Z490 AORUS Master – Có thể nói rằng năm 2019 không phải là một năm thực sự thành công của Intel khi mà đối thủ của họ là AMD đã tung ra thị trường những mẫu CPU AMD Ryzen 3000 Series mạnh mẽ không chỉ trong các phép thử như trước đây, mà còn trong cả rất nhiều tác vụ thực tế và cả “đấu trường game” vốn là mảnh đất “độc quyền” của “đội xanh”, chiếm lĩnh gần như trọn vẹn phân khúc vi xử lý cao cấp và trở thành các mẫu CPU bán chạy nhất trên các kênh bán lẻ như Amazon, điều này thôi thúc “gã khổng lồ xanh” cho ra mắt thế hệ vi xử lý Core thứ 10 của mình.
Kèm theo đó là hệ chipset Z490 và một socket LGA 1200 hoàn toàn mới, thoát khỏi cái bóng “làm mới” lại của một loạt thế hệ CPU trước đó sử dụng socket LGA 1151 được sử dụng liên tục trong nhiều năm vừa qua, vốn không còn đủ để cho Intel “bung lụa” cho những vi xử lý lớn hơn, nhiều nhân hơn, “ăn điện” hơn để đạt được mức sức mạnh ấn tượng hơn, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ đến từ “đội đỏ”
Sau rất nhiều “đồn đoán”, các bo mạch chủ sử dụng chipset Z490 của Intel cũng được ra mắt thị trường, sẵn sàng cho các CPU thế hệ mới sắp được Intel giới thiệu đến người dùng. Một trong số các đại diện đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam chính là mẫu Z490 AORUS Master đến từ hãng sản xuất danh tiếng Gigabyte của Đài Loan.
Rất may mắn là nhóm thử nghiệm của Vietgame.asia đã có dịp “trên tay” mẫu sản phẩm bo mạch chủđời mới này. Đây là một trong những bo mạch chủ Z490 xuất hiện sớm nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay. Hãy cùng nhóm thử nghiệm đón xem mẫu bo mạch chủ cao cấp này có những tính năng gì các bạn nhé!
1. Z490 AORUS MASTER – PHONG CÁCH “MASTER”!
Trong cách “xếp hạng” các dòng sản phẩm của Gigabyte hiện nay, dòng bo mạch chủ cao cấp MASTER chỉ xếp sau các mẫu sản phẩm dòng XTREME đỉnh cấp và thường được người dùng chuyên nghiệp lựa chọn do không có quá nhiều những công nghệ thiết kế cao cấp mà… thừa thãi cho nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Để “định vị” cho dòng sản phẩm MASTER, Gigabyte luôn xem đây là một sản phẩm đơn giản, nhưng thực dụng với những sản phẩm mới nhất của hãng thế nên đến với Z490 AORUS Master, hãng cũng không sử dụng quá nhiều trang trí “hầm hố” như trên dòng sản phẩm XTREME, mà hãng đã lựa chọn một phong cách đơn giản hơn rất nhiều.
Ngay từ trên vỏ hộp, có thể thấy rõ ràng phong cách này khi hãng chỉ để logo đại bàng AORUS màu bạc cùng với tên sản phẩm, tuy nhiên, khác đôi chút với hai phiên bản khác dòng MASTER cũng được Gigabyte cho ra mắt trước đây là GIGABYTE AORUS X570 MASTER, và TRX40 AORUS MASTER khi phủ thêm các tia sáng màu… tím bên cạnh tia sáng cam truyền thống.
[su_quote]khác đôi chút với hai phiên bản khác dòng MASTER cũng được Gigabyte cho ra mắt trước đây là GIGABYTE AORUS X570 MASTER, và TRX40 AORUS MASTER khi phủ thêm các tia sáng màu… tím[/su_quote]Mặt sau vỏ hộp cho thấy một số công nghệ chủ đạo như dàn mạch VRM 14 phase, mạng LAN 2.5 Gigabit, Wi-fi 6 và một chi tiết rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng đó là “PCI Express 4.0 Hardware Design” nhờ sử dụng lại các thiết kế và linh kiện mà hãng từng ứng dụng để “xây dựng” những mẫu bo mạch chủ X570 và TRX40 hỗ trợ cho kết nối này.
Trên thực tế, đã có khá nhiều lời đồn thổi mẫu chipset Z490 đời mới của Intel sẽ hỗ trợ chuẩn PCI Express 4.0 để cạnh tranh với mẫu chipset X570 của AMD dù cho không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các CPU thế hệ thứ 10 của Intel. Động thái này được cho là một bước đi cho phép Intel “mở” khả năng hỗ trợ cho PCI Express 4.0 khi nâng cấp lên dòng CPU mới hơn về sau.
Tuy nhiên, trên thực tế thì mẫu bo mạch chủ đời mới của chúng ta vẫn chỉ sở hữu các khe PCI Express 3.0 mà thôi, và hãng đã trang bị cho Z490 AORUS Master chỉ ba khe PCIe với cấu hình 16x 8x và 4x dành cho tất cả các nhu cầu của người dùng chứ không có bất kỳ khe PCIe 1x nào dành cho các phụ kiện cỡ nhỏ như hai phiên bản MASTER đến từ “đội đỏ”.
Về mặt tổng thể, dù vẫn được xếp vào “hàng ngũ” dòng sản phẩm MASTER, thế nhưng phiên bản sở hữu chipset Z490 lại được thiết kế với tấm tản nhiệt cỡ lớn dạng tấm lớn kéo dài từ chipset phủ lên các khe giữa các khe PCIe. Tấm tản nhiệt cỡ lớn này tạo ra cảm giác “nguyên khối”, liền mạch và chắc chắn hơn hẳn trong mắt người dùng.
Bên cạnh đó thiết kế này cũng đem đến hiệu quả tản nhiệt tốt hơn thiết kế thanh rời do diện tích tiếp xúc với không khí lớn, thế nhưng thiết kế này lại rất không… thân thiện với các mẫu ổ cứng cao cấp sở hữu tản nhiệt tích hợp như Western Digital Black SN750 hay mẫu ổ cứng “xịn sò” AORUS NVMe Gen4 SSD do chính Gigabyte sản xuất.
Là mẫu sản phẩm thuộc dòng cao cấp, dễ thấy Gigabyte cũng đã “bọc sắt” cho các khe PCIe và các cổng RAM để tăng cường khả năng “chịu đựng” cho các khe này, một động thái mang tính chất trang trí nhiều hơn là có giá trị bảo hộ như một vài năm trước do các mẫu PCB trên các dòng bo mạch chủ gần đây của hãng đã được chế tạo với các tiêu chuẩn công nghệ mới, bền bỉ hơn, khó cong oằn trước sức nặng của các card đồ họa thuộc hàng “khổng lồ” như trước đây.
Dàn mạch cung cấp điện được Gigabyte thiết kế lại và trở nên “đồ sộ” hơn hẳn so với các mẫu bo mạch chủ khác dành cho các vi xử lý của Intel từ trước đến nay với 14 phase điện, ít hơn 2 phase so với thiết kế trên X570 nhưng lại có thể chịu tải dòng điện tối đa lên đến 90A, đảm bảo được “nguồn cung” cho các CPU cao cấp thế hệ thứ 10 của Intel, nhất là trong bối cảnh có “tin đồn” mẫu CPU Intel Core i9 10900F sở hữu 10 nhân và 20 luồng xử lý có khả năng tiêu thụ tới 224W điện cũng như cần tới các giải pháp tản nhiệt nước AIO cỡ lớn khi hoạt động hết công suất trong thời gian dài.
Để có thể chịu được lượng nhiệt trong quá trình hoạt động hết công suất, hãng cũng đã thiết kế lại tản nhiệt cho dàn cung cấp điện trở nên “hầm hố” hơn so với tấm tản nhiệt nhôm đúc liền sử dụng trên phiên bản Z390 trước đây.
Về tổng thể, Z490 AORUS Master cho thấy một phong cách to lớn, cứng cáp và vững vàng hơn so với thế hệ Z390 trước đây. Điều này là hoàn toàn cần thiết khi Intel cũng đang bước vào cuộc chạy đua “số nhân” với “đội đỏ” trong khi vẫn chưa đạt được những đột phá kỹ thuật nhất định để bước chân vào tiến trình sản xuất 10nm như dự kiến. Về mặt này, phiên bản Z490 cao cấp này của Gigabyte sẽ đem đến một nền tảng vững chắc cho các fan của “đội xanh” trong xây dựng một hệ thống PC cao cấp.
2. Z490 AORUS MASTER – NHIỀU “MÓN ĂN CHƠI”
Mặc dù sở hữu thiết kế đơn giản, thế nhưng Z490 AORUS Master vẫn được trang bị rất nhiều “món ăn chơi” chỉ dành cho các mẫu sản phẩm bo mạch chủ cao cấp, thậm chí có rất nhiều tính năng chưa từng xuất hiện trên các phiên bản bo mạch chủ Z390 trước đây.
Đơn giản có thể kể đến kết nối Wi-fi 6 và mạng LAN 2.5GbE đem đến tốc độ mạng siêu nhanh và ổn định bậc nhất hiện nay, đáp ứng được nhu cầu kết nối nhanh và ổn định cho các game thủ truy cầu tốc độ cao.
Hay đồng hồ báo lỗi, cho phép người dùng theo dõi các vấn đề của hệ thống, vô cùng thuận tiện cho các modder thích vọc phá hay những tester muốn thử nghiệm các sản phẩm, linh kiện mới. Chi tiết này đã xuất hiện ở trên phiên bản Z390 Ultra trước đây và được cộng đồng các “vọc sĩ” đón nhận nồng nhiệt.
Chi tiết mới xuất hiện trên mẫu Z490 AORUS Master lần này chính là khả năng flash BIOS nhanh hay chuyển đổi BIOS chỉ bằng một công tắc nhỏ, một điều không thường thấy khi Intel rất ít khi phải cập nhật BIOS trên các phiên bản bo mạch chủ trước đây, chi tiết này xuất hiện cũng cho thấy có lẽ trong tương lai, Intel sẽ liên tục hoàn thiện các bản BIOS để có thể phát huy được sức mạnh của các dòng CPU đa nhân đời mới thế hệ thứ 10.
Những tính năng “ăn chơi” khác vẫn hiện hữu trên mẫu bo mạch chủ này, chẳng hạn như RGB Fusion 2.0 để điều khiển đèn màu RGB của cả hệ thống, tính năng Smartfan 5 để điều khiển quạt cho phù hợp điều kiện hoạt động của linh kiện để cân bằng giữa hiệu năng giải nhiệt và độ ồn hệ thống…
Điều đáng tiếc nhất mà người viết cảm thấy trên Z490 AORUS Master khác biệt so với thế hệ bo mạch chủ Z390 AORUS Ultra trước đây chính là việc hãng đã “bắt tay” với ESSTech nhằm tích hợp chip xử lý âm thanh ESS Sabre cao cấp của hãng này vào nhằm cải thiện hệ thống âm thanh tích hợp của bo mạch. Thế nhưng cũng vì thế mà hãng đã bỏ qua tính năng USB DAC-Up khá hữu dụng cho người dùng khi sử dụng các DAC/Amp rời cỡ nhỏ dùng nguồn và nhận dữ liệu trực tiếp từ cổng USB.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, với lần ra mắt này, dòng sản phẩm bo mạch chủ Z490 AORUS Master đã có sự “lột xác” ngoạn mục so với các mẫu bo mạch chủ trước đây dành cho CPU của Intel với thiết kế to lớn, hầm hố hơn, tập trung nhiều hơn cho mảng quản lý điện năng để có thể “gánh” được các CPU hạng nặng.
Đây là một sự thay đổi đáng kể, mở đầu cho cuộc chạy đua về số nhân của Intel với đối thủ “đội đỏ” trong bối cảnh hãng đang gặp phải cạnh tranh gay gắt trong thị trường vi xử lý cao cấp.
THIẾT BỊ ĐƯỢC GIGABYTE HỖ TRỢ
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game