Skip to content

Hướng dẫn Fire Emblem Three Houses: 10 mẹo “vượt khó” (Kỳ 2)

hướng dẫn Fire Emblem

Tiếp nối phần đầu của loạt bài 2 kỳ “Hướng dẫn Fire Emblem: Three Houses – 10 mẹo vượt khó”, lần này Vietgame.asia xin được tiếp tục mách nhỏ cùng bạn đọc về 5 mẹo vặt tiếp theo để trải nghiệm Fire Emblem: Three Houses, game nhập vai chiến thuật mới nhất từ Nintendo, dễ dàng hơn!

Xin lưu ý là đôi chỗ sẽ hơi có tính chất “spoil” nội dung, vì vậy bạn đọc cần cân nhắc trước khi xem nhé!


Hướng dẫn Fire Emblem: Three Houses

hướng dẫn Fire Emblem

6. ƯU TIÊN CÁC MÔN HỌC PHỤ

Trong Fire Emblem: Three Houses, khi các nhân vật có thanh Motivation từ mức 1 – 4, vào các ngày trong tuần người chơi có thể trực tiếp dạy học “1 kèm 1” cho họ để tăng mạnh các môn học cụ thể được chọn. Ngoài ra, nhân vật cũng có thể tự học thêm từ 1 – 2 môn do người chơi quyết định.

Với số lượng môn học rất nhiều và có liên quan mật thiết đến sự phát triển chức nghiệp về sau, người chơi sẽ cần hiểu rõ về cách phân bổ như thế nào cho hiệu quả nhất.

Lời khuyên của người viết, đó là hãy nhắm đến việc cho các nhân vật học các môn phụ như cưỡi ngựa, cưỡi rồng, giáp nặng. 

Đơn giản bởi vì 80% các chức nghiệp ở cấp độ cao nhất (Masters) đều là kỵ binh, và có mức yêu cầu độ thuần thục khi cưỡi ngựa ở mức độ A (hoặc B+ nhưng khá hiếm hoi).

Điều này dẫn đến việc nếu quá chăm chú học các môn vũ khí tấn công hoặc phép thuật một cách dàn trải, thì khi lên cấp 30 nhân vật vẫn không đủ điều kiện thăng lên các chức nghiệp “xịn” như Bow Knight, Dark Knight, Holy Knight, Great Knight, Wyverd Lord, Falcon Knight do “học dốt” các môn phụ.

Với việc các môn học liên quan đến vũ khí vẫn có thể tăng thông qua chiến đấu và sử dụng các loại vũ khí cụ thể, thì các môn nói trên hoàn toàn chỉ có thể tăng bằng cách tự học, dạy học, hoặc hoạt động ngoại khóa cuối tuần (chỉ cho tối đa 2 nhân vật cùng lúc). 

Muốn nó tự lên, thì tối thiểu phải ở mức độ Advanced khi nhân vật đã có thể chuyển thành các chức nghiệp như Armored Knight, Pegasus Knight hoặc Cavalier – và những lớp này cũng có yêu cầu về kỵ thuật, phi thuật và giáp thuật ở cấp C tối thiểu rồi.


hướng dẫn Fire Emblem

7. VẬN DỤNG TỐI ĐA SỰ “KỊ HỆ”

Trong Fire Emblem trước nay, các lớp nhân vật đều có các đặc tính riêng và thường khắc chế lẫn nhau.

Tuy vậy, ở các phiên bản trước, sự khác biệt này khá mờ nhạt và không thật sự có tác dụng, khiến các nhân vật đặc thù như General (tank hạng nặng) và Sniper hầu như bị “bỏ rơi” khi họ chỉ làm tốt một việc mà có nhiều chức nghiệp kép khác làm tốt hơn.

Tuy vậy, với Fire Emblem Three Houses thì mọi chuyện đã khác, khi Intelligent System đã tái định nghĩa lại một cách sâu sắc giá trị của các loại binh chủng.

Chẳng hạn như Great Knight hoặc Fortress Knight, giờ đây đã có thể di chuyển linh hoạt hơn nhờ vào các loại thuốc hoặc trang bị phụ trợ, để phát huy tối đa khả năng chống chịu và thu hút sát thương của mình.

Với chỉ số phòng ngự cao ngất cùng các bổ trợ khác, thật sự những gã “pháo đài di động” này hầu như có thể khiến bất kỳ đơn vị vật lý nào, dù mạnh đến đâu, cũng phải nản lòng.

Do đó, để hủy diệt bức tường vững chãi kia, sự hiện diện của các pháp sư như Gremory hoặc Dark Knight là hết sức cần thiết. 

Sức mạnh hủy diệt của nhóm pháp sư này kinh khủng đến mức trừ phi là Falcon Knight, Paladin hoặc các pháp sư khác với chỉ số Res cực cao ra, còn lại thì tất cả hầu như bốc hơi chỉ trong một nốt nhạc. Đặc tính có độ chính xác ổn định bất kể địa hình cản trở cũng là điểm nhấn giúp vai trò của pháp sư càng thêm cần thiết.

Và dĩ nhiên, để đánh đổi cho sát thương kinh hoàng như vậy, hầu hết pháp sư chống chịu vật lý đều rất kém, và đa số trường hợp là sẽ “nằm sấp” nếu ăn một đòn từ các đơn vị vật lý hạng nặng như Hero, Swordmaster hoặc War Master.

Chưa nói đến việc Falcon Knight lẫn Wyvern Lord đều là không quân với sự cơ động vô đối vốn có thể tiếp cận và hủy diệt một pháp sư toàn năng chỉ trong chớp mắt, thì rõ ràng việc bảo vệ pháp sư khỏi những gã thợ săn này đã khiến tính chiến thuật của game tăng thêm đáng kể.

Cuối cùng thì cần phải nói đến sự trở lại ngoạn mục của các đơn vị xạ thủ của Fire Emblem Three Houses, chẳng hạn như Sniper và Bow Knight.

Tuy game có tính năng mới là không giới hạn vũ khí theo chức nghiệp, nhưng chắc chắn một cây cung sẽ trở nên đáng sợ hơn gấp chục lần khi nào trong tay các thần tiễn này, với những bổ trợ “độc quyền” như +2 ô tầm bắn (tăng phạm vi tấn công lên đến 4-5 ô) và Close Counter, kỹ năng trứ danh cho phép đánh trả ở phạm vi cận chiến – thật sự, một nhân vật xạ thủ trong Fire Emblem Three Houses có sức mạnh đáng gờm hơn các phiên bản trước rất nhiều.


8. TẬN DỤNG TỐI ĐA CÁC LOẠI HÌNH “ĂN GIAN”

Trong giới game thủ và lập trình, khi có một lỗi nặng ảnh hưởng đến việc vận hành game và có hại cho người dùng, thì nó là “bug”.

Còn khi lỗi đó không ảnh hưởng gì lắm đến việc vận hành, mà còn có ích cho người chơi nào biết khai thác nó, thì gọi là “glitch”.

Với Fire Emblem Three Houses, Intelligent System đã hợp thức hóa khá nhiều thứ lẽ ra chỉ nên tồn tại ở dạng “glitch” – nhưng mà với độ khó khá cao từ nửa game về sau, thì sự tồn tại của các tính năng này thật sự là cần thiết.

Đầu tiên, chính là Combat Forecast – một tính năng không mới nhưng đã được Fire Emblem Three Houses làm cho nó hữu ích hơn đáng kể.

Đó là khi di chuyển một nhân vật đi đâu đó, người chơi sẽ có thể nhìn thấy rõ ràng “tia laser” từ các kẻ địch sẽ phát động tấn công vào lượt sau. Điều này cực kỳ hữu dụng để tránh những bước “đi ngu” khiến nhân vật chết oan, hoặc cao cấp hơn là lợi dụng điều này để khiến kẻ địch phải tấn công vào một nhân vật cụ thể nào đó.

Kế tiếp, chính là tính năng gán ghép Adjutant – vốn là Pair Up trong các phiên bản cũ. Tuy các tính năng trứ danh của Pair Up như Dual Strike và Dual Guard đã không còn “bá đạo” nữa, nhưng Adjutant tỏ ra là một cơ chế cân bằng và mang tính kinh tế hơn.

Các nhân vật Adjutant mang theo nhận được đầy đủ điểm EXP và Mastery y như nhân vật chính đang “gánh” họ – điều này kết hợp với các trang bị như Experience Gem hoặc Knowledge Gem sẽ cho phép người chơi cùng lúc nuôi thêm đến 3 nhân vật yếu một cách dễ dàng khi “gắn” họ cho các nhân vật mạnh càn quét bản đồ.

Sau cùng là tính năng đảo ngược thời gian Divine Pulse, vốn là năng lực chủ đạo của nhân vật chính Byleth.

Tính năng này cho phép người chơi quay lại bất cứ hành động nào trước đó, ở bất kỳ lượt chơi nào, để vãn hồi lại những quyết định “ngu ngu”. Đặc biệt ở chế độ chơi Classic khi mà các nhân vật nếu chết là “đi luôn”, tính năng có vẻ hơi “ăn gian” này lại càng chứng tỏ giá trị vô đối của nó.


hướng dẫn Fire Emblem

9. SỬ DỤNG RENOWN HỢP LÝ (SPOILER ALERT!)

Khi hoàn thành các nhiệm vụ phụ được giao trong quá trình Explore, hoặc đánh thắng các trận Battle có tốn điểm, người chơi sẽ thu được một đơn vị điểm gọi là Renown.

Ở lần chơi đầu tiên, Renown chỉ có tác dụng để “cúng” cho 4 pho tượng thánh để đổi lấy các quyền lợi vĩnh viễn (tăng kinh nghiệm dạy học, tăng tốc độ tiếp thu…), còn ở New Game+, nó sẽ có thêm nhiều ứng dụng khác khiến cho việc phân phối Renown trở nên quan trọng.

Với các pho tượng, thì cần ưu tiên tăng sớm vào pho tượng của thánh Cethleann (khoảng 2000 Renown) để mở khóa ưu đãi “Class Mastery +1”. Với việc mỗi khi tham chiến, nhân vật chỉ tăng 1 điểm Class Mastery thì với bổ trợ này, quá trình “tốt nghiệp” xem như đã được rút gọn chỉ còn một nửa.

Sau khi hoàn thành game lần đầu tiên (ở bất kỳ phe nào), người chơi có thể bắt đầu New Game+ với tất cả các điểm bổ trợ đã được từ các tượng thánh đều được giữ nguyên cùng một lượng lớn Renown để “khởi nghiệp”.

Việc này tạo tiền đề giúp lần chơi lại này sẽ dễ dàng hơn nhiều, do người chơi có thể dùng Renown để mở khóa cấp độ giáo sư (ưu tiên đến cấp B), quan hệ xã hội, thậm chí là tinh thông một kỹ năng hoặc chức nghiệp mà mình từng kinh qua ở “kiếp trước”.

Việc dùng Renown để mua các Thánh Ấn (Crest) mới cũng giúp người chơi cường hóa đội ngũ của mình được từ sớm, khi ngoài Thánh Ấn mặc định của nhân vật, họ sẽ có thể dùng thêm các Thánh Ấn mạnh mẽ khác.

Lưu ý là các vũ khí thánh tích (Relic) đi kèm cùng Thánh Ấn tương ứng chứ không gắn chết theo nhân vật, nên người chơi có thể tùy ý trang bị các món “hàng khủng” cho nhân vật mình yêu thích.


hướng dẫn Fire Emblem

10. “MONSTER HUNTER” PHONG CÁCH MỚI | Hướng dẫn Fire Emblem

Trong các phiên bản trước, thông thường người chơi sẽ chạm trán với hầu hết kẻ địch là dạng người – tuy thi thoảng cũng có “người thú”, nhưng chung quy vẫn chỉ bó hẹp trong tư thế một đơn vị.

Với Fire Emblem Three Houses, người chơi sẽ lần đầu được chạm mặt cùng những đơn vị cực mạnh là quái vật (Monster). Chúng có thể là dã thú khổng lồ trong tự nhiên, người bị nguyền rủa, hoặc các vũ khí sinh hóa do chiến tranh tạo ra.

Đặc trưng của dạng kẻ địch này là kích thước lớn (chiếm đến 2×2 ô) trên mặt trận, có lượng máu rất nhiều (2 – 5 cây máu), khả năng đánh quét diện rộng cực nguy hiểm, và cơ chế mạnh thêm lên (mở khóa thêm kỹ năng) cho mỗi cây máu mất đi.

Thật sự, ở các màn cuối cùng thì bọn quái vật này luôn khiến người chơi cực kỳ đau đầu khi mà mỗi con chẳng hề kém cạnh gì so với con… trùm cuối là mấy.

Đặc thù của quái vật là người chơi có thể tấn công vào 1 trong 4 ô của nó để “phá giáp”, và khi bị phá giáp nó sẽ tạm thời bị choáng, không thể đánh trả được. 

Lợi dụng yếu điểm này, người chơi có thể sử dụng các nhân vật đánh xa 3 ô như pháp sư hoặc cung thủ để “đục” bớt một vùng giáp của nó, và dùng các nhân vật khác tiếp tục “khoét” vào đó để gây sát thương tối ưu.

Tuy vậy, người viết vẫn khuyên là nên phá hết 4 ô giáp của quái vật (hiệu quả nhất là dùng Gambit với các quân đoàn Battalion đánh diện rộng) – tuy khó khăn và lâu hơn, nhưng khi phá hết giáp thì người chơi sẽ nhận được các loại nguyên liệu cực hiếm như Mythril hoặc Umbra Steel để rèn/ sửa chữa các vũ khí cực xịn, mà rất khó tìm được từ các nguồn khác.


Như vậy là loạt bài dài 2 kỳ về 10 “mẹo vặt” giúp bạn chơi Fire Emblem Three Houses dễ dàng hơn của Vietgame.asia đến đây là hết. 

Là một tựa game lớn với thời lượng cũng như nội dung cực nhiều, đi kèm với một cốt truyện đa nhánh rẽ cực hấp dẫn, Fire Emblem Three Houses chắc chắn sẽ ngốn vài trăm giờ chơi của những người đã “trót yêu” em nó. 

Hy vọng với bài hướng dẫn Fire Emblem này, trải nghiệm của bạn đọc Vietgame.asia sẽ trọn vẹn hơn và vui vẻ hơn.


Tác giả