This Is the President – Có nguồn gốc từ thương hiệu This Is The Police và Rebel Cops của THQ Nordic, This Is the President được trình làng cách đây không lâu tiếp tục đem đến mảng giả lập quản lý và chiến thuật quen thuộc.
Tuy nhiên, thay vì tiếp tục xây dựng nên đề tài cảnh sát – tội phạm, trò chơi lần này giới thiệu đến mô hình “giả lập chính trị” (political sim) kết hợp tiểu thuyết trực quan, xoay quanh một nhân vật bí ấn vừa được đắc cử chức Tổng thống của Hoa Kỳ.
Và cứ thế, This Is the President dần hé lộ đến người chơi nhiều góc tối, những câu truyện đáng sợ đằng sau cái bóng của các thế lực tối cao.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất là liệu trò chơi có thể truyền tải một cách trọn vẹn nội dung lẫn trải nghiệm này đến người chơi?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau nhé!
BẠN SẼ THÍCH
NHẬP VAI TAY TỔNG THỐNG GIAN XẢO!
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2020, bạn bất ngờ được bầu làm Tổng thống của Hoa Kỳ sau một thời gian dài tranh cử với tay Tổng thống suy đồi trước đó.
Người chơi sẽ có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề quốc gia, tham gia cuộc họp báo, ngoại giao với các nước láng giềng, ký kết tài liệu và tạo ấn tượng trước công chúng bằng cách đăng vài dòng ngẫu hứng trên trang Twitter cá nhân.
Nhưng đấy chỉ là bề nổi, bởi ở đằng sau, nhân vật chính của ta là… một tay doanh nhân mờ ám với lịch sử đen tối, và cái chức Tổng thống đây là “chìa khóa” để Tu chính án 28 (Amendment 28) được phê chuẩn, cho phép nhân vật chính được hưởng một vé… miễn đi tù trọn đời.
Chính trị là một đề tài không mấy mới lạ trong trò chơi điện tử, nhưng thay vì theo đuổi một thế giới mang tính tổng quan hơn, ví dụ các tựa game thịnh hành hiện nay như Sid Meier’s Civilization hay Crusader Kings, mô hình nhấp thả, chọn đáp án kết hợp cùng cơ chế quản lý tài nguyên của This Is the President lại có phần đơn giản, dễ tiếp cận hơn và đặc biệt thích hợp với người chơi ưa thích thể loại tiểu thuyết trực quan (Visual Novel).
Và chính SuperPAC, nhóm phát triển đứng sau trò chơi cũng đã làm rất tốt trong việc truyền tải văn hóa chính trị trong game, những thứ nội dung tưởng chừng như vô cùng khô khan lại được trình bày một cách thuyết phục, từng mục tiêu gắn liền với tuyến truyện được chia nhỏ cho dễ tiếp thu mặc cho lượng nội dung dày đặc của trò chơi.
Mỗi mục tiêu này tiếp tục được chia thành rất nhiều nhiệm vụ khác nhau, dưới dạng một vấn đề nhỏ. Công việc của người chơi chủ yếu là đọc mô tả và cử cấp dưới của mình đi xử lý, một số cũng sẽ yêu cầu bạn đưa ra hành động, trực tiếp chỉ đạo họ nên làm gì.
Chưa hết, người chơi phải chọn đúng người cho công việc, ví dụ như liên quan đến truyền thông, bạn sẽ cần một tay phóng viên chuyên nghiệp, trong khi các nhiệm vụ “tay chân” khác như ám sát, bảo vệ thì cần vệ sĩ, sát thủ, hoặc nếu sáng tạo hơn thì một tay hacker có thể điều khiển máy bay gắn bom cũng được.
Cụ thể hơn là trong “Courting the Elites”, người chơi sẽ cần tổ chức một buổi họp báo bí mật với giới thượng lưu để thu hút đầu tư, lúc này phương án tốt nhất là chỉ định một tay phóng viên và vệ sĩ cho nhiệm vụ.
Qua mỗi lần thành công, người chơi sẽ được thưởng thêm lượt ủng hộ, đôi lúc là thêm một lượng thu nhập cố định hàng tháng. Ngược lại, nếu thất bại thì lượt ủng hộ sẽ bị trừ khá mạnh tay.
Gần giữa game, trò chơi sẽ có xu hướng khó dần bằng cách giảm bớt các lựa chọn “an toàn”, thay bằng những hành động rủi ro hơn như trừ khử kẻ địch, tống tiền, mua chuộc, rất dễ ảnh hưởng đến độ căng thẳng của cấp dưới.
Qua đó mà người chơi sẽ liên tục bị thử thách bởi những vấn đề hóc búa, các lựa chọn hầu hết là sẽ gây bất lợi về sau.
Nhìn chung phần lớn nhiệm vụ trong This Is the President chỉ xoay quanh việc đọc mô tả, cử tay sai đi xử lý vấn đề, nhưng với số lượng vô cùng đồ sộ, được xây dựng tương đối hợp lý và dàn trải đều xuyên suốt mạch truyện, trò chơi có thể dễ dàng bồi đắp nên cảm giác căng thẳng, kịch tính, qua đó mà cuốn hút bạn trải nghiệm suốt vài giờ đồng hồ liền.
người chơi sẽ liên tục bị thử thách bởi những vấn đề hóc búa, các lựa chọn hầu hết là sẽ gây bất lợi về sau.
MẢNG QUẢN LÝ CÂN NÃO
Phần quản lý của This Is the President xoay quanh ba loại tài nguyên chính là tiền, lượt ủng hộ và nhân sự.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng xuyên suốt quá trình chơi, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều vấn đề phiền toái, phát sinh một cách bất chợt, buộc người chơi phải liên tục “vật lộn” trong việc cân bằng chúng.
Ngoài việc cần phải trả lương, thưởng thêm vào ngày lễ bằng lượng tiền hạn hẹp của mình, cấp dưới của người chơi sẽ đôi lúc đưa ra những yêu cầu cá nhân, khởi đầu bằng việc tăng lương, mượn tiền, thăng chức.
Về sau, khi lượng nhân viên tăng, các yêu cầu này sẽ dần trở nên đa dạng và lắt léo hơn nhiều, đôi lúc cũng có phần khá vô lý, ví dụ khi bạn tăng lương cho tên luật sư Clint, một thời gian sau, những tên cấp dưới khác sẽ lấy cớ đó mà đòi tăng lương, hoặc một lượng tiền thưởng khổng lồ.
Một trường hợp khác là khi bạn vô tình cử đúng hai tên không ưa nhau cho một nhiệm vụ, căng thẳng giữa họ sẽ dần leo thang, đến một thời điểm bạn buộc phải sa thải một trong hai.
Điểm đáng lưu ý là This Is the President sở hữu dàn tay sai khá hạn chế, nên việc “lỡ tay” để họ nghỉ việc sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng không đủ người cho nhiệm vụ, từ đó mà vô tình rước thêm cả đống rắc rối về sau.
Nhìn chung thì mảng quản lý “thưởng ít, phạt nhiều” này không cho bạn nhiều lựa chọn để cân bằng mọi thứ, một là hi sinh tiền bạc, lượt ủng hộ, hai là bạn phải chấp nhận buông bỏ một loạt tài nguyên quý giá khác.
Nhờ thế mà từng lựa chọn trong game đều trở nên có chiều sâu, mang tính lựa chọn, chiến thuật nhiều hơn là chỉ đơn thuần đúng/sai.
từng lựa chọn trong game đều trở nên có chiều sâu, mang tính lựa chọn, chiến thuật nhiều hơn là chỉ đơn thuần đúng/sai
BẠN SẼ GHÉT
TUYẾN TRUYỆN RỜI RẠC, KHÓ NẮM BẮT
Kết lại sau gần 15 tiếng đồng hồ chỉ toàn đọc và nhấp thả chuột, tuyến truyện của trò chơi không thực sự đọng lại quá nhiều ấn tượng trong người viết.
Nhưng không có nghĩa tuyến truyện của game tệ, mà ngược lại, This Is the President lại sở hữu tuyến nội dung với những câu truyện chính trị được xây dựng một cách rất bài bản và hấp dẫn.
Vấn đề là câu truyện đang kể dở này không bao giờ đạt đến một cái kết hoàn chỉnh, mặc cho bất kỳ lựa chọn nào từ người chơi.
Đơn cử nhất sự kiện tay biên kịch Ray đe dọa tiết lộ quá khứ của nhân vật chính trong đợt phỏng vấn sắp tới.
Lúc này, lựa chọn tốt nhất bạn có thể đưa ra là trừ khử hẳn và dàn xếp thành một vụ tai nạn nào đấy.
Vậy nếu bạn quyết định làm ngược lại thì sao?
Thì mọi chuyện sẽ bị tiết lộ, lượt ủng hộ của bạn bị giảm xuống và… chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến câu truyện về sau cả!
Những câu truyện hấp dẫn và tưởng chừng như mang tính trọng điểm của This Is the President cứ thế được kể mà chẳng tác động gì nhiều đến tổng thể trò chơi, khiến mạch truyện của game dần bị lu mờ, chẳng để lại ấn tượng gì nhiều trong người chơi.
Một cơ chế khá phiền phức trong lúc trải nghiệm là dạng câu đố “Pop-ups”, đại loại là sẽ có một câu hỏi được đưa ra và bạn chỉ cần trả lời có hoặc không cho từng vấn đề, nếu đúng thì lượt thích sẽ tăng hoặc đôi lúc là được tiền thưởng.
Tuy nhiên, nhiều đáp án của mục này lại vô cùng ngẫu hứng, hoặc nhại theo một sự kiện có thật nào đó thay vì đưa ra manh mối để người chơi có thể suy nghĩ, giải quyết.
Qua đó mà không chỉ khiến vòng lặp đọc hiểu và giải quyết vấn đề của trò chơi trở nên rối rắm mà còn đi kèm theo những hình phạt khá vô duyên gây gián đoạn trải nghiệm.
Những câu truyện hấp dẫn và tưởng chừng như mang tính trọng điểm của This Is the President cứ thế được kể mà chẳng tác động gì nhiều đến tổng thể trò chơi