ASUS ROG Delta – Chỉ tới gần đây, ASUS bắt đầu quan tâm nhiều hơn và đầu tư nghiêm túc hơn cho mảng tai nghe dành cho game thủ với gần 10 mẫu sản phẩm được ra mắt trong chỉ 2 năm vừa qua trải dài từ phân khúc bình dân, đến những sản phẩm cao cấp được thiết kế với các công nghệ độc quyền mà không phải đơn giản là giao phó cho một số hãng gia công sàn sàn như các mẫu tai nghe phổ thông khác trên thị trường.
Có thể thấy điều này qua dòng sản phẩm tai nghe Strix Fusion đã được nghiêm túc đầu tư thiết kế lại với nhiều mẫu sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như một ASUS Strix Fusion 500 tích hợp bộ giải mã tín hiệu âm thanh DAC ES9018 dành cho các bộ dàn chuyên nghiệp, hay cao cấp hơn bộ tai nghe không dây “hàng khủng” ASUS Strix Fusion 700 “chuyên dụng” dành cho game thủ mà Vietgame.asia từng giới thiệu đến bạn đọc.
Thế nhưng những sản phẩm này đa phần vẫn nằm trong “khuôn sáo” của các sản phẩm tai nghe dành cho game thủ với tiếng bass thuộc loại “xì xụp”, chưa lên được “mặt bàn” của nhóm các dòng tai nghe cao cấp hiện nay, thế nên trong năm 2019 vừa qua, ASUS đã tập trung phát triển một dòng tai nghe mới lấy các chữ cái Hy Lạp làm tên gọi, với mục tiêu đem chất lượng âm thanh “chuyên nghiệp” hơn đến với người dùng chứ không đơn thuần là những tai nghe dành cho game thủ.
Mở đầu xu hướng này là mẫu tai nghe ASUS ROG Delta với thiết kế hoàn toàn thay đổi so với dòng sản phẩm Fusion trước đây đã thổi một luồng gió mới vào phân khúc tai nghe cao cấp dành cho game thủ với mức giá bán lên đến 5 triệu đồng, ngang ngửa các dòng tai nghe tốt đến từ các hãng sản xuất phụ kiện âm nhạc có tiếng hiện nay.
Liệu những nỗ lực của ASUS có giúp hãng “chen chân” được vào thế giới tai nghe chuyên nghiệp? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
ASUS ROG Delta – Cú “lột xác” ngoạn mục về thiết kế
Trên thực tế, trong suốt một thời gian rất dài, mặc dù có những đầu tư nhất định vào sản xuất tai nghe dành cho game thủ, thế nhưng ASUS vẫn không thể thoát ra khỏi “cái bóng” của một nhà sản xuất phụ kiện hạng hai khi cho ra mắt những mẫu tai nghe dòng Strix theo phong cách “thần cú” với thiết kế “đầy nhựa”, thậm chí có phần ọp ẹp theo tiêu chuẩn các tai nghe có cùng mức giá trên thị trường.
Có thể dễ thấy điều này qua mẫu ASUS Strix Pro Gaming được Vietgame.asia giới thiệu đến bạn đọc gần 4 năm về trước với hai củ tai được cách điệu bằng hai “cửa sổ” trong suốt hình mắt cú màu… cam, khiến sản phẩm thừa thãi những yếu tố “ngầu lòi” nhưng lại có phần hơi thiếu đi đôi chút sự sang trọng cần thiết để hướng đến thị trường sản phẩm cao cấp.
Đến với dòng sản phẩm Fusion, ASUS đã có những bước tiến dài nhằm thay đổi ấn tượng người dùng với một thiết kế đẹp mắt hơn, cứng cáp hơn và cũng “khiêm tốn” hơn, thế nhưng lớp ốp bóng bẩy vẫn chưa làm sản phẩm thoát ra khỏi những “khuôn sáo” truyền thống của dòng tai nghe dành cho game thủ, mãi đến ASUS ROG Delta, mọi chuyện mới được cải thiện theo một hướng tích cực hơn rất nhiều.
Nói quá lên thì với mẫu sản phẩm này, ASUS đã làm một cuộc “lột xác” triệt để và ngoạn mục, tách rời mẫu tai nghe của mình ra khỏi nhóm Fusion thông thường, hướng đến một thiết kế đơn giản mà cứng cáp như trên các dòng sản phẩm tai nghe nhạc có chất lượng trên thị trường hiện nay.
Thoạt nhìn, mẫu tai nghe đến từ ASUS có rất nhiều đường nét giống với mẫu tai nghe “quốc dân” chuyên nhạc cao cấp dòng SONY MDR-1AM2 với hai củ tai rộng nhưng “mỏng cơm”, lớp đệm đầu không được làm quá gồ ghề với phần đệm đỉnh đầu được tách ra riêng biệt như dòng tai nghe Strix trước đây hay dòng Fusion sau này, mà được phủ xuyên suốt trên toàn bộ khung tai nghe.
Hai củ loa được kết nối với khung tai thông qua hai gọng tai bằng kim loại linh hoạt mang lại cảm giác chắc chắn ngay từ cái nhìn đầu tiên, cho phép người dùng gập củ loa theo một góc 90 độ (Fold Flat) khi không cần dùng tới để có thể dễ dàng đeo trên cổ và thuận tiện hơn khi cần phải di chuyển nhiều, một tính năng vô cùng cần thiết cho các fan của game di động trong thời điểm các máy điện thoại và Nintendo Switch được game thủ lựa chọn nhiều hơn cho các nhu cầu giải trí hàng ngày.
Điểm đặc biệt của ASUS ROG Delta là hai củ tai được thiết kế hình tam giác thuôn dài xuống ôm theo hướng vành tai. Thiết kế này, theo ASUS, giúp ôm vừa khít vào tai người dùng, cách âm tốt hơn, đồng thời cũng làm cho củ tai gọn gàng hơn, thế nhưng theo ý kiến riêng của người viết thì kiểu thiết kế này khá chật chội với những người có vành tai to cỡ… Lưu Bị chứ không thoải mái như những ốp tai hình oval theo kiểu truyền thống.
Mặt ngoài cả hai củ tai đều được làm bằng nhựa nhám sẫm màu chứ không phải bằng kim loại mát lạnh như các mẫu tai nghe SONY MDR – 1AM2, dù vậy lớp sơn sẫm màu cũng làm cho tạo hình củ tai trở nên chắc chắn và “khiêm tốn” hơn rất nhiều so với vẻ ngoài bóng bẩy trên các sản phẩm dòng Fusion trước đây.
ASUS cũng không quên các chi tiết trang trí dành cho đối tượng là các fan của thể loại RGB khi trang bị cho mẫu tai nghe đèn LED RGB viền và logo RGB có thể kết hợp với trình điều khiển ROG Armory và công nghệ Aura Sync trên toàn hệ thống để đồng nhất “hệ sinh thái” ROG của mình theo phong cách rất riêng của từng game thủ.
Nếu không thích chi tiết màu mè này, người dùng có thể tắt đèn thông qua một nút gạt, hay đơn thuần là mua phiên bản Core đơn giản hơn với logo chìm và không có bất kỳ “đèn đóm” gì, tất nhiên là với một mức giá “thơm” hơn ít nhiều so với phiên bản thông thường.
ASUS cũng trang bị cho ASUS ROG Delta hai bộ vành ốp tai, bao gồm bộ vành ốp tai kín hoàn toàn bằng chất liệu da tổng hợp, giúp đem lại khả năng tốt hơn, nhưng lại khá nóng và dễ gây đổ mồ hôi, trong khi một bộ vành ốp tai khác được chế tạo dưới dạng lai với lớp vành ngoài bằng vải thoáng khí và lớp chắn âm phía trong bằng gia tổng hợp.
Bộ ốp tai khá lạ này cho hiệu quả “tản nhiệt” cho vành tai khi nghe trong thời gian dài thì chưa thật sự rõ ràng, thế nhưng hiệu quả cách âm cũng ở mức khá, bù lại, bạn sẽ khó tìm phụ kiện thay thế ngoài thị trường cho một bộ ốp tai thuộc loại “độc” về ngoại hình lẫn “lạ” về thiết kế như vậy nếu chẳng may hư hỏng ốp tai này.
Sản phẩm được kết nối với các thiết bị khác thông qua một dây bọc vải chống cắt dài bên củ tai trái, sử dụng chuẩn USB Type C với nhiệm vụ vừa truyền dẫn tín hiệu cho bộ DAC/Amp tích hợp bên trong, đồng thời cung cấp năng lượng cho cả tai nghe hoạt động ở công suất cao nhất. Cổng USB Type C này tương thích với hầu hết các hệ thống hiện đại ngày nay, bao gồm cả các điện thoại di động và hệ máy chơi game cầm tay Nintendo Switch.
Về mặt tổng thể, ASUS ROG Delta sở hữu một thiết kế hoàn toàn mới so với các dòng sản phẩm đang có trên thị trường hiện nay của hãng, đem đến một cảm giác cao cấp hơn cho người dùng, vượt ra khỏi ranh giới của các tai nghe dành cho game thủ thông thường, góp phần làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn cả với người dùng phổ thông cần một tai nghe nhạc cao cấp.
ASUS ROG Delta – Chất âm ấn tượng
Trong rất nhiều năm sản xuất các mẫu tai nghe dành cho game thủ, các mẫu sản phẩm của ASUS thường được đánh giá tốt ở khả năng tái tạo không gian âm, nhưng lại hay bị “than phiền” về chất lượng âm thanh khi đem đến một chất âm quá “thừa mứa” tiếng bass mà không kiểm soát được dải âm này để cho ra chất lượng âm thanh tốt, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng hơn là chỉ dùng để chơi game.
Có lẽ vì thế mà khi muốn đem đến thị trường một mẫu tai nghe mang tính chất phổ quát hơn, dùng được cho nhiều mục đích hơn như ASUS ROG Delta, hãng đã tìm đến một giải pháp hoàn toàn khác biệt so với trước đây, đem đến sự thay đổi triệt để về chất âm dù vẫn trang bị trong mình một bộ DAC/Amp mạnh mẽ đến từ ESSTech như với các dòng sản phẩm đã từng “ra mắt” công chúng.
Trên thực tế, “mối lương duyên” giữa ESSTech và ASUS đã tồn tại trong một thời gian khá dài, khi mà các dòng sản phẩm cao cấp của ASUS, bao gồm cả các bo mạch chủ cao cấp của hãng ra mắt trong năm vừa qua như ASUS ROG Crosshair VIII Hero (Wi-Fi) cũng được trang bị chip xử lý âm thanh tích hợp ESS ES9023P của hãng này, hay như dòng tai nghe Fusion tiền nhiệm ASUS Strix Fusion 500 lại mang trong mình chip xử lý âm thanh ESS ES9018, đều là những chip DAC mạnh mẽ xuất hiện nhiều trên các dàn âm thanh dân dụng.
Với những đòi hỏi mới mẻ từ ASUS, các kỹ sư đến từ ESSTech đã quyết định ứng dụng chip xử lý âm thanh QUAD DAC ESS ES9218 vào trong ASUS ROG Delta để thay đổi yêu cầu và chất lượng hiển thị của tai nghe.
Nếu bạn nào là fan của dòng điện thoại nghe nhạc V Series đến từ LG thì chắc sẽ không xa lạ gì bộ QUAD DAC “tất cả trong một” này được ra mắt lần đầu trên mẫu điện thoại LG V20, và nay tiếp tục “làm mưa làm gió” với LG V50 trên tất cả các trang web “chuyên” về âm nhạc như Head-Fi, WhatHifi hay Hifivision.
Tất nhiên là chất lượng âm thanh đầu ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác chất lượng va công nghệ màng loa, cũng như khả năng điều chỉnh chất âm của các kỹ sư âm thanh, thế nhưng đọc đến đây thì người yêu chuộng lĩnh vực có thể “mường tượng” ra được một vài đặc điểm chính của ASUS ROG Delta sẽ không quá khác xa so với những gì mà dòng điện thoại LG V Series có thể thực hiện.
Thực vậy, ấn tượng đầu tiên của người viết đối với mẫu tai nghe đặc biệt này của ASUS chính là một nền âm khá sạch sẽ, khả năng “kéo” âm lượng ở mức cao, nên người dùng chỉ cần để mức âm lượng khoảng 70% đã có thể đủ để thưởng thức âm nhạc, game và phim thoải mái.
Đối với dải âm trầm, hay còn gọi là dải bass, vốn bị “bêu rếu” rất nhiều trên các sản phẩm trước đây, các kỹ sư của ASUS đã trang bị cho sản phẩm một màng loa có kích thước 50mm được chế tạo bằng nam châm Neodymium kiểu mới, tuy không lớn như màng loa được trang bị cho mẫu ASUS Strix Pro Gaming, nhưng vẫn tỏ ra vô cùng có lực, thể hiện được rất nhiều độ chi tiết của dải âm này trong các bài thử nghiệm khác nhau.
Dải âm trầm lần này đã được kiểm soát lại khá kỹ càng với tiếng bass chắc nịch, đầy đặn, khả năng tần số thấp mà không bị lạc âm (rolled off) như các phiên bản tai nghe dòng Fusion, nhưng đồng thời nó cũng mang theo đặc trưng của các sản phẩm trang bị chip xử lý âm thanh QUAD DAC đến từ ESSTech là dải bass có phần hơi “hiền”, thiếu một chút “nhấn nhá” như các sản phẩm trang bị chip của AKM (Asahi Kasei Microdevices).
Dải âm trung thể hiện được độ chi tiết của âm thanh rất tốt, với khả năng bóc tách các lớp tiếng động ra rành mạch khác nhau. Trong khi đó, dải âm cao cũng được thể hiện rất tốt, không gây khó chịu cho người nghe bởi sự gắt và sắc của dải âm này.
Phải nói là khả năng kiểm soát âm và thể hiện độ chi tiết của âm thanh của sản phẩm còn vượt qua cả phiên bản “hạng nặng” trang bị nhiều củ loa ASUS ROG Theta 7.1 mà Vietgame.asia đã từng giới thiệu đến với bạn đọc, khiến cho các trải nghiệm âm nhạc chất lượng cao (hi-res audio) của người dùng ở mức rất tốt, phù hợp cho nhu cầu sử dụng hàng ngày hơn là chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích chơi game.
Có thể nói không ngoa rằng đây là cặp tai nghe có thể biến cả những chiếc điện thoại giá rẻ thông thường trở thành một máy nghe nhạc chuyên nghiệp với chất lượng âm thanh đủ để bạn tận hưởng những bản nhạc chất lượng cao lossless ở mức đầy đủ nhất và ổn thỏa nhất mà không cần bất kỳ phụ kiện nào khác.
Âm trường của ASUS ROG Delta là vô cùng rộng rãi, đủ để tái hiện lại không gian âm thanh của hầu hết các bản nhạc hay bộ phim, nhất là với các game hành động cần độ tách bạch âm thanh theo các hướng khác nhau rõ ràng.
Tuy vậy, do chỉ là âm thanh giả lập trên nền bộ xử lý âm thanh DSP (Digital Sound Processor), thế nên khả năng thể hiện vị trí âm thanh trong không gian của sản phẩm không quá rõ ràng như sản phẩm được trang bị nhiều củ loa hơn như ASUS ROG Theta 7.1.
Chất lượng âm thanh thu được trên microphone kèm theo của ASUS ROG Delta cũng ở mức khá, tuy nhiên, do không được trang bị lọc ồn chủ động như “đàn em” Theta mà các âm thanh bên ngoài vẫn lọt vào khá nhiều, nhất là khi người dùng ở các khu vực ồn ào.
Nhìn chung, chất lượng âm thanh của ASUS ROG Delta hoàn toàn khác biệt các dòng sản phẩm trước đây của hãng khi dải âm trầm được kiểm soát chặt chẽ hơn, ít về lượng hơn, ít xâm lấn hơn, làm lộ ra rõ ràng dải âm tầm trung và dải âm cao với độ chi tiết ở mức cao khiến cho sản phẩm không chỉ đơn thuần phục vụ cho game thủ, mà còn phù hợp cho cả nhu cầu thưởng thức âm nhạc và các tác vụ thông thường.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
Sự chuyển biến về thói quen và cái giá!
Theo ý kiến chủ quan của người viết thì ASUS đã rất thành công chuyển dịch ASUS ROG Delta từ một tai nghe dành cho game thủ sang một tai nghe phổ thông hơn, phục vụ được nhiều nhu cầu của người dùng hơn là chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích chơi game. Thế nhưng không phải ai cũng đồng ý với điều đó.
Một vài game thủ đã quá quen với phong cách dải bass “xì xụp” tràn đầy năng lượng lại cho rằng sản phẩm (và kể cả người “đàn em đắt giá” là ASUS ROG Theta 7.1) là những sản phẩm “mất chất” bởi cả hai đều không thể tạo ra những “cú sốc” cho game thủ (hay người xem phim) khi đến các phân đoạn cháy nổ mạnh mẽ, hay tiếng quạt rền rĩ của trực thăng trong các bộ phim hành động.
Đây vẫn là vấn đề thuộc về thói quen sử dụng tai nghe của game thủ, và nếu thích thú với chất âm thừa thãi dải trầm này, bạn hoàn toàn có thể “quay lại” với dòng sản phẩm ASUS Strix Fusion 500. ASUS vẫn duy trì dòng sản phẩm này song song với dòng sản phẩm cao cấp của mình.
Một vấn đề nữa làm cho người dùng ngần ngại đối với ASUS ROG Delta chính là mức giá của sản phẩm lên đến 5 triệu đồng, khá đắt nếu so sánh với mặt bằng giá chỉ vào khoang 2 triệu đến 3 triệu đồng của hầu hết các mẫu tai nghe dành cho game thủ “xịn sò” hiện nay như Logitech Pro X chỉ có giá vào khoảng 3.4 triệu đồng, hay SteelSeries Arctis 5 có mức giá chỉ khoảng 3 triệu đồng thì mức giá lên đến 5 triệu đồng của sản phẩm là khá đắt đỏ, tất nhiên là ngoại trừ “ông kẹ” Sennheiser GSP 670 Wireless Gaming Headset đến từ Đức có mức giá trên 10 triệu đồng.
Ở mức giá này, nếu muốn tìm kiếm một vài mẫu tai nghe có thể thưởng thức nhạc chất lượng cao, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn đến từ các hãng sản xuất tên tuổi khác trên thị trường như Sennheiser, Sony, Jabra hay các hãng ít nổi tiếng trong thị trường phổ thông, nhưng nhiều danh tiếng trong giới “chơi nhạc” như Beyerdynamic hay GradoLabs đều có đầy đủ các mẫu sản phẩm chất lượng đã được khẳng định đầy đủ trong cùng phân khúc.
Ưu điểm nhỏ của ASUS ROG Delta so với các “tên tuổi” này chỉ nằm ở tính tiện dụng với tất cả các “công cụ” chơi nhạc được tích hợp thẳng vào trong headphones mà thôi.
GIÁ THAM KHẢO
4,990,000đ
BÀI MỚI NHẤT
- Kadokawa, công ty mẹ của FromSoftware, xác nhận Sony có ý định mua lại tập đoàn! – Tin Game
- Hãng phát triển Unknown 9: Awakening cắt giảm 18% nguồn nhân lực! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard và Silent Hill 2 Remake “ế ẩm” tại Châu Âu – Tin Game
- Tổng hợp đánh giá STALKER 2: Heart of Chornobyl: Bất đồng ý kiến! – Tin Game
- Square Enix công bố Final Fantasy XIV Mobile – Tin Game