The Last Guardian – “Đôi cánh của cậu gãy rồi sao?”. Lời nói của cậu bé vô danh vang lên, thì thầm với sinh vật mang tên Trico.
Đoạn trailer ngắn ấy của The Last Guardian còn vang vọng trong tâm trí của người viết cho tới giờ, hứa hẹn mang tới một cuộc hành trình khó quên và cảm động của cậu bé vô danh và sinh vật kia.
Quay ngược về quá khứ một chút, The Last Guardian lần đầu được giới thiệu nhưng với cái tên khác: “Project Trico”.
Trò chơi vào thời điểm ấy đã khiến bao người tò mò liệu rằng nó có thể sánh được với những đàn anh trước là ICO và Shadow of The Colossus.
Tưởng chừng, The Last Guardian sẽ được ra mắt vào thời điểm hoàng kim năm ấy, thế nhưng giới hạn về mặt phần cứng đã không cho phép trò chơi “thành hình thành cánh”.
Bẵng đi một thời gian dài sau đó, trò chơi vẫn tiếp tục im lặng, và sau đó genDESIGN bất ngờ đã tung ra một đoạn trailer cho thấy sự cải tiến về đồ hoạ dành cho PS3 cùng một vài phân đoạn mới làm tiếp tục dấy lên hy vọng về quá trình phát triển của The Last Guardian…
Và rồi một lần nữa và trớ trêu thay, The Last Guardian lại tiếp tục biến mất, cùng với đó là hàng loạt lời đồn đoán rằng trò chơi đã bị hủy bỏ.
Một thời gian rất dài sau đấy, tưởng chừng niềm hy vọng đã vỡ tan.
Vào kỳ E3 2015, Sony bất ngờ làm “nổ tung” khán đài với sự mở màn không thể nào tốt hơn: The Last Guardian – và lần này, họ tự tin rằng trò chơi đã trở lại thật sự.
Người hâm mộ lại tiếp tục hy vọng rằng không biết nên tin lấy con số mỏng manh: “Phát hành vào năm 2016” này nữa hay không?
Sự chờ đợi đan xen háo hức và không kém phần lo lắng về số phận phát triển của The Last Guardian.
Và rồi, may mắn thay, trò chơi chính thức công bố thời điểm ra mắt.
Và cứ thế người viết cứ chờ đợi, thời điểm ấy cũng đã tới, trên tay người viết lúc đó còn rung rung với bộ Collector’s Edition của The Last Guardian.
Ngâm mình trong các bản nhạc sâu lắng và rất ư là mời gọi, đầy tính trữ tình, đắm mình trong hàng loạt giờ chơi cùng với The Last Guardian để giờ đây sẵn sàng mời gọi bạn đọc cùng Vietgame.asia bước chân vào bài đánh giá của The Last Guardian.
Liệu rằng, trò chơi có xứng đáng với sự kì vọng và chờ đợi suốt gần 10 năm phát triển hay không?
BẠN SẼ THÍCH
KHI HAI NGƯỜI DƯNG TRỞ THÀNH BẠN ĐỒNG HÀNH…
Khởi đầu của The Last Guardian khá lạ lùng, người chơi sẽ không được gợi nhắc một chút gì về việc mình sẽ phải làm gì.
Tất cả đều dựa vào cảm tính để biết đường mà đi, để đối phó và cảm nhận sự xa lạ ban đầu giữa hai nhân vật để rồi dần phát triển một cách tự nhiên, gắn kết một cách thần kì giữa người chơi với hai người bạn ấy.
Sâu sắc hơn, người chơi sẽ dần cảm thấy lo lắng bồi hồi, cố gắng cứu mạng sống của cả hai một cách tự nhiên nhất ở rất nhiều phân đoạn trong The Last Guardian, thông qua đó đẩy mạnh thông điệp mạnh mẽ về tình bạn trong cuộc hành trình bất đắc dĩ của hai “kẻ” xa lạ.
The Last Guardian sở hữu trong mình một lối chơi đậm màu của sự phối hợp: “Khi bạn không thể giải quyết vấn đề một mình thì hãy nên nhớ rằng còn có một người đồng hành luôn bên bạn”.
Trò chơi sở hữu tinh hoa có chọn lọc giữa hai tượng đài ICO và Shadow of the Colossus.
Bạn sẽ được leo lên trên người Trico như Shadow of the Colossus, hướng dẫn và đồng hành cùng Trico trong suốt chiều dài của The Last Guardian như ICO.
Đã không biết bao nhiêu lần, người viết bị The Last Guardian “đánh lừa” tới mức phát bực để rồi phải “Ồ” lên trông thấy, gật gù khen ngợi cái cách mà The Last Guardian tạo dựng nên tình huống để giải đố, giải quyết một tình huống thông qua lối chơi phối hợp vô cùng nhuần nhuyễn, đa dạng để vắt não người chơi và cũng không kém phần thú vị và thoả mãn sau những phân đoạn gai góc ấy.
Và đó là nơi để The Last Guardian tiếp tục tỏa sáng: giải đố và tìm đường.
Các câu đố trong The Last Guardian thực chất không hề khó nhưng “đánh lừa” người chơi rất tốt!
Cái hay trong việc đánh đố và giải đố chính là việc The Last Guardian không hề hiển thị bất kì gợi ý nào!
Khi người chơi kẹt lắm thì có một giọng nói vang lên kiểu nôm na rằng “bạn không thể kẹt ở đây mãi được”, “bạn có một người bạn đồng hành tuyệt vời”… Buộc lòng bạn phải để ý kĩ tới môi trường và nghĩ tới những tình huống khác nhau nhằm “thử” để xem có tí hy vọng nào để qua màn không.
Bởi những gì được sắp đặt trong một màn giải đố đều có ý nghĩa của nó cả, cho nên lời khuyên chân thành của người viết dành cho bạn đọc, đó là hãy giữ một cái đầu tỉnh táo, bình tĩnh và đừng suy nghĩ phức tạp đối với các câu đố mà The Last Guardian bày vẽ ra.
Chúng được nhào nặn một cách tinh tế, logic và sáng tạo nhờ vào lối thiết kế màn chơi thông minh, lắt léo cũng như biết cách vận dụng môi trường để làm nên sân chơi đánh đố, thách thức người chơi khám phá thế giới của The Last Guardian.
Các câu đố của The Last Guardian trải đều và đa dạng nhất có thể, từ dùng chiều cao của Trico để lên chỗ cao hơn, dùng đuôi của Trico bắn “la de” mở đường hay dùng tới cả mực nước dâng cao lên xuống, cho tới cả việc gọi Trico nhún nhảy, đập đất cũng trở thành một yếu tố để giải đố.
Các câu đố trong The Last Guardian thực chất không hề khó nhưng đánh lừa người chơi rất tốt
Bên cạnh đấy, người viết cũng khá ngạc nhiên khi diễn biến của The Last Guardian được thực hiện khá tốt và rất là đa dạng.
Nhiều trường đoạn gây cấn khiến người chơi đôi khi gặp phải những tình huống bất khả kháng như phải chạy trốn khỏi toán lính vì bản thân cậu bé không có khả năng tự vệ, nhưng đồng thời vẫn phải nhanh chóng mở cửa để Trico vào giúp mình, hay đào thoát khỏi những phân đoạn màn chơi sụp đổ thường thấy ở những tựa game như Rise Of The Tomb Raider hay Uncharted 4: A Thief’s End, có điều được đẩy cao sự khốc liệt hơn vì phải phối hợp với Trico.
Chưa hết, đôi khi chúng còn đan xen với những pha leo trèo thót tim, cùng các tình huống giải đố tìm đường một cách gấp gáp làm tăng sự căng thẳng, nhưng đều khiến người chơi thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua.
Khả năng dẫn dắt câu chuyện và tình tiết chặt chẽ, cuốn hút từ đầu tới cuối, không nhiều lời thoại, không nhiều đoạn cắt cảnh, và để tạo nên hiệu quả trong tâm lý người chơi, sẽ cực kì thiếu sót nếu không nhắc tới Trico – nhân tố rất lớn để tạo ra một trò chơi độc đáo nhất từ trước tới nay mà chưa có một trò chơi nào mang lại được cảm giác như The Last Guardian!
Khi bước chân vào The Last Guardian và được trải nghiệm, chạm bước cùng Trico, người chơi mới nhận thấy việc điều khiển và chỉ dạy Trico là một việc làm cực kì thú vị và có phần rất ư là dễ thương!
Ở những trò chơi khác, khi các sinh vật to lớn thường là những “món ăn” để người chơi “tẩm bột”, thì trong The Last Guardian, người chơi lần đầu tiên có được một người bạn đồng hành là một sinh vật khổng lồ để cùng chiến đấu và giải đố.
Hành động và biểu cảm của Trico là yếu tố làm nổi bật sự trưởng thành và kết nối, phát triển tính cách của chính người chơi dành cho nó, từ đấy tạo ra chất xúc tác trong việc thúc đẩy cảm xúc và câu chuyện của The Last Guardian.
Trico rất thật, đôi khi lại có những hành động vô cùng dễ thương.
Ví như khi bước ra các vũng nước đủ rộng, Trico lăn lộn vài vòng dưới nước vui đùa như một chú cún, sau đó ngồi dậy lặng im phăng phắt, hay thi thoảng gặp bọn lính quỷ, Trico sẽ phóng lại và… đánh đập dã man bọn chúng, rồi sau đó sẽ bị hoảng, buộc lòng người chơi phải xoa diệu tâm lý (leo lên người Trico và bấm giữ nút O vài lần).
Đôi khi Trico lại đòi muốn được xoa đầu, âu yếm hay thi thoảng không nghe lời vì Trico phát hiện… có đồ ăn gần đó!
Hãng genDesign đã rất khéo tay khi tạo ra một Trico rất thật như một con thú nuôi, như một người bạn và là một người bảo vệ cho cậu bé vô danh trong suốt hành trình đầy gian nan vậy.
Để rồi khi tới kết game, người viết hoàn toàn mãn nguyện với những gì mà The Last Guardian mang lại.
Một câu chuyện hay và xúc động giữa hai kẻ xa lạ bỗng trở thành bạn thân bất đắc dĩ, cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khó khăn để rồi để lại nhiều cảm xúc nhờ sự hoà quyện lối chơi, cùng nhiều phân đoạn dễ dàng đi vào lòng người.
HÌNH ÂM CÙNG HÒA QUYỆN
The Last Guardian không sở hữu vân bề mặt chi tiết tầm vóc “next-gen” hay sở hữu những hiệu ứng cháy nổ kinh khủng đầy hào nhoáng, nhưng trò chơi vẫn thể hiện xuất sắc vẻ đẹp của mình mà chỉ khi được thưởng thức, người chơi mới thấy được cảm tình mà đội ngũ genDesign đã gửi gắm vào trong bộ cánh của trò chơi.
Môi trường được thiết kế tỉ mỉ, mọi thứ đều được chăm chút kỹ lưỡng, thế giới trong game được xây dựng rất cuốn hút khiến người viết có cảm giác muốn khám phá hết mọi bí mật tại nơi đấy.
Tuy vân bề mặt ở nhiều phân đoạn còn thô, do thực chất The Last Guardian nguyên gốc là game PS3 được mang lên PS4, với những nâng cấp chủ yếu nằm ở đổ bóng, ánh sáng, hiệu ứng khói bụi, hiệu ứng mặt nước và trên hết là hiệu ứng vật lý của game.
Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua phần âm nhạc của trò chơi.
Âm nhạc của The Last Guardian được viết, dàn dựng, thực hiện, và đồng sản xuất bởi nhạc sĩ Takeshi Furukawa.
Ông cũng đã từng tham gia vào việc thực hiện âm nhạc cùng nhạc sĩ Tommy Kikuchi – đạo diễn âm nhạc cho Shadow of the Colossus huyền thoại một thời!
Chính vì thế, The Last Guardian lại tiếp tục đưa người chơi vào hành trình thú vị, cuốn hút bởi chất nhạc tuyệt diệu không thể nào chê.
thế giới trong game được xây dựng rất cuốn hút khiến người viết có cảm giác muốn khám phá hết mọi bí mật tại nơi đấy
Hầu như mọi vật thể trong game đều được áp dụng hiệu ứng vật lý một cách dày đặc.
Ví dụ như khi bọn lính bị “đập”, giáp của chúng văng vụn mọi nơi và những mảnh vụn không biến mất đi, hay từng cọng lông trên người Trico bị tác động bởi môi trường như tung bay trong gió, cho tới rũ rượi khi dính vô nước.
Những viên đá, viên gạch bị tác động bởi lực đi của Trico hay những thảm cỏ xanh lung lay theo gió và tản ra khi cậu bé hoặc Trico bước giữa chúng.
Thế nhưng, điểm đáng khen ngợi nhất chính là chuyển động và cảm xúc của Trico.
Người chơi có thể thấy rõ được cử chỉ khuôn mặt của Trico khi tỏ ra lo lắng, giận dữ, đau khổ, buồn bã cho tới sự ngây thơ đến đáng yêu không ngờ!
Và cũng nhờ thế, Trico đã góp công cực lớn nhằm thổi hồn không chỉ cho câu chuyện, cho lối chơi mà còn cả đồ hoạ.
Chuyển động tỉ mỉ của cậu bé cũng là một điểm đáng để mắt, từ động tác chạy vật vã, lén lút cho tới mém ngã rồi thụt lùi, hay khi tay bám vào Trico khi đứng sát… tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận.
Đặc biệt, âm nhạc được lồng ghép rất khéo léo nhằm đưa người chơi theo các tình tiết gấp gáp lo sợ, đôi khi lại rất mùi mẫn và lắng đọng chan hoà bao cảm xúc, đẩy mạnh cao trào một cách hoành tráng nhất, hợp lý chọn lựa tiết tấu nhằm thăng hoa hơn, tạo ra được sự xúc tác trong cách cảm của The Last Guardian tới người chơi.
Đôi khi người viết chỉ muốn dừng lại, nghe chút nhạc dịu êm của The Last Guardian trước khi tiếp tục cuộc hành trình của đôi bạn cùng tiến này.
Chính vì nhờ “bộ sậu” này, The Last Guardian ngày càng hoàn hảo hơn trong lòng người viết.
Cái chất mà The Last Guardian mang lại đẹp theo một khía cạnh cảm nhiều hơn là nhìn, nhờ thế lại lắng đọng, sâu lắng khi hoàn thành trò chơi.
Một cảm giác rất tuyệt vời, ngọt ngào mà nhớ mãi khó quên.
BẠN SẼ GHÉT
NHỮNG TỒN ĐỌNG KHÔNG ĐÁNG CÓ
The Last Guardian là một trò chơi rất hay, chứa chan nhiều tình cảm yêu thương trong lối chơi, câu chuyện và cả hình lẫn âm đều hoà quyện một cách tự nhiên nhất có thể.
Tuy nhiên, tương tự như ICO lẫn Shadow of The Colossus, The Last Guardian vẫn bị “dính chưởng” bởi hai yếu tố: lối điều khiển (control) và góc nhìn (camera).
Nếu bạn muốn thưởng thức The Last Guardian một cách bình tĩnh nhất, thì bạn buộc lòng phải tập làm quen với camera có khả năng “điên loạn” khi lọt vào góc kẹt, đôi khi khoái “tự động ngắm” để khiến nhiều lần người viết trớ trêu rơi rớt hoặc vật lộn để nhìn đường đi tiếp.
Khuyết điểm tiếp theo lại nằm ở cung cách điều khiển cậu bé của chúng ta.
Hình như hãng phát triển game rất thích tạo ra “độ trễ” (input lag) đi kèm sự chuyển động chi tiết của cậu bé, để rồi có cực kì nhiều tình huống khiến người chơi phát bực, như ở một màn chơi, khi cậu bé phải tách khỏi Trico để tìm cách đẩy hai cục chướng ngại vật ngay trước mắt, buộc cậu bé leo trèo và nhảy từ chỗ này sang chỗ khác.
Người viết đã bị “rơi rớt” cả chục lần (nói không quá đâu!) chỉ vì cái độ trễ kì lạ và khả năng bám vách không được tốt lắm của cậu bé, cho dù ở nhiều phân đoạn khác cậu bé vẫn “nhận dạng” tốt các vật để bám!
Đồ hoạ của game tuy khá đẹp, hoàng tráng nhưng thường xuyên bị sụt khung hình nhất là trên phiên bản PS4 thường.
Khung hình nhiều khi trở nên khá tệ hại vì có quá nhiều chuyển động, vật thể nằm chi chít trong màn chơi, mà thật ra nếu bạn từng chơi ICO hay Shadow of The Colossus trên PS2 khi xưa thì cũng… không thấy có gì lạ lắm!
The Last Guardian vẫn bị “dính chưởng” bởi hai yếu tố: lối điều khiển (control) và góc nhìn (camera)
THÔNG TIN
- Sản xuất: genDESIGN, SIE Japan Studio
- Phát hành: Sony Interactive Entertainment
- Thể loại: Phiêu lưu
- Ngày ra mắt: 06/12/2016
- Hệ máy: PlayStation 4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SONY INTERACTIVE ENTERTAINMENT – CHƠI TRÊN HỆ PLAYSTATION 4