Skip to content

7 thủ pháp “dọa ma” kinh điển trong game kinh dị

7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dị

BÀI VIẾT SỬ DỤNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC GOOGLE HỖ TRỢKinh dị là một dạng thức game/điện ảnh quá quen thuộc với hầu hết mọi đối tượng. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có gan và thích chơi game kinh dị – thế nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng những đề tài kinh dị luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ! Phàm cái thói đời con người ta rất tò mò – đã biết mở lên thế nào cũng bị dọa… xanh mặt, thế nhưng không bao giờ họ cưỡng lại được cái sự “cám dỗ” ghê rợn đó.

Nhân dịp lễ hội ma Halloween 2016 vẫn còn phảng phất, Vietgame.asia xin được chia sẻ cùng bạn đọc 7 thủ pháp dọa ma kinh điển nhất mà các bộ phim/tựa game vẫn thường sử dụng để khiến chúng ta phải… bĩnh ra quần!

1. ĐÈN TẮT ĐỘT NGỘT
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dịĐể có điều kiện cho thị giác hoạt động tốt nhất, ánh sáng là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất. Con người ta chỉ sợ những thứ mình không hiểu/ không thấy được, còn nếu thấy được thì ít nhiều gì cũng có một chút khả năng phán đoán cách xử lý. Do đó, trong bóng tối khi tầm nhìn bị giảm xuống thấp nhất, ai cũng sẽ tự dâng lên một nỗi sợ hãi vô hình – đây chính là bản năng tự nhiên trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Vì vậy, thủ pháp “light-out” tắt đèn đột ngột luôn mang lại những hiệu quả hù dọa rất tốt, đặc biệt là khi nó xảy ra đột ngột. Để nhấn mạnh thêm tính kinh dị, đèn không tắt hẳn mà cứ phải lập lòe, chập chờn, rồi chợt tắt phụt – còn sau đó đèn có sáng lại không, hoặc sau khi sáng lại thấy có cái gì hiện ra thêm, là chuyện khác.

Để nhấn mạnh thêm tính kinh dị, đèn không tắt hẳn mà cứ phải lập lòe, chập chờn, rồi chợt tắt phụt
2. NGƯỜI ĐỨNG MỘT MÌNH
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dịTrong các bộ phim/ tựa game kinh dị, thường bối cảnh đều diễn ra tại những nơi âm u, hoang vắng. Ngoài nỗi sợ thiếu ánh sáng, con người ta cũng sợ cô độc nữa – tình trạng này rất đúng với con người thời hiện đại, hầu như lúc nào cũng tiếp xúc với nhiều người khác.

Nếu đột nhiên nhận thấy mình chỉ có một mình trong một nơi hoang vắng, tối tăm thì rõ ràng nỗi sợ không tên sẽ dần dần chiếm hữu tâm hồn của người đó.

Trong tình huống như vậy, việc đột ngột nhìn thấy có một người nào đó cũng khiến cho người ta phấn chấn hơn. Vấn đề đặt ra là, đôi khi vì quá vui mừng khi gặp “đồng loại” mà con người ta mất đi lý tính để tự hỏi là tại sao trong một chỗ hoang vu, u ám này lại có người đứng?

Và cái “người” đó tại sao lại quay lưng lại, và đứng yên không hề động đậy? Chỉ có lại gần vỗ vai và chờ “người” đó quay mặt lại, bạn mới biết đó là ai… hay là cái gì mà thôi.

3. BẤT CHỢT XỒ RA
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dịHầu hết những trò hù dọa giữa bạn bè với nhau chỉ có tác dụng khi làm bất ngờ – chính cái sự không phòng bị đó khiến hiệu quả thu được mạnh hơn đáng kể.

Đây có thể xem là thủ pháp dọa ma phổ biến và dễ có tác dụng nhất: núp trong xó nào đó rồi đột ngột xồ ra “hù” người ta.

Dĩ nhiên, trong các tác phẩm game/ phim kinh dị thì để cường điệu tính hù dọa, các nhà sản xuất sẽ làm ghê gớm hơn thế nữa.

Đấy có thể là một cái xác máu me ruột đổ lòng thòng tự nhiên từ trần xà “thòng” xuống, hoặc một tên hề vác rựa từ sau bô rác nhảy ra.

Dù là dạng nào đi nữa, những người có tiền sử bệnh tim hầu như chắc chắn sẽ “lên dĩa”, dù không phải bị mấy con quái vật kia giết.

4. DÉJÀ VU
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dị“Déjà vu” là thuật ngữ để chỉ tình trạng một người nhìn thấy sự việc và cảm thấy rằng nó từng xảy ra với mình trước đó (trong quá khứ, trong mơ, trong tiềm thức…). Thường thì đây là một dạng ảo giác xảy ra do não thu nhận được các hình ảnh trùng hợp với các dữ liệu có sẵn trong đầu.

Trong game/ phim kinh dị, thủ pháp này thường ứng dụng vào những tình huống chẳng hạn như khi nhân vật vừa đi qua một chỗ nào đó rồi quay lại, họ sẽ sững người vì cảm thấy rằng có cái gì đó… sai sai, kiểu như ban nãy đi qua cánh cửa này đóng, sao giờ tự nhiên lại mở? Hoặc, đi một hồi vẫn cảm thấy lòng vòng hoài một chỗ.

Trong game/ phim kinh dị, thủ pháp này thường ứng dụng vào những tình huống chẳng hạn như khi nhân vật vừa đi qua một chỗ nào đó rồi quay lại, họ sẽ sững người vì cảm thấy rằng có cái gì đó… sai sai
5. CHẦM CHẬM TIẾP CẬN
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dịNhư đã nói ở trên, con người ta sợ những cái họ không thể nhìn thấy, hoặc không thể hiểu được. Tuy nhiên cũng có lúc, chính vì biết mà không làm gì được mới khiến nỗi sợ nhân lên nhiều hơn – chẳng hạn câu nói “chết không đáng sợ, mà đáng sợ là lúc chờ chết”.

Trong game/ phim kinh dị, sẽ có rất nhiều tình huống nhân vật “cảm thấy” có cái gì đó đang đến gần, mặc dù họ không nắm bắt rõ nó. Đó có thể là một cảm giác nguy hiểm kỳ lạ dấy lên trong lòng, hoặc một “cái gì đó” bỗng vụt qua, hoặc một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng… Cảm giác đe dọa vô hình đó vừa giày vò tinh thần của nạn nhân, vừa khiến họ cảm thấy tuyệt vọng không lối thoát.

Cũng có lúc, chính vì biết mà không làm gì được mới khiến nỗi sợ nhân lên nhiều hơn – chẳng hạn câu nói “chết không đáng sợ, mà đáng sợ là lúc chờ chết”
6. ÂM THANH GHÊ RỢN
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dịTrong 5 giác quan của con người, thì “nghe” và “nhìn” là 2 giác quan chủ yếu để thu thập thông tin. Trái với “nhìn”, vốn cho người ta sự tự tin vì những gì mình thấy được (trăm nghe không bằng một thấy) – thì “nghe” lại là một khái niệm mơ hồ, thiếu chính xác hơn rất nhiều.

Trong các tình huống nguy hiểm mà đột nhiên nghe thấy những âm thanh… lẽ ra không thể có được, sẽ khiến nỗi sợ hãi dâng lên cực nhanh. Đó có thể là tiếng cười khúc khích của một “bé gái”, hoặc tiếng bước chân đều đặn trong hành lang vắng lặng, hoặc tiếng cánh cửa tự mở chầm chậm vang lên “kẽo kẹt”…

7. ĐẰNG SAU CÁNH CỬA
7 thủ pháp "dọa ma" kinh điển trong game kinh dịTrong tiềm thức của con người, họ luôn rất khó cưỡng lại được cảm giác “phải mở ra” khi đứng trước một thứ gì đó đang đóng: một cánh cửa, một cái hộp, một phong bì… Đây chỉ đơn thuần là sự tò mò và cảm giác thích chinh phục mà bất kỳ động vật bậc cao nào cũng có.

Vấn đề đặt ra là khi một cánh cửa tồn tại ở đó thường là để ngăn cản “thứ gì đó” thoát ra. Việc có một cái ổ khóa nằm đó dĩ nhiên cũng có lý do rõ ràng chứ không phải chơi chơi. Do đó, khi cứ cố mở nó ra để thỏa mãn trí tò mò, nhân vật phải trả giá gì thì… tự biết lấy.

LỜI KẾT
Trên đây là 7 thủ pháp cơ bản nhất là các nhà sản xuất game/ phim kinh dị thường sử dụng để hù họa khán giả của mình. Chỗ thú vị là, tuy biết rõ như vậy nhưng người chơi vẫn khó mà kềm chế được việc phải giật mình đúng như tính toán của hãng sản xuất. Đó có thể là vì những thủ pháp chồng chéo lên nhau để che giấu thật khéo léo điểm then chốt thực – hoặc cũng có thể là vì bối cảnh, diễn biến… quá phù hợp để tạo nên các hiệu ứng cường điệu lên thêm.

Tác giả

Thảo luận