Valkyrie Elysium – 2022 có thể nói là một năm đầy “drama” của hãng game đình đám Square Enix khi họ lần lượt hứng chịu chỉ trích vì game “đua xe gà” huyền thoại Chocobo GP có các yếu tố “hút máu” người chơi, lỡ hẹn ra mắt siêu phẩm Forspoken nhiều lần, rồi lại phải đối mặt với thảm họa “vô tiền khoáng hậu” có tên Babylon’s Fall vừa mới đây.
Nên khi Square Enix “im ỉm” rồi bất ngờ công bố Valkyrie Elysium, “truyền nhân” của thương hiệu Valkyrie Profile đình đám và đầy hoài niệm những năm đầu thập niên 2000, thì đã không tránh khỏi rất nhiều hoài nghi được đặt ra từ giới hâm mộ.
Nhất là thay vì được tiếp quản và phát triển bởi studio Tri-Ace như trước thì Valkyrie Elysium lại được Square Enix gửi gắm cho Soleil, một đội ngũ tương đối nhỏ và chỉ từng được biết đến với các tựa game hành động hay đối kháng (Naruto to Boruto: Shinobi Striker, Samurai Jack: Battle Through Time), ngược lại hoàn toàn phong cách nhập vai theo lượt truyền thống của dòng game Valkyrie.
Vậy liệu Square Enix có thành công khi mang những cái tên gắn liền với tuổi thơ của các game thủ thế hệ 7X,8X quay trở lại?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Phong cách chiến đấu hấp dẫn, đa dạng!
Ngay từ khi được trải nghiệm bản demo chơi thử của tựa game, người viết có thể khẳng định:Valkyrie Elysium gần như là một phần spin-off (ngoại truyện) nhiều hơn là hậu bản (sequel) của Valkyrie Profile, với tuyến truyện hoàn toàn mới còn lối chơi nhập vai theo lượt cổ điển đã chuyển hoàn toàn sang phong cách hành động “chặt chém” có tiết tấu nhanh và bắt mắt .
Yếu tố nhập vai đã hoàn toàn bị loại bỏ khi nhân vật chính Valkyrie không hề có cấp độ (level) hay khả năng tăng giảm các chỉ số trạng thái (stats). Người chơi chỉ mạnh dần lên thông qua việc “cày” các loại tinh thể gem có màu sắc khác nhau, tượng trưng cho điểm kinh nghiệm rớt ra từ đối thủ, mở hòm và dùng chúng để nâng cấp các kỹ năng mới trong bảng kỹ năng (Skill Tree) hoặc để cường hóa vũ khí.
Vũ khí khi được cường hóa không chỉ giúp tăng mức sát thương mà còn mở khóa thêm các chiêu đánh liên hoàn (combo) của chúng và nếu được cường hóa tới một mức nhất định sẽ còn có thể khảm thêm các loại đá quý (Rune) vào giúp tăng cường thêm sức mạnh.
Nên dù game chỉ có tối đa 6 lựa chọn về vũ khí (không tính 2 món được tặng kèm khi pre-order game) nhưng mỗi loại đều rất đặc trưng với tốc độ tấn công và chiêu thức đánh riêng biệt.
Các thao tác chiến đấu chính sẽ nằm ở việc phối hợp tuần tự hai nút tấn công Normal và Transition (vuông và tam giác) để cho ra các chuỗi đánh liên hoàn (combo) khác nhau từ ngắn đến dài tương tự như dòng game Musou (gồm các dòng game tiêu biểu Dynasty Warrior, Samurai Warrior từ hãng Koei Tecmo) và có thể kết thúc bằng một chiêu kết liễu Finisher đẹp mắt!
Ngoài ra, người chơi còn có khả năng thi triển các loại phép thuật cực mạnh từ phạm vi hẹp cho đến diện rộng thông qua hệ thống có tên gọi Divine Art.
Mỗi Art có thể gán vào một nút tắt được kích hoạt khi nhấp vào nút cò R2, có cấp độ khác nhau tương ứng với mức sát thương hoặc lượng hồi máu (nếu là phép chữa thương) và được phân theo một loại nguyên tố trong game như là lửa, băng hay sấm chớp.
điểm thú vị nhất của Valkyrie Elysium nằm ở hệ thống summon (triệu hồi) các nhân vật “Einherjar”
Tương ứng thì mọi đối thủ cũng có một thanh nguyên tố bên cạnh thanh máu, nếu người chơi khai thác sử dụng đúng loại nguyên tố yếu điểm sẽ khiến thanh này của chúng cạn kiệt dần và cuối cùng là rơi vào trạng thái “Crushed” – bị choáng, đồng thời gánh chịu mức sát thương nặng hơn.
Nhưng điểm thú vị nhất của Valkyrie Elysium nằm ở hệ thống summon (triệu hồi) các nhân vật “Einherjar” (theo thần thoại Bắc Âu, Einherjar là những chiến binh có sức mạnh và năng lực vượt xa người thường, được các Valkyrie dẫn lối về thánh địa Valhalla khi họ tử trận trên chiến trường).
Mỗi Einherjar sẽ mang một nguyên tố cố định và được trang bị tối đa hai bộ “moveset”, gồm một chuỗi đòn đánh combo hoặc một chiêu thức nào đó mà họ sẽ sử dụng ngẫu nhiên trong suốt thời gian được triệu hồi bằng nút R1.
Về sau các “moveset” càng đa dạng hơn và sẽ dần được mở khóa nếu người chơi đáp ứng yêu cầu của các Einherjar, thường chỉ đơn thuần là thực hiện những chuỗi nhiệm vụ phụ (sub-quest) nào đó.
Tính năng triệu hồi này làm gợi nhớ người viết đến hệ thống triệu hồi các vị thần “Aeons” trong Final Fantasy X hay các Chaos Legion trong tựa game cùng tên của Capcom ngày xa xưa.
Một số trận đánh trùm trong game cũng khá hấp dẫn và kịch tính, tuy nhiên để tránh “spoil” phần nội dung cho bạn đọc thì người viết sẽ không đi sâu vào phần này.
BẠN SẼ GHÉT
Một thế giới trống rỗng
Theo mở đầu của câu chuyện thì tam giới trong Valkyrie Elysium bị tàn phá nặng nề sau cuộc chiến long trời lở đất giữa Odin và Fenrir, cõi trần gian Midgard khi ấy chỉ còn lại là những đống hoang tàn và đổ nát. Và có lẽ miêu tả này đã được đội ngũ phát triển tham chiếu theo đúng… nghĩa đen trong công tác xây dựng và thiết kế môi trường game.
Toàn bộ cảnh quan của các màn chơi hầu hết là những mớ gạch vụn ngổn ngang, hoàn toàn không có dấu vết của con người hay bất kỳ một loại sinh vật nào.
Tất cả những gì người chơi có thể tương tác được suốt hành trình chỉ là những bông hoa vô tri, vô giác hay những đốm lửa màu xanh cùng các hộp hội thoại khô khan nằm rải rác dọc đường đi, gọi là “tượng trưng” cho những nạn nhân của cuộc chiến tại Midgard.
Ngay cả các NPC thường dân có mục đích giao, trả nhiệm vụ thường thấy ở các game thể loại nhập vai cũng không hề tồn tại.
Ngoại trừ cung điện Valhalla ở cõi Asgard được thiết kế nguy nga và tráng lệ, chất lượng hình khối, chi tiết bề mặt vật liệu và giả lập ánh sáng các phần còn lại của Valkyrie Elysium đều ở mức trung bình.
Thậm chí, nếu khắc khe hơn thì có thể nói đồ họa của game nhìn chung chỉ ngang ngửa với các tựa game từ thời kỳ… PS3 mà thôi!
Nếu xét về tên của tựa game, “Elysium”, theo thần thoại Hy Lạp có nghĩa là “thiên đường” thì tất cả điều này quả thật là trớ trêu!
có thể nói đồ họa của game nhìn chung chỉ ngang ngửa với các tựa game từ thời kỳ… PS3 mà thôi!
Nhiều khía cạnh còn quá sơ sài…
Valkyrie Elysium có phần nội dung hết sức nhạt nhòa, từ về khâu kịch bản cho tới xây dựng nhân vật. Hơn một nửa thời lượng đầu của game phải nói là… rất chán, không có một điểm nhấn nào đặc biệt và chỉ sau vài tiếng người viết đã đoán ra toàn bộ chân tướng của tên trùm cuối, cũng như những diễn biến tiếp theo trong game sẽ thế nào rồi.
Mặt khác, dù có chiều sâu nhưng cơ chế chiến đấu của game nhiều lúc vẫn mang lại cảm giác sượng, thiếu đi sự tự do và linh động nếu đem so với một tựa game khác cùng thể loại cũng của Square Enix là Nier Automata (phát triển bởi PlatinumGames) .
Điều này cũng dễ giải thích khi game không có tính năng rất cơ bản là “cancel animation”, tạm dịch là hủy hành động để chuyển đổi trạng thái.
Nói đơn giản là khi đã bấm nút thi triển bất kỳ một đòn đánh, dù cơ bản hay phức tạp, nhân vật điều khiển sẽ bị “khóa cứng” vào chuỗi diễn hoạt (animation) của hành động đó, nếu nó chưa kết thúc mà bất ngờ bị đối phương đánh úp hay thọc sườn thì người chơi thì chỉ biết đứng nhìn, chứ không thể né tránh hay trượt nhảy gì để thoát ra cả.
Các nhiệm vụ phụ (subquest) của game thì quá là cơ bản, hầu hết mục tiêu chỉ đơn giản đi từ A đến B, thậm chí bỏ qua luôn một số đối thủ hiện diện trên đường đi cũng được.
Chưa kể thiết kế cơ chế “sub-quest” (nhiệm vụ con) của game rất… kỳ cục, thay vì có thể tiến hành chúng trên cùng một khu vực ngay sau khi nhận thì không! Game bắt người chơi phải hoàn thành xong hết cả chương chuyện, quay về cung điện Valhalla, bấm kích hoạt độc nhất một nhiệm vụ nào đó từ thanh trình đơn rồi mới dịch chuyển bạn quay trở lại các địa điểm cũ để thực hiện chúng!
Tức là ngay cả nếu có nhiều “sub-quest” có thể giải quyết xong trên cùng một bản đồ, bạn vẫn phải tuần tự theo đúng quy trình nhận, thực hiện, hoàn tất rồi lại quay về Valhalla và lặp lại, thật khó hiểu!
Góc nhìn camera cũng là điểm hạn chế lớn của Valkyrie Elysium, nhất là càng về sau khi các chiêu Divine Art có hiệu ứng gần như che khuất toàn bộ màn hình, kẻ thù thì đông đảo còn các nhân vật Einherjar thì bay nhảy tấn công “loạn xà ngầu” làm người viết hoàn toàn không quan sát được những gì đang diễn ra.
Cuối cùng, có thể kể đến những “hạt sạn” nhỏ nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm chơi: hiệu năng còn vấp phải vài đoạn “ổ gà” khiến khung hình bị trồi sụt trên cả hệ máy PS5, hay cử động miệng (lipsync) của nhân vật hoàn toàn trật chìa với phần lời thoại tiếng Anh.
Valkyrie Elysium có phần nội dung hết sức nhạt nhòa, từ về khâu kịch bản cho tới xây dựng nhân vật