Total War: ATTILA – Creative Assembly công bố Total War: ATTILA trong bối cảnh phiên bản Total War: Rome II phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích nhất trong lịch sử cả dòng game.
Không có gì bất ngờ khi trên các diễn đàn lớn của Total War xuất hiện phong trào “tẩy chay” Total War: ATTILA vì sự thất vọng đối với Total War: Rome II.
Thế nhưng, sai lầm thì khó có thể lặp lại, nhất là với một studio đã đi theo game thủ suốt 15 năm như Creative Assembly.
Và sự ra đời của Total War: ATTILA đã đập tan những sự hoài nghi về số phận của dòng game kinh điển này.
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.
SƠ LƯỢC
Năm 395 sau Công Nguyên, Hoàng đế Theodosius I chia La Mã ra làm hai phần và giao cho hai người con trai của mình nắm giữ.
Flavius Honorius nắm giữ Tây La Mã, kéo dài từ nước Anh ngày nay cho tới tận bán đảo Hy Lạp.
Flavius Arcadius cai quản Đông La Mã, trải dài từ bờ sông Danube hùng vĩ cho tới Ai Cập và Syria.
Kể từ đây số phận của đế chế La Mã hùng mạnh một thời bước sang một trang sử hoàn toàn mới…
Cũng tại thời điểm này, đế chế Tây La Mã bắt đầu đối diện với những cuộc di cư của các tộc người man di, sau đó là cuộc chiến tranh kinh hoàng với người Huns do nhân vật chính trong Total War: ATTILA lãnh đạo.
Những cuộc chiến liên miên kèm theo nền kinh tế chính trị vô cùng bất ổn đã khiến Tây La Mã ngày một suy yếu.
Đó cũng là lúc game thủ Total War vào cuộc.
Trở thành Hoàng đế La Mã, thay đổi lịch sử của dân tộc hay đóng “vai ác”, làm thủ lĩnh các bộ tộc man di, xây dựng cho mình một đế quốc riêng hoặc thậm chí là xây dựng lại đế quốc Ba Tư một thời ở phía Đông… tất cả đều nằm trong tay bạn.
BẠN SẼ THÍCH
Hình – Âm tuyệt vời!
Kế thừa nền tảng hình ảnh và engine đồ họa của Total War: Rome II, vốn đã rất thành công (Total War: Rome II được coi là tựa game chiến thuật đẹp nhất trên PC, tính đến thời điểm trước khi Total War: ATTILA ra đời) nên không có gì lạ khi Total War: ATTILA đẹp và “chất” đến như vậy.
Có thể nhiều người chơi sẽ nhận xét rằng phiên bản này không “long lanh” bằng Total War: Rome II nhưng điều đó có thể lý giải rằng: vào thời kỳ này, các bộ giáp trụ đều chú ý đến tính hiệu quả chứ không “khoe mẽ” nhiều như thời kỳ cũ.
Thực ra, khi vào vai những đế chế thực thụ như Đông La Mã hay Sassanid, người chơi sẽ gặp lại những bộ giáp cực đẹp và chi tiết như đã từng nhìn thấy trong RYSE: Son of Rome.
Bên cạnh hình ảnh từng đơn vị quân đẹp mắt và ấn tượng, Creative Assembly đã tiếp thu ý kiến của người chơi để mang đến cho Total War: ATTILA tông màu hợp lý hơn, thật hơn và bớt “sặc sỡ” hơn so với Total War: Rome II, thể hiện được sự đen tối của thời kỳ này.
Bạn sẽ nhận thấy tông màu mới này càng trở nên ấn tượng hơn trong những trận công thành đầy tính điện ảnh, khi kết hợp với lửa cháy, tên bay đạn lạc và khói đen ngùn ngụt bốc lên.
Kế thừa nền tảng hình ảnh và engine đồ họa của Total War: Rome II nên không có gì lạ khi Total War: ATTILA đẹp và “chất” đến như vậy
Tuy nhiên nếu xác định muốn thưởng thức Total War: ATTILA đẹp nhất có thể, hãy đầu tư cho mình một dàn máy thật sự “khủng” vì đồ họa của game ở mức độ cao nhất chỉ dành cho những cỗ máy “trên trời”.
Còn nếu không, dù ở chế độ “Medium”, “dễ thở” hơn nhiều, bạn vẫn có thể thưởng thức game một cách thoải mái. Total War: ATTILA được tối ưu hóa rất tốt nên khung hình/giây luôn ổn định, kể cả khi hàng nghìn quân đang lao vào nhau.
Riêng điểm này, Total War: ATTILA đã vượt trội Total War: Rome II hàng… ki-lô-mét!
Về mặt âm thanh, sau khi bị “ném đá” tơi bời với Total War: Rome II thì Richard Beddow đã có sự trở lại không thể ấn tượng hơn.
Những đoạn nhạc nền của Total War: ATTILA thực sự hòa mình chung với đồ họa của lối chơi, góp phần tạo nên một tựa game đúng nghĩa “tuyệt phẩm”!
Khi giao tranh với người Huns, tiếng trống dồn dập của bản “Scourge of God” khiến cho người chơi gần như “quên mất” rằng mình đang chơi game chứ không phải xem một bộ phim chiến tranh tuyệt hảo!
Trong khi đó, tiếng nhạc nền của Sassanid gợi nhớ đến một đế quốc Ba Tư “vang bóng một thời” trong lịch sử bằng âm thanh của kèn Karna và sáo trúc (Burning Crescent).
Nhạc nền tuyệt hay đi kèm với âm thanh va chạm của vũ khí, tiếng hô hào mạnh mẽ của binh lính đã tạo nên một không khí chiến trường “bùng nổ, máu lửa”.
Lối chơi xuất sắc
Total War: Rome II gây thất vọng với người chơi Total War “gạo cội” khi quá tập trung vào chiến trận mà quên đi mặt quản lý và yếu tố nhập vai – hai yếu tố này kết hợp với chiến trường hoành tráng mới có thể khiến cho dòng game này trở nên “độc nhất vô nhị”!
Creative Assembly đã nhận ra sai lầm của mình và kéo game thủ trở lại với lối chơi quản lý – chinh phục – nhập vai quen thuộc của dòng game chiến thuật huyền thoại này bằng Total War: ATTILA.
Về mặt quản lý và nhập vai, Total War: ATTILA đã mang trở lại cây phả hệ (family tree).
Theo đó, người chơi sẽ vào vai vua của một nước.
Các trận chiến, mưu đồ chính trị hoàn toàn xoay quanh vua, những người trong cùng dòng tộc và những kẻ ngoại tộc đang có mưu đồ lật đổ.
Total War: ATTILA sử dụng hệ thống điểm “Influence” (ảnh hưởng) để thực hiện “trò chơi vương quyền” của người chơi.
Cụ thể, với mỗi chiến thắng trên chiến trường hay thông qua việc nắm quyền điều hành một tỉnh nào đó, các nhân vật trong dòng họ hoặc quan chức do bạn chỉ định sẽ thu được một số điểm Influence nhất định.
Số điểm này vô cùng quan trọng vì bạn chỉ có thể dùng nó để toan tính mưu đồ và nó cũng quyết định dòng tộc của bạn, hay vua của bạn có thực quyền như thế nào.
Creative Assembly đã nhận ra sai lầm của mình và kéo game thủ trở lại với lối chơi quản lý – chinh phục – nhập vai quen thuộc của dòng game chiến thuật huyền thoại
Ví dụ, khi một tướng lĩnh ngoài dòng tộc chiến thắng quá nhiều sẽ khiến cho danh tiếng gia đình bạn suy giảm và lòng trung thành của vị tướng đó cũng giảm đi, dẫn đến nguy cơ làm phản, bạn phải lựa chọn ban thưởng, khuyên nhủ vị tướng đó để tăng lòng trung thành.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng trò chơi còn nhiều vấn đề phức tạp hơn, ví dụ như tìm vợ cho vua, tuyển chọn chú rể cho con gái, bổ nhiệm chức vụ, con ngoài giá thú, nhận con nuôi…
Bài toán kinh tế – lương thực – vệ sinh chỉ như “trò đùa” trong Total War: Rome II thì nay thực sự trở thành một vấn đề khó nhằn.
Nếu như đã quen “bơi trong tiền” với Total War: Rome II thì Total War: ATTILA có thể không ít người phải… sốc!
Tiền bạc thu được thì đã ít, nuôi quân lại cực kỳ tốn, đã thế lại phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh (nay được tách riêng ra chứ không gộp chung với điểm bình ổn “public order” như Total War: Rome II nữa).
Chưa kể đôi lúc “vui vui”, phe địch có thể kéo quân đến nhà bạn, đốt phá tan hoang cả một thành phố hoa lệ (tính năng “Raze” của game) để lại đó một đống… gạch vụn khiến người chơi “tức tưởi”!
Bên cạnh yếu tố quản lý và nhập vai, chiến trận trong Total War: ATTILA vẫn được thiết kế một cách “không thể tuyệt vời hơn” khi thể hiện lại một cách sinh động và đầy máu lửa.
Chiến thuật và chiến lược sẽ quyết định ai là người chiến thắng!
Nói một cách hình tượng: Total War: ATTILA vẫn xoay quanh quy tắc kéo – búa – bao trong chiến trận.
Kỵ binh nhẹ khắc chế bộ binh nhẹ, bộ binh nhẹ có tốc độ dễ xoay chuyển và linh hoạt, kỵ binh nặng khắc chế kỵ binh nhẹ khi cận chiến nhưng với tốc độc “rùa bò” lại dễ “làm mồi” cho nỏ và lao của bộ binh nhẹ (nếu di chuyển không cẩn thận).
Kỵ binh gây sốc (shock cavalry) là nỗi kinh hoàng trên chiến trường nếu được tự do di chuyển và tấn công, nhưng lại rất dễ bị “làm thịt” nếu dừng lại đánh nhau.
Chưa kể, mỗi đơn vị quân trong Total War: ATTILA lại có một năng lực, đội hình khác biệt nhau.
Lính giáo của Sassanid có khả năng xếp hình vuông chống đỡ bốn mặt, rất hữu dụng khi bị bao vây tứ phía nhưng “yếu ớt” trước cung nỏ và máy bắn đá; đội hình “rùa” Testudo của La Mã tỏ ra “vô địch” khi đối đầu với những mũi tên sắc nhọn nhưng lại không thể di chuyển được, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị địch “quay” cho không biết đâu mà lần.
Tất cả những yếu tố đó kết hợp lại khiến cho mỗi trận chiến trong Total War: ATTILA lại trở thành một bài toán khác nhau đối với game thủ.
Đối đầu với phe này, với một đội hình như thế này mình nên làm cách nào, nên sử dụng đội hình nào và đó cũng là điểm khiến người ta “mê mẩn” dòng game Total War từ xưa đến nay.
Total War: ATTILA cũng là một bước “đại nhảy vọt” so với Total War: Rome II, thậm chí là một trong những game khó nhất trong toàn dòng game
Độ khó của Total War: ATTILA khá cao, nhất là với những game thủ mới chơi.
Kể cả với những game thủ gạo cội thì Total War: ATTILA cũng là một bước “đại nhảy vọt” so với Total War: Rome II, thậm chí là một trong những game khó nhất trong toàn dòng game.
Càng về cuối, Total War: ATTILA càng trở nên khó khăn và phức tạp vì độ tham nhũng (corruption) tăng cao, khiến người chơi kiệt quệ về tài chính trong khi vẫn phải đối đầu với kẻ địch vừa đông, vừa hung hãn (thường đi 4, 5 đội quân một lúc để “hội đồng” người chơi).
BẠN SẼ GHÉT
Còn vài bất cập…
Khung hình của Total War: ATTILA khá ổn định, kể cả trong các trận đấu có nhiều đơn vị quân chiến đấu.
Với lần đầu ra mắt và chưa hề có một phiên bản vá lỗi nào thì như vậy, có thể coi là một thành công của Creative Assembly.
Tuy người chơi vẫn sẽ gặp phải tình trạng “stuttering” (khựng hình) ở một số trận công thành, lỗi tìm đường khi đi vào góc hẹp nhưng không đáng kể và nhìn chung, không làm giảm đi giá trị của Total War: ATTILA đi quá nhiều.
người chơi vẫn sẽ gặp phải tình trạng “stuttering” (khựng hình) ở một số trận công thành, lỗi tìm đường khi đi vào góc hẹp
Ngoài ra, việc cân bằng chỉ số giữa các binh chủng cũng cần phải tinh chỉnh lại cho phù hợp.
Ví dụ như voi đang tỏ ra quá yếu trước kỵ binh, Tagmata Cavalry của Đông La Mã có thể càn quét cả chiến trường vì quá mạnh hay người Huns lại bỗng dưng “nổi tiếng” với bộ binh, khi có trong tay Chosen Uar Warrior.
BÊN LỀ
1. Bạn đã từng nghe đến câu “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ cây không còn mọc nữa” chưa? Đó chính là câu nói nổi tiếng của Attila the Hun – thủ lĩnh tộc người Hung, kẻ thù đáng sợ nhất của đế chế La Mã, người đã làm rung chuyển cả châu Âu giai đoạn từ năm 434 sau CN đến 453 sau CN (đây cũng là năm mất của Attila).
2. Attila đã biến đế chế La Mã hùng mạnh trở thành một quốc gia hèn nhát, phải gồng mình nộp hàng tấn vàng ròng mỗi năm cho Đế quốc Hung của ông. Người ta gọi ông là “Tai họa của Chúa trời” hay “Ngọn roi của Thượng Đế” (Scourge of God).
3. Những người Hung cực giỏi khi chiến đấu trên lưng ngựa, đặc biệt có khả năng bắn cung siêu phàm. Tuy nhiên, chưa bao giờ họ được đánh giá cao khi ra trận (cho tới khi Attila lên nắm quyền), vì thiếu tổ chức và đoàn kết. Attila đã thống nhất dân tộc này và tạo nên đội quân hung hãn chưa từng có, mà về sau chỉ có quân đội Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn mới có thể vượt mặt.
4. Cái chết của Attila vào năm 453 đánh dấu sự sụp đổ của Đế quốc Hung. Không còn một cá tính mạnh mẽ để lãnh đạo, người Hung bị đánh bại liên tục và chỉ 1 năm sau đó, sau trận Nedao, người ta không bao giờ còn thấy bộ tộc này xuất hiện trong lịch sử thế giới nữa.
5. Người Hung có phải là dân tộc Hung Nô đã từng bị nhà Hán Trung Quốc đánh bại cách đó 300 năm? Đây là một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất trên các diễn đàn lịch sử và vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Sau thất bại trong chiến tranh với nhà Hán vào năm 91 sau CN, người Hung Nô biến mất trong lịch sử Trung Hoa để rồi cuối thế kỷ thứ 4, người Hung đột ngột xuất hiện ở châu Âu, dấy lên nhiều nghi vấn rằng họ chính là một.
Tuy nhiên, nhiều nhà sử học tìm thấy sự khác biệt hoàn toàn về DNA cũng như phong tục tập quán giữa người Hung và Hung Nô và khẳng định rằng: họ là hai tộc người hoàn toàn khác nhau. Có lẽ, phải cần nhiều bằng chứng khảo cổ hơn nữa chúng ta mới có thể đưa ra kết luận hoàn chỉnh cho vấn đề này.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Creative Assembly
- Phát hành: SEGA
- Thể loại: Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 17/02/2015
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7*
- CPU: 2nd Generation Intel Core i5
- RAM: 4 GB
- VGA: 2 GB NVIDIA GeForce GTX 560 Ti/AMD Radeon HD 5870
- HDD: 35 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME.ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PC