Final Fantasy tệ nhất – Có lẽ bất cứ ai tự nhận mình có “chơi game offline” và tìm hiểu dù chỉ một chút thôi cũng sẽ biết đến dòng game Final Fantasy, hay như được Việt hóa nôm na là “Ảo Mộng Cuối Cùng”.
Nổi tiếng với nội dung tạc sâu vào lòng người chơi, luôn luôn đi tiên phong về mặt đồ họa, ghi điểm bằng những nhân vật có thiết kế đậm chất… “ảo mộng” với những mái tóc dựng 90 độ… nhọn như lông nhím hay chiếc váy làm toàn từ thắt lưng, dòng game Final Fantasy xuyên suốt 30 năm lịch sử đã ghim dấu ấn của mình trên bản đồ game bằng một vài trong số những tựa game nhập vai xuất sắc nhất mọi thời đại.
Đặc biệt, không Final Fantasy nào giống Final Fantasy nào (tất nhiên là ngoại trừ những hậu bản trực tiếp).
Sự đổi mới liên tục là “kim chỉ nam” cho Final Fantasy suốt 30 năm qua: mỗi bản lại là một thế giới mới, một công thức mới, một thế hệ mới ra đời.
Nhờ tôn chỉ này mà Square Enix có thể sản sinh ra những Final Fantasy VII đầy hiện đại, rồi lại “bụp” phát trở về thời Trung cổ như Final Fantasy IX, rồi lại tiến tới một thế giới phép thuật trộn lẫn máy móc như Final Fantasy X.
Điều này vừa có lợi vừa có hại: bạn sẽ không phải cày từ Final Fantasy I tới XIV để chơi Final Fantasy XV, bù lại câu chuyện sẽ chỉ được gói gọn trong từng phiên bản và những khúc mắc trong cốt truyện sẽ bị bỏ ngỏ, trừ khi Square Enix “nổi hứng” làm một hậu bản.
Tuy nhiên không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công, và thực tế chứng minh lịch sử của Final Fantasy có lúc thăng lúc trầm.
Bên cạnh những tựa game xuất sắc thì trong kho tàng đồ sộ gồm hơn 100 game bao gồm spin-off (ngoại truyện) với hậu bản của mình, dòng game không thiếu những hạt “sạn” với những phiên bản Final Fantasy tệ nhất đến mức người hâm mộ cũng nên dè chừng.
Sau đây, Vietgame.asia sẽ giúp các bạn nhặt ra những hạt sạn to nhất của dòng game lâu đời này.
5. DIRGE OF CERBERUS: FINAL FANTASY VII
Không ai có thể phủ nhận độ nổi tiếng của Final Fantasy VII.
Là trò chơi đầu tiên trong dòng game cán mốc 10 triệu phiên bản được bán ra, Final Fantasy VII đã chứng tỏ bản thân mình là mốc son chói lọi với cốt truyện đặc sắc, dàn nhân vật đáng nhớ và một trong những bước đột phá về đồ họa thời PlayStation 1.
Có thể khẳng định chính Final Fantasy VII đã góp phần quan trọng quảng bá cho Final Fantasy ở thị trường phương Tây.
Chẳng thế mà nhiều người đã bật khóc khi Square Enix thông báo họ sẽ làm lại trò chơi này với nền đồ họa next-gen tân tiến hồi E3 2015.
Square Enix đã làm điên đảo người hâm mộ khi họ thông báo sẽ sản xuất một hậu bản với cái tên Dirge of Cerberus: Final Fantasy VII xoanh quanh anh chàng Vincent Valentine.
Lấy bối cảnh 3 năm sau kết thúc của Final Fantasy VII, khi cả thế giới vừa thoát được cảnh diệt vong và đang quay về cuộc sống đời thường, thì một nhóm lính đánh thuê tên là Deepground có ý định hồi sinh lại Omega Weapon – một vũ khí sinh học kinh khủng – nhằm hủy diệt Trái Đất, và bạn trong vai Vincent lại phải giải cứu thế giới một lần nữa.
Là hậu bản của Final Fantasy VII, Dirge of Cerberus mang trong mình một trọng trách khá lớn, và người hâm mộ đã phải… thất vọng khi cầm trên tay tựa game này.
Cốt truyện của game trở nên khá rối rắm ở vài chỗ, tuy nhiên nó cũng đem lại một góc nhìn mới mẻ về nhân vật Vincent vốn chỉ là “vai thừa” trong tựa game gốc – nhân vật mà người chơi thích thì thu thập mà không có cũng chẳng sao.
Thứ khiến Dirge of Cerberus thất bại là một lối chơi tẻ nhạt và nhàm chán. Thay vì giữ truyền thống đánh theo lượt, trò chơi này lại đi theo con đường bắn súng góc nhìn thứ ba không có gì nổi bật.
Không còn tự do khám phá thế giới trên chiếc thuyền bay Highwind như Final Fantasy VII, người chơi sẽ phải thực hiện các “màn chơi” bao gồm xem một phân cảnh dài, thực hiện nhiệm vụ trong một bản đồ bao kín (thường nhiệm vụ là thấy gì “sát” đó) rồi đi đánh quái trùm.
Các màn chơi chỉ là những hành lang dài thẳng tắp, lặp đi lặp lại như vậy thôi, lính cũng lặp đi lặp lại và nhiệm vụ cũng không có gì mới mẻ.
Đi kèm với đó là một thế giới nhạt nhòa được quảng cáo là bạn sẽ được quay lại thành phố Midgar, nhưng thực tế chỉ có một vùng nho nhỏ và còn dùng lại hình nền nhiều lần, thành ra màn chơi nào cũng na ná như nhau.
Cách chơi bắn súng góc nhìn thứ ba trong Dirge of Cerberus cũng chẳng có gì nổi bật, địch thì được lập trình sẵn, do đó chỉ sau vài màn là bạn đã biết được hầu hết đường đi nước bước của địch.
Có lẽ điểm sáng duy nhất của Dirge of Cerberus là những phân cảnh được làm rất đẹp và chi tiết, đáng tiếc là lại khá ít phân cảnh khó thỏa mãn được người chơi.
Tóm lại, Dirge of Cerberus không phải là tựa game đáng chơi trừ phi bạn thực sự hâm mộ Vincent.
4. FINAL FANTASY II
Final Fantasy I, đúng như cái tên của nó, là “ảo mộng cuối cùng” của Hironobu Sakaguchi.
Nếu Final Fantasy I thất bại thì Square (tiền thân Square Enix) sẽ phá sản và thế giới game ngày nay sẽ trở nên rất khác.
Thật may, Final Fantasy I là thành công lớn, và Square đã nhanh chóng “xuất xưởng” Final Fantasy II chỉ một năm sau đó.
Ngay từ Final Fantasy II thì Square đã thực hiện tôn chỉ “đập đi xây lại” của họ, và lần đầu thực hiện phải nói là… rất tệ!
Cốt truyện nói về Firion, Maria, Guy và Leon trên con đường đánh bại Hoàng đế của vương quốc bóng tối Palamecia, trên đường đi họ gặp những người bạn và khám phá ra những bí mật khác nhau, không có những đoạn “plot-twist” bất ngờ hay nhân vật bí ẩn nào.
Thực tế, nếu chỉ có cốt truyện nhạt nhòa thì Final Fantasy II cũng chẳng tới nỗi tệ lắm, mỗi tội lối chơi “cách tân” của Final Fantasy II dường như được sinh ra chỉ để “tra tấn” người chơi.
Thay vì đánh quái, tăng điểm kinh nghiệm, rồi lên cấp và tăng chỉ số như một trò chơi bình thường thì Final Fantasy II quyết định đổi mới: tất cả chỉ số tăng một cách riêng rẽ và phụ thuộc tần suất hoạt động của chỉ số đó trong chiến đấu.
Nếu bạn muốn tăng máu? Bị đánh nhiều thì sẽ tăng máu. Nếu bạn muốn tăng chỉ số tấn công vật lý? Chỉ có dùng mỗi kiếm để chém địch mới tăng chỉ số.
Tăng chỉ số phép thuật ư? Dễ lắm, dùng phép Fire cỡ… 100 lần thì sẽ tăng. Như vậy trò chơi biến thành một cái “ruộng cày” lớn, bạn đi tới vùng này để cày chỉ số, xong đi đánh quái trùm, xong tới vùng khác để cày tiếp, lặp đi lặp lại đến khi nào bạn “phá đảo” thì thôi.
Lối chơi này sản sinh ra một số chiến thuật cày khá hài hước như: tự đánh quân mình để tăng chỉ số cả hai nhân vật, hay cả đội phòng thủ chờ đòn.
Nói chung là Final Fantasy II vốn đã không có cốt truyện đặc sắc lại thêm vào một lối chơi rất kỳ quặc, như vậy trừ khi bạn có huy hiệu “người hâm mộ cứng” thì hãy tránh xa một trong những phiên bản Final Fantasy tệ nhất này.
3. LIGHTNING RETURNS: FINAL FANTASY XIII
Nếu bạn hỏi đâu là tựa game gây nhiều tranh cãi nhất trong toàn bộ dòng game, thì đó hẳn là Final Fantasy XIII, đến hiện tại vẫn bị người hâm mộ “dè bỉu” là phiên bản Final Fantasy tệ nhất trong thế hệ mới.
Ra mắt vào năm 2010 trên nền tảng PlayStation 3, Final Fantasy XIII đã châm ngòi cho một cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết.
Một bên thì một mực “bênh” Final Fantasy XIII, hết lời khen ngợi đồ họa tiên tiến, lối chơi nhanh và hấp dẫn, một cốt truyện cuốn hút, v.v.
Một bên thì “chê ỏng chê eo”, miêu tả game giống như một trải nghiệm “giả lập hành lang” khi nhân vật chẳng được tự do khám phá thế giới như những phiên bản trước đó, mà chỉ đi đánh quái trên những hành lang hẹp và dài dằng dặc, hoặc chê cốt truyện là một mớ bòng bong rối rắm không ra hình thù gì….
Dù sao thì đáng ra Square Enix phải học được bài học từ những lời chỉ trích của Final Fantasy XIII, nhưng không, họ tiếp tục sản xuất ra hai hậu bản và cái sau thì tệ hơn cái trước, làm cho mớ bòng bong đã rối rồi lại còn rối hơn.
Đỉnh điểm là hậu bản cuối cùng của Final Fantasy XIII mang tên Lightning Returns: Final Fantasy XIII.
Như đã nói ở trên, Final Fantasy nổi tiếng với cốt truyện rành mạch sáng sủa, nhưng kể cả những người hâm mộ lâu năm cũng khó lòng bảo vệ được cốt truyện rời rạc và tẻ nhạt của Lightning Returns.
Nhiệm vụ chính của trò chơi này là cố gắng tháo gỡ những nút thắt mà hai trò chơi trước để lại, giúp Lightning một lần nữa lên sân khấu và cuối cùng đặt một dấu chấm hết cho bộ ba game Final Fantasy XIII; bạn sẽ được gặp lại những nhân vật quen thuộc như Hope, Snow, Noel… và một vài nhân vật mới như Lumina.
Cốt truyện được chia làm 6 chương và người chơi thích chơi theo trình tự nào cũng được, trừ chương cuối “Final Day”.
Phiên bản Final Fantasy XIII ban đầu bị đa số người chơi chê cốt truyện khó hiểu vì Square Enix đã không đặc tả cốt truyện trong lời thoại mà “nhồi” chúng vào trong các “datalog” – các đoạn văn dài toàn chữ là chữ mà chẳng ai muốn đọc. Thế mà Lightning Returns lại tái diễn vấn đề trên: nhiệm vụ chính thì chẳng có mấy thông tin, bạn chỉ có thể khám phá được thế giới này thông qua các nhiệm vụ phụ.
Kỳ lạ hơn nữa, bạn lại chỉ có 14 ngày (trong game) để hoàn thành cốt truyện chính. Mỗi bước chân bạn đi, mỗi nhiệm vụ bạn làm đều tốn thời gian, thành thử bạn sẽ không thể yên tâm mà khám phá thế giới được. Hài hước hơn nữa là đồng hồ đếm ngược không dừng lại khi bạn đang trò chuyện với các nhân vật trong game, thành ra bạn sẽ phải bỏ qua kha khá lời thoại để tiết kiệm từng phút một (đấy là chưa kể lời thoại trong tựa game này thường xuyên kéo dài một cách lan man).
Khi bạn hoàn thành nhiệm vụ trong Lightning Returns thì bạn có thể mở khóa một số địa điểm hay nhiệm vụ ở một nơi nào đó, nhưng điều quan trọng là bạn không biết “địa điểm” đó ở đâu, hay thậm chí là có cái gì mở khóa không vì chẳng có thông báo gì cả. Nếu bạn quyết định quay lại khám phá xem có cái gì mới thì lại tốn quỹ thời gian quý báu của mình. Cuối cùng bạn sẽ bị kẹt ở giữa: hoặc là khám phá thế giới và tìm hiểu sâu hơn cốt truyện, hoặc là chịu khó với cốt truyện chính rời rạc để biết được kết thúc thực sự nó như thế nào.
Thực tế thì nếu xếp hạng hệ thống chiến đấu hay nhất trong dòng game Final Fantasy thì Lightning Returns: Final Fantasy XIII phải nằm trong top 5, với nhiều cải biên rất hay trên nền của trò chơi gốc, tăng cường tính chiến thuật và đa dạng trong lối chơi. Tuy nhiên, hệ thống “đếm ngược” cùng với thiết kế thế giới và cốt truyện như đã nói ở trên đảm bảo cho Lightning Returns một vị trí trong những “Ác Mộng Cuối Cùng”, bởi chỉ mỗi hệ thống chiến đấu là chưa đủ để kéo nó khỏi danh hiệu “Final Fantasy tệ nhất”.
2. FINAL FANTASY XIV
Thực tế, trên thị trường hiện nay người chơi thấy cái tên Final Fantasy XIV: A Realm Reborn nổi lên như một tượng đài “sừng sững” trong thể loại game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi (MMORPG), được tán dương bởi rất nhiều nhà phê bình và có số lượng người chơi đông chỉ đứng sau World of Warcraft. Trò chơi sắp đón nhận bản mở rộng thứ ba mang tên Shadowbringers hứa hẹn mở rộng thế giới một lần nữa và mang lại một cốt truyện hấp dẫn.
Nhưng có mấy ai biết được câu chuyện về một pha hồi sinh ngoạn mục của Final Fantasy XIV từ đống tro tàn mà người ta gọi là Final Fantasy XIV 1.0, được xem là một trong những tựa game Final Fantasy tệ nhất lịch sử?
Năm 2002, Square đột ngột từ bỏ truyền thống làm game chơi đơn và ra mắt MMORPG Final Fantasy XI. Final Fantasy XI thành công bất ngờ , có lượng người chơi đăng ký trung bình hàng tháng là 500.000 và đỉnh cao lên tới gần 1 triệu người. Thực tế là Final Fantasy XI thành công tới nỗi mà cựu giám đốc điều hành Square Enix là Yochi Wada đã thốt lên rằng đây mới chính là tựa game Final Fantasy “hốt bạc” nhất trong lịch sử.
Nhận thấy thành công của Final Fantasy XI, Square Enix (lúc này là sau khi Square đã sáp nhập vào Enix) vào năm 2006 đã bắt tay vào “khởi công” Final Fantasy XIV với mật danh Rapture. Được chạy bằng engine Crystal Tools tạo nên đồ họa lung linh của Final Fantasy XIII, Final Fantasy XIV được nung nấu trở thành tựa game MMORPG tiếp bước Final Fantasy XI, với cốt truyện cuốn hút và đồ họa mê người. Tuy nhiên, không biết chuyện gì đã xảy ra trong quá trình phát triển và mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ….
Năm 2010, bỏ ngoài tai những phàn nàn của người chơi trong giai đoạn thử nghiệm beta, Square Enix đã ra mắt Final Fantasy XIV ở trạng thái không thể tệ hơn. Khi bạn vừa mới mua game về và loay hoay bỏ ra một tiếng để… tìm cách tạo nhân vật, đó là khi bạn biết có chuyện gì đó không ổn rồi.
Engine Crystal Tools nhanh chóng cho thấy rằng nó được làm cho game một người chơi với môi trường tĩnh, chứ không phải game nhiều người chơi nơi đòi hỏi môi trường liên tục thay đổi và cập nhật. Rất nhiều vấn đề nối tiếp nhau xuất hiện như ánh sáng và đổ bóng tệ hại, các vật phẩm bị thiếu hoặc mất, lỗi đồ họa liên miên… Không những thế Square Enix còn thể hiện sự “lười biếng” chảy thây khi người chơi phát hiện có rất nhiều địa điểm trên bản đồ “cóp nguyên xi” nhau, không có một chút thay đổi nào.
Điểm chí mạng của Final Fantasy XIV lại xuất phát từ ham muốn tạo ra một tựa game MMORPG đẹp nhất thời đó. Quả thực Final Fantasy XIV vô cùng đẹp, vô cùng chi tiết (Square Enix đã khoe là một bình hoa được tạo bởi ….1000 hình đa giác), tuy nhiên họ đã quên tính tới việc máy người chơi có “chịu được nhiệt” hay không.
Lấy ví dụ một phân cảnh trong đó một con thủy quái nhảy qua một chiếc thuyền. Square Enix làm game chi tiết tới mức từng chiếc vây của nó được lập trình riêng biệt và có cử động riêng. Hậu quả là hầu hết máy móc của người chơi chỉ xem được với tốc độ… 10 khung hình trên giây, nhiều máy còn sập luôn vì quá tải. Trong Final Fantasy XIV, chỉ cần đi vào thành phố đông một chút là bạn đã bắt đầu cảm thấy máy móc rệu rã rồi.
Nếu chúng ta nói Lightning Returns là cột mốc đáng buồn trong lịch sử Final Fantasy thì Final Fantasy XIV 1.0 là một vết nhơ khó thể nào gột rửa, vì chí ít thì Lightning Returns còn là một sản phẩm hoàn chỉnh.
Thật may mắn vì chúng ta sẽ không phải thấy lại Final Fantasy XIV 1.0 nữa!
Năm 2012, Square Enix đã quyết định “đập đi xây lại” toàn bộ, sử dụng engine mới, thuê giám đốc điều hành mới, và thành quả là Final Fantasy XIV: A Realm Reborn mà game thủ yêu mến ngày nay.
Nói không ngoa, A Realm Reborn không chỉ hồi sinh lại Final Fantasy XIV mà còn trực tiếp tái sinh cả dòng game này, cũng như hồi phục niềm tin của game thủ vào thương hiệu này.
1. FINAL FANTASY ALL THE BRAVEST
Những tựa game kể trên, tuy nằm trong danh sách này nhưng chúng vẫn đáng được coi là “game”, một tựa game hoàn chỉnh.
Còn Final Fantasy All The Bravest?
Thật khó để biết đây là game hay chỉ là một phần mềm được làm ra để “hút máu” người yêu mến Final Fantasy nữa.
Ra mắt trên iOS và Android vào năm 2013, Final Fantasy All The Bravest đánh vào tâm lý “hoài cổ” của người chơi.
Ngoài phần “hoài cổ” ra thì thực sự game… chẳng có cái gì cả.
Cốt truyện? Không, trò chơi chỉ là một loạt các màn đánh quái, thậm chí còn không có cả lời thoại.
Lối chơi? Bạn nhấn vào nhân vật là nhân vật đó sẽ tấn công sử dụng chiêu thức đặc trưng, và… hết! Bạn điều khiển một dàn nhân vật có thể lên tới 40 người nhưng chẳng có lựa chọn kỹ năng nào, thậm chí chẳng có lựa chọn mục tiêu tấn công, chỉ có lướt ngón tay lên xuống, lên xuống và xem màn pháo hoa hiển thị trên màn hình.
Để chơi Final Fantasy All The Bravest thì bạn hoặc là cần tiền hoặc là thừa thời gian để cày.
Quái bình thường thì không nói nhưng quái trùm thì đặc biệt khó, và gần như vô kế khả thi để qua được lần đầu đối mặt.
Khi thua cuộc thì bạn có lựa chọn: thoát ra ngoài để cày tăng cấp hoặc là trả tiền để hồi sinh cả đội rồi chiến tiếp.
Ngoài việc trả tiền hồi sinh ra, người chơi có thể lựa chọn trả 0.99$ để “mở khóa” một nhân vật chính trong dòng game như Cloud hay Tidus.
Có cả thảy 35 nhân vật và việc “mở khóa” sẽ là… ngẫu nhiên, do đó nếu bạn muốn thấy nhân vật ưa thích của mình xuất hiện thì chúc may mắn!
Ngoài ra người chơi có thể trả tiếp 3.99$ để “mở khóa” các màn chơi tại những địa danh nổi tiếng trong thế giới Final Fantasy như Midgar hay Zanarkand.
Tóm lại, “trò chơi” này là một trò câu tiền đáng xấu hổ từ phía Square Enix và xứng đáng với vị trí đầu bảng trong “Top 5 game Final Fantasy tệ nhất”.
Theo bạn, game Final Fantasy nào tệ nhất trong 5 game trên?