Skip to content

Total War: Three Kingdoms – Đánh Giá Game

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Total War: Three Kingdoms – Đề tài “Tam Quốc” vẫn luôn là một nỗi ám ảnh với các “thần dân gộc” của dòng game Total War.

Thế nên ngay từ khi phiên bản Rome: Total War ra mắt vào năm 2004 với bộ công cụ mod mạnh mẽ, nhiều modder đã bỏ hàng ngàn giờ để xây dựng nên thế giới của Tam quốc cho… đã ghiền.

Thậm chí với các phiên bản Total War về sau, luôn có một cộng đồng modder đông đảo cống hiến sức lực của mình để tạo ra một “Tam Quốc” đầy chi tiết với bản đồ, nhân vật và các đơn vị quân sự chi tiết hệt như một trò chơi được phát triển công phu.

Không chỉ dừng lại ở đó, đã có hàng chục nghìn thư yêu cầu gửi về Creative Assembly, studio “mẹ” của dòng game Total War, yêu cầu hãng chính thức làm nên trò chơi lấy bối cảnh đầy hấp dẫn này.

Thế nhưng hãng lại liên tục… phớt lờ khi tập trung cho những bối cảnh đã có bề dày kinh nghiệm để hình thành nên những Total War: Shogun 2 hay Total War: Rome 2 để tiết kiệm thời gian nghiên cứu và phát triển, dành nhiều sức lực hơn cho thế giới của Total War: Warhammer với nhiều phiên bản nối tiếp, đan xen vào nhau để thỏa mãn “cơn ghiền” của một cộng đồng game thủ đông đảo khác đến từ phương Tây.

Mãi đến năm 2018 khi hãng “bật mí” dự án Total War: Three Kingdoms, niềm khao khát của người hâm mộ mới được đáp lại.

Không ít game thủ dõi theo từng bước phát triển của trò chơi, theo từng trailer, từng màn chơi thử, từng trận chiến trên các bản beta vẫn còn đầy lỗi… để rồi tất cả vỡ òa khi trò chơi ra mắt tuần qua.

Cơn bão mang tên Total War: Three Kingdoms đã quét qua làng game và tạo thành một kỷ lục chóng mặt nhất trong lịch sử của cả thương hiệu Total War, với hơn một triệu bản được bán hết veo chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt.

Sau rất nhiều chờ đợi cũng như một khởi đầu đầy tốt đẹp, liệu trò chơi có xứng đáng với sự chờ đợi mỏi mòn từ phía người hâm mộ?

Hãy cùng Vietgame.asia theo dõi bài đánh giá các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

MỘT TOTAL WAR RẤT QUEN VÀ CŨNG RẤT LẠ!

Với một chặng đường dài đến 20 năm, dòng game Total War đã có những bước tiến với gần như những cải biến xuất hiện theo từng năm cả về cơ chế màn chơi, engine đồ họa lẫn các yếu tố thêm thắt để tạo ra các trò chơi luôn giữ được “lửa” trong lòng người hâm mộ của thể loại game chiến thuật.

Chính vì thế, có thể nói Total War: Three Kingdoms đã hội tụ tất cả tinh hoa của studio trong suốt thời gian qua với vô vàn các yếu tố quen thuộc và vừa vặn như “đo ni đóng giày” cho thể loại game pha trộn giữa 4X và chiến thuật nhóm (Squad-based Tactic) này.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Điều đó có nghĩa là bạn vẫn “tiến hành” trò chơi theo lối cũ: xây dựng và cân bằng các thành phần kinh tế – xã hội, nghiên cứu công nghệ, xây quân, sau đó mang lực lượng khổng lồ của mình “bem” khắp mọi nơi để mở rộng lãnh thổ của mình ra nhiều thành trì hơn nữa, xây dựng mối quan hệ với phe này, đánh bại phe khác và rồi dần đưa guồng máy chiến tranh rộng khắp để có thể giành được chiến thắng cuối cùng.

Đơn giản là vậy, nên những người hâm mộ “gộc” của dòng game chỉ mất chừng… 10 phút để có thể làm quen với giao diện được cải biên của dòng game, cho phù hợp với bối cảnh trò chơi.

Thế nhưng khi đi càng sâu vào trong “chiến trận”, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra sự khác biệt không nhỏ của Total War: Three Kingdoms so với các phiên bản trước đây, thậm chí nhiều đến nỗi những công thức làm nên thành công của bạn trước đây cũng phải được đem ra cân nhắc lại.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Điểm khác biệt dễ thấy đầu tiên nằm ở chỗ Total War: Three Kingdoms đã tách rời các công trình sản xuất như nông trại, mỏ khai thác, điểm mậu dịch… ra khỏi thành, lũy và khu dân cư, tạo nên một tổng thể dày đặc các cứ điểm cần phải kiểm soát của người chơi trên bản đồ để tạo dựng cơ sở kinh tế, chính trị cho một vùng đất.

Những cứ điểm này đều sở hữu dân cư, điều này đồng nghĩa với việc bạn vẫn có thể mộ lính tại nơi này, đóng giữ, duy trì trật tự trị an, cắt cử người giám sát thu thuế… khiến cho việc cai quản một vùng đất nhỏ cũng trở nên rất bộn bề gấp nhiều lần các phiên bản trước đây.

Thử tưởng tượng mà xem, với một huyện thành “nhỏ xíu xìu xiu” cũng có đến hai công trình “ăn theo” thì chỉ một bản đồ không lớn gồm một hành tỉnh bao gồm vài phủ thành cũng đủ khiến bạn “lao tâm khổ tứ”, chẳng kém gì quản lý một đế quốc cỡ vừa trong phiên bản Total War: Rome 2 trước đây.

Điểm khác biệt dễ thấy đầu tiên nằm ở chỗ Total War: Three Kingdoms đã tách rời các công trình sản xuất như nông trại, mỏ khai thác, điểm mậu dịch… ra khỏi thành, lũy và khu dân cư

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Nếu cứ bỏ mặc những cứ điểm này và bị đối phương đánh chiếm, bạn sẽ gặp phải các rắc rối lớn do nền kinh tế què cụt, khi chỉ sở hữu dân chúng mà không có các cơ sở sản xuất khác sẽ đe dọa nghiêm trọng đến dự trữ lương thực, sản xuất tài nguyên, tuyển mộ các đơn vị cần các tài nguyên đặc biệt hay đơn giản hơn là dân chúng sẽ kém hạnh phúc khi bị cắt giảm khẩu phần lương thực, đói kém, thiên tai và… giặc Khăn vàng lại thừa cơ trỗi dậy.

Điều này dẫn đến một hệ lụy khác trong Total War: Three Kingdoms, đó là các đơn vị quân đội phải “động” một cách hợp lý, để vừa đảm bảo trấn thủ, vừa đảm bảo an ninh cho vùng đất nhưng cũng không hao tốn quá nhiều để duy trì “quân lương” cho đội quân này.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Thêm vào đó, là một tựa game dựa trên nền cốt truyện của hai bộ lịch sử và tiểu thuyết lừng danh là “Tam Quốc Chí Chú” của Trần Thọ (Records of the Three Kingdoms – gọi tắt là Records) và “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung (Romance of the Three Kingdoms – gọi tắt là Romance), vốn đều mô tả sâu sắc các tuyến nhân vật lịch sử, thế nên tính năng “nhân vật” (Characters) đã được phát triển sâu sắc với nhiều yếu tố cá nhân được “thêm thắt” vào trong, làm nổi bật lên các đặc điểm của nhân vật bên cạnh hệ thống “anh hùng chiến trận” đã khá hoàn thiện trên dòng game Total War: Warhammer trước đây!

Các nhân vật đều có xu hướng chính trị, mối quan hệ cá nhân với các nhân vật khác (và cả với các lãnh chúa phong kiến khác) với đầy đủ các bảng kỹ năng riêng biệt, các món vũ khí và phụ kiện và tùy tùng khác nhau, đủ sức ảnh hưởng đến các nhân vật này trong màn chơi, phức tạp hơn rất nhiều so với các hệ thống nhân vật chỉ mang tính chất… cho có trên các phiên bản của dòng game Total War trước đây.

Những yếu tố thêm vào đậm nét đến nỗi, với cây Thanh Long Yểm Nguyệt Đao và ngựa Xích Thố thì ngay cả ở chế độ Records thông thường, một mình Quan Vũ vẫn đủ sức “cân” cả nhóm quân kỵ binh vũ trang hạng nặng, trong khi Trương Phi cưỡi “ngựa cỏ” và cầm giáo sắt thông thường dễ dàng bị xiên ngay trong lượt xung phong đầu tiên.

Vai trò của các nhân vật trong Total War: Three Kingdoms còn được tô đậm lên gấp nhiều lần thông qua chế độ Romance.

Ở chế độ này, các “anh hùng” không đơn thuần là một đơn vị quân mạnh hơn đôi chút và có kỹ năng đặc thù. Lựa chọn các nhân vật, sức chiến đấu của các anh hùng đều được tăng cường, thậm chí đủ để thay đổi cục diện của cả màn chơi như kiểu Triệu Vân độc xông dốc Trường Bản “như một vị thần” giữa thiên quân vạn mã, hay Trương Phi một rống làm hoảng loạn trăm vạn quân Tào…

Thật không ngoa khi nói rằng, chính chế độ Romance đã làm tăng gấp đôi giá trị chơi lại của một trò chơi vốn đã hao tốn rất nhiều thời gian của game thủ như Total War: Three Kingdoms.


Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

HÌNH, ÂM THỎA MÃN

Như thông lệ của dòng game Total War trong suốt nhiều năm qua, Creative Assembly đã nâng cấp engine đồ họa của mình lên một tầm cao mới với nhiều hiệu ứng mạnh mẽ hơn, đẹp mắt hơn và cũng… nặng nề hơn rất nhiều.

Dễ thấy nhất là hầu hết các mô hình từ nhân vật, công trình, đến cả địa hình của hàng trăm bản đồ chiến trận khác nhau trong Total War: Three Kingdoms đều được xây dựng vô cùng tỉ mỉ, sát với những tư liệu trong lịch sử cả về độ phân giải vân bề mặt lẫn các chi tiết nhỏ trong trang phục, vũ khí và ngựa chiến trong từng nhân vật dù là nhỏ nhất.

Kể từ phiên bản Total War: Shogun 2, đội ngũ làm game của hãng đã vận dụng tốt công nghệ bắt chuyển động Motion Capture để đem đến những cử động mượt mà của nhân vật thì giờ đây, với Total War: Three Kingdoms, tất cả các yếu tố này đã được tăng cường, và mở rộng lên một tầm cao mới

Phải nói rằng đội ngũ “chỉ đạo võ thuật” của hãng đã phải làm việc cật lực để lưu lại hàng ngàn thế võ khác nhau, với hàng trăm món vũ khí khi chiến đấu trên ngựa và bộ chiến để tạo thành những màn chiến đấu tay đôi đẹp mắt.

Nếu quan sát kỹ càng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một chiêu Hoành tảo thiên quân của Quan Vũ vô cùng mạnh mẽ và có lực, đủ sức hất tung hàng nhóm binh lính ra tứ phía, đòn vật “đậm chất WWE” của Trương Phi khi bộ chiến khiến các tướng lĩnh đối phương phải đo sàn, hay những pha ra vào khéo léo của Lưu bị khi chiến đấu với song thủ kiếm.

[su_quote]Dễ thấy nhất là hầu hết các mô hình từ nhân vật, công trình, đến cả địa hình của hàng trăm bản đồ chiến trận khác nhau trong Total War: Three Kingdoms đều được xây dựng vô cùng tỉ mỉ và sát với những tư liệu trong lịch sử[/su_quote]

Tông màu tối của chế độ hình ảnh Records


Tông màu tươi sáng của chế độ hình ảnh Romance


Các hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ cũng như các hiệu ứng vật lý cũng được áp dụng và thể hiện một cách sâu sắc, hài hòa với hai tông màu hiệu ứng “Records” và “Romance” với hai biểu hiện khác nhau.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Nếu như tông màu “Records” thiên về tính tả thực với khung màu xám xịt, thậm chí có phần bẩn thỉu của cát bụi chiến trường, thì tông màu “Romance” lại thể hiện tươi sáng, sạch sẽ và thanh khiết hơn rất nhiều. Nó đơn giản chỉ là một hiệu ứng, nhưng cũng rất dễ thỏa mãn gu của từng game thủ, thể hiện sống động cái thần của thế giới trong game.

Thêm vào đó, những đoạn phim cắt cảnh, những hoạt cảnh trong game đều được dựng bằng ba thủ pháp khác biệt.

Đó chính là các đoạn diễn cảnh được mô tả bằng bút pháp thủy mặc mang đậm màu sắc Trung Quốc, là các đoạn phim dựng sẵn (pre-rendered) và các đoạn phim cắt cảnh được vận dụng khéo léo đúng chỗ biến Total War: Three Kingdoms thành một tác phẩm nghệ thuật đầy mãn nhãn mang đậm màu sắc Trung Hoa, đem lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc cho bất kỳ game thủ nào đến với trò chơi.

Phần nhìn đặc sắc là vậy, phần âm cũng không hề kém cạnh khi đội ngũ phát triển game đã dày công tạo nên một bộ sưu tập đồ sộ các loại âm thanh ở độ phân giải cao với một đội ngũ lồng tiếng vô cùng hùng hậu, thổi hồn vào trong mọi ngóc ngách của trò chơi, từ hiệu ứng va chạm của vũ khí, tiếng ngựa hí đến tiếng la hét chém giết mãnh liệt hừng hực trên chiến trường.

Hệ thống nhạc nền được nhà soạn nhạc có phần già dặn với các dòng game Total War là Armin Haas thực hiện với một yêu cầu rất khó từ tổng đạo diễn Janos Gaspar rằng phải thể hiện được “cái hồn Tam Quốc” cho từng bài nhạc nền.

Điều này là một thử thách thực sự, nhất là với những nhạc sĩ nước ngoài “thấm đẫm” ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây. Kết quả là Armin Haas đã dùng một phương thức hết sức khéo léo để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, đó là phổ nhạc nền cho các bài thơ cổ Trung Hoa để giữ được cái hồn Tam Quốc đặc sệt trong suốt trò chơi.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Người tinh ý có thể bắt gặp bài Hạo Lí Hành của Tào Tháo xuất hiện làm nhạc chủ đề của phe này, hay bài Lâm Giang Tiên (từng được phổ làm nhạc nền cho phiên bản truyền hình Tam Quốc Diễn Nghĩa năm 1996) được lồng ghép nhẹ nhàng vào nhạc nền phe Tôn Kiên.

Mặc dù vẫn còn hơi hớm chất Tây đôi chút, thế nhưng phải nói rằng các bản nhạc nền đã thể hiện vô cùng xuất sắc trong suốt thời lượng chơi rất dài của phần chơi chiến dịch Total War: Three Kingdoms.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

MỘT CHÚT CHƯA ĐÃ… THÈM

Một lối chơi chặt chẽ, một cơ chế đồ họa mãn nhãn, một hệ thống âm thanh đồ sộ chân thực và những bài nhạc nền đã tai đã làm nên phần lớn thành công cho Total War: Three Kingdoms.

Thế nhưng nếu là “dân hardcore” của các dòng game về đề tài Tam Quốc, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy có một chút chưa đã… thèm!

Hầu hết các sự kiện trong phần chơi chính tập trung vào các diễn biến diễn ra trong một giai đoạn quá ngắn, chỉ từ năm 190 sau Công Nguyên khi Đổng Trác đốt thành Lạc Dương, dời đô về Trường An cho đến trận Xích Bích năm 208 chia ba thiên hạ.

Những yếu tố trước đó như cuộc nổi dậy của giặc Khăn vàng từ năm 184 chưa được làm rõ nét, dù phe Khăn vàng được ưu ái đưa vào trong một DLC miễn phí cho người đặt trước trò chơi.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Những sự kiện sau Đại chiến Xích Bích cũng không được mô tả cặn kẽ, đa phần bị người chơi dẫn dắt và hoàn thành nên câu chuyện của riêng mình.

Chưa kể đến các trận đánh lịch sử nổi trội cũng chỉ “lèo tèo” vài trận đánh tên tuổi lừng danh như trận dốc cầu Trường Bản, trận Xích Bích… nhưng lại thiếu đi rất nhiều trận đánh thành danh đầy hấp dẫn khác như chiến dịch Hổ Lao Quan giữa Liên minh và Đổng Trác, trận Quan Độ giữa Tào Tháo và Viên Thiệu, hay sau đó nữa là trận Hào Đình giữa quân Thục và quân Ngô…

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Có lẽ tất cả những yếu tố này sẽ dần được bổ sung vào sau thông qua các phiên bản DLC về sau, nhất là khi thị trường này vô cùng “ăn nên làm ra” trong những năm gần đây và các trò chơi khác trong dòng game cũng thực hiện rất tốt chiến thuật này.

[su_quote]Các trận đánh lịch sử nổi trội cũng chỉ “lèo tèo” vài trận đánh tên tuổi lừng danh như trận dốc cầu Trường Bản, trận Xích Bích… nhưng lại thiếu đi rất nhiều trận đánh thành danh đầy hấp dẫn khác[/su_quote]

Một vấn đề khác mà bản thân người chơi cũng thấy có phần “thiếu thốn” chính là hệ thống “Mưu sâu kế hiểm” đáng mong đợi đối với các trò chơi về đề tài Tam Quốc.

Gần như trong suốt cả thời lượng game, mọi vấn đề thuộc về mưu kế đều được giải quyết qua một vài sự kiện (event) mà người chơi phải đạt được các điều kiện cần thiết để “gọi” ra từ kịch bản.

Điều duy nhất người chơi có thể làm chính là dùng thuyết khách đi du thuyết các tướng lĩnh và nhân vật quan trọng, lợi dụng một số các mâu thuẫn sẵn có để tạo thành những màn “trở giáo” bất ngờ.

Total War: Three Kingdoms - Đánh Giá Game

Về vấn đề này, có một trò chơi khác cũng liên quan đến đề tài Tam Quốc là dòng game Romance of the Three Kingdoms của hãng game Koei Tecmo đến từ Nhật Bản. Trò chơi này mặc dù không mạnh về mặt chiến thuật và chiến trận như Total War: Three Kingdoms, thế nhưng người chơi sẽ tự do hơn khi dễ dàng dùng nhiều mưu kế cả về chính trị lẫn chiến thuật để giành được những lợi thế to lớn, lấy ít thắng nhiều theo một phương thức ly kỳ và kịch tính, hệt như được mô tả trong truyện.

Mặc dù vậy, Total War: Three Kingdoms vẫn là một game rất tuyệt cho người hâm mộ về đề tài Tam Quốc khi đem lại một thế giới chân thực cả về hình – âm lẫn một cơ chế lối chơi được chắt lọc qua thời gian dài phát triển, đúc kết thành quả hơn 20 năm của Creative Assembly với dòng game Total War.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Creative Assembly
  • Phát hành: SEGA
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 23/5/2019
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 64 Bit          
  • CPU: Intel Core 2 Duo 3.00Ghz    
  • RAM: 4GB
  • VGA: GTX 650 Ti | HD 7850 1GB VRAM
  • HDD: 30GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU: Intel i7 8700
  • RAM: 8 GB
  • VGA: MSI Armor RX 480 4GB
  • HDD: 2TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SEGA – CHƠI TRÊN HỆ PC

Vàng 9.0

Total War: Three Kingdoms là một tựa game chiến thuật pha trộn hỗn hợp giữa 4X và Chiến thuật nhóm với một cơ chế lối chơi vô cùng chặt chẽ, thể hiện hình - âm đều ở mức xuất sắc, xứng đáng là game đạt doanh thu kỷ lục của cả dòng game Total War từ trước đến nay.



Tuy vậy, nếu là "fan gộc" về đề tài Tam Quốc thì có thể bạn vẫn chưa thể "đã thèm" với những gì trò chơi thể hiện, chỉ có thể trông chờ vào các bản mở rộng hay các DLC ra mắt về sau.