Skip to content

Tom Clancy’s The Division 2 – Đánh Giá Game

The Division 2

Trong thời buổi đa thể loại game bắn đầu “túm tụm” lại với nhau để tạo nên những mô hình game hỗn hợp mới, sự sản sinh của các trò chơi bắn súng – hành động nhập vai có lẽ là điều được dự đoán dễ dàng nhất.

Được gọi ngắn gọn bằng cái tên “looter shooter” và đa phần lấy nhiều cảm hứng từ Borderlands và… Diablo, có một điều khá lạ lùng là những tựa game AAA thuộc thể loại này lại luôn gặp phải nhiều cái “dớp” lớn nhỏ – thiếu thốn nội dung, lượng lỗi game “tày đình”, chiều sâu lối chơi eo hẹp, hay thậm chí là cả… quảng cáo ba xạo.

Không phải ngẫu nhiên mà cộng đồng luôn rỉ tai nhau rằng có bị ngớ ngẩn mới nhảy vào một game “looter shooter” ngay vào thời điểm nó ra mắt. Thật vậy, The Division tốn 9 tháng mới có thể thật sự trở mình với bản cập nhật 1.8, còn Destiny mới được công nhận là game đáng chơi khi mà bản mở rộng The Taken King ra mắt.

Khi mà Bungie đánh mất niềm tin của kha khá người hâm mộ với việc Destiny 2 lặp lại những sai lầm của game tiền nhiệm, còn Anthem là một sự xúc phạm không hề nhẹ đến người hâm mộ lẫn di sản của Bioware, có thể nói cánh cửa đang rộng mở với Ubisoft.

Tạm biệt những đốm tuyết trắng của “thành phố không bao giờ ngủ”, Massive Entertainment di dân đến thủ phủ Washington D.C để định hình rõ lập trường của chính mình, rằng thể loại game “looter-shooter” cần một kẻ dám phá vỡ những định kiến luôn bủa vây nó từ trước đây – và Tom Clancy’s The Division 2 là minh chứng hùng hồn của họ.

BẠN SẼ THÍCH

GOLIATH ĐỐI ĐẦU DAVID (SỐ NHIỀU) + GOLIATH (SỐ NHIỀU)

Hậu tận thế – một mô-típ bối cảnh không hề xa lạ, luôn được tận dụng để đặc tả sự mục ruỗng trong xã hội loài người, để đẩy tâm tính con người đến bờ vực sâu thẳm, để kiểm tra xem đạo đức của con người sẽ thui chột đến đâu khi bước đến đường cùng. Với Tom Clancy’s The Division 2, bạn phải đưa ra những lựa chọn thách thức chính tâm tính của mình, đó là… giữa một khẩu LMG M60 với 20% sát thương chí mạng với một khẩu FAMAS 2000 với DPS căn bản siêu to. Đây không phải là một tựa game khiến bạn cảm thông với các mẩu pixel được bóp méo cho giống hình người, mục tiêu của bạn ở đây là “loot” – “loot nữa, loot mãi”, để tìm kiếm công cụ thanh trừng mọi mẩu pixel có thanh máu ngay phía trên đầu bằng lượng đạn đủ để xây Lầu Năm Góc vậy.

Tom Clancy’s The Division 2 là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba nơi mà nút Space được dùng để dán keo 502 vào lưng nhân vật của bạn vào chỗ nấp, các mẩu pixel hình người ló đầu trao đổi những tràng hôn gió với nhau, và những khẩu súng thì na ná với tình trạng xã hội Mỹ – càng có nhiều màu thì càng đặc biệt. Đây là một trò chơi mang tính lặp lại ngay trong bản chất của nó – mọi hoạt động mà bạn thực hiện chỉ là tìm kiếm trang bị mới cho nhân vật -> chiến đấu -> phát triển nhân vật. Thế nhưng, Ubisoft đã rất khôn khéo che đậy vòng lặp này bằng nhiều nhân tố khác nhau, khiến cho trò chơi thực chất không buồn tẻ như mô tả về vòng lặp lối chơi của nó.

Khác với các giáo sư có kinh nghiệm làm game RPG lâu năm tại Bioware, Ubisoft nghiệm ra rằng: nếu như bạn chỉ làm đúng một việc qua ngày này tháng nọ, thì xáo đổi môi trường làm việc hẳn sẽ là một ý không tồi. Kết quả là Tom Clancy’s The Division 2 tận dụng rất tốt bối cảnh của nó.

Trò chơi thực chất không khác gì một chuyến “du lịch ảo” tại Washington D.C, nơi mà bạn có thể vừa đấu súng vừa giở Wikipedia xem cái nơi mà mình kinh qua chứa định giá trị văn hóa hay lịch sử nào đủ để đánh động quý ngài Abraham Lincoln đội mồ sống dậy. Trò chơi còn chẳng hề tế nhị trong việc khoe khoang bối cảnh của mình tý nào, khi mà một trong những nhiệm vụ phụ yêu cầu người chơi trộm lấy… bản tuyên ngôn độc lập nằm chễm chệ ngay trong căn hầm bên dưới Kho Lưu Trữ Quốc Gia. Tom Clancy’s The Division 2 tự tin vào bối cảnh của chính nó đến mức nó trình bày những khoảnh khắc như trên theo một phong thái rất… thờ ơ, như thể đấy chỉ là chuyện nhỏ nhặt, chỉ là một cọng rơm bên trong bãi cỏ vàng. Thật khó có thể tìm thấy phong thái như vậy trong bất kỳ tựa game thế giới mở lấy bối cảnh đời thật nào khác.

Nhưng bấy nhiêu đó là chưa hết. Dẫu cho các địa điểm chứa chan tiếng súng trong game đa dạng về hình thái, nhưng chúng cũng mang trong mình lối thiết kế màn chơi tuy không sáng tạo nhưng lại rất chặt chẽ. Công việc “đặt chỗ nấp vào nơi diễn ra chiến trận” nghe thì đơn giản nhưng lại được thực hiện rất tốt đằng sau cánh gà – các lối đi ngõ hẹp gần như không bao giờ đưa người chơi vào đường cụt, môi trường được đánh dấu bằng các gợi ý thị giác cũng như thông qua cách sắp đặt vật thể, những khu vực giao chiến liên tục tận dụng không chỉ tầm xa mà cả cách biệt độ cao để làm mới nhịp độ chơi. Trong 30 giờ đồng hồ thưởng thức Tom Clancy’s The Division 2, người viết chỉ gặp đúng hai trường hợp kẻ địch đột ngột xuất hiện từ “không khí”, và hầu như không bao giờ cảm thấy bất kỳ địa điểm nào được thiết kế ẩu tả.[su_quote]nếu như bạn chỉ làm đúng một việc qua ngày này tháng nọ, thì xáo đổi môi trường làm việc hẳn sẽ là một ý không tồi[/su_quote][rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]Về bản thân chiến đấu, Tom Clancy’s The Division 2 mang đến không ít thay đổi đầy quan trọng để đáp lại những lời chỉ trích về “bullet sponge” trong phần trước. Vấn đề kẻ địch quá “trâu chó” so với vẻ ngoài là không thể tránh khỏi trong một tựa game sở hữu đến 50% chất RPG, nhưng phiên bản đầu tiên lại thực hiện khía cạnh này hơi… quá lố. Tom Clancy’s The Division 2 bắt đầu bằng cách… “nerf” toàn bộ phe ta lẫn phe địch: người chơi giờ đây sở hữu một lượng giáp chống sát thương chính nhưng yêu cầu sử dụng túi giáp hoặc thiết bị từ kỹ năng để trám đầy (trong lúc chiến đấu), còn máu sẽ bị bòn rút cực kỳ nhanh nhưng sẽ tự hồi phục. Mục đích của thay đổi này chủ yếu là để buộc người chơi sử dụng chỗ nấp nhiều hơn, cố giảm thiểu sát thương nhận được, thay vì “tank” cả lô sát thương bằng các tuyệt chiêu “cắn thuốc tức khắc” quá phá game trong cả PvP và PvE của phần trước.

Kẻ địch đón nhận không ít thay đổi tích cực khác: những kẻ không có giáp sẽ luôn bị gián đoạn diễn hoạt (stagger) mỗi khi ăn đạn và không có khả năng bắn trả, còn những kẻ có giáp hoặc sẽ luôn sở hữu điểm yếu hoặc một khi bị phá giáp sẽ “thăng thiên” có khi còn nhanh hơn cả lũ tép riu. Không chỉ có những tay sẵn sàng chạy và nện bạn bằng gậy, mà còn có cảm tử quân đeo C4 bự chảng trước ngực, các anh tài thả xe đồ chơi hoặc máy bay điều khiển từ xa phát nổ, những tay vận động viên bóng chày chuyên nghiệp ném lựu đạn với độ chính xác tài tình, các bạn trẻ yêu thích đốt trường học nhưng lại đeo bình gas hớ hênh ngay sau mông. Với các chàng trai được trang bị giáp hạng nặng từ đầu đến cuối, đặc biệt trong đó có vài thành phần chơi búa tạ Sledge đi lạc từ Rainbow Six Siege sang, những mảnh giáp rồi cũng sẽ rơi rụng dần khi ăn phải vài lốc 5.56mm và để lộ phần da thịt hồng hào của khổ chủ – còn chờ gì nữa mà không “xơi tái” chúng đi?

Lối chơi của Tom Clancy’s The Division 2 chẳng hề phức tạp cũng không yêu cầu độ hiểu biết cao. Nhưng sự kết hợp giữa phong cách chiến đấu nhạy bén, thiết kế màn chơi với rất ít thiếu sót, cùng kẻ thù đa dạng với nhiều phương thức hoạt động thúc đẩy sự tập trung của người chơi – tất cả đã tạo nên một vòng lặp lối chơi thực sự rất khó để có thể dứt ra một khi bạn đã tìm được “điểm G” của nó.

CUỘC CHIẾN VĨNH CỬU

Phần chơi chiến dịch của Tom Clancy’s The Division 2 dài hơn game tiền nhiệm đôi chút nhưng lại có rất ít nhiệm vụ dư thừa mang tính “filler”. Các hoạt động bên lề giờ đây cũng mang nhiều ý nghĩa hơn là chỉ đóng vai trò nguồn cung tài nguyên và điểm kinh nghiệm cho người chơi. Nổi bật nhất là Control Point – các trụ điểm trên bản đồ được đóng chiếm bởi ba phe phái phải diện chính, một khi được người chơi giành lấy sẽ trở thành điểm dịch chuyển nhanh, cũng như cung cấp trang bị mới từ phòng tiếp tế. Cũng tại đây, người chơi có thể quyên góp tài nguyên phụ và Control Point sẽ hiển thị các túi đồ chứa nguyên liệu hoặc trang bị ở gần nó.

Xây dựng các khu dân cư và hoàn thành các chuỗi nghiên cứu (Research) cũng là một quá trình lâu dài có lợi cho người chơi. Hoàn thành các hoạt động bên trong một khu vực, chẳng hạn như quyên góp vật phẩm, thu thập các hòm chứa bộ nhớ SHD (dùng để mua kỹ năng/thiết bị đặc biệt mới), sẽ mang lại cho bạn các bản thiết kế mà từ đó được dùng để chế tác trang bị mới, quan trọng nhất là phụ kiện dành cho vũ khí.

Hệ thống này khá tương đồng với… Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, khi mà gần như toàn bộ các tài nguyên và vật phẩm mà người chơi thu thập được không hề thừa thãi. Không dùng đến trang bị cấp độ thấp? “Cống nạp” nó cho khu dân cư là xong. Quá nhiều đồ dùng thiết yếu mà chẳng thể sử dụng trực tiếp? Ừ thì thật ra bạn thu thập chúng chỉ để “giveaway” thôi mà. Nhưng cuối cùng, hệ thống này được thiết kế để đảm bảo rằng mọi công việc mà bạn thực hiện trong Tom Clancy’s The Division 2 không bao giờ vô nghĩa, bởi vì chúng luôn luôn tiến triển nhân vật của bạn, bằng cách này hay cách khác.

Nói về tiến triển nhân vật, Tom Clancy’s The Division 2 thật sự khiến người viết cảm thấy như vừa được bước chân vào “thiên đường” sau khi chịu đày đọa trong 40 tiếng đồng hồ của Anthem. Game liên tục thả lên đầu bạn cả lô lốc “loot”, không chỉ “loot” bèo bọt hay “loot” làng nhàng, mà cả “loot” 5 sao với đặc điểm siêu “bá cháy” phải nói là nhiều không thể đếm xuể: SMG tăng tốc độ bắn theo phần trăm qua mỗi phát đạn trúng mục tiêu, thiết bị đặc biệt có tỷ lệ phần trăm hồi chiêu ngay lập tức sau khi hạ địch, chuyển đổi sang vũ khí phụ sẽ tự động nạp toàn bộ đạn vào vũ khí chính, hay một chiếc áo giáp sẽ hồi lại 25% giáp của bạn ngay sau khi lượng giáp chính cạn kiệt. Thậm chí người viết còn nhận được một khẩu SIG 716 có khả năng dập tắt mọi hiệu ứng nguyên tố khỏi khổ chủ bằng cách… lăn người.

The Division 2[su_quote]Phần chơi chiến dịch của Tom Clancy’s The Division 2 dài hơn game tiền nhiệm đôi chút nhưng lại có rất ít nhiệm vụ dư thừa mang tính “filler”[/su_quote]

Cuộc hành trình tiến đến cấp 30 và tham dự vào giai đoạn Endgame có thể nói là một món khai vị thịnh soạn, trong đó người chơi có thể không cần màng đến cách thức xây dựng nhân vật hay tối ưu trang bị và vẫn có thể tìm thấy một phần chơi chiến dịch khá bài bản trong Tom Clancy’s The Division 2. Loot không chỉ đến từ xác địch hay phần thưởng từ nhiệm vụ, chúng còn nằm đâu đó trong những góc khuất, bên trong các căn phòng bị khóa kín, yêu cầu leo trèo tý chút để tìm đường đi hoặc tìm góc nhìn phá khóa cửa. Quá trình thử nghiệm vũ khí lẫn thiết bị hỗ trợ diễn ra theo ý thích của người chơi, để người chơi tìm hiểu rõ những quy luật mà Tom Clancy’s The Division 2 đề ra, và cũng quyết định xem liệu mình có thực sự gắn bó với nó đến mức sẵn sàng nán lại sau khi mạch truyện chính kết thúc hay không.

Nếu như bạn không nán lại thì thật sự khá uổng phí. Giai đoạn Endgame là lúc mà yếu tố nhập vai của trò chơi thực sự tỏa sáng. Các bản mod tối ưu trang bị và những thuộc tính quý giá được trân trọng hơn bao giờ hết. Những con số không chỉ đơn thuần là “cao hơn là tốt hơn”, chức năng chế tác yêu cầu thêm một quá trình cày cuốc nhẹ, và hẳn nhiên màu sắc của Loot phải chia sẻ sự ưu tiên về phần mình cho điểm Gear Score. Con số này được tính trung bình từ mọi trang bị của nhân vật, và rất hay được vận dụng làm rào cản tùy tiện dành cho các nội dung với độ thử thách cao trong các tựa game “looter shooter” khác; nhưng Tom Clancy’s The Division 2 khác biệt ở chỗ, nó lại đảm bảo giới hạn Gear Score thông qua các mức World Tier sở hữu độ khó cao hơn, bản thiết kế trang bị ngon lành hơn, “loot” chất lượng hơn.

Bước qua các cấp World Tier, người chơi sẽ đối mặt với các thách thức cũ lẫn mới. Các nhiệm vụ Stronghold, các điểm Control Point cũng như loạt nhiệm vụ chính trong phần chơi chiến dịch sẽ… yêu cầu bạn thực hiện lại thêm một lần nữa, nhưng kỳ này với một phe phái mới là Black Tusk – sở hữu kha khá công nghệ tối tân như chó robot đeo pháo trên lưng và sử dụng ụ súng tự động nhiều hơn thông thường. Chúng cản trở gần như mọi tuyến đường, đôi khi còn thiết lập cả chốt chặn gần khu dân cư và một số hoạt động ở phần chơi trước sẽ bị chúng chiếm đóng. Phần chơi này không khác biệt hoàn toàn về mặt cấu trúc so với trước mà chủ yếu cho bạn một mục tiêu mới.

Không chỉ có kẻ địch mà bạn cũng được nâng cấp trong giai đoạn Endgame. Sau khi đạt cấp 30, bạn sẽ được lựa chọn ba lớp Specialization bao gồm một vũ khí đặc biệt mới và một bản Mod đặc thù riêng dành cho trang bị đặc biệt. Lựa chọn của người viết là Demolitionist, đúng như cái tên biến bất kỳ nơi nào có động tĩnh thành “pháo hoa” bằng khẩu súng phóng lựu, cùng với ụ súng giờ đây phóng hỏa theo phong cách… thả pháo cối, rất hữu hiệu khi bạn cần dọn vài tay giáp dày hoặc quét sạch đám đông nhanh chóng.

BẠN SẼ GHÉT

CÔNG BẰNG CÓ… VUI?

Dark Zone – khu vực PvPvE hoạt động theo luật rừng đầy tai tiếng quay trở lại trong Tom Clancy’s The Division 2 với hình thái mới. Thay vì một khu DZ lớn như tại New York, giờ đây chúng được chia thành ba phân khu nhỏ ở phía đông, tây và nam, tất cả bị phủ đầy bởi chất bột DC-62 vốn được dùng làm thuốc giải dành Chất Độc Xanh (Green Poison), song rốt cuộc chúng lại tàn phá môi trường sống dữ dội hơn cả virus gốc.

Điểm nhấn lớn nhất của DZ kỳ này đó là toàn bộ trang bị được đồng đều – tức mọi người chơi đều ngang bằng với nhau về mặt chỉ số. Ưu điểm lớn nhất của thay đổi này là giải quyết được tình trạng các người chơi lâu năm với trang bị ở mức “trên trời” lăm le biến người chơi mới làm thú tiêu khiển. Tuy nhiên, mức độ đồng đều này có vẻ như được thực hiện hơi quá tay, bởi ở thời điểm hiện tại, một người chơi Glass Cannon chẳng khác gì một người chơi “tank” hỗ trợ đồng đội cả. Ý tưởng đưa toàn bộ người chơi lên ngang hàng với nhau thực sự không thỏa đáng trong một trò chơi thúc đẩy người chơi xây dựng và tùy biến nhân vật theo phong cách chơi của mình. Bạn ép cả lô Mod tăng giáp và hồi máu, giảm CD cho drone hồi giáp, và rốt cuộc bạn vẫn gục trước hai đến ba phát đạn M700 vào ngực – thế thì phí công xây dựng nhân vật như vậy để làm gì?

Hiện tại, Dark Zone trong Tom Clancy’s The Division 2 đang đứng trước ranh giới giữa việc thỏa mãn người chơi lâu năm và người mới chơi, và kết quả là nó chưa thực sự thể hiện trọn vẹn tiền đề của mình. Nó vốn là một khu vực “không thỏa hiệp” với mức độ rủi ro tương ứng với phần thưởng, nhưng cả hai mặt đã thuyên giảm bởi nhiều nguyên nhân. PvE tại DZ không thử thách như trước đây, loot bị nhiễm độc (contaminated) thực chất không khá khẩm hơn mấy so với loot thông thường, còn loot sạch thì lại quá dư dả. Chưa kể, với số lượng 12 người chơi tại một DZ trong cùng thời điểm, giả sử một nhóm 4 người bắt đầu trạng thái Rogue, thì giờ đây chỉ có tối đa 8 người tham gia Manhunt thay vì 20 người như trước, không đủ nhân lực để trừng phạt người chơi Rogue, và rốt cuộc những người chơi đơn lẻ càng dễ bị “ăn hiếp”. Vậy cuối cùng, bài toán người chơi cũ đối đầu người chơi mới của Dark Zone lại… quay về chốn xưa. Occupied DZ mang trở lại sự khác biệt giữa từng người chơi, nhưng nó chẳng phải là câu trả lời mà chúng ta cần đến ở thời điểm hiện tại.

Phần chơi PvP còn lại là Conflict cũng chẳng khá khẩm hơn. Với hai chế độ chiếm điểm và đấu đội đếm ngược số mạng cùng với ba màn chơi bé tẹo, thật sự rất khó để tìm ra lý do nán lại chế độ chơi này lâu dài trừ phi bạn cần cày nhanh vài hòm trang bị. Các cuộc giao chiến trong Conflict khá nhàm chán, không mang trong mình sự biến chuyển liên tục trong PvE, và gần như tất cả mọi người đều chỉ sử dụng SMG và Sniper. “Chiến thuật” chỉ đơn thuần là cả đội ủi thẳng vào địch cùng nhau, nếu phe nào bị áp đảo hỏa lực thì phe đó coi như chịu chết. Hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên trong Crucible của Destiny 2, nhưng giờ đây ở mức độ ngớ ngẩn hoàn toàn mới.[su_quote]Dark Zone trong Tom Clancy’s The Division 2 chưa thực sự thể hiện trọn vẹn tiền đề của mình[/su_quote][rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””][rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]The Division 2[su_heading style=”modern-1-dark” size=”25″]CHÚNG TA VÀ BỌN HỌ[/su_heading]Dẫu cho “bẻ gãy” nhiều định kiến về thể loại “looter shooter”, Tom Clancy’s The Division 2 vẫn còn để lại một lỗ hổng khá lớn…

Viễn cảnh về một Washington D.C một thời hoa lệ, giờ đây chìm trong đổ nát, cô lập, dần thoái trào trước bạo lực có thể được xem là điểm đặc sắc nhất trong tông điệu của Tom Clancy’s The Division 2. Bối cảnh này đơn giản là mang lại cảm giác… thân thuộc đến mức đáng sợ hơn bất kỳ tương lai hậu tận thế nào khác, bởi nhìn chung, nó là kết quả của một viễn tưởng “nếu như” mang tính phóng đại dựa trên tình hình xã hội hiện tại. Và trò chơi cũng một phần tận dụng được tiềm năng của chính nó: những đoạn ghi âm từ điện thoại và hình chiếu ECHO mang lại cho chúng ta những cái nhìn ngắn về sự đấu tranh lẫn mất mát của con người trong thời buổi nhân tính loạn lạc, trật tự xã hội trở nên rẻ rúng. Thế nhưng chúng chỉ là quả anh đào trên chiếc bánh kem, bởi dẫu cho có tìm được bao nhiêu đoạn ghi âm đi chăng nữa thì cái mà người chơi nhận được vẫn chỉ là những ngữ cảnh mà mình được kể lại, chứ không phải được cho thấy.

Còn những gì mà trò chơi trình bày trực tiếp đến cho người chơi, ở mặt nội dung thông qua các chuỗi nhiệm vụ và dân cư mà bạn tương tác, chúng… nhạt nhòa đến mức khó tin. Cuộc tranh đấu của người dân Washington D.C đưa họ vào những hiểm nguy rất có lệ, với mức độ cao nhất chỉ dừng lại ở việc vài ba con tin chuẩn bị bị hành quyết và chờ bạn ứng cứu. Tái dựng các khu dân cư là một công việc tưởng thưởng cho người chơi nhưng không mang lại sự thỏa mãn về khía cạnh “đắm mình vào bối cảnh”, bởi chúng ta đâu trực tiếp chứng kiến và can dự vào sự thoái hóa về mặt đạo đức mà con người trong thế giới của Tom Clancy’s The Division 2 phải kinh qua?[su_quote]Cuộc tranh đấu của người dân Washington D.C đưa họ vào những hiểm nguy rất có lệ[/su_quote][rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]The Division 2Nói một cách khác, Tom Clancy’s The Division 2 tựa game hậu tận thế nhưng không mang trong mình cái khí chất của hậu tận thế. Càng tệ hại hơn nữa, đó là trò chơi quyết định “ngu hóa” mạch truyện chính thành một mô-típ “chúng ta và bọn họ” cũ mèm. Phe thiện luôn luôn chính trực từ đầu đến cuối, phe ác cũng “ác” theo một đường thẳng băng và được mô tả không khác gì bìa các tông, phần chơi chiến dịch duy nhất chỉ có một khoảnh khắc có thể được xem là đáng nhớ – khi mà người chơi được yêu cầu giải cứu Tổng Thống Mỹ.

Nếu như trong phần đầu, các NPC tại Base of Operation tỏ rõ cái nhìn của họ về New York và bản thân SHD, thì ba nhân vật phụ kỳ này chỉ đóng vai trò tạo ra tiếng ồn vô thưởng vô phạt. Các phe phái đối địch còn thậm tệ hơn: bạn đối đầu thủ lĩnh của chúng trong một lần duy nhất, mối nguy của chúng gần như vô hình khi bạn luôn là phía chủ động gây chiến, trùm cuối của Outcast chẳng hề xuất hiện trực tiếp trong game, trùm cuối của True Sons còn tái sử dụng cả mô hình lính hạng nặng mà bạn đã đối đầu cả chục lần trước đó, đến cả Black Tusk cũng đột ngột xuất hiện mà không có một lời giải thích. Có cảm tưởng như Tom Clancy’s The Division 2 không muốn người chơi liên đới vào câu chuyện của nó – ngữ cảnh mà các nhiệm vụ mang lại chỉ là cái cớ để làm người chơi khỏi phải phàn nàn “game quái gì mà bắn nhau vô nghĩa!”. Và kết quả mà chúng ta nhận được là một tựa game sở hữu nội dung nhu nhược, không có tiếng nói, không cảm xúc, không có cả lương tâm.[rs_space lg_device=”15″ md_device=”” sm_device=”” xs_device=””]

  • Sản xuất: Massive Entertainment
  • Phát hành: Ubisoft
  • Thể loại: Hành động | Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 15/3/2019
  • Hệ máy: PC | PlayStation 4 | Xbox One
  • OS: Windows 7 | 8 | 10
  • CPU: AMD FX-6350 | Intel Core i5-2500K
  • RAM: 8 GB
  • GPU: AMD Radeon R9 270 | Nvidia Geforce GTX 670
  • VRAM: 2 GB
  • DirectX: DirectX 11 | 12
  • OS: Windows 10
  • CPU: i5-8400 4GHz / i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 16 GB / 8 GB
  • VGA: GTX 1060 6GB / RX 570 4GB

[su_divider]

Bạc 8.0

Dẫu cho chưa giải được bài toán PvP và cốt truyện, những gì mà Tom Clancy's The Division 2 đã thực hiện được hoàn toàn đáng khích lệ khi đã tận dụng được gần như mọi tiềm năng mà phiên bản đầu tiên để lại.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ