Skip to content

Hướng dẫn Fire Emblem Three Houses: 10 mẹo “vượt khó” (Kỳ 1)

hướng dẫn Fire Emblem

Trong số các dòng game “đầu tàu” của “ông lớn” Nintendo, Fire Emblem có lẽ đã là một cái tên không quá xa lạ gì với game thủ gần xa toàn cầu. 

Được biết đến với cái tên dân dã “Mộc Đế” tại Việt Nam hồi thập niên 90, dòng game chiến thuật – nhập vai này đã giành được cảm tình từ nhiều thế hệ người chơi nhờ vào bối cảnh chính trị – chiến tranh pha lẫn chất huyễn mộng rất độc đáo của mình.

Vốn chỉ ra mắt trên các hệ máy “gà nhà” của Nintendo, đã có một quãng thời gian khá dài mà Fire Emblem hầu như chỉ “bám rễ” trên các hệ máy cầm tay như Gameboy Advance, Nintendo DS và Nintendo 3DS (trừ bản Radiant of Dawn “bò lạc” đâu đó lên hệ máy Wii). 

Mãi đến năm 2019 này, Fire Emblem mới có một sự trở mình đáng chú ý, khi ra mắt phiên bản mang tên Fire Emblem Three Houses trên hệ máy mới Nintendo Switch vào ngày 26.07.2019 vừa qua.

Là một phiên bản lớn với cái giá 59.99 USD, để xứng với tầm cỡ “game AAA”, Fire Emblem Three Houses đã mang đến cho người chơi vô số nâng cấp và cải tiến đáng giá.

Tuy vậy, đối với nhiều “người hâm mộ gộc” vốn đã gắn bó nhiều năm cùng Fire Emblem, những đổi mới này có phần khá “ngộp”, nói gì đến các tân thủ vốn mới chập chững làm quen với dòng game có bề dày lịch sử “cộm cán” như thế này?

Do đó, Vietgame.asia xin cùng chia sẻ với bạn đọc về 10 “bí quyết” để giúp công cuộc khởi đầu cùng Fire Emblem Three Houses trở nên suông sẻ hơn ít nhiều. 

Xin lưu ý là đôi chỗ sẽ hơi có tính chất “spoil” nội dung, vì vậy bạn đọc cần cân nhắc trước khi xem nhé!


Hướng dẫn Fire Emblem

1. SỬ DỤNG THỜI KHÓA BIỂU KHOA HỌC | Hướng dẫn Fire Emblem

Fire Emblem Three Houses mang đến cho người chơi một tính năng vốn đã quá quen thuộc trong các dòng game dating-sim (hẹn hò) hay visual novel (tiểu thuyết hình ảnh), đó là mọi thứ trong game sẽ diễn ra theo một thời khóa biểu lịch trình chi tiết. 

Cụ thể, mỗi chương của Fire Emblem Three Houses sẽ diễn ra trong 1 tháng, với các ngày Chủ Nhật là hoạt động tự do – và người chơi có nhiều lựa chọn để sử dụng ngày này cho hợp lý.

Lời khuyên của người viết dành cho bạn đọc với tiết mục này, đó là hãy dành các ngày Chủ Nhật đầu tiên trong tháng chỉ riêng cho hoạt động Explore. 

Với các điểm Action Point hạn chế, hãy ưu tiên dùng bữa với các học viên chính của nhà mình để tối ưu hết thanh Motivation của họ – chiêu này nhằm đảm bảo các ngày dạy học sau đó sẽ thu lại kết quả tối ưu nhất có thể. 

Ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng thường sẽ không có tiết mục dạy học trong tuần sau, vì vậy có thể dùng ngày này để Battle nhằm nuôi lính, luyện cấp và học hết các Mastery cần thiết. 

Lưu ý thêm là giữa các trận Battle sẽ không thể cho đi thi (Certification) được, nên trong các tuần trước đó ai thi gì được thì cho thi sẵn, để giữa các Battle chỉ cần chọn Reclass là được.


Hướng dẫn Fire Emblem

2. CHỌN ĐỘI HÌNH LÝ TƯỞNG TỪ SỚM (SPOILER ALERT!) | Hướng dẫn Fire Emblem

Không như các phiên bản Fire Emblem trước vốn hé lộ dần dần các nhân vật có thể thu phục được qua cốt truyện, ngay từ đầu Fire Emblem Three Houses đã chắc chắn người chơi sẽ thu phục được ai từ khi họ chọn dạy nhà nào rồi. 

Và vì học viên của các nhà khác (trừ các House Leader và một vài nhân vật “sống chết có nhau” ra) đều có thể thu phục được, người chơi sẽ có thể sớm hoạch định cho mình một đội hình chuẩn ngay từ sớm.

Sau đây là danh sách các nhân vật mạnh đáng thu phục từ nhà khác, kèm với các chức nghiệp lý tưởng của họ:

  • Black Eagle: Ferdinand (Great Knight/Fortress Knight/Paladin), Caspar (War Master/Warrior), Dorothea (Gremory/Dark Knight/Dancer)
  • Blue Lion: Felix (Hero/ War Master/ Warrior), Mercedes (Bishop/Holy Knight), Ingrid (Falcon Knight/Wyvern Lord/Paladin)
  • Golden Deer: Raphael (Warrior/ War Master/ Fortress Knight), Lysithea (Gremory/Dark Knight), Marianne (Gremory/Holy Knight), Leonie (Bow Knight/Falcon Knight)

Ngoài ra, khi theo phe nhà thờ Church of Seiros, các nhân vật mặc định thuộc phe này như Seteth (Wyvern Lord), Flayn (Gremory/ Bishop), Catherine (Swordmaster/Assassin/Bow Knight) cũng đều rất mạnh.


Hướng dẫn Fire Emblem

3. CÁCH THU PHỤC HỌC VIÊN NHÀ KHÁC DỄ DÀNG | Hướng dẫn Fire Emblem

Với Fire Emblem Three Houses, cơ chế gốc để thu phục các học viên nhà khác là phải thỏa mãn được 2 yêu cầu: chỉ số và môn học – cụ thể, nhân vật chính (Byleth) phải có tối thiểu 15 điểm chỉ số được yêu cầu và cấp độ kỹ năng tương ứng tối thiểu là C để thu phục được. 

Tuy vậy, không thể nào học hết tất cả các bộ môn lên cấp C chỉ trong một thời gian ngắn được – nên còn một cách khác để thu phục nhân vật dễ dàng hơn.

Đó là việc đạt chỉ số tình cảm (Relationship) với nhân vật muốn thu phục lên cấp B, sẽ có tỉ lệ họ chủ động xin chuyển vào nhà của mình (Save/Load đại pháp vẫy gọi). 

Và vì đây là một chuyện tương đối dễ làm thông qua các hoạt động đi mời ăn, nấu bếp, tặng quà, trả đồ thất lạc… nên chỉ cần có một chút kiên nhẫn, người chơi sẽ dễ dàng thu phục được nhân vật mình cần mà thôi.

Khéo léo hơn, có thể chia các nhân vật muốn thu phục thành 2 nhóm: một nhóm có sở thích tương đồng với hướng nuôi nhân vật chính Byleth – nhóm này rất dễ thu phục vì chỉ sau vài chương là Byleth đã lên đủ chỉ số/độ chuyên môn C cần thiết. 

Nhóm còn lại là các nhân vật có sở thích “tréo ngoe” không cùng hướng nuôi với Byleth – nhóm này thì dùng chiêu tranh thủ tình cảm là hay nhất.


4. HOẠCH ĐỊNH ĐƯỜNG NUÔI NHÂN VẬT TỪ ĐẦU | Hướng dẫn Fire Emblem

Không như các phiên bản Fire Emblem trên 3DS, mà cụ thể là AwakeningFates, cơ chế “kỹ năng bị động” trong Fire Emblem Three Houses được phân tán ra thành nhiều hạn mục khác nhau như nội tại theo nhân vật, kỹ năng chức nghiệp và các Thánh Ấn (Crest). 

Vì vậy, với Fire Emblem Three Houses thì chuyện chuyển qua lại giữa các chức nghiệp để có bộ kỹ năng như ý là không cần thiết cho lắm.

Với việc cần phải đạt tối đa Mastery của từng chức nghiệp để có kỹ năng độc quyền, thì kiểu nuôi lan man tỏ ra kém hiệu quả đi rất nhiều. 

Thay vì vậy, định hướng sớm từ đầu bộ kỹ năng cần thiết và phát triển thêm các nhánh phụ tỏ ra tối ưu hơn rõ rệt. Với Fire Emblem Three Houses thì có 3 đường mạnh chính:

  • Suicide Lead: Vantage (Mercenary), Desperate (Cavalier), Wrath (Warrior) – đây là đường cực mạnh khi nhân vật còn dưới 50% máu, luôn ưu tiên phản đòn, đánh đôi trước kẻ địch và tăng siêu chí mạng. Nếu học được lên War Master thì thay Desperate bằng Quick Riposte.
  • Ultimate Ranger: Aegis (Paladin), Pavise (Fortress Knight), Darting Blow (Pegasus Knight), Death Blow – và lý tưởng nhất với các lớp nhân vật có Dexterity cao như Falcon Knight và Bow Knight (Bow Knight thì bỏ Death Blow thay bằng Close Counter).
  • Twilight Mage: Fiendish Blow (Mage), Poison Strike (Dark Mage), Renewal (Bishop), Lifetaker (Dark Bishop) – lưu ý là Dark Mage và Dark Bishop chỉ có nhân vật nam mới có thể luyện, và vật phẩm cần thăng cấp Dark Seal tương đối hơi khó kiếm (sẽ hướng dẫn sau).

5. CÁCH “CÀY” DARK SEAL (SPOILER ALERT!) | Hướng dẫn Fire Emblem

Để một nhân vật trong Fire Emblem được “lên chức”, các phiên bản trước giới hạn tuyến tính một số ít lựa chọn để nhân vật phát triển. Còn với Fire Emblem Three Houses, một nhân vật có thể học bất cứ chức nghiệp nào họ thích, miễn là thỏa được điều kiện về cấp độ (5 cho Beginner, 10 cho Intermediate, 20 cho Advanced và 30 cho Masters), cũng như có trình độ kỹ năng tương ứng. 

Tuy nhiên, có 2 lớp nhân vật hơi “khác người” khi không dùng tuyến vật phẩm Beginner/Intermediate/Advanced/Masters Seal như người ta. Đó chính là Dark Mage/Dark Bishop, những kẻ sở hữu các kỹ năng bá đạo nhất nhì game như Poison Strike (gây thêm sát thương = 20% máu tối đa của kẻ địch sau khi tấn công) và Lifetaker (hồi máu bằng 50% sát thương đã gây ra khi giết một kẻ địch).

Hai “ông nội” này lên cấp bằng một vật phẩm đặc biệt tên là Dark Seal, mà nếu không biết cách thì có tìm đến… Tết Congo cũng không ra!

Cụ thể, ở các chương 4, 6, 8 (và có thể sau đó tùy phe người chơi chọn), sẽ có một nhân vật là Death Knight xuất hiện trên bản đồ. Đây là một kẻ địch cực mạnh, không bắt buộc phải giết, nhưng có chỉ số cực cao và khả năng đánh trả bất chấp khoảng cách (vâng, Meteor 10 ô hả, anh mày chấp).

Éo le thay cái Dark Seal kỳ diệu kia chỉ có thể sở hữu khi đánh bại anh Death Knight đẹp trai này (về sau DLC có không thì chưa biết).

Phương pháp “cày” Dark Seal này chỉ áp dụng được khi chơi ở chế độ Casual – không khuyến cáo dùng ở Classic (nhân vật chết là mất luôn). Cụ thể, dùng 4 nhân vật bo lại và “kẹp” Death Knight ở giữa, và tất cả dùng Gambit cho quân đoàn Battalion tấn công để không bị đánh trả. 

Chắc chắn sau đó Death Knight sẽ giết một nhân vật nào đó, tuy nhiên hắn ta cũng sẽ mất máu đáng kể, vừa vặn cho một lần Gambit tay ba sau đó kết liễu. Và như vậy là chúng ta đã có được Dark Seal chỉ với cái giá là một nhân vật “lên dĩa” (với Casual thì sau trận lại hồi sinh).

Hoặc, nếu ai chơi Classic thì có thể thử nghiệm với kỹ năng Miracle và vái trời là nó xuất hiện để giúp nhân vật bị Death Knight “hỏi thăm” sống sót với 1 máu.


Như vậy là bài viết “Hướng dẫn Fire Emblem Three Houses: 10 mách nhỏ giúp bạn vượt khó” của chúng ta sẽ phải chia ra làm 2 kỳ, vì với lượng thông tin quá dài và quá nhiều như thế này, dồn hết vào một kỳ có khả năng khiến độc giả của Vietgame.asia phải ngủ gật và đập mặt vào phím mất!

Hẹn gặp lại bạn đọc trong phần 2 của bài viết này, với các mách nhỏ mới xoay quanh việc sử dụng các tính năng nâng cao của Fire Emblem Three Houses cho hiệu quả hơn.


Tác giả

Thảo luận