Skip to content

Tiny Tina’s Wonderlands – Đánh Giá Game

Tiny Tina's Wonderlands

Tiny Tina’s Wonderlands – Tiny Tina luôn được cộng đồng Borderlands coi là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất trong dòng game này, dù cho “cô bé” này chỉ có những vai rất phụ trong hai phiên bản Borderlands “chính” mà cô góp mặt.

Và cũng dễ hiểu thôi, Tina là hiện thân của tất cả mọi dấu ấn nổi bật nhất về thương hiệu Borderlands – một gu hài hước nhanh nhảu miệng và nhiều lúc không biết điểm dừng ở đâu, một tinh thần phiêu lưu bất diệt và sở thích cho mọi thứ nổ tung bằng những cách phô trương và ồn ào nhất có thể, tất cả được nâng đỡ bằng một lòng trắc ẩn sâu sắc và một quá khứ đầy mất mát.

Và qua đó, tình yêu của cộng đồng Borderlands với Tiny Tina rõ ràng nhất qua thành công vang dội của DLC Tiny Tina’s Assault On Dragon’s Keep của Borderlands 2, khi câu chuyện Borderlands quen thuộc được đặt trong một phiên chơi Dungeons ‘n Dragons tô điểm bởi trí tưởng tượng phong phú của Tiny Tina.

Dường như hiểu được điều đó, đội ngũ Gearbox đã phát triển một phần game “ngoại truyện” (spin-off) riêng cho nhân vật đặc biệt này, với tinh thần của bản DLC huyền thoại kia với cái tên Tiny Tina’s Wonderlands, một lần nữa cho người chơi phiêu lưu vào trí tưởng tượng của cô bé… tăng động này.

Hãy cùng Vietgame.asia “lấy giấy và bút” ra để cùng với Tiny Tina chơi Bunkers ‘n Badass một lần nữa trong Tiny Tina’s Wonderlands!

BẠN SẼ THÍCH

Nhiều hơn là một bản mở rộng!

Sau một Borderlands 3 với quá nhiều cải tiến và thay đổi, người viết đã mong đợi Tiny Tina’s Wonderlands như một phiên bản “bình mới rượu cũ” với bối cảnh kì ảo mà thôi.

Nhưng đội ngũ Gearbox đã không hề “chơi an toàn” mà đã thêm vào rất nhiều cải tiến quan trọng trong vòng lặp chơi chính của game.

Trong đó, ba cải tiến quan trọng nhất là Hero Stats (chỉ số nhân vật), phép thuật và vũ khí cận chiến.

Về chỉ số nhân vật, Tiny Tina’s Wonderlands không hề cho người chơi lựa chọn một nhân vật được tạo sẵn mà sẽ tự tạo hẳn một nhân vật riêng (giống các game nhập vai phương Tây) với lối chơi tương đối giống nhau, với lựa chọn bị giới hạn duy nhất là lớp nhân vật, với sáu kĩ năng “tối thượng” riêng biệt.

Điều này đồng nghĩa với các kĩ năng chính của nhân vật sẽ trở nên “dễ hiểu” và đơn giản hơn như tăng sát thương súng, tốc độ di chuyển… nhưng các cơ chế này vì thế cộng hưởng tốt hơn với những chỉ số cơ bản mà người chơi được chọn.

Các chỉ số cơ bản này được sắp xếp giống như các chỉ số trong những game nhập vai huyền ảo quen thuộc như Strength (sức mạnh), Dexterity (nhanh nhẹn), Intelligent (trí tuệ)… nhưng chúng sẽ không đóng vai trò quyết định những số liệu cốt lõi của người chơi như số máu hay số sát thương, mà sẽ đóng vai trò bổ trợ hơn như tăng xác suất và sát thương chí mạng, giảm thời gian hồi kĩ năng…

Điều này khiến cho những cải tiến mang tính “số liệu” của người chơi giữa các cấp độ trở nên rõ ràng hơn, và với một phiên bản Borderlands thiên về vũ khí hơn là kĩ năng, những bổ sung này khiến cho vòng lặp chơi trở nên cuốn hút hơn nhiều.

Tiny Tina's Wonderlands

Chưa hết, hai bổ sung và thay đổi quan trọng còn lại là giờ đây người chơi có thể trang bị những vũ khí cận chiến và phép thuật khác nhau!

Cơ chế cận chiến đơn điệu của Borderlands giờ đây được thay đổi bởi một hệ thống cận chiến hết sức có chiều sâu, với muôn vàn vũ khí cận chiến khác nhau có tốc độ đánh, sát thương, hiệu ứng khác nhau để người chơi lựa chọn và kết hợp trong quá trình chơi, với ảnh hưởng rõ rệt trong lối chơi vô cùng nhanh và điên rồ.

Vũ khí cận chiến yêu thích nhất của người viết là một “món hàng” hết sức hài hước và quyền năng: chiếc chảo rán với khả năng phản lại tới 90% sát thương! Và trong game không hề thiếu những trang bị điên rồ này!

Còn về phép thuật, chúng giờ đây thay thế cho lựu đạn và do đó, đội ngũ Gearbox được áp dụng nhiều ý tưởng kĩ năng điên rồ hơn.

Các phép bổ trợ (sorcery) này không còn thuần túy là gây sát thương nữa, mà còn có thể đóng vai trò hỗ trợ như tạo hiệu ứng hút máu, trói chân, triệu hồi “đệ”, kiểm soát màn chơi…. tạo ra nhiều kết hợp vô cùng điên rồ và…. hiệu quả cho người chơi thay vì mắc kẹt vào một lối chơi của một nhân vật như trước.

Tiny Tina's Wonderlands

Với muôn vàn súng ống và lối chơi khác nhau, niềm vui với Tiny Tina’s Wonderlands dường như là bất tận

Những bổ sung này cốt lõi là để tăng độ đa dạng và tự do của người chơi trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề (bằng súng ống) lên mức tối đa, cũng như việc “respec” (đặt lại chỉ số) nhân vật vô cùng dễ dàng và rẻ nên khiến cho sự tự do trong cách tiếp cận vòng lặp chiến đấu điên rồ của game trở thành điểm sáng nhất của game!

Tất cả những cải tiến này sẽ được người chơi nghịch thỏa thích qua chế độ Chaos Chambers được “mở khóa” sau khi người chơi hoàn thành phần chơi chiến dịch, với độ khó cho phép tùy chỉnh vô cùng chi tiết và phần thưởng vô cùng thỏa mãn!

Với muôn vàn súng ống và lối chơi khác nhau, niềm vui với Tiny Tina’s Wonderlands dường như là bất tận… tất nhiên, nếu bạn “lết” qua được phần chơi chiến dịch lê thê mà người viết sẽ “kể tội” sau đây!

BẠN SẼ GHÉT

Tiny Tina's Wonderlands

Ngựa quen đường cũ!

Mặc dù có những cải tiến hết sức quan trọng trong vòng lặp lối chơi cốt lõi của game, những vấn đề “xưa cũ” của thương hiệu Borderlands vẫn “ám” Tiny Tina’s Wonderlands, và những vấn đề mới còn trồi lên vì quy mô nhỏ bé của game!

Gu hài hước của thương hiệu Borderlands luôn có nhiều điểm “nhạt” hơn “mặn”, khi nhiều nhân vật nghĩ rằng: họ nói thật nhiều và nhanh đồng nghĩa là đang chọc cười người chơi bò ra sàn! Nhưng nếu cứ nói nhiều như vậy suốt gần 15 năm như vậy chắc chắn sẽ bão hòa và nhàm chán, điều này không đâu rõ ràng hơn trong Tiny Tina’s Wonderlands!

Dù có một dàn sao “khủng” với sự nghiệp diễn hài “máu mặt” như Will Arnett (Bojack Horseman, Arrested Development) hay Andy Samberg (Brooklyn Nine-Nine, Pop Star: Never Stop Never Stopping), nhưng thấy những nhân vật này nhắc đi nhắc lại một trò đùa suốt 20 tiếng liền của phần chơi chiến dịch thì bạn sẽ thấy “nghẹn” hơn là hài.

Thêm nữa, nhân vật Tiny Tina trong phần hai và ba dù phiền nhiễu, nhưng là phiền nhiễu một cách đáng yêu với một chiều sâu hết sức thú vị, còn Tiny Tina trong phần này chỉ phiền nhiễu mà thiếu đi sự đáng yêu và chiều sâu trước đó.

Những điều này khiến cho các khoảnh khắc thực sự thông minh và hài hước của game bị nhấn chìm trong hàng ngàn câu đùa nhạt nhẽo và đi quá điểm dừng.

Tiny Tina's Wonderlands

Điều này càng khiến cho mô hình truyền tải nội dung của game bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người chơi giờ đây không chu du thế giới bằng góc nhìn người thứ nhất hay trên xe cộ nữa, mà sẽ phải đi qua đi lại trên một cái “bàn cờ” giống như những bàn chơi DnD truyền thống, với nhiệm vụ phụ và những trò đùa nho nhỏ của riêng nó.

Cơ chế này sẽ trở nên thông minh và đáng yêu hơn nếu Gearbox không gặp khó khăn trong việc giữ nhịp độ chơi một cách nhất quán.

Một số nội dung phụ sẽ yêu cầu người chơi tương tác với bàn cờ trực tiếp, một số nội dung sẽ yêu cầu người chơi đi vào những hầm ngục rất ngắn và đơn giản, thế nên việc đi từ điểm A đến điểm B sẽ có rất nhiều thời gian chết và việc cày cuốc lên cấp để chơi qua phần chiến dịch sẽ nhàm chán…

Tiny Tina's Wonderlands

Dường như hiểu được điều này, Gearbox đã cố gắng thêm cơ chế đụng độ ngẫu nhiên vào game, khi người chơi thi thoảng sẽ va phải một cuộc đụng độ và bị ép phải hạ một cơ số kẻ thù để “thoát” khỏi cuộc đụng độ đó.

Sự tự do trong cách tiếp cận lối chơi bỗng dưng bị giới hạn một cách nghiêm trọng, vì nếu người chơi muốn chiến đấu thì thường chả có gì xảy ra, còn khi người chơi không muốn thì bị ép vào những đấu trường chật hẹp, nhàm chán!

Tất cả còn tệ hơn khi phong cách hình ảnh cel-shading nổi tiếng của Borderlands dù hào nhoáng hơn trong Tiny Tina’s Wonderlands, nhưng lại không dùng để lột tả những địa điểm đa dạng và thú vị như dòng game chính, mà chỉ xoay quanh những địa điểm kỳ ảo thiếu sáng tạo! Với kẻ thù xào nấu lại từ Borderlands 3, chỉ thay mỗi bộ cánh.

Tất cả kết hợp lại khiến cho việc “lê lết” 20 tiếng qua phần chơi chiến dịch của game để đến phần chơi Chaos Chambers hấp dẫn thực sự khó khăn!

nếu cứ nói nhiều như vậy suốt gần 15 năm như vậy chắc chắn sẽ bão hòa và nhàm chán, điều này không đâu rõ ràng hơn trong Tiny Tina’s Wonderlands!

7.0

Dù mang lại những cải tiến và thay đổi hết sức đáng chú ý với "công thức Borderlands" đã bám rễ vào ngành công nghiệp game suốt 13 năm qua, nhưng ngoài chế độ chơi Chaos Chambers với độ tùy chỉnh và mức độ thử thách cao, phần còn lại của Tiny Tina's Wonderland thực sự gặp khó khăn trong việc mang lại một trải nghiệm đáng nhớ mới cho thương hiệu.

Thông tin

  • Tiny Tina's Wonderlands
  • Nhà phát triển
    Gearbox Softwares
  • Nhà phát hành
    2K Games
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    25/03/2022
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64Bit
  • CPU
    Intel Core i7-4770 / AMD Ryzen 5 2600.
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Nvidia GeForce GTX 1060 (6GB) / AMD Radeon RX 590.
  • Lưu trữ
    75GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-Bit
  • CPU
    AMD Ryzen 5 4600H
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA RTX 2060
  • Lưu trữ
    Kingston A400
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi 2K. Chơi trên PC.

Tác giả