Triangle Strategy – Cách đây khoảng hơn một năm, trong sự kiện Nintedo Direct, Square Enix đã giới thiệu tới làng game một dự án có cái tên khá lạ lùng “Project Triangle Strategy”.
Đội ngũ phát triển, dẫn đầu bởi Tomoya Asano, người đứng đằng sau sự thành công của Bravely Default và Octopath Traveler, cũng đã rất hào hứng khi công bố tựa game mới nhất của mình.
Asano đã hứa hẹn về một trò chơi hướng nhiều hơn tới tập khán giả trưởng thành, sở hữu cốt truyện mang tính nghiêm túc, trưởng thành hơn.
Đến tháng Chín năm 2021, trò chơi đã có tên chính thức là Triangle Strategy và game cũng đã ra mắt trên toàn cầu vào tháng Ba vừa qua.
Vậy, Triangle Strategy có gì đặc biệt?
BẠN SẼ THÍCH
Bối cảnh ấn tượng, câu chuyện đa chiều, phân nhánh rõ nét
Câu chuyện của Triangle Strategy được đặt tại vùng đất giả tưởng Norzelia, nơi tồn tại ba đại vương quốc, bao gồm Công quốc Aefrost, Vương quốc Glenbrook và Thánh quốc Hyzante.
Nếu như Aefrost và Hyzante nắm trong tay gần như độc quyền về hai loại khoáng sản thiết yếu nhất của lục địa Norzelia: Sắt và Muối, thì Glenbrook lại sở hữu con đường thương mại huyết mạch và nền nông nghiệp khá thịnh vượng.
Với ba vùng lãnh thổ sở hữu những thế mạnh riêng biệt gần như là độc quyền như vậy, xung đột nổ ra là tất yếu.
Cách thời điểm Triangle Strategy bắt đầu khoảng ba mươi năm, giữa ba quốc gia đã nổ ra một cuộc chiến tranh được biết tới ngày nay: Chiến tranh Muối Sắt (Saltiron War).
Câu chuyện của Triangle Strategy sẽ lấy góc nhìn của Serenoa Wolffort, vị tân lãnh chúa trẻ tuổi của gia tộc Wolffort – một trong ba đại gia tộc của vương quốc Glenbrook.
Người chơi sẽ được theo chân Serenoa thực hiện vai trò mới sau khi cha của anh đã chính thức “nghỉ hưu”. Mở đầu với cuộc hôn nhân đậm màu sắc chính trị với công nương Federica của xứ Aefrost, điều gì sẽ chờ đợi vị lãnh chúa trẻ của vương quốc Glenbrook đây?
Nếu như bạn đã say mê trường thiên tiểu thuyết “A Song of Fire And Ice” của tác giả George RR Martin, câu chuyện của Triangle Strategy sẽ khiến bạn cảm thấy rất quen thuộc. Vẫn những câu chuyện về quyền lực, chính trị, quyền lợi, những “cơn sóng ngầm” trong nội bộ của những gia tộc, những quốc gia thoạt trông vô cùng yên bình, thịnh vượng.
Tất nhiên, với quy mô một trò chơi điện tử đơn thuần, mức độ “nặng đô” trong cốt truyện của Triangle Strategy không thể so bì được với kiệt tác để đời của George R.R. Martin, tuy vậy, câu chuyện của Triangle Strategy vẫn có nét hấp dẫn của riêng mình.
Những vùng đất, làng mạc, thậm chí cả những NPC mà người chơi có cơ hội đối thoại dường như đều mang những câu chuyện của riêng mình.
Thực sự khi bắt đầu, cách kể chuyện, dẫn dắt củaTriangle Strategy khiến người viết khá choáng ngợp. Người chơi không chỉ phải theo dõi mạch truyện chính mà còn có thể khám phá các nhiệm vụ phụ khác, qua đó hiểu thêm nhiều điều về câu chuyện mà Triangle Strategy muốn truyền tải.
Điểm người viết thích nhất trong cốt truyện mà Triangle Strategy muốn kể chính là việc diễn tiến của câu chuyện sẽ được phân nhánh rõ ràng tùy thuộc vào lựa chọn của người chơi.
Mỗi lựa chọn then chốt sẽ “rẽ nhánh” câu chuyện theo một hướng khác khá riêng biệt. Mặc dù số lượng các lựa chọn then chốt này không lớn, nhưng mỗi quyết định người chơi đưa ra đều có sức nặng và gây ảnh hưởng rất lớn lên mạch truyện chính, chứ không tạo cảm giác giả tạo như các loạt game đến từ Telltale Games.
Bên cạnh đó, những lựa chọn khác nhau cũng sẽ dẫn đến các kết cục khác nhau. Có tổng cộng bốn kết cục mà người chơi có thể đạt được thông qua các lựa chọn then chốt trong suốt quá trình chơi.
Điều này trực tiếp khiến giá trị chơi lại của Triangle Strategy tăng cao.
Điểm người viết thích nhất trong cốt truyện mà Triangle Strategy muốn kể chính là việc diễn tiến của câu chuyện sẽ được phân nhánh rõ ràng
Lối chơi ổn thỏa
Tại sao người viết lại dùng từ “ổn thỏa” khi mô tả về lối chơi của game? Đó chính là vì Triangle Strategy sở hữu tất cả những yếu tố “phải có” của một game TRPG (game nhập vai theo lượt) cơ bản và thực hiện chúng rất chỉn chu.
Đầu tiên, chiến trường của Triangle Strategy vẫn sẽ được chia thành các “ô” (grid) tương tự như các tựa game cùng thể loại. Người chơi sẽ tự tay bố trí đội hình dựa trên các nhân vật mà mình có. Từ đó tận dụng kỹ năng, tính toán các nước đi để tiêu diệt kẻ địch một cách nhanh và “đẹp” nhất có thể.
Đó có thể là lợi dụng địa hình, vị trí các kẻ địch để tạo sát thương lớn hơn, hoặc sử dụng ma thuật để “áp” các trạng thái bất lợi lên kẻ thù… Chiến trường trong game cũng được thiết kế rất thông minh, mỗi màn chơi đều là một thử thách thực sự. Đối thủ của bạn cũng không phải là “tay mơ”.
Triangle Strategy sở hữu tất cả những yếu tố “phải có” của một game TRPG (game nhập vai theo lượt) cơ bản và thực hiện chúng rất chỉn chu
Ngoài việc di chuyển hợp lý trên chiến trường, chúng còn biết kết hợp để “bọc hậu”, tấn công các nhân vật mà người chơi điều khiển.
Ngoài các trận đánh theo cốt truyện ra, người chơi cũng sẽ có cơ hội “luyện quân” với hệ thống Encampment (Trại huấn luyện).
Tại đây, ngoài việc “rèn cấp” cho các thành viên qua các trận đánh tập luyện, bạn còn có thể mua bán vật phẩm, chế tạo vũ khí hoặc nâng cấp nhân vật mà mình sở hữu.
Số lượng các trận đánh theo cốt truyện không phải là con số lớn, do đó, hệ thống “Cắm trại” sẽ là nơi mà bạn phải viếng thăm “dài dài” trong suốt quá trình chơi.
Hệ thống Conviction đầy sáng tạo!
Điểm sáng nhất, có thể nói là trung tâm trong lối chơi của Triangle Strategy chính là hệ thống Conviction (Phán quyết). Giờ đây, mỗi lời nói hành động của chàng lãnh chúa trẻ Serenoa đều ảnh hưởng tới những nhân vật xung quanh anh.
Có ba yếu tố chủ đạo cấu thành nên hệ thống Conviction mà người chơi sẽ phải làm quen: Morality, Liberty và Utility. Không chỉ đơn giản là ba trường phái mà người chơi phải lựa chọn trong các đoạn hội thoại, với Triangle Strategy, thậm chí từng hành động của người chơi cả trong và ngoài trận chiến đều ảnh hưởng trực tiếp tới ba yếu tố kể trên.
Đó có thể đơn giản chỉ là… bán vật phẩm nào đó, thực hiện các đòn đánh cụ thể, trò chuyện với các NPC… Tất cả đều trực tiếp tác động lên ba yếu tố nêu trên. Dĩ nhiên, người chơi sẽ không thể biết chính xác lượng điểm số của từng hướng đi cụ thể, do đó, bạn sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước các quyết định của mình.
Dĩ nhiên, hệ thống Conviction không chỉ là để “cho vui”. Như đã đề cập ở phần đầu tiên, cốt truyện trong Triangle Strategy sẽ phân nhánh tại những thời điểm then chốt và hệ thống Conviction sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố này.
Trong quá trình chơi, Serenoa Wolffort sẽ sử dụng hệ thống “bầu chọn”, sau đó dựa vào đa số để quyết định cốt truyện sẽ rẽ theo hướng nào.
Tất cả các thành viên trong đội đều có tiếng nói ngang nhau và Serenoa, hay chính là người chơi, sẽ đóng vai trò “thuyết phục” các thành viên thay đổi quyết định của mình.
Điều này không chỉ đến từ hệ quả của các lựa chọn hội thoại trước đó, lượng “điểm” của ba yếu tố cấu thành hệ thống Conviction, mà còn liên quan tới các thông tin mà bạn khai thác được trong suốt quá trình thám hiểm thế giới.
Đây là điểm mà người viết thích nhất trong Triangle Strategy.
Tùy thuộc vào việc thông tin thu thập được, tỷ lệ người chơi thuyết phục được các thành viên “nghiêng” về phía mình cũng sẽ tăng lên hay giảm xuống tương ứng.
Qua đó, ngoài việc khiến người chơi cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn các câu thoại, game còn khuyến khích việc bạn thám hiểm, nói chuyện với các NPC càng nhiều càng tốt.
Điều này không những khiến bạn hiểu thêm về câu chuyện mà game muốn kể, mà còn làm tăng sự đa dạng trong các lựa chọn mà người chơi có thể đưa ra, qua đó trực tiếp khiến giá trị chơi lại của Triangle Strategy tăng lên.
Điểm sáng nhất, có thể nói là trung tâm trong lối chơi của Triangle Strategy chính là hệ thống Conviction (Phán quyết)
BẠN SẼ GHÉT
Mở đầu dài dòng, lối chơi hơi lặp lại
Điểm đáng phàn nàn duy nhất của Triangle Strategy, trực tiếp khiến game bị “mất điểm” chính là vấn đề điều tiết nhịp độ của trò chơi và sự phân bổ các đoạn hội thoại, các màn chiến đấu ở giai đoạn đầu game chưa thực sự hợp lý.
Vào khoảng vài chương đầu tiên của Triangle Strategy, số lượng các màn chiến đấu thực sự rất ít. Thay vào đó, người chơi sẽ chủ yếu phải đọc thoại và đưa ra các lựa chọn theo cốt truyện chính. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hãng phát triển Artdink phân bổ hợp lý các trường đoạn này.
Đáng tiếc thay, số lượng các trường đoạn hội thoại và cắt cảnh chiếm số lượng gần như áp đảo các màn chiến đấu, khiến nhịp độ của Triangle Strategy ở các chương đầu trở nên khá dài dòng, lê thê.
Ngoài ra, việc phải “rèn quân” ở chế độ Encampment với các bản đồ có sẵn cũng khiến những người không thích việc “cày cuốc” cảm thấy khá nản.
Vẫn biết, những game TRPG kiểu như Triangle Strategy không có nhiều lựa chọn trong việc cung cấp các màn chơi để phục vụ việc “lên cấp”, nhưng giá như Artdink có cách nào đó sáng tạo hơn trong mảng này sẽ làm game trở nên hoàn thiện hơn.
số lượng các trường đoạn hội thoại và cắt cảnh chiếm số lượng gần như áp đảo các màn chiến đấu, khiến nhịp độ của Triangle Strategy ở các chương đầu trở nên khá dài dòng, lê thê