núi gập ghềnh và chân trời trong vắt. Người chơi không chỉ có ngắm cát xuyên suốt game, mà còn được chiêm ngưỡng những công trình bí ẩn, các hang động âm u và những con tàu vũ trụ khác với lối thiết kế đậm chất Atompunk độc đáo!
Những phân đoạn đóng vai trò xây dựng thế giới như tiếp xúc với các con robot kì lạ hay mẫu vật bí ẩn được hoạt họa chi tiết và kỹ lưỡng, vậy nên dù game có cơ chế tương tác vô cùng hạn chế, phần nghe nhìn xuất sắc của game khiến cho người chơi tưởng như mình đang thực sự du hành tới một hành tinh xa lạ.
Phần âm thanh cũng tương đối ấn tượng khi hầu hết các phần lồng tiếng của các nhân vật đều chỉn chu và rất có hồn, đặc biệt là nhân vật chính Yasna – từ giọng nói của cô, chúng ta có thể thấy được một tinh thần khám phá và trí tò mò bất tận, nhưng vẫn có một sự dè chừng và tỉnh táo. Các nhân vật khác cũng “đốp chát” lại Yasna một cách vô cùng tự nhiên, và tạo nên một không khí sôi nổi xuyên suốt game.
Âm nhạc của game được soạn bởi Brunon Lubas, và âm nhạc tựa game này cũng tạo không khí tốt như một tựa game khác anh từng soạn: Vampire: The Masquerade – Coteries of New York.
Âm nhạc của The Invincible là một sự kết hợp rất hài hòa giữa nhạc techno hiện đại, nhạc thính phòng du dương, cũng như âm hưởng từ nhạc phim khoa học viễn tưởng Đông Âu như Stalker hay Solaris, để tạo ra một không khí vừa thần kỳ, vừa kỳ bí cho những bước đi của Yasna trên Regis-III.
dù game có cơ chế tương tác vô cùng hạn chế, phần nghe nhìn xuất sắc của game khiến cho người chơi tưởng như mình đang thực sự du hành tới một hành tinh xa lạ
BẠN SẼ GHÉT
Những bước đi dài
Xuyên suốt game, Yasna tương tác rất ít với môi trường, và chính xác là các cơ chế của game chỉ dừng lại ở: đi lại, nhìn và trả lời đối thoại. Game gần như không có phân đoạn nào có thể gọi là một “câu đố” ra hồn, chủ yếu cho có, thay vào đó chỉ dồn toàn lực vào việc giúp đỡ người chơi trải nghiệm thế giới qua hình ảnh và cốt truyện của game tốt nhất có thể.
Tinh thần là thế, nhưng việc quá tối giản trong tương tác khiến cho người chơi cảm thấy… chán!
Trên lý thuyết, thì lối tiếp cận này để cốt truyện game luôn được truyền tải một cách liền mạch trong quá trình người chơi khám phá, nhưng người viết luôn cảm thấy tiếc vì một số phân đoạn nhất định sẽ hay hơn nếu Yasna được tham gia tương tác với môi trường tốt hơn, như những cuộc đụng độ với những con robot kì lạ, hay những mini-game nhất định để khiến người chơi được nhập tâm vào thế giới của The Invincible hơn.
Yasna tương tác rất ít với môi trường, và chính xác là các cơ chế của game chỉ dừng lại ở: đi lại, nhìn và trả lời đối thoại