Skip to content

12 Chức nghiệp trong game nhập vai (Kỳ 1)

12 Chức nghiệp trong game nhập vai (Kỳ 1)

Game nhập vai (RPG) ở thời điểm hiện tại có lẽ đã quá quen thuộc đến mức dường như dù người không chơi game cũng phải biết đến.

Nhớ lại những ngày xa xưa, người ghiền chơi thể loại game “dễ gây nghiện” này đã phải vất vả thế nào với những tờ giấy chi chít số và chữ, cây bút chì, viên xúc xắc cùng một (vài) quyển sách luật chơi dày cộm!

Lịch sử phát triển của game nhập vai đã trải qua khá nhiều thời kỳ thăng trầm, mà tạm thời người viết sẽ để dành cho một loạt bài khác.

Bài viết sau đây sẽ chỉ giới thiệu “chút chút” về các lớp nhân vật thường gặp nhất trong đa số các game nhập vai phương Tây.

Đã gọi là “nhập vai”, lẽ dĩ nhiên người chơi ai cũng muốn hóa thân thành một nhân vật nào đó trong game.

Đi kèm với yếu tố “chức nghiệp”, vốn dĩ là điểm thu hút nhất khi có thể phân biệt rạch ròi một Chiến Binh sở hữu sức mạnh “lực bạt sơn, hề, khí cái thế” và một Pháp Sư mảnh khảnh nhưng cực kỳ quyền uy.

Vậy, đặc thù của từng chức nghiệp là gì?

Sức mạnh và điểm yếu của họ nằm ở đâu?

Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua loạt bài viết này nhé!


1. CHIẾN BINH (WARRIOR)

game nhập vai

Đây hẳn là lớp nhân vật cơ bản và phổ biến nhất với tất cả game nhập vai.

Nhân vật Chiến Binh thường sở hữu các chỉ số bình bình, thiên về tấn công vật lý và các kỹ năng tự cường hóa bản thân.

Một số game còn cho lớp nhân vật này khả năng cường hóa cho đội nhóm của mình, khiến hắn ta trở thành một vị tướng lãnh tài ba nữa!

Lớp nhân vật Chiến Binh có lối chơi tương đối dễ hiểu và đơn giản, thích hợp với các “tân thủ” lần đầu tiếp xúc với game.

Dù ở giai đoạn khởi đầu, giữa game hay kết game thì các nhân vật Chiến Binh vẫn có thể ung dung vượt qua các thử thách, do chỉ số phân bổ đồng đều và dàn kỹ năng hữu ích.

sức mạnh của chàng Chiến Binh không chỉ đến từ những món vũ khí “hầm hố” hay những bộ giáp trụ sáng loáng, mà còn từ một trái tim kiên cường quả cảm, một tinh thần chiến đấu bất khuất kiên trung

Tuy bình bình không có gì thật sự nổi bật, nhưng thú vị thay rằng trong khá nhiều game nhân vật Chiến Binh lại tượng trưng cho sự lãnh đạo và thống nhất của cả một đội quân, một chủng tộc.

Vũ khí của Chiến Binh thường thấy nhất chính là một thanh kiếm và một chiếc khiên, biểu trưng của sự công – thủ toàn diện.

Một số tựa game cũng bổ sung cho chàng “đô con” này một thanh đại đao lưỡng thủ rất ngầu, tách bạch ra một xu hướng thuần tấn công khác thay vì chọn lối đi toàn vẹn – “xấu đều hơn tốt nổi”.

Thật ra, sức mạnh của chàng Chiến Binh không chỉ đến từ những món vũ khí “hầm hố” hay những bộ giáp trụ sáng loáng, mà còn từ một trái tim kiên cường quả cảm, một tinh thần chiến đấu bất khuất kiên trung.


2. PHÁP SƯ (MAGE)

game nhập vai

Cùng với Warrior, Mage hay Pháp Sư cũng là một lớp nhân vật rất cơ bản, và là một thái cực hoàn toàn tương phản với chàng lực sĩ cơ bắp kia.

Hầu hết tạo hình các nhân vật Pháp Sư nếu không phải là một ông lão râu tóc bạc phơ, tinh thần quắc thước thì cũng là một anh chàng “bạch diện thư sinh” trong bộ áo thụng, hoặc tệ hơn – một cô nàng “thiếu vải” điệu “chảy nước”.

Dù thế nào đi nữa, chuyện một Pháp Sư có thể chất tương đối yếu ớt là nguyên lý bất di bất dịch rồi.

Nhược điểm chí mệnh này cũng phản ánh rõ rệt khi trong game, các nhân vật Pháp Sư thường có sức phòng thủ vật lý khá tệ, và các trang bị áo choàng vải nhẹ cũng không đỡ đần thêm phần nào.

Ai dám nói một Pháp Sư là yếu, khi chỉ cần một cái phất tay là kẻ “sàm ngôn” sẽ bị thiêu thành tro bởi những ngọn lửa Hỏa Ngục phẫn oán?

Tuy vậy, điều này không nói lên việc một Pháp Sư yếu hơn các lớp nhân vật khác, mà trái lại, theo nhiều thống kê cho thấy -rất nhiều người chơi đều đánh giá Pháp Sư là lớp nhân vật mạnh nhất của dòng game nhập vai.

Ẩn sau bộ áo choàng lụng thụng đó là một thân thể gầy gò, chỉ chực chờ phát nổ với những dòng ma lực bạo liệt đang chảy tràn trong máu.

Ai dám nói một Pháp Sư là yếu, khi chỉ cần một cái phất tay là kẻ “sàm ngôn” sẽ bị thiêu thành tro bởi những ngọn lửa Hỏa Ngục phẫn oán?

Vẩy nhẹ đũa phép, một trận bão sét khốc liệt sẵn sàng san phẳng một tòa thành kiên cố, mà hàng ngàn Chiến Binh chưa chắc đã làm sứt mẻ được một viên gạch, thành bình địa.

Sự mong manh của thể xác phàm tục liệu có ảnh hưởng gì, khi những Pháp Sư cùng kỹ năng Mana Shield trứ danh (khiên ma thuật) có thể đem nguồn năng lượng vô tận tạo thành khiên chắn trước mọi hiểm nguy?

Trên tay các Pháp Sư quyền uy này, người ta thường thấy những vật phẩm tượng trưng cho sự thông thái, chẳng hạn như cây quyền trượng khảm ngọc báu, chiếc đũa phép ẩn tàng ma lực vô hạn, quả cầu thủy tinh có thể soi rọi tương lai, hoặc một quyển sách cổ kính chứa đầy những lời phù chú hùng mạnh và cổ xưa.


3. CUNG THỦ (ARCHER)

game nhập vai

Người Trung Hoa cổ có một câu nói rất hay, đó là “thập bát ban võ nghệ, cung đứng đầu”.

Thật vậy, trên chiến trường xung sát hay những trận công – thủ thành khốc liệt, sức mạnh của hàng cung tiễn thủ cùng những mũi tên “tất sát” là điều không ai có thể phủ nhận được.

Lý do để có nhận xét này, hẳn là vì khả năng tấn công tầm xa của cung mà không có vũ khí nào có được, cùng sức sát thương ghê gớm của những mũi tên đầu bọc chì có thể xuyên thủng cả giáp sắt.

Lớp nhân vật Cung Thủ trong game nhập vai thường được liên tưởng với chủng tộc tiên Elf tai dài, hoặc những chiến binh Amazon trong rừng thẳm.

Phải là một kẻ xúi quẩy kiếp trước tu không khéo mới “trót dại” lọt vào “mắt xanh” của một thần tiễn thủ lạnh lùng

Không khó để có thể nhận ra sự liên hệ của một khu rừng âm u chết chóc, những thợ săn nhanh nhẹn thoắt ẩn thoắt hiện, và những mũi tên chí mạng bỗng chốc xuất hiện giữa hư không.

Đối với các Cung Thủ, thể hình không phải là tất cả, vì họ cần một cơ thể gọn gàng, dẻo dai để có thể di chuyển thần tốc giữa chiến trường đầy chướng ngại vật.

Họ cũng cần một đôi mắt tinh nhạy mà cả chim ưng cũng phải “lạy bằng cụ”, và một đôi tay vững chãi đầy sức mạnh để có thể kéo cong vồng những cây thần cung làm bằng gỗ thiết mộc, để có thể phát xạ những phát tên “nhanh-mạnh-độc-chuẩn”.

Các Cung Thủ không bao giờ chiến đấu đơn độc, bởi lẽ dù khi đi một mình thì quanh họ luôn có vô vàn đồng minh từ Đất Mẹ, từ Cha Thiên Nhiên, như những táng cây um tùm, những thay đổi do cơn gió truyền tin đến, những rung động nhẹ nhất của mặt đất,… tất cả đều khiến cho việc đối đầu với một Cung Thủ giữa rừng già cũng chẳng khác chi để mình trần bơi qua dung nham vậy.

Với sự hỗ trợ của các loại thuốc độc bôi trên mũi tên và các loại cạm bẫy được bố trí cực kỳ khéo léo, phải là một kẻ xúi quẩy kiếp trước tu không khéo mới “trót dại” lọt vào “mắt xanh” của một thần tiễn thủ lạnh lùng.


4. SÁT THỦ (ASSASSIN)

Khuất sau tấm áo choàng che nửa mặt là một đôi mắt sáng quắc trong đêm, nhưng chẳng hề phảng phất chút tình cảm nào trong đó.

Là một sinh vật của bóng đêm, Sát Thủ ngự trị trên nỗi sợ hãi của những bậc quân chủ đứng đầu một nước – bởi lẽ chẳng có bức tường thành kiên cố nào hay những vệ sĩ thiện chiến nào có thể bảo vệ mục tiêu của Sát Thủ khỏi một cái chết thảm khốc.

Sát Thủ là một chức nghiệp đặc thù, bởi lẽ không như các lớp nhân vật khác có tính tương tác và hỗ trợ đội nhóm cao, Sát Thủ hoạt động tốt nhất khi đơn độc một mình.

Sở hữu một thân pháp nhanh nhẹn phi thường và khả năng leo trèo thoắt ẩn thoắt hiện, một Sát Thủ tiêu chuẩn luôn trở nên vô hình trong mắt con mồi cho đến khi con dao găm sắc lẹm của hắn uống no máu của kẻ xấu số.

Là ông vua của những trận tay đôi PvP 1 chọi 1, hiếm có chức nghiệp nào có thể đánh ngang tay với một Sát Thủ

Là ông vua của những trận tay đôi PvP 1 chọi 1, hiếm có chức nghiệp nào có thể đánh ngang tay với một Sát Thủ nhờ vào tốc độ tấn công nhanh như vũ bão, những kỹ năng tất sát đi kèm những hiệu ứng đáng sợ như Chậm chạp, Câm lặng, Mù, Choáng, Trúng độc,… và tỉ lệ chí mạng/ né tránh cao đến bất thường.

Khả dĩ, có thể một Chiến Binh với bộ giáp dày và chiếc khiên đồ sộ sẽ hứng chịu nổi những pha tấn công thần tốc của Sát Thủ.

Nhưng có hề chi, khi với những kỹ năng di chuyển và lẩn trốn siêu tốc, Sát Thủ sẽ nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt của cái “bao cát” ngạo mạn kia, để rồi bất thần xuất hiện vào lúc hắn ít đề phòng nhất.

Chà… rồi gã lại biến mất vào màn đêm sau một tiếng cười khinh miệt, không biết là dành cho ai – cho nạn nhân xấu số đang ngã gục trong vũng máu kia hay cho chính bản thân mình?


5. THAO THÚ SƯ (BEAST MASTER)

Khi lòng tin vào nhân loại của một cá nhân đã bị phản bội, hắn sẽ tìm về nơi hang cùng hốc thẳm, về những xó tăm tối nhất của rừng sâu, để bầu bạn với muôn thú.

Ở đó, hắn ta sẽ dùng lòng thành đối đãi, cùng ăn cùng ngủ, cùng sống hòa mình giữa bầy dã thú lúc thì hiền lành như gió mơn man, lúc thì hung hãn như núi lửa phun trào.

Hắn – chính là Thao Thú Sư!

Một Thao Thú Sư đúng nghĩa không cần lệ thuộc vào vũ khí hay trang bị gì cả, một khi bên cạnh hắn luôn là những chiến hữu mạnh mẽ hết sức đáng tin cậy, như hổ, sư tử, tê giác, chim ưng…

Chớ có coi thường bọn chúng là thú vật vô tri vô giác, bởi lẽ, với kỹ năng thao túng tâm linh hòa hợp của bản thân Thao Thú Sư, bọn mãnh thú kia sẽ trở nên đáng sợ biết nhường nào.

“Đừng bao giờ đối đầu với một Thao Thú Sư ở trong rừng thẳm, vì có 9 mạng cũng không đủ để chết đâu!”

Đi kèm với sức mạnh hoang sơ và bản năng dã thú bạo liệt kia, là một cái đầu tinh tế luôn tính toán những chiến thuật chí mạng và nắm bắt quá rõ cách nghĩ của con người!

Tưởng chừng như vậy là chưa đủ để người đời kinh sợ, các Thao Thú Sư thậm chí còn có thể hóa thân thành một loại ma thú với sức tấn công và tốc độ kinh người, để cùng kề vai tác chiến với những “con vật cưng” của mình.

Khi đó, lý trí của một con người dần dần bị nuốt chửng bởi sự hung bạo của dã thú – không có gì rồ dại hơn là đứng lại đánh tay đôi theo kiểu “quân tử Tàu” với hắn cả.

Thật vậy, cũng như trong “Mật Mã Tây Tạng” có đề cập – “Đừng bao giờ đối đầu với một Thao Thú Sư ở trong rừng thẳm, vì có 9 mạng cũng không đủ để chết đâu!” 


6. HIỆP SĨ (PALADIN)

Ở phương Tây thì hiển nhiên tôn giáo có địa vị cao nhất chính là Thiên Chúa Giáo.

Tuy vậy, một giáo phái chí cao vô thượng thì luôn có những thế lực thù địch, vì vậy để hộ giáo, một chức nghiệp đặc thù ra đời, đó chính là Paladin.

Những Hiệp Sĩ thần thánh này luôn bảo vệ tín niệm thánh khiết đến mức cao nhất, cùng với khả năng chiến đấu không hề kém cạnh gì những “đồng nghiệp” Chiến Binh của mình.

Trên tay là chiếc búa thép tượng trưng cho sức mạnh của công lý và quyển Kinh Thánh, các Hiệp Sĩ không chỉ có khả năng công – thủ toàn diện, mà còn sở hữu những phép thuật Ánh sáng cực kỳ hữu hiệu trong việc trị thương, giải trừ lời nguyền, thậm chí là quét sạch cả một đạo quân ma quỷ nữa!

Với sứ mệnh thánh khiết gắn liền với danh dự và niềm tin, trong lòng một Hiệp Sĩ thì quyền uy của Chúa Trời là tuyệt đối, không gì có thể lay chuyển được

Được tẩy rửa bởi những nghi thức thiêng liêng và thấm nhuần những tư tưởng thuần khiết, các Hiệp Sĩ có khả năng đề kháng cực cao với ma thuật, vốn bị xem là quyền năng của quỷ dữ.

Vô phúc thay cho những Pháp Sư nào chậm chân mà không chạy kịp, bởi vì trong những cuộc Thánh chiến để thanh tẩy thế giới, các Hiệp Sĩ không hề khoan nhượng hiền từ như lúc bình thường đâu.

Vốn nổi tiếng với việc có một niềm tin cực kỳ kiên định, gần như đến cố chấp – không dễ dàng để thay đổi suy nghĩ của một Paladin.

Với sứ mệnh thánh khiết gắn liền với danh dự và niềm tin, trong lòng một Hiệp Sĩ thì quyền uy của Chúa Trời là tuyệt đối, không gì có thể lay chuyển được.

Vì vậy, một khi ai đó đã bị đóng dấu ấn có liên hệ với ma quỷ, thì dù có là cha mẹ hay bạn bè gì – thì một Paladin đúng nghĩa sẽ không hề do dự mà truy cùng giết tận, dù cho sau đó phải tự sát để trọn vẹn nghĩa tình.


Sau bài viết đầu tiên của loạt bài dài 2 kỳ về các chức nghiệp trong game nhập vai, bạn đọc cảm thấy hứng thú với lớp nhân vật nào nhất?

Hãy cùng chia sẻ với Vietgame.asia trước khi theo dõi tiếp kỳ 2 nhé!