UnMetal – Vào những năm 1980s, Hideo Kojima, một nhân viên thuộc công ty Konami, bộ phận MSX2 đã được giao trọng trách phát triển một tựa game bắn súng bối cảnh quân sự.
Tuy nhiên, vì chiếc máy MSX2 không đủ sức mạnh để kết xuất nhiều kẻ địch và đường đạn bắn trên màn hình cùng một lúc, kế hoạch này đã không thành công.
Dù là vậy, Hideo Kojima có một ý tưởng khác. Thay vì làm một tựa game chú trọng vào chiến đấu, ông sẽ làm một tựa game xoay quanh việc hạn chế chiến đấu nhất có thể.
Đây chính là sự khởi đầu của dòng game Metal Gear nói chung, và thể loại game hành động lén lút mang chủ đề quân sự nói riêng.
Vì sao người viết lại mở đầu bài đánh giá UnMetal – một tựa game được phát triển bởi @unepic_fran – bằng lịch sử của Metal Gear?
Đó là vì UnMetal là một tựa game được phát triển với mục tiêu “giễu nhại” (parody) thương hiệu Metal Gear. Đây là một trò chơi hành động lén lút với góc nhìn từ tên xuống trên nền đồ họa 8bit cổ điển.
Nếu như thế, liệu UnMetal có phải là một trò chơi thực sự khiến bạn phải bỏ tiền ra mua? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu điều này nhé.
Nội dung
Vào năm 1972, Jesse Fox, nhân vật chính của chúng ta bị vu khống một tội danh. Tội danh đó là gì? Không ai biết, và Jesse cũng không nói. Thứ duy nhất mà chúng ta biết đó là Jesse Fox vô tội.
Nhà tù mà Jesse Fox bị đưa đến nằm trong một căn cứ quân sự và với trí thông minh cộng kỹ năng chiến đấu thượng thừa, Jesse Fox sẽ thoát khỏi nơi đây và tiện tay cứu luôn thế giới.
À, một điều tương đối quan trọng, đó là Jesse Fox khăng khăng rằng anh là một thường dân, dù sở hữu kỹ năng chiến đấu và lén lút của một người lính đặc nhiệm.
BẠN SẼ THÍCH
Jesse Fox – Kẻ nói dối vĩ đại nhất vũ trụ!
Toàn bộ diễn biến của UnMetal được diễn ra thông qua lời tường thuật của Jesse Fox với một vị Trung Úy quân đội Hoa Kỳ trong một cuộc hỏi cung. Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi Jesse Fox thành công trong việc trốn thoát khỏi căn cứ quân sự nơi anh bị giam giữ.
Dù trò chơi không trực tiếp khẳng định điều này, chỉ sau giờ đồng hồ đầu tiên, người viết đã nhận ra rằng 90% những gì Jesse Fox kể (và cũng là thứ chúng ta đang trải nghiệm)… là nói xạo!
Chắc hẳn trong nhóm bạn của nhiều độc giả thường sẽ có sự xuất hiện của một đứa thích nói dóc. Ngày nào nó cũng có chuyện để kể và câu chuyện của nó được “thêm mắm, thêm muối” để thêm phần kịch tính.
Jesse Fox chính là đứa bạn đó.
Toàn bộ diễn biến của trò chơi được chi phối bởi lời kể của Jesse Fox, và điều này khiến cho trải nghiệm của chúng ta không thể nào đoán trước, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ví dụ, khi bước vào một căn phòng, sẽ có lúc Jesse Fox suy nghĩ vài phút để “nhớ” ra là căn phòng có bao nhiêu lính canh. Người chơi sau đó sẽ được chọn con số mình thích.
Càng đi sâu vào game, những lời bịa đặt của Jesse Fox càng có ảnh hưởng lớn đến cách chơi hơn, thậm chí là ảnh hưởng đến cả trận đấu trùm. Vì vậy, người chơi nên cẩn thận với điều mà chúng ta chọn để Jesse Fox nói.
Dù trò chơi không trực tiếp khẳng định điều này, chỉ sau vài giờ đồng hồ đầu tiên, người viết đã nhận ra rằng 90% những gì Jesse Fox kể (và cũng là thứ chúng ta đang trải nghiệm)… là nói xạo.
Hài hước, dí dỏm…
Đúng với tinh thần giễu nhại – parody, UnMetal chứa đầy những câu thoại hài hước, cho thấy rằng trò chơi không hề tự nhìn nhận bản thân quá nghiêm túc.
Kết hợp những câu thoại đó với việc diễn viên lồng tiếng của tựa game luôn trong tình trạng “nghiêm trọng hóa vấn đề”, đã có nhiều khoảnh khắc trong lúc chơi khiến người viết phải bật cười.
Sự hài hước của UnMetal cũng đến trong phần chơi. Một số vật phẩm trong game có tác dụng không ai có thể ngờ đến.
Ví dụ, Jesse Fox có thể tìm được một miếng bịt mắt trong lúc chơi và nếu muốn bắt chước Big Boss, anh cũng có thể đeo nó. Tuy nhiên, nếu làm điều này, tầm nhìn của Jesse sẽ bị hạn chế chỉ còn một nửa.
Trong lúc chơi, cũng sẽ có những lúc Jesse Fox nghĩ ra những ý tưởng cực kì quái dị để vượt qua sự canh gác của kẻ địch hoặc đánh bại trùm.
Tuy nhiên, một điều đáng phải chú ý đó là để có thể cảm nhận sự hài hước của game, người chơi cần phải quen với lối diễn đạt của phong cách hài phim Mỹ cũng như sở hữu trình độ ngoại ngữ nhất định.
Đúng với tinh thần giễu nhại – parody, UnMetal chứa đầy những câu thoại hài hước, cho thấy rằng trò chơi không hề tự nhìn nhận bản thân quá nghiêm túc.
Không chỉ là một tựa game hài
Thoạt nhìn ban đầu, UnMetal có vẻ như chỉ là một trò chơi lén lút đơn giản, không có nhiều khác biệt so với Metal Gear năm 1987.
Tuy nhiên, khi chơi thử, người viết đã thích thú với những gì mà tựa game đem lại.
Bên cạnh cơ chế căn bản là đi chậm sau lưng và đấm vào đầu kẻ địch để khiến chúng bất tỉnh, UnMetal còn có những cơ chế mới hơn lấy cảm hứng từ các trò chơi lén lút hiện đại.
Ví dụ, Jesse Fox có thể sử dụng các đồng xu để đánh lạc hướng kẻ địch, tạo cơ hội để anh lẩn tránh hoặc triệt tiêu.
Khi kẻ địch đã bất tỉnh, Jesse sẽ có thể mò trang bị trên người chúng để tìm đồ hữu dụng rồi sau đó vác cái xác lên vai để đi tìm chỗ giấu an toàn.
UnMetal còn có những cơ chế mới hơn lấy cảm hứng từ các trò chơi lén lút hiện đại
Trò chơi cũng có một yếu tố RPG nhẹ, khi Jesse Fox hạ gục kẻ địch một cách lén lút, anh sẽ nhận được điểm kinh nghiệm và khi lên cấp, Jesse sẽ có thể học được những kỹ năng mới. Các kỹ năng này có thể giúp anh thiện chiến hơn hoặc nâng cao khả năng làm “ninja”.
Yếu tố vật phẩm trong trò chơi cũng là một điều đáng chú ý. Sẽ có những lúc trò chơi đưa ra các câu đố thử thách sự khéo léo của người chơi. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ công dụng của vật phẩm, các câu đố này có thể được vượt qua một cách dễ dàng.
Sự tôn trọng tuyệt đối đến Metal Gear!
Ẩn sau sự giễu nhại và hài hước của UnMetal chính là sự tôn trọng tuyệt đối đến tác phẩm mà nó dựa trên – Metal Gear.
Sự tôn trọng của UnMetal được thể hiện qua nhiều yếu tố, ví dụ như giọng lồng tiếng của Jesse Fox và Đại Tá Alan Harris tạo cảm giác y hệt như David Hayter và Paul Eiding trong vai Solid Snake và Đại Tá Campbell.
Một số yếu tố khác của trò chơi cũng được mượn từ thương hiệu Metal Gear như người chơi phải thoát ra khỏi buồng giam một cách sáng tạo (MGS 1, MGS 3), sử dụng băng gạt để cầm máu trước khi có thể sơ cứu vết thương (MGS 3), đứng sát vào vách tường để ngụy trang khiến kẻ địch khó nhận ra (MGS3 và MGS4)…
Tuy nhiên, yếu tố mà người viết tin là tri ân lớn nhất đến với Hideo Kojima và Metal Gear nói chung, đó là việc Jesse Fox không giết kẻ địch.
Dù Metal Gear là một thương hiệu lén lút quân sự, Hideo Kojima cũng muốn truyền tải thông điệp phản đối chiến tranh trong đó.
Chính vì điều này, từ Metal Gear Solid, Hideo Kojima đã thiết kế trò chơi xoay quanh việc game thủ càng giết ít lính canh, điểm số sau khi hoàn thành game càng cao.
UnMetal đã sử dụng tư tưởng này… và đem nó lên mức cực hạn. Cụ thể hơn, Jesse Fox cũng sẽ tiếp cận với các loại vũ khí như súng ống, lựu đạn và hỏa tiễn.
Tuy nhiên, vì lí do cá nhân, anh sẽ không giết ai cả. Điều này có nghĩa trong trường hợp Jesse buộc phải (hoặc vô tình) sử dụng vũ khí sát thương lên lính canh hoặc kẻ địch là con người, anh sẽ phải dùng bộ sơ cứu để hồi sức cho họ. Nếu không làm kịp trước khi kẻ địch hết máu… Game Over!
Gọi là sự tôn trọng, đó là bởi vì những yếu tố trên đã được tái hiện một cách chi tiết đi kèm với sự nghiêm túc, những yếu tố này không được nhắc đến qua loa và xem là trò đùa.
À, và đừng lo, trong game vẫn sẽ có dạng kẻ địch cho người chơi tự do sử dụng vũ khí.
Ẩn sau sự giễu nhại hài hước của UnMetal là chính là sự tôn trọng tuyệt đối với tác phẩm mà nó dựa trên – Metal Gear