Trek to Yomi – Akira Kurosawa (1910 – 1998) có thể nói là một trong những nhà làm phim có sức ảnh hưởng lớn nhất lịch sử điện ảnh.
Tuy làm phim ở nhiều thể loại, Kurosawa nổi tiếng nhất với những bộ phim có đề tài xoay quanh các samurai. Thậm chí, một trong những bộ phim của ông – The Hidden Fortress – còn trở thành nguồn cảm hứng cho Star Wars: A New Hope.
Với sức ảnh hưởng lớn như thế, không khó hiểu khi vào năm 2020, tựa game samurai Ghost of Tsushima đã thể hiện sự kính trọng tới vị đạo diễn.
Cụ thể hơn, tựa game hẳn một chế độ tên là “Kurosawa Mode”, cho phép chúng ta trải nghiệm trò chơi trong màu đen trắng, tạo cảm giác không khác việc đang xem những thước phim.
Nhưng Ghost of Tsushima không phải là trò chơi duy nhất thực hiện điều này.
Trek to Yomi, được triển bởi Leonard Menchiari, Flying Wild Hog và phát hành bởi Devolver Digital vào ngày 5 tháng 5 vừa qua cũng là một tựa game samurai khác tri ân đến Kurosawa.
Có thể thấy điều này thông qua việc trò chơi sử dụng màu đen trắng, hiệu ứng nhiễu hạt (film grain) và những bối cảnh đẹp mắt.
Tuy nhiên, ngoài tri ân đến vị đạo diễn nói riêng và thể loại phim samurai nói chung, Trek to Yomi còn đưa điều gì đến cho người chơi?
Vietgame.asia sẽ tìm hiểu thông qua bài viết sau.
NỘI DUNG
Người chơi vào vai Hiroki, một samurai trẻ tuổi sống tại một thị trấn nhỏ trong thời kì Edo.
Vào một ngày nọ, trong lúc luyện tập cùng sư phụ của mình, thị trấn của Hiroki đã bị tấn công bởi một băng cướp, được cầm đầu bởi Kagerou.
Tuy hai thầy trò samurai đã thành công trong việc đánh đuổi băng cướp và giết Kagerou, cái giá phải trả chính là mạng sống của thầy Hiroki.
Nhiều năm sau, khi Hiroki đã trưởng thành, thị trấn lại một lần nữa bị tấn công. Băng cướp lại được dẫn dắt bởi Kagerou, kẻ không rõ bằng cách đã sống lại.
Lần này, Hiroki đã thiệt mạng. Nhưng có vẻ như chết không phải là hết, bởi vì Hiroki tìm thấy mình ở Yomi – Cõi người chết trong tôn giáo Shinto.
Từ nơi này, Hiroki sẽ phải vượt qua muôn trùng thử thách để có thể trở lại trần gian để kết liễu Kagerou mãi mãi, phục thù cho những sinh mạng vô tội mà hắn đã tước đi.
BẠN SẼ THÍCH
Những khung cảnh đẹp mắt!
Như đã đề cập đến trong phần giới thiệu, một trong những điều đáng chú ý nhất của Trek to Yomi chính là những khung cảnh của trò chơi.
Tuy có kinh phí phát triển không cao, Trek to Yomi đã làm rất tốt trong việc đưa đến người chơi một bộ sưu tập những bức tranh Nhật Bản thời kì Edo đẹp mắt và sống động.
Dù là trong thị trấn, rừng rậm, đền thờ hay thế giới ma mị, thần bí của Yomi, các khung cảnh của tựa game luôn được thiết kế đầy chi tiết.
Thậm chí, người viết cảm thấy phần lớn các khung cảnh của trò chơi đủ đẹp để chụp làm màn hình nền điện thoại hoặc máy tính.
Quan trọng nhất, đó là việc những khung cảnh hùng vĩ của trò chơi cũng khiến cho khoảnh khắc trước những trận so gươm của Trek to Yomi thêm phần kịch tính.
Cách Trek to Yomi sử dụng màu đen và trắng cũng là điều đáng chú ý.
Thật khó giải thích, có lẽ là do góc quay của trò chơi kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, hoặc có lẽ là do yếu tố khác, nhưng người viết cảm thấy rằng trải nghiệm chơi Trek to Yomi sẽ giảm hẳn đi nếu như trò chơi có màu.
Nhìn chung, màu đen trắng của Trek to Yomi không chỉ đơn thuần là một bộ lọc (filter), mà là lựa chọn phong cách nghệ thuật.
Màu đen trắng của Trek to Yomi không chỉ đơn thuần là một bộ lọc (filter), mà là lựa chọn phong cách nghệ thuật
BẠN SẼ GHÉT
Hệ thống chiến đấu
Là một trò chơi kể câu chuyện samurai, thật đáng buồn khi điểm trừ của Trek to Yomi lại chính là… các trận đấu kiếm.
Khởi đầu với số lượng đòn thế hạn chế, người chơi sẽ có thể mở thêm chiêu thức bằng cách triệu hạ những trùm phụ (miniboss) trên hành trình.
Tuy nhiên, phần lớn các chiêu thức mở được này không thực sự có ích.
Có chiêu thì thời gian thi triển quá lâu, chưa kịp xong chuỗi đòn (combo) thì đã bị địch đánh trả (vấn đề này sẽ được nói thêm sau – NV). Có chiêu thì điều kiện để thực hiện không thường xuyên xảy ra, khiến người chơi quên bẵng sự tồn tại của nó.
Kết quả của việc này, đó là người chơi chỉ có 3-4 combo thực sự hữu dụng trong phần lớn trò chơi.
Các đòn thế cũng thất bại trong việc thể hiện sức mạnh của một kiếm sĩ. Đôi khi người viết có thể thấy rõ những nhát kiếm của mình rõ ràng đã chạm vào kẻ thù, tuy nhiên chúng vẫn đứng trơ ra, không có phản ứng gì.
Thậm chí có kẻ địch còn có thể tấn công trong lúc người viết… đang thực hiện combo nữa!
Trò chơi cũng có chức năng parry (hất đòn) khi chúng ta nhấn nút phòng thủ đúng thời điểm. Tuy nhiên, chức năng này được thực hiện kém, với thời điểm để parry khó xác định, thậm chí có thể nói là hơi mang tính may rủi.
Và một khi đã “parry” được đòn của địch, thì cảm giác cũng không “phê”, bởi vì khoảng thời gian kẻ địch loạng choạng, sơ hở để chúng ta có thể ra đòn quá ngắn.
Ngoài ra, một số kĩ thuật có cách “input” (nhập nút) khá là khó hiểu, chúng dường như chỉ nhận nút bấm từ người chơi trong một frame (khung) thời gian nhất định, bấm nhanh quá không được, chậm quá không xong.
Sử dụng từ “dường như”, đó là vì trò chơi không hề đề cập đến việc này trong hướng dẫn của chiêu. Điều này dẫn đến việc nhiều kĩ thuật khó mà thi triển trong tình huống chiến đấu.
Điểm trừ cuối cùng, đó là cơ chế né đòn.
Vì là game side-scrolling (góc nhìn ngang), Trek to Yomi cho phép chúng ta né đòn bằng cách… lộn mèo ra sau lưng kẻ địch!
Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, một số kẻ địch thì có thể lộn qua, một số kẻ địch thì lại không cho, dẫn dến việc người chơi như đang lộn mèo vào một bức tường đá, để rồi đứng dậy và ăn một cú đạp vào mặt!
Là một trò chơi kể câu chuyện samurai, thật đáng buồn khi điểm trừ của Trek to Yomi lại chính là các trận đấu kiếm