Skip to content

WWE 2K25 – Đánh Giá Game

WWE 2K25

WWE 2K25– Có một điểm chung giữa các tựa game thể thao có chu kỳ ra mắt hàng năm: ngoài việc cập nhật danh sách vận động viên và đội nhóm thi đấu, các hãng game còn phải tìm cách trong một thời gian ngắn mà vẫn kịp “nhào nặn” ra những tính năng mới, dù có thể không quá đột phá nhưng vẫn đủ sức thuyết phục, đủ hấp dẫn để “dụ dỗ” những tín đồ trung thành sẵn sàng “xuống tiền” cho phiên bản mới mà không phải đắn đo quá nhiều. 

Yếu tố này có thể xem là một “con dao hai lưỡi” khi nó từng mang lại thành công rực rỡ cho dòng game FIFA (hiện tại đã đổi tên thành EA Sports FC – NV) với việc ra mắt chế độ sưu tập thẻ bài Football Ultimate Team lần đầu vào năm 2008, không chỉ nhanh chóng trở thành “gà cưng đẻ trứng vàng” cho công ty chủ quản EA mà còn mở đường cho nhiều hãng game thể thao khác học hỏi, “noi theo” phát triển ra những tính năng… “bào tiền” tương tự cho đến tận ngày nay.

Ở chiều ngược lại thì loạt game đô vật chuyên nghiệp WWE của hãng 2K lại không gặp may như vậy khi từng nếm trải thất bại nặng nề với “thảm họa” WWE 2K20, buộc họ phải tạm gác quá trình sản xuất suốt cả một năm để đội ngũ phát triển có thêm thời gian trau chuốt cho sản phẩm kế nhiệm, và nhờ vậy mà WWE 2K22 sau đó trở nên chỉn chu và hoàn thiện hơn về mọi mặt, không chỉ “ghi điểm” trong mắt giới chuyên môn lẫn người hâm mộ mà còn trở thành nền tảng vững chắc để 2K tiếp tục phát triển các phiên bản kế tiếp, duy trì phong độ ổn định từ WWE 2K23 qua đến WWE 2K24.

Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục phát triển theo đà “bình bình”, vẫn giữ chu kỳ hàng năm mà không có những bước đi táo bạo hay sáng tạo đáng kể nào khác kể từ sau WWE 2K22, thì liệu dòng game này có lại đang đi vào chính “vết xe đổ” năm xưa hay không, đặc biệt là trong bối cảnh hãng đấu vật giải trí WWE ngoài thực tế đang có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ với hàng loạt sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, thậm chí còn không ít lần gây ra nhiều tranh cãi và thị phi. 

Có lẽ thế nên khi WWE 2K25 chính thức được công bố, người viết đã rất phấn khởi, bởi kỳ này, 2K không chỉ khai thác đề tài về một trong những dòng dõi huyết thống nổi bật nhất lịch sử làng đô vật Mỹ, The Bloodline, mà còn mang đến một chế độ chơi hoàn toàn mới có tên gọi “The Island”. 

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem phiên bản WWE 2K25 năm nay sẽ có gì đặc sắc, có đáng mong đợi hay không qua bài viết sau bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Cải tiến những chế độ chơi quen thuộc 

Ngoại trừ WWE 2K24 đặc biệt tri ân 40 năm sự kiện WrestleMania, các bản WWE 2K gần đây vẫn duy trì truyền thống tôn vinh những võ sĩ kiệt xuất có hình ảnh xuất hiện trên bìa đĩa game, thông qua chế độ Showcase mang đậm chất liệu điện ảnh, tiêu biểu như WWE 2K22 tái hiện hành trình đầy cảm hứng của Rey Mysterio – huyền thoại lucha libre (đô vật kiểu Mỹ La Tinh) nổi tiếng bậc nhất, hay WWE 2K23 vinh danh John Cena, biểu tượng của làng đô vật chuyên nghiệp Mỹ suốt hơn một thập kỷ.

Bước sang WWE 2K25, dù hình ảnh vị “Tù trưởng” Roman Reigns chiếm trọn bìa đĩa và xuất hiện dày đặc trong phần lớn các chiến dịch quảng bá, nhưng nội dung của Showcase lần này lại mở rộng hơn khi không chỉ tập trung vào riêng anh mà bao quát toàn bộ triều đại Bloodline, tái hiện những trận đấu kinh điển làm nên tên tuổi của các võ sĩ thuộc gia tộc hùng mạnh có nguồn gốc từ hòn đảo Samoa giữa vùng biển Nam Thái Bình Dương. 

Qua lối dẫn truyện cuốn hút với giọng đọc “bắt tai” của nhà quản lý kỳ cựu Paul Heyman, người chơi sẽ được đắm mình vào những thời khắc đặc biệt, từ cuộc đụng độ nảy lửa giữa võ sĩ sumo Yokozuna với “già gân” Hulk Hogan, trận chiến thời trai trẻ giữa hai huyền thoại Rocky Maivia (biệt hiệu của The Rock sau này) và Hunter Hearst Helmsley (Triple H), hay cả những màn so tài giả tưởng như cuộc đối đầu giữa bộ đôi The Street Profits của hiện tại với các cựu chiến binh The Islanders trong thời kỳ hoàng kim.

Đáng nói là các thước phim tư liệu cũ kỹ đan xen vào mỗi trận đánh căng thẳng nay đã được thay thế hoàn toàn bằng những đoạn cắt cảnh (cutscene) dàn dựng từ chính engine game, giúp mọi hành động chuyển tiếp trở nên mượt mà hơn và nhịp đấu không còn bị ngắt quãng một cách “vô duyên” như trước.

Nhờ vậy, người chơi không chỉ được chứng kiến những sự kiện quá khứ tái hiện chân thực bằng mô hình nhân vật trong game với biểu cảm sống động, mà còn có thể thay đổi cả cục diện của chúng, chẳng hạn như phân đoạn khi Seth “Freakin” Rollins giơ nắm tay muốn giảng hòa với Roman Reigns vào cuối trận tranh đai vô địch Universal tại sự kiện Royal Rumble 2022, thay vì để Roman bị truất quyền thi đấu (DQ) như thực tế, bạn có thể để trận đấu tiếp tục hoặc thậm chí giúp Seth giành chiến thắng tuyệt đối, mang lại cảm giác vừa chủ động, vừa mới lạ hơn bao giờ hết.

Các mục tiêu chính lẫn phụ trong Showcase cũng được rút gọn và tinh giản, dù còn một số vấn đề sẽ đề cập ở phần sau bài viết nhưng ít ra người chơi cũng không còn rơi vào tình cảnh bị buộc phải…“tẩm quất” nhân vật đối phương liên tục chỉ để lấp đầy thanh đòn siêu kết liễu (Super Finisher) rồi bị đối phương… phản đòn (Reversal) ngay chớp mắt, sau đó cứ phải lặp đi, lặp lại quá trình quá trình này một cách nhàm chán chỉ để qua trận.   

Kế đến, theo quan điểm của người viết, chế độ MyRise (Career Mode của ngày xưa) mới thực sự là tâm điểm sáng chói nhất của WWE 2K25, mang đến trải nghiệm như một tựa game nhập vai (RPG) hoàn chỉnh, khi lần đầu tiên cả hai nhân vật nam và nữ không còn tách biệt mà cùng hòa quyện trong một tuyến truyện (storyline) duy nhất mang chủ đề “Cuộc nổi loạn” – Mutiny, sự thay đổi này không chỉ giúp mạch truyện trở nên liền mạch, nhất quán hơn, mà còn gia tăng chiều sâu trong khâu kịch bản, tạo nên những cú “twist” đầy bất ngờ, khiến người viết không ngừng tự hỏi bước ngoặt tiếp theo sẽ xuất hiện lúc nào, ai mới thực sự là “trùm cuối” và liệu những ngôi sao nào trong đại gia đình WWE sẽ đứng về phe chính nghĩa hay hóa thân thành phản diện.

Có lúc thì nhân vật của người chơi hầm hố lái chiếc Monster Truck của huyền thoại Stone Cold xộc thẳng vào kho lưu trữ WWE Archives, để ngăn chặn một thế lực ngầm của NXT âm mưu lật đổ hai chương trình Smackdown và Raw, lúc khác lại được theo chân anh chàng Seth “Freakin” Rollins hợp sức với LA Knight và Sheamus thành lập ra nhóm The Shield thế hệ mới, rồi còn có cả phân đoạn bay sang tận Nhật Bản tham gia giải đấu NJPW chỉ để giành lại chiếc đai Undisputed WWE Champion bị đánh cắp, đã lâu lắm rồi, MyRise mới hấp dẫn đến vậy, xin không bật mí gì thêm để bạn đọc được tự tay trải nghiệm.

Đặc biệt là khi nhân vật của người chơi đưa ra một quyết định quan trọng, game sẽ tự động lưu lại lựa chọn này, cho phép quay lại sau đó để thử một hướng đi khác, mở ra những nhánh truyện và kết thúc hoàn toàn mới, tương tự như cơ chế “hiệu ứng cánh bướm” trong những tựa game kinh dị tương tác của studio Supermassive Games.

Nhưng xin thú thật rằng, không phải Showcase hay Myrise, mà từ trước đến nay Universe mới chính là chế độ chơi “ngốn” hàng trăm giờ của người viết, nơi có thể thỏa sức sáng tạo ra những show diễn độc đáo, giả lập sao cho chân thực nhất các sự kiện ngoài đời, được tự tay “lăng xê” (push) các ngôi sao yêu thích rồi dựng lên kịch bản những mối thù địch (Rivalry) thú vị.

Tiếc là lần này, Universe không được đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng như hai chế độ kể trên, nhưng ít ra người viết cũng cảm thấy “an ủi” phần nào khi tính năng Cut Promo đã trở lại, một yếu tố phản ánh đúng tinh thần của các chương trình WWE, nơi mà các đấu sĩ không chỉ “quật” nhau trên sàn đấu mà còn đấu “võ mồm” với chiếc micro trên tay để tạo ra thêm kịch tính!

Ngoài ra, Universe cũng bổ sung giải đấu King of the Ring, nơi người chiến thắng sẽ được xếp vào suất tranh đai World Title trong Main Event của SummerSlam, cùng với đó là việc đại tu hệ thống sắp xếp võ sĩ (Roster) theo từng “show”, giúp giao diện hiển thị trực quan và dễ sử dụng hơn.

MyFaction cũng có một vài điều chỉnh nhỏ, chủ yếu là việc giảm giá các bộ thẻ bài nhằm giúp người chơi dễ tiếp cận hơn và bớt đi yếu tố “cày cuốc”.

chế độ MyRise (Career Mode của ngày xưa) mới thực sự là tâm điểm sáng chói nhất của WWE 2K25, mang đến trải nghiệm như một tựa game nhập vai (RPG) hoàn chỉnh


Những thêm thắt đáng giá

Về cốt lõi cơ chế chiến đấu của WWE 2K25 không có quá nhiều khác biệt so với bản trước, đáng chú ý nhất là sự trở lại của hệ thống Chain Wrestling sau tận gần 10 năm kể từ WWE 2K15, giúp các trận đấu thể thức “một đối một” sinh động, hấp dẫn hơn khi hai võ sĩ ngang cơ sẽ không… lao bổ vào nhau đánh tới tấp ngay từ đầu, mà theo đúng thực tế sẽ kèm cặp, khóa siết liên tục nhau trước khi một bên buộc phải thoát ra hoặc… nằm “đo sàn”.

Game cũng bổ sung hai thể thức thi đấu mới, đầu tiên là Bloodline Rules, lấy cảm hứng từ “Tù Trưởng” Roman Reigns trong sự kiện chính của WrestleMania XL, cho phép người chơi triệu hồi thêm đồng đội vào trợ giúp theo phong cách đánh hội đồng nhưng vẫn được tính là… “fairplay” (công bằng), tiếp theo là Underground, nơi mang đến những trận đấu theo kiểu “thế giới ngầm” trên một sàn đấu không có dây đài (ring rope) còn khán giả thì đứng ngay sát xung quanh để quan sát và hò reo cổ vũ. 

Một hệ võ sĩ mới có tên gọi “The Giant” cũng được thêm vào (ngoài Striker, Powerhouse, Technician và High Flyer) dành cho những ngôi sao có thể tạng ngoại cỡ như Nia Jax hay Braun Strowman, những nhân vật này không chỉ sở hữu mức thể lực (stamina) vượt trội, khả năng phòng ngự cao giúp tránh được các đòn quăng vật từ đối thủ mà còn có thêm một thanh năng lượng riêng bao bọc thanh máu, bù lại họ sẽ bị hạn chế đáng kể khả năng leo trèo và tấn công trên không (Aerial Attack).    

Nhưng thay đổi “đáng đồng tiền bát gạo” nhất trong lối chơi của WWE 2K25 đến từ một tính năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại tạo ra khác biệt đáng kể, đó chính là việc bổ sung góc nhìn người thứ ba (third-person camera), không chỉ áp dụng cho các hoạt cảnh lên sàn (Entrance), mà còn theo sát nhân vật võ sĩ của người chơi ngay cả trong từng trận đấu.

Khi chuyển sang camera mới này, cần gạt analog phải sẽ được dùng để điều hướng góc nhìn trên màn hình, các thao tác vốn sử dụng analog phải trước đây sẽ cần kết hợp thêm nút cò (R2 trên tay cầm PS5), ví dụ như khi muốn “ghim” đối thủ, người chơi sẽ phải bấm R2 + analog phải, điều này có thể mất chút thời gian để làm quen nhưng một khi đã thuần thục thì cảm giác mang lại thực sự rất “phê”, như thể đang theo dõi trực tiếp một show đấu vật của WWE trên sóng truyền hình Netflix vậy, đặc biệt là trong những trận đấu lồng sắt “Hell in a Cell”, mỗi pha ra đòn bấy giờ đều trở nên “nặng ký”, máu lửa và khốc liệt. 

Một số chi tiết khác cũng được 2K khéo léo thêm thắt để nâng cao trải nghiệm chơi, người chơi có thể nhận thấy những vết lằn bầm tím hằn lên cơ thể nhân vật sau mỗi va chạm, những giọt mồ hôi lấm tấm rơi xuống theo từng chuyển động hay lớp vẽ mặt (face paint) của các võ sĩ dần nhòe đi, phai mờ theo thời gian thi đấu, tất cả hòa quyện tạo nên một cảm giác chân thực và sống động hơn bao giờ hết.

thay đổi “đáng đồng tiền bát gạo” nhất trong lối chơi của WWE 2K25 đến từ một tính năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại tạo ra khác biệt đáng kể, đó chính là việc bổ sung góc nhìn người thứ ba

BẠN SẼ GHÉT

Hòn đảo “lạc quẻ”!

Thật trớ trêu khi chế độ chơi mới nhất, tâm điểm quảng bá của WWE 2K25 năm nay, “The Island” lại chính là mắt xích yếu nhất của tựa game.

Như tên gọi, The Island là một hòn đảo “hư không” giả tưởng, nơi người chơi cùng nhiều game thủ trực tuyến khác được “Tù trưởng” Roman Reigns mời đến tham dự với vô số phần thưởng hấp dẫn, thoạt nghe qua thì cũng thú vị đấy nhưng thực tế thì lại khác xa so với mong đợi.

Ý tưởng này thật chất không hề mới, nếu từng chơi qua một dòng game khác do chính đội ngũ 2K thực hiện là NBA 2K , bạn sẽ dễ dàng nhận ra The Island chính là The City (chế độ ra mắt lần đầu tiên trong NBA 2K21), được “bưng bê” qua thế giới của WWE rồi “xào nấu” lại đôi chút nhưng về bản chất vẫn là một khu phức hợp quy tụ hàng loạt cửa hàng thời trang lộng lẫy, những nhân vật ảo “điệu đà” của người chơi khác khoác lên đủ thể loại phục trang cùng các địa điểm thi đấu hoành tráng, tất cả tạo nên một sân chơi hào nhoáng nhưng thiên về mục đích… “hút máu” game thủ nhiều hơn là nâng cao trải nghiệm chơi một cách thuần túy.

WWE 2K25

chế độ chơi mới nhất, tâm điểm quảng bá của WWE 2K25 năm nay, “The Island” lại chính là mắt xích yếu nhất của tựa game

Gần như mọi hoạt động diễn ra trên hòn đảo đều xoay quanh mục tiêu duy nhất là… “cày” đồng tiền ảo VC (Virtual Currency) càng nhiều càng tốt, thậm chí tới cả việc nâng cấp chỉ số cơ bản cho nhân vật cũng phải sử dụng đơn vị tiền tệ này, và đương nhiên con đường nhanh nhất để đạt được điều đó là… rút hầu bao của bạn ra rồi.

WWE 2K25

Ngoài những trận đấu phục vụ mục đích kể trên không có gì đặc biệt, các khía cạnh còn lại của The Island phải nói là “nhạt nhẽo như nước ốc”, các võ sĩ xuất hiện dưới dạng NPC tương tác với người chơi đơn điệu qua những hình ảnh tĩnh minh họa chẳng khác gì các tựa game nhập vai cách đây… hai thập kỷ, hiệu năng cũng bị giới hạn ở mức 30 khung hình (fps) khi nhân vật di chuyển xung quanh hòn đảo và cũng không có bất kỳ vật phẩm nào để thu nhặt hay sưu tầm dọc đường đi, khiến vài giờ chơi và khám phá của người viết tại đây còn nhàm chán hơn cả việc đi đào hầm ngục, mở hòm thưởng trong chế độ “The Krypt” của dòng game Mortal Kombat.


WWE 2K25

Vẫn còn những thiếu sót vụn vặt

Nếu tạm gác The Island sang một bên thì WWE 2K25 thực chất vẫn chưa hoàn toàn đạt được như kỳ vọng của người viết khi vẫn còn tồn đọng vài thiếu sót trong từng chế độ chơi.

Có thể kể đến như trong Showcase, dù có cải tiến đáng kể nhưng các mục tiêu tính giờ (Timed Objectives) bỗng dưng được hãng 2K đem trở lại, gây ra nhiều… phiền toái hơn là thử thách, khiến phần lớn thời gian người viết buộc phải hạ độ khó game xuống mức thấp nhất (Easy) để tránh cảm giác bực bội, khi vô tình bỏ sót một yêu cầu “trời ơi đất hỡi” nào đó phải thực hiện trong vỏn vẹn… 30 giây, dẫn đến phải cày lại cả trận đấu từ đầu.

Chẳng hạn như trận đánh đồng đội tại Survivor Series, trong khi nhân vật của người chơi đang tất bật “mần gỏi” đối thủ thì đồng đội do AI máy điều khiển lại có một pha xử lý “đi vào lòng đất”, ghìm đối phương một cách thần tốc, làm trận đấu kết thúc dang dở và hàng loạt mục tiêu bị bỏ lỡ một cách… lãng xẹt!

WWE 2K25

Mặt khác, dù sở hữu lượng fan đông đảo và tiềm năng khai thác rất lớn nhưng cả hai chế độ chơi đơn Universe và GM vẫn bị “bỏ bê” và chưa có sự bứt phá đáng kể.

GM Mode thì gần như chỉ có điểm mới duy nhất là bổ sung thêm tính năng chơi online, còn Universe vẫn tồn đọng những lỗi vụn vặt như nhân vật không đeo đai vô địch khi thực hiện Cut Promo, võ sĩ bị nhân bản (duplicated) hay sau nhiều năm kể từ khi chế độ này được làm mới mà người chơi vẫn không thể di chuyển vị trí các thẻ đấu (match card) trong mỗi sô, gây ra nhiều bất tiện cho những ai yêu thích việc sáng tạo kịch bản đấu.

Đáng tiếc hơn, Universe vẫn chỉ giới hạn tối đa 4 ô (slot) Rivalry, khiến việc xây dựng những màn đối đầu tâm điểm trở nên thiếu đa dạng, thể thức tạo dựng mối tư thù cũng bị bó hẹp trong các trận “một đối một” hoặc Tag Team, không có thêm những lựa chọn tự do nào khác giống với thực tế như Triple Threat hay Triple Tag Team.

WWE 2K25

Về mặt đồ họa, WWE 2K25 không mang lại nhiều ấn tượng, có lẽ bởi engine game vẫn còn quá hạn chế khi phải hỗ trợ tương thích ngược cho cả thế hệ những console đời cũ (PlayStation 4, Xbox One), một số gương mặt của các ngôi sao vẫn chưa thực sự giống ngoài đời, nhiều Entrance cũ kỹ vẫn được giữ nguyên, đáng nói nhất là ngay cả ngôi sao Cody Rhodes, gương mặt đại diện cho toàn bộ chuỗi thương hiệu WWE hiện tại, cũng không tránh khỏi vấn đề này.

Các tân binh mới “chào sân” các chương trình của WWE như Penta, The Motor City Machine Guns hay hai bóng hồng đang nổi của NXT là Stephanie Vaquer và Giulia cũng đều chưa có mặt trong game, phải chờ đến các bản DLC sau vài tháng nữa. 

Chưa kể sự vắng mặt của Brock Lesnar và Vince McMahon do vướng vào những lùm xùm pháp lý hay những ngôi sao đã kết thúc hợp đồng với công ty chủ quản năm vừa qua như Bobby Lashley và Jinder Mahal cũng để lại nhiều điều tiếc nuối…

tạm gác The Island sang một bên thì WWE 2K25 thực chất vẫn chưa hoàn toàn đạt được như kỳ vọng của người viết khi vẫn còn tồn đọng vài thiếu sót trong từng chế độ chơi

Bạc 8.0

WWE 2K25 mang đến nhiều cải tiến đáng giá, đặc biệt trong hai chế độ MyRise và Showcase, cùng những tinh chỉnh quan trọng giúp cơ chế chiến đấu tổng thể trở nên mượt mà, hấp dẫn và chân thực hơn.

Chỉ tiếc rằng nếu 2K không dồn quá nhiều công sức vào “thảm họa” mang tên The Island mà thay vào đó tập trung hoàn thiện và mở rộng những chế độ chơi đơn quen thuộc còn lại như Universe và GM, thì WWE 2K25 hoàn toàn đã có thể trở thành một trong những phiên bản xuất sắc nhất từ trước đến nay. 

Tác giả

Teddie Danh

Gamer 🎮| Game Producer👨🏻‍💻| Games Journalist🖋️