Skip to content

Total War: Rome II – Đánh Giá Game

Total War: Rome II

Total War: Rome IINgay từ khi còn “nằm trong trứng nước”, Total War: Rome II đã được kỳ vọng là “tựa game chiến thuật xuất sắc nhất năm 2013”, cũng như số một trong toàn loạt game Total War lừng danh.

Thế nhưng, kỳ vọng quá cao cộng với việc ra mắt game trong thời điểm còn rất nhiều lỗi kỹ thuật, đã khiến tác phẩm này trở thành dấu mốc “đáng quên nhất” của hãng phát triển Creative Assembly.

Đích thân hãng phải đứng ra xin lỗi game thủ vì sự thất bại trong ngày ra mắt của Total War: Rome II – điều chưa từng có tiền lệ!

Hiện tại, dù trò chơi vẫn liên tục nhận chỉ trích từ phía game thủ nhưng Total War: Rome II đang cải thiện từng ngày. 

Tới nay, trải qua… 7 bản vá, Total War: Rome II đã trở thành một tựa game “chơi được” và có thể nhận đánh giá như một tác phẩm bình thường.

Thật tiếc cho một sản phẩm được kỳ vọng trở thành siêu phẩm khi nó không thể đạt tới mức “siêu”…

Dẫu vậy, Total War: Rome II vẫn có rất nhiều điểm tích cực khiến cho những ai đam mê dòng game chiến thuật 4X không nên bỏ qua!

BẠN SẼ THÍCH

Hình ảnh-âm thanh vượt trội, diễn hoạt nhân vật tuyệt vời!

Không thể dùng bất kỳ từ ngữ gì để chê trách đồ họa của Total War: Rome II.

Có thể nói đây là tựa game chiến thuật có hình ảnh đẹp nhất cho tới thời điểm hiện tại. 

Creative Assembly đã xây dựng thành công một tựa game đúng nghĩa “đẹp như trong phim”.

Có nhiều phân cảnh trong Total War: Rome II khi phóng to lại giống y hệt những bộ phim dã sử nổi tiếng như Alexander, Gladiator hay loạt phim truyền hình Rome trên HBO.

Cảnh tượng các quân đoàn La Mã hành quân dưới trời tuyết trắng hay những đội kỵ binh giáp sắt Cataphracts oai hùng tung hoành trên chiến địa sa mạc, là những ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí của bất kỳ ai từng chơi qua Total War: Rome II.

Còn các thành phố trong Total War: Rome II đẹp đến khó tin!

Carthago – thủ đô đế chế Carthage, giống y như những gì được vẽ lại trong sách lịch sử, Roma rộng lớn tới mức người viết không thể tìm được góc nào bao quát hết, khung cảnh Alexandria đẹp rực rỡ khi chiều hoàng hôn có thể khiến người chơi mê đắm mà quên đi trận chiến đang diễn ra…

Phần âm thanh trong Total War: Rome II cũng đáng nhận điểm tích cực, những tiếng va chạm giữa binh khí với giáp trụ, tiếng ngựa hí khi xung trận, lũ voi gào rống khi trúng tên… tất cả làm nên khung cảnh chiến trường đẹp và thật đến “say lòng người”.

đây là tựa game chiến thuật có hình ảnh đẹp nhất cho tới thời điểm hiện tại. Creative Assembly đã xây dựng thành công một tựa game đúng nghĩa “đẹp như trong phim”

Về phần nhạc, mặc dù người viết vẫn thích Jeff Van Dyck hơn (nổi tiếng với nhạc nền Medieval II, Rome: Total WarShogun 2: Total War) nhưng không thể phủ nhận, Richard Beddow đã làm khá tốt công việc của mình.

Chỉ có điều nhạc nền hay như thế nhưng không thay đổi theo tiết tấu của trận chiến lại là quyết định dở của Creative Assembly…

Một trong những điểm mạnh nhất của dòng game Total War thời gian vừa qua đó là nhà phát triển rất chú ý trong việc xây dựng động tác của các đơn vị lính trong game.

Người viết đã rất bất ngờ khi thấy cảnh một chú ngựa… xoay lưng đá hậu, một Hoplite dùng khiên nhấc bổng đối thủ ném qua đầu, một chiến binh Sparta dùng giáo đâm chết một tên lính Ba Tư ngay trên không trung khi đang nhảy lên…

Tuy vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo (lính sử dụng rìu (axe) và chày (club) động tác giống y như cầm kiếm chẳng hạn) nhưng như thế cũng là quá đủ với các fan yêu thích “phim hành động”.


Giá trị chơi lại: vô biên!

Bạn có thể nhập vai một quan chấp chính (consul) La Mã, mở đầu chiến tranh Punic với đế chế Carthage để biến La Mã thành một siêu cường như trong lịch sử.

Hay bạn có thể chuyển sang vai Macedon, cố gắng tìm lại hào quang quá khứ của Alexander Đại đế.

Nếu đã chán những quốc gia hùng mạnh, hãy chọn Parthia trong quá trình dần trở thành một siêu đế chế, đối địch số một của La Mã.

Đôi lúc bạn có thể “phá cách”, “điên rồ” hơn để trải nghiệm game thêm phần thú vị như cách người viết đã từng làm: chọn phe Sparta nhưng lại cho quân “bơi” qua biển, hướng về Ấn Độ lập nên một đế chế riêng tại đây!

Còn nhiều ý tưởng khác cũng “dị” lắm: một đội quân toàn Võ sĩ giác đấu xuất hiện trên chiến trường, dùng toàn “thiết kỵ” Cataphracts càn quét, v.v. tất cả, phụ thuộc vào sự sáng tạo và óc hài hước dị thường của bạn cả đấy!

Như mọi khi, có quá nhiều thứ để làm trong Total War: Rome II, đặc biệt là khi game còn được sự hỗ trợ đến từ các “modder” (giới “độ” game) kỳ cựu.

Số lượng quân mới cùng những tính năng (chỉ mod mới có) khiến giá trị chơi lại của Total War: Rome II  tăng lên chóng mặt.

Nguyên gốc Total War: Rome II  có tới… 800 đơn vị quân khác nhau, chỉ riêng từng đó đã khiến người mới chơi phải “choáng ngợp”.

Creative Assembly tái hiện lại hình ảnh những đơn vị quân này vô cùng chi tiết, từ vũ khí họ cầm, chiếc khiên đang đeo, bộ giáp đang mặc hay thậm chí là đôi chân đi dép, v.v.

Như mọi khi, có quá nhiều thứ để làm trong Rome II, đặc biệt là khi game còn được sự hỗ trợ đến từ các “modder”


Thử thách chiến trận!

Người viết sẽ phân chiến trường trong Total War: Rome II ra làm ba loại: giao chiến trực diện (open field battle), hải chiến (naval battle) và công thành (siege battle).

Nếu như các trận công thành tệ đến mức không thể tệ hơn được (sẽ đề cập sau) thì giao chiến trực diện, như mọi khi, là “điểm sáng” níu giữ người chơi ở lại với Total War: Rome II.

Có thể nói, trí thông minh nhân tạo của máy (A.I) trong kiểu chiến đấu này là tốt nhất trong số các tựa game Total War từ trước tới nay.

Máy biết cách “đảo cánh” để tấn công lực lượng hỗ trợ của bạn (trung quân vững vàng đến mấy mà không có lực lượng hỗ trợ thì chắc chắn cũng sẽ “bung” trước áp lực).

Sau bản vá lỗi thứ bảy, máy rất thông minh ở khoản “né” điểm mạnh của bạn, chẳng hạn chúng sẽ không dại gì thúc ngựa lao đầu vào dàn giáo ngộp trời của các đội “phalanx” (đội hình phương trận) vô địch ở trước mặt, mà sẽ tìm cách đánh vào hai bên cánh, nơi mà đội hình này rất chật vật chống đỡ.

Trên diễn đàn Total War, nhiều người than phiền rằng “morale” (ý chí chiến đấu) của A.I (trí tuệ nhân tạo) quá thấp.

Thật ra không phải vậy, trái lại, Creative Assembly đã cực kỳ thành công khi tái hiện lại phần “morale” trên chiến trường.

Thử nghĩ xem, nếu như các binh sĩ đều “chiến đấu tới chết” thì không bao giờ có chuyện danh tướng Hannibal Barca của Carthage có thể rời khỏi Cannae mà không thiệt hại tan nát, hay Caesar sẽ thất bại thảm hại tại Pharsalus…

Binh sĩ thì cũng là người và người thì cũng sợ chết!

Tuy nhiên, điểm hay của Total War: Rome II đó là với các binh lính tinh nhuệ và kỷ luật, nếu trận chiến cứ diễn ra theo kiểu “một đấu một” thì họ sẽ chiến đấu rất lâu.

Nếu có bất kỳ tác động gì vào cánh hoặc đặc biệt là đằng sau, thì ý chí chiến đấu sẽ sụt giảm rất nhanh và khiến cho binh sĩ bỏ chạy.

Đây là điều mà dòng Total War cực kỳ thành công và một lần nữa, Total War Rome II tiếp nối truyền thống vẻ vang này.

Đúng như nhà sử học La Mã, Publius Cornelius Tacitus, từng nói: “Kẻ dũng cảm nhất cũng phải khiếp sợ trước những hiểm nguy bất ngờ”.

Chỉ có vận dụng điều này thành thạo thì bạn mới có thể chiến thắng trong Total War Rome II, vì trong đa số các trường hợp, người chơi đều bị máy áp đảo về số lượng (độ khó “Legendary”).

Nếu như các trận công thành tệ đến mức không thể tệ hơn được thì quyết đấu trực diện, như mọi khi, là “điểm sáng” níu giữ người chơi ở lại với Total War: Rome II

Ngoài ra, có một số điểm khiến cho người viết không thích lắm theo cảm quan cá nhân.

Ví dụ như sự chính xác khó tin của các cỗ máy bắn đá.

Vấn đề này có thể tự khắc phục bằng “mod” hoặc chờ hãng cập nhật lại, nên nó cũng không phải điều gì ghê gớm lắm.

Hải chiến cũng là điểm thú vị của Total War Rome II so với các phiên bản trước.

Người chơi có thể dùng tàu chiến “húc” thẳng vào kẻ địch hay lựa chọn cách chèo thuyền lòng vòng để tấn công từ xa.

Mặc dù còn một vài điểm không ổn, như thuyền di chuyển lung tung hay cách thức húc tàu còn nhiều “bỡ ngỡ” nhưng như vậy cũng là sự cố gắng rất lớn của hãng phát triển rồi!


Nhiều tính năng mới thú vị

Việc giới hạn số lượng đội quân (“army” và “legion” độc quyền với Total War: Rome) là một trong những điểm sáng tạo nhất mà Total War Rome II làm được so với những game tiền nhiệm.

Nó tạo ra nhiều trận chiến hoành tráng hơn với sự tham gia của đủ các binh chủng.

Tuy nhiên đây cũng là điểm bị nhiều người chơi Total War chỉ trích nhất, vì họ không thể quản lý toàn bộ lãnh thổ của mình bằng số lượng quân đội giới hạn.

Thế nhưng theo người viết đánh giá, đây là điểm hay chứ không phải dở, vì bạn sẽ phải học cách điều phối quân đội sao cho hợp lý.

Trong suốt… 549 giờ chơi Total War Rome II, người viết chưa từng gặp phải trường hợp nào thiếu quân đội cả, kể cả khi đang chiến tranh với 10 quốc gia cùng lúc.

Điều quan trọng là bạn phải bố trí quân đội trấn giữ ở những chỗ hợp lý!

Việc quản lý tỉnh thành cũng vậy, nếu như các phiên bản trước, một thành (settlement) là một thành phố độc lập thì nay phải nhiều thành phố như vậy mới được coi là một tỉnh (province).

Khi chiếm đủ số lượng thành phố trong tỉnh, bạn mới có đủ quyền xây dựng cho tỉnh đó cũng như ban bố sắc lệnh (edict).

Điều này giảm thiểu việc phải quản lý tay từng thành phố một, cực kỳ mất thời gian và không quá cần thiết.

Sự xuất hiện của các điệp viên (agent) cũng là một điểm thú vị.

Mỗi điệp viên lại có một chức năng cơ bản khác nhau và các chức năng mở rộng gần giống nhau.

Việc giới hạn số lượng đội quân (“army” và “legion” độc quyền với Total War: Rome) là một trong những điểm sáng tạo nhất mà Total War Rome II làm được so với những game tiền nhiệm

Ví dụ, Spy có khả năng phát hiện ra các Spy khác, phá hủy đơn lẻ từng công trình (cực kỳ hữu dụng), hạ độc toàn quân (một khả năng người viết đánh giá là “quá mạnh”, đôi khi quân đội của máy mất tới gần nửa quân số vì bị hạ độc).

Trong khi đó, Champion có thể đào tạo quân đội của bạn lên thành những chiến binh dạn dày kinh nghiệm, giữ gìn trật tự tại vùng đất mới chiếm được hay làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân địch.

Còn Dignitary hữu dụng trong thời gian đầu khi có khả năng tăng thêm thuế, tăng thu nhập cũng như làm tướng địch mất đi nhiều tác dụng (không rõ ràng lắm).

Những chiêu đặc biệt (special abilities) cũng là điểm mới mẻ của game.

Nếu như Total War: Shogun 2 chỉ tập trung vào chiêu đặc biệt của tướng thì Total War Rome II, gần như mọi đơn vị quân đều có chiêu đặc biệt của mình.

Điển hình nhất là Oathsworn – những chiếc binh Gallic mạnh mẽ, một khi bật hai chiêu thức Frenzy và Headhunt cùng lúc, Oathsworn sẽ nhấn chìm tất cả các đơn vị quân bộ khác.

Hay sự trở lại của Berserker (Suebi) cũng là điều đáng chú ý.

Các Berserker khi hóa điên (berserk) sẽ không thể kiểm soát được và chiến đấu như những gã mất trí, điều đặc biệt là Berserker không bao giờ bỏ chạy.

Có thể nhiều người chỉ trích những chiêu đặc biệt này là phi thực tế, nhưng xét về mặt “vui với game” thì thú vị đấy chứ!

Ngoài ra, có thể kể đến việc lên cấp cho quân đội (army’s tradition), đây cũng là điểm thú vị của Total War Rome II.

Thay vì nhớ tên tướng, người chơi lại nhớ tên đội quân của mình nhiều hơn vì những lợi ích mà việc lên cấp quân đội mang lại: công, thủ, giáp tốt hơn, có thể bố trí các phương tiện phòng thủ như bóng lửa, tường rào, chông gai…

BẠN SẼ GHÉT

Đồ họa tuyệt vời nhưng “phá máy” cũng vô địch!

Không một cỗ máy nào trên thế giới có thể chạy “mượt mà” Total War: Rome II.

Thật buồn khi phải nói như vậy.

Người viết đã từng chứng kiến những chủ đề “kể khổ” trên diễn đàn chính về game, trong đó những “chủ thớt” sở hữu các cỗ máy rất mạnh, dư sức đem ra làm “máy thí nghiệm” cho NASA được.

Nguyên nhân do đâu?

Trước hết là số lượng diễn hoạt (animation) khổng lồ đi cùng đồ họa tuyệt đỉnh và kèm với khả năng tối ưu hóa đồ họa đạt mức… siêu tệ của Creative Assembly, đã biến Total War: Rome II thành “thảm họa của năm”.

Lúc mới ra, “fps” (số khung hình/giây) của Total War: Rome II luôn trồi sụt với độ biến thiên “ảo diệu” không tưởng tượng nổi.

Chưa kể Total War: Rome II không hỗ trợ “song kiếm hợp bích” (dual card), khiến cho những tay chơi thích phô diễn sức mạnh card đồ họa phát nản.

số lượng diễn hoạt (animation) khổng lồ đi cùng đồ họa tuyệt đỉnh và kèm với khả năng tối ưu hóa đồ họa đạt mức… siêu tệ của Creative Assembly, đã biến Total War: Rome II thành “thảm họa của năm”

Và đặc biệt nhất, đó là việc Total War: Rome II cực kỳ “ngốn” CPU thay vì card đồ họa.

Chỉ cần một chiếc card đồ họa tầm trung bạn đã có thể thưởng thức game với khung hình ổn định, thế nhưng nếu CPU không phải dạng “cực khỏe”, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều “vấn đề”.

Đúng vậy, khung hình chưa phải là vấn đề lớn nhất của game, điều đáng nói là những trận chiến trong Total War: Rome II rất lắm khi trở thành “bữa tiệc ảnh”, mặc dù khung hình vẫn hiển thị ở mức 30!

Đến nay đã qua… bảy bản vá (patch), tình trạng này tuy đã giảm bớt, nhưng những trận công thành vẫn luôn tồn tại vấn nạn này.

Đôi khi có một đơn vị quân nào đó bị “kẹt đường” và nó gây nên hiện tượng “lag” khủng khiếp trên toàn bản đồ.

Đó cũng là một trong những lý do khiến cho các trận công thành của Total War: Rome II trở thành “thảm họa” không thể chấp nhận nổi!


Công thành chiến – nỗi “kinh hoàng” của thành Rome!

Nếu như giao tranh trực diện là điểm “níu kéo” người chơi ở lại với Total War: Rome II, thì công thành chiến chính là điểm “đuổi” người ta đi.

Công thành chiến trong game chia làm hai dạng: một dạng đánh thành phố có tường hào bao quanh cùng hệ thống tháp phòng thủ và một dạng là thành phố nhỏ, giống như một ngôi làng bình thường, không có tường hào bảo vệ cũng như tháp phòng thủ.

Chiến đấu trong những trận ở làng thì không sao, nhưng mỗi khi bắt đầu một cuộc chiến có đầy đủ tường hào/tháp phòng thủ/máy công thành thì thật đúng là thảm họa!

Đầu tiên, khung hình của bạn sẽ sụt giảm thê thảm do có quá nhiều chi tiết trên màn hình (nhà cửa, đơn vị lính).

Tiếp đến, mỗi khi có một công trình nào bốc khói hoặc đơn vị lính nào chạy tìm đường, game sẽ trở nên ì ạch bất thường.

Total War: Rome II

Lý do được nhiều game thủ gạo cội nhận định: khả năng tìm đường của máy trong điều kiện có quá nhiều vật cản quá tệ, nó làm chậm cả quá trình xử lý của game.

Dù lý do là sao đi chăng nữa thì đây cũng là điểm trừ lớn nhất của công thành chiến.

Chưa bao giờ người ta để cho máy “tự đánh” nhiều đến như thế khi công thành trong dòng game Total War, vì một lẽ đơn giản: không-thể-chơi-nổi!

Cái sự không-thể-chơi-nổi không chỉ đến ở phần game chạy bất ổn định hay không mà còn đến từ trí thông minh khi công thành đạt mức “thượng thừa” của máy

Cái sự không-thể-chơi-nổi không chỉ đến ở phần game chạy bất ổn định hay không mà còn đến từ trí thông minh khi công thành đạt mức “thượng thừa” của máy.

Khi công thành có tường, mặc định bạn sẽ được giao cho bốn chiếc xe thang.

Máy sẽ sử dụng các xe thang này đặt lên tường.

Nếu chỉ có vậy thì sẽ chẳng có gì đáng nói nhưng nực cười thay, máy cho xe thang áp vào cổng thành xong, lính trèo lên nửa chừng lại quay xuống để chạy đi… đốt cổng thành!

Total War: Rome II

Nhắc đến đốt cổng, đây là điểm mới khiến cho game bị “ghét” nhiều nhất.

Thật sự khó có thể tin được một cánh cổng bằng sắt kiên cố lại có thể bị mấy bó đuốc làm cho cháy rừng rực?

Thôi khoan xét đến vấn đề logic vậy.

Điều quan trọng đó là máy lúc nào cũng ưu tiên việc đốt cổng… Đáng lẽ trèo lên tường rồi thì chúng phải tản đi chiếm các khu vực trong thành phố mới phải, không hiểu máy nghĩ sao lại quyết định trèo xuống và đốt cổng.

Đó là chưa kể người chơi còn có thể sử dụng “mẹo” để ngăn cổng bị đốt bằng cách… cho quân đứng ngay ở cổng cho cửa mở ra.

Điều này làm cho việc công thành trong Total War: Rome II trở thành một trò đùa không hơn không kém!


Total War: Rome II

“Campaign” – quá thiếu chiều sâu

Nếu như giá trị chơi lại của Total War: Rome II  cao vì số lượng vùng đất khổng lồ, số lượng các binh chủng quá đa dạng hay nhiều phe phái để chọn thì chiều sâu của game, vốn nằm ở khía cạnh nhân vật và quản lý lại quá tệ.

Một trong những điểm người viết đánh giá là “sai lầm” của Total War: Rome II đó là chỉ cho 1 lượt đi/năm.

Trung bình một vị tướng khi bạn mới tuyển rơi vào khoảng 20 đến 30 tuổi, tức là họ chỉ có 40 đến 50 lượt để chứng tỏ bản thân.

Trong khi để diễn ra một trận chiến và ổn định vùng đất cũng phải mất 5,6 lượt. Nếu như Alexander sống trong Total War: Rome II, thì chắc ông chỉ chiếm được Anatolia (đất Thổ Nhĩ Kỳ nằm bên châu Á ngày nay) là hết.

Thời gian quá ngắn khiến cho người chơi không kịp nhớ được vị tướng này tên gì, là ai, xuất thân như thế nào mà chỉ mặc định “đây là ông tướng”.

Hết!

Hệ thống chính trị trong Total War: Rome II  gần như không hoạt động.

Bạn có thể chơi nguyên cả chiến dịch mà không cần quan tâm đến hệ thống chính trị.

Nếu như giá trị chơi lại của Total War: Rome II cao vì số lượng vùng đất khổng lồ, số lượng các binh chủng quá đa dạng hay nhiều phe phái để chọn thì chiều sâu của game, vốn nằm ở khía cạnh nhân vật và quản lý lại quá tệ

Ai đang làm vua? Mặc kệ.

Ai đang nắm quyền chấp chính Nghị viện La Mã? Chẳng quan tâm!

Ai đang mưu đồ ám toán tướng lĩnh của bạn?

Ai nhỉ?

Vì kiểu gì Nội chiến (Civil War) cũng sẽ xảy ra.

Sau bản vá thứ 7, Nội chiến chỉ xảy ra vào Imperium mức 5 (độ nổi tiếng, giống với Fame của Shogun 2) và khi đó nếu lượng ủng hộ của bạn nhỏ hơn 25%, nó sẽ xảy ra ở Thủ đô còn nếu nhiều hơn 75%, nó sẽ nổ ra ở một nơi khác ngẫu nhiên.

Quân đội của phe lật đổ “sao chép” hoàn toàn quân đội của chính bạn và đạt số lượng tối đa (như thường thấy từ thời Rome: Total War), tuy nhiên chúng không có điểm kinh nghiệm cũng như nâng cấp giáp trụ.

Nếu như sự kiện “Mongol Invasion” (đừng nhầm với phiên bản mở rộng cùng tên của Shogun: Total War) làm nên những trải nghiệm vô cùng thú vị cho Medieval II: Total War hay “Realm Divide” khiến cho Total War: Shogun 2 thêm thú vị, thì “Civil War” của Total War: Rome II được đánh giá… dở ẹc, mất thời gian và đáng ra không cần!

Total War: Rome II

Một điểm nữa đó là hệ thống để máy tự động giải quyết (auto resolve) quá tệ.

Hệ thống này luôn ưu tiên “số lượng” thay vì “chất lượng”, điều đó lý giải vì sao quân Carthage hay Rome do máy điều khiển cực tệ trong giai đoạn đầu game và khiến cho hai đế chế này “chết” quá nhanh.

Trong khi đó, những đội quân “lởm khởm” kiểu thổ dân châu Phi trần truồng “mặc khố áo vải” thì lại thống trị thế giới…

Cũng may, người viết đánh giá đây không phải là điều khó sửa chữa, quan trọng là bao giờ thôi.

Trong khi chờ đợi thì người viết đang trông mong vào bản mở rộng Caesar in Gaul, nơi hệ thống chính trị được làm lại mới mẻ và có vẻ thú vị hơn.

Đặc biệt nhất, đó là sự trở lại của mùa (season) trong game khi một năm có tới… 24 lượt.

Bạn có thể vào vai Caesar và tham gia trận Alesia lừng lẫy, nơi 60 nghìn quân La Mã đánh bại lực lượng đông hơn tới 3, 4 lần nhờ vào thiên tài quân sự của danh tướng này.

Tuy nhiên, nếu như quân Averni vẫn chỉ biết đi đốt cổng thì sẽ chẳng có gì để nói nữa…


THÔNG TIN

  • Sản xuất: The Creative Assembly
  • Phát hành: SEGA
  • Thể loại: Chiến thuật
  • Ngày ra mắt: 03/09/2013
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: XP/ Vista / Windows 7 / Windows 8 
  • CPU: 2 GHz Intel Dual Core / 2.6 GHz Intel Single Core
  • RAM: 2GB
  • VGA: 512 MB DirectX 9.0c (shader model 3). 
  • HDD: 35GB 

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A 

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SEGA CHƠI TRÊN HỆ PC

Bạc 8.5

Sau 7 bản vá lỗi, có thể nói rằng Total War: Rome II rất đáng chơi trong thời điểm hiện tại.
Với những điểm cộng về đồ họa, về giao tranh trực diện và hàng tá giá trị chơi lại, bạn sẽ không phải phàn nàn gì.
Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên “né tránh” công thành càng nhiều càng tốt nếu như không muốn “căm hận” Rome II cả đời!