Splinter Cell: Blacklist – Có thể nói rằng game hành động bí mật (stealth-action) đang là thể loại chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của xu hướng đơn giản hóa trong ngành công nghiệp game hiện đại.
Trong khi những cái tên “mới nổi” như Mark of The Ninja hay Dishonored đều gặt hái được nhiều thành công thì đa số những loạt game “lão làng” như Hitman, Thief lại gục ngã, Tenchu thì “mất hút”, chỉ còn mỗi Metal Gear Solid vẫn trụ vững trong gần 30 năm.
Loạt game Splinter Cell cũng không phải là ngoại lệ.
Phiên bản Tom Clancy’s Splinter Cell: Conviction là một sự “lột xác” theo cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Sở hữu một cốt truyện mang đậm tính “cá nhân” hơn, các địa điểm đa dạng hơn và mang đậm chất điện ảnh hơn, nhưng đổi lại là một lối chơi kém thử thách và đơn giản quá mức, cùng với chất lượng kém của bản chuyển thể (port) trên PC.
Tuy Conviction nhận được nhiều lời khen ngợi đến từ giới báo chí và cộng đồng game thủ “chân ướt chân ráo” mới làm quen với dòng game, tựa game cũng khiến cho nhiều người hâm mộ thất vọng bởi sự thay đổi theo chiều hướng đi xuống.
Trong lúc Ubisoft Montreal đang “bận bịu” với loạt game Assassin’s Creed và Watch Dogs, trọng trách phát triển tựa game Splinter Cell tiếp theo được giao cho Ubisoft Toronto, “tân binh” của Ubisoft đến từ Canada.
Liệu nhà phát triển trẻ tuổi này sẽ thể hiện được gì qua sản phẩm đầu tay của mình mang tên Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist?
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
PHÁO ĐÀI BAY ” PALADIN”
Câu chuyện của Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist bắt đầu khi một nhóm khủng bố tấn công căn cứ không quân Andersen tại Guam, Sam Fisher và Victor Coste tẩu thoát thành công khỏi nơi đây và một thời gian ngắn sau đó, một tổ chức mang tên “The Engineers” đe dọa rằng chúng sẽ thực hiện một loạt cuộc tấn công tại các địa điểm trên khắp nước Mỹ trong vòng 14 ngày và sẽ không dừng lại cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ rút toàn bộ lực lượng đang đóng tại các quốc gia trên toàn thế giới.
Trước tình hình này, tổng thống Mỹ, Patricia Caldwell, ra lệnh thành lập đơn vị chống khủng bố toàn cầu Fourth Echelon bao gồm hai thành viên cũ từ Third Echelon là Sam Fisher và Anna Grímsdóttir, cùng với cựu nhân viên CIA Isaac Briggs và tay hacker chuyên nghiệp Charlie Cole.
Dưới sự chỉ huy của Sam Fisher, đơn vị Fourth Echelon, được vận hành trên pháo đài trên không: C-147B Paladin, thực hiện các chuyến bay xuyên lục địa nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công, đồng thời tìm kiếm và trừ khử kẻ đứng sau tổ chức The Engineers.
[su_quote]Việc xóa bỏ sự lệ thuộc vào trình đơn giúp cho người chơi cảm thấy như hòa mình vào một cuộc “chiến tranh ngầm” thực thụ[/su_quote]Khác với những game đi trước, Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist sử dụng “pháo đài bay” Paladin như là giao diện chính của trò chơi.
Game không có trình đơn (menu) như truyền thống, mọi hoạt động liên quan đến lối chơi đều thông qua việc tương tác với hệ thống SMI (Strategic Mission Interface) – “bộ não” của Paladin.
Tại đây người chơi có thể nhận nhiệm vụ, cập nhật thông tin và dữ liệu về các vụ tấn công, nâng cấp vũ khí và trang thiết bị, xem thành tích, bảng xếp hạng…
Việc xóa bỏ sự lệ thuộc vào trình đơn giúp cho người chơi cảm thấy như hòa mình vào một cuộc “chiến tranh ngầm” thực thụ.
LỐI CHƠI ĐA DẠNG, HẤP DẪN!
Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist đã quay trở về với bóng đêm cùng với những game tiền nhiệm, nhưng tựa game vẫn không bỏ quên những cơ chế thú vị từng xuất hiện trong Tom Clancy’s Splinter Cell: Conviction.
Mark & Execute trở lại và cơ chế Killing In Motion giúp cho từng pha “triệt hạ trong tích tắc” trở nên nhuần nhuyễn và nhanh gọn hơn.
Chiếc kính nhìn đêm (Night Vision) và khả năng bắn vỡ bóng đèn vẫn là những người bạn đồng hành đắc lực của Sam.
Ngoài ra, điểm đặc sắc nhất của Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist là ở việc lối chơi được phân tách ra ba phong cách chơi riêng biệt.
Ghost, đúng như tên gọi, trở thành một “bóng ma”, hoàn thành màn chơi trong im lặng và không gây “đổ máu”.
Assault, giáng “giông tố” xuống đầu địch thủ bằng những loạt đạn cuồng nộ và các thiết bị có sức công phá cao.
Panther là phong cách “lai” giữa Ghost và Assault, ẩn mình trong bóng đêm và triệt hạ những kẻ ngán đường.
[su_quote]điểm đặc sắc nhất của Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist là ở việc phân tách ra ba phong cách chơi riêng biệt[/su_quote]Cuối mỗi màn, SMI sẽ tính điểm cho ba nhánh Ghost, Assault và Panther tùy vào cách mà người chơi hoàn thành màn chơi.
Hệ thống tính điểm trong game rất thoáng, nó không hề cân đo và trừ điểm một cách “tào lao” như trong Hitman: Absolution, nếu người chơi bị phát giác và kẻ địch báo động thì điểm sẽ được tính vào nhánh Assault.
Nếu người chơi cố gắng theo đường Ghost nhưng lỡ tay “hạ thủ” một tên địch bằng tay không thì cũng chả sao cả, điểm khác biệt duy nhất chỉ nằm ở lượng điểm tính cho từng hành động của người chơi mà thôi.
Việc phân tách ra ba phong cách chơi không phải chỉ để “cho vui”, mà đây còn là cách mà Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist khuyến khích người chơi tạo nên lối chơi riêng cho mình.
Nếu bạn muốn chơi theo đường Panther thì bạn không hề bắt buộc phải dựa dẫm vào các đòn cận chiến, tận dụng khẩu shotgun hãm thanh và triệt hạ đối thủ nhanh gọn, hay “tỉa” từng con mồi từ xa bằng khẩu súng ngắm sẽ mang lại cảm giác “phê” đến khó tả!
Số lượng “đồ chơi” trong game rất đa dạng, từ chiếc Tri-Rotor (một chiếc máy bay điều khiển từ xa) có khả năng quét vị trí của địch và bắn thuốc mê hoặc gây nổ, cho đến chiếc camera dính tường đánh lạc hướng địch và phun khí gas khiến kẻ địch… chìm vào giấc mộng.
Cá nhân người viết vẫn hơi thất vọng do thiếu vắng sự xuất hiện của chiếc Portable EMP (trong Blacklist chỉ có mìn EMP dính tường) nhưng tất cả các thiết bị còn lại là quá đủ để giúp cho Sam thoải mái “tung hoành”.
Hệ thống tùy biến nhân vật (customization) cũng là bước đột phá lớn trong loạt game.
Giờ đây, người chơi sẽ không chỉ phải lựa chọn vũ khí và trang thiết bị, mà còn được chỉnh sửa từng bộ phận của bộ trang phục bó sát của Sam.
Từng bộ phận như găng tay, giáp ngực, quần và giày đều ảnh hưởng tới ba chỉ số giáp trụ (armor), tốc độ (speed) và lén lút (stealth).
Bộ kính Sonar Googles giờ đây có thể chuyển đổi qua lại giữa chế độ nhìn đêm (Night Vision) và tầm nhiệt (Thermal), người chơi cũng có thể nâng cấp Sonar Googles và sở hữu những chức năng mới như theo dõi dấu chân hoặc tăng phạm vi quét.
ĐỘ THỬ THÁCH CAO
Phiên bản Tom Clancy’s Splinter Cell: Conviction từng khiến cho nhiều người cảm thấy thất vọng bởi sự thiếu thử thách, ở độ khó cao nhất là “Expert”, tựa game không hề gây ra trở ngại nào đáng kể ngoại trừ việc tăng số lượng lính canh.
Như một lời đáp trả những game tiền nhiệm, Ubisoft Toronto đã đưa vào Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist không chỉ ba mà là năm độ khó khác nhau.
Ở độ khó cuối cùng là “Perfectionist”, Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist lược bỏ tất cả những yếu tố mang tính “dễ dãi” như Mark & Execute và khả năng nhìn xuyên tường.
Người chơi sẽ phải dựa vào radar để xác định vị trí kẻ địch và cẩn thận khi di chuyển, bởi chỉ cần một giây là đủ để kẻ địch báo động nếu người chơi vô tình bị phát hiện.
[su_quote]tính kiên nhẫn và cẩn trọng là điều cần được ưu tiên, và dĩ nhiên người chơi cũng nên chuẩn bị tinh thần để… nạp lại game liên tục nữa[/su_quote]Đối thủ máy (A.I) ở mức “Perfectionist” tỏ ra linh hoạt hơn rất nhiều.
Chúng có thể nhìn thấy người chơi khi đang bám vào bờ tường hoặc ống nước ở trên cao, hoặc nhìn ra ngoài lan can hay cửa sổ (ở các chế độ thấp hơn thì hoàn toàn “mù tịt”).
Những tên lính mặc giáp dày cui (Heavy Infantry) đặc biệt khó trị khi chúng chỉ có thể bị hạ bằng đòn cận chiến từ sau lưng hoặc trên không, nếu người chơi di chuyển ở tốc độ bình thường thì cơ may triệt hạ chúng chỉ bằng không.
Do vậy, tính kiên nhẫn và cẩn trọng là điều cần được ưu tiên, và dĩ nhiên người chơi cũng nên chuẩn bị tinh thần để… nạp lại game liên tục nữa.
Hãy lưu ý rằng chơi theo phong cách Assault hoàn toàn không hề khôn ngoan ở độ khó “Perfectionist”, vì chỉ cần ăn đúng ba viên đạn là Sam sẽ “chầu trời” ngay lập tức!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
TÍNH ĐIỆN ẢNH “QUÁ TAY”!
Có một điều mà phiên bản Tom Clancy’s Splinter Cell: Conviction vận dụng rất tốt, đó là tính điện ảnh được thể hiện trong cách truyền tải nội dung của game.
Có một đặc điểm nhỏ mà ít ai nhận ra là hầu hết tất cả các đoạn phim cắt cảnh trong Conviction đều là những đoạn “long take” (cảnh quay dài liên tục theo nhân vật), điều này giúp cho Conviction trở nên khác biệt với nhiều tựa game khác do sự độc đáo trong góc quay đậm chất điện ảnh.
Nó không lặp lại trong Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist và hơn thế nữa, tựa game thiếu đi một “bản sắc riêng”.
Có thể giải thích rằng Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist quay lại “gốc rễ” từ tác phẩm của cố nhà văn Tom Clancy, nhưng việc sở hữu một bản sắc cho riêng mình là điều thực sự cần thiết dành cho một tựa game.
Một nền đồ họa bóng bẩy, cử động nhân vật mượt mà và hiệu ứng “lens flare” (lóe sáng) được vận dụng vừa phải là vẫn chưa đủ, mà chính một phong cách nghệ thuật độc đáo mới là điều khiến cho lối thiết kế điện ảnh của game thật sự nổi bật.
Còn một điều tồi tệ hơn nữa, Ubisoft Toronto đã cố gắng lồng ghép những trường đoạn căng thẳng hệt như trong phim hành động vào trong lối chơi mà không hề quan tâm đến nhịp độ của game trong tình huống đó.
Nếu như các phân đoạn thẩm vấn từng được dàn dựng rất tốt trong Conviction thì giờ đây, Tom Clancy’s Splinter Cell: Blacklist lại thay thế nó bằng những trường đoạn điều khiển UAV và… bắn hạ phương tiện di chuyển của địch.
Trong màn “Insurgent Stronghold”, phân đoạn Briggs dùng khẩu súng tỉa hạ tất cả kẻ địch trong im lặng hoàn toàn chấp nhận được, nhưng đến màn “Special Missions HQ” thì người viết có cảm giác như bị… dội gáo nước lạnh bởi game buộc phải sử dụng một chiếc UAV, bắn hạ những kẻ đang truy đuổi Briggs và Sam và gây náo loạn đường phố Tehran, mặc dù trước đó người chơi đã thoát ra khỏi đại sứ quán Mỹ trong im lặng.
Sự căng thẳng được tạo nên một cách gượng ép và thiếu lô-gíc, xuất phát từ lỗ hổng trong cốt truyện và cách vận dụng tính điện ảnh vào lối chơi một cách thừa thãi và thiếu phù hợp với nhịp độ của game.
[su_quote]Ubisoft Toronto đã cố gắng lồng ghép những trường đoạn căng thẳng hệt như trong phim hành động vào trong lối chơi mà không hề quan tâm đến nhịp độ của game trong tình huống đó[/su_quote]THÔNG TIN
- Sản xuất: Ubisoft Toronto
- Phát hành: Ubisoft
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 22/08/2013
- Hệ máy: PC, PS3, Xbox 360
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows XP SP3/ Vista SP2/ 7 SP1/ Windows 8
- CPU: 2.53 GHz Intel® Core™2 Duo E6400 / 2.80 GHz AMD Athlon™ 64 X2 5600+
- RAM: 2 GB
- VGA: 512MB
- HDD: 25 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: AMD Ryzen 5 1600 3.2Ghz
- RAM: 16GB
- VGA: ASUS ROG STRIX RX 570 4GB
- SSD: 960GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Diablo Immortal kỷ niệm 20 năm World of Warcraft bằng trận chiến chống lại Lich King – Tin Game
- Take-Two Interactive đã bán Private Division! – Tin Game
- Dòng Red Dead Redemption đã bán được 92 triệu bản! – Tin Game
- Grand Theft Auto V đã bán được 205 triệu bản! – Tin Game
- AMD Ryzen 7 9800X3D – Đánh Giá Gaming Gear
- Call of Duty: Mobile đã đạt… 1 tỷ lượt tải trên toàn cầu! – Tin Game