Skip to content

ASUS ROG Theta 7.1 Gaming Headset – Đánh Giá Gaming Gear

ASUS ROG Theta 7.1 – Có một khuynh hướng khá “lạ” xuất hiện cách đây gần 2 thập kỷ, được xem như một bước đột phá trong ngành chế tạo tai nghe dành cho game thủ, đó là các hãng sản xuất tham vọng đem đến một hệ thống âm thanh đa hướng tích hợp tất cả vào trong một headphones thông dụng bằng cách “nhồi” nhiều “củ loa” vào trong một tai nghe với sắp xếp mô phỏng âm học đa hướng.

Thế nhưng, thiết kế này không thật sự thành công bởi nhiều vấn đề hạn chế khác nhau cả về mặt kỹ thuật lẫn mức giá thuộc hàng chẳng lấy gì làm “thân thiện” cho lắm với đa phần game thủ, chính vì thế mà có rất ít hãng vẫn duy trì phát triển thiết kế này cho đến tận ngày nay, chủ yếu chỉ giới hạn trong các hãng sản xuất phụ kiện dành cho game thủ.

Cách đây vài năm, ASUS, một trong những hãng rất “chịu khó” với cộng đồng game thủ đã cho ra mắt mẫu tai nghe nhiều củ loa đầu tiên của hãng với tên gọi ASUS Strix 7.1, tích hợp đến năm củ loa mỗi bên tai, “soán ngôi” phiên bản ASUS Strix Pro Gaming đang “làm mưa làm gió” trên thị trường bấy giờ để trở thành sản phẩm tai nghe “chuyên game” âm thanh vòm “đắt giá” nhất của hãng.

Thế nhưng mẫu sản phẩm này không nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ phía game thủ, lẫn những bình luận chỉ ở mức trung bình, vậy nên mãi đến năm 2019, hãng mới tiếp tục tung ra phiên bản ASUS ROG Theta 7.1 với thiết kế hoàn toàn mới cùng những công nghệ độc đáo của riêng ASUS.

Liệu với những cải tiến vượt bậc sau nhiều năm “ở ẩn”, dòng tai nghe 7.1 của ASUS có thật sự là một lựa chọn sáng giá? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

ASUS ROG Theta 7.1

ASUS ROG Theta 7.1 – Thiết kế mới đầy hấp dẫn

Một trong những điểm trừ “thê thảm” nhất của ASUS Strix 7.1 lúc vừa ra mắt nằm ở thiết kế “nhiều nhựa” với tông màu cam tươi tắn “cách điệu” mặt cú Strix, thậm chí có phần hơi giống… đồ chơi của sản phẩm lúc bấy giờ, thậm chí đến những năm gần đây, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, thế nhưng các sản phẩm của hãng mới chỉ cải thiện được phần nào.

Mãi đến “đàn anh” ASUS ROG Delta và sau này nữa là ASUS ROG Theta 7.1, sự thay đổi về ngôn ngữ thiết kế mới đem đến cho game thủ một sản phẩm có thiết kế ấn tượng đủ để có thể coi là một mẫu tai nghe đẹp mắt với một thiết kế thỏa mãn ba yếu tố: cứng cáp, “hầm hố” và… RGB tích hợp.

ASUS ROG Theta 7.1

Mặc dù vẫn chia sẻ rất nhiều nét thiết kế của dòng tai nghe Fusion với nhiều yếu tố giống đến trên 70% về mặt ngoại hình so với tai nghe cao cấp ASUS ROG STRIX FUSION 700Vietgame.asia đã từng có dịp giới thiệu đến bạn đọc, thế nhưng ASUS đã có cuộc “lột xác” ngoạn mục khi sử dụng chất liệu nhựa nhám và nhôm đan xen tạo ra cảm giác sang trọng hơn ngay từ cái nhìn đầu tiên thay vì dùng chất liệu nhựa bóng vô cùng dễ bám vân tay và mồ hôi.

ASUS ROG Theta 7.1

Cả hai đều chia sẻ bộ khung bằng nhôm in hoa văn laser cùng tấm tựa đầu được làm bằng vải đệm thay vì bằng PU (Polyurethane – giả da) như nhiều mẫu tai nghe chơi game có mặt trên thị trường hiện nay, thế nhưng khác biệt lớn nhất của ASUS ROG Theta 7.1 so với người “tiền nhiệm” chính là bộ gọng nhôm được “vuốt dài” đến bên hông tai nghe, tạo ra một điểm nhấn kim loại mạnh mẽ và chắc chắn, thay vì chỉ gắn kết với bộ khung thông qua khớp tai đơn giản như trước.

Tai nghe cũng sở hữu kích thước lớn hơn rất nhiều để có thể nhét vừa bốn củ loa với kích thước khác nhau, thế nên ấn tượng tổng thể mà cả bộ tai nghe đem lại to lớn và “hầm hố” hơn rất nhiều so với các sản phẩm dòng Fusion hay “đàn anh” ASUS ROG Delta ra mắt trước đó không lâu..

Đệm tai nghe được thiết kế theo dạng hybrid với lớp tiếp xúc vành tai được làm bằng vải, trong khi lớp ngoài và lớp trong tai đều được phủ da PU, điều này hứa hẹn sẽ làm “giảm nhiệt” cho tai khi nghe trong thời gian dài. Tuy vậy, thiết kế này cũng khá “dị” làm cho việc tìm kiếm phụ kiện thay thế khi cần thiết khá khó khăn, chính vì thế mà ASUS đã tặng kèm theo một cặp đệm tai khác để người dùng có thể thay thế khi cần thiết.

ASUS ROG Theta 7.1

Hệ thống “đèn đóm” cũng đã được cải thiện đáng kể trên ASUS ROG Theta 7.1 khi hãng sử dụng logo ROG phát sáng như trên ASUS ROG Delta thay vì hai dải sáng đơn điệu như trên các sản phẩm dòng Fusion.

Hai logo này có thể được kết nối với tính năng Aura Sync lừng danh của hãng, có mặt trên các bo mạch chủ đời mới để có thể đồng bộ với toàn bộ hệ thống tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Người dùng có thể điều khiển các hiệu ứng này qua trình điều khiển ASUS Armoury II, và nếu không thích tính năng này, bạn hoàn toàn có thể tắt đi với một công tác đơn giản nằm phía sau tai trái.

ASUS ROG Theta 7.1

Hệ thống dây cáp cũng được thiết kế nối liền với cả hai bên tai nghe và không thể tháo rời, nên không gặp phải vấn đề kết nối không chặt như trên ASUS ROG FUSION 700, cả hai dây được bọc bằng nhựa cứng, nối lại với nhau bằng một đoạn dây bọc dù trước khi đến cổng kết nối USB Type C mạ vàng.

Nhờ kết nối này mà người dùng có thể sử dụng ASUS ROG Theta 7.1 với nhiều thiết bị khác nhau, từ dùng với điện thoại di động, máy chơi game cầm tay Nintendo Switch, đến các hệ thống PC hay console như PlayStation 4 và XBOX One thông qua một adapter chuyển đổi sang cổng USB thông thường.

Về mặt tổng thể, có thể thấy đây là một sản phẩm được đầu tư rất nhiều về mặt thiết kế, bớt đi cảm giác “nhừa nhựa” và ọp ẹp để trở nên cứng cáp, chắc chắn hơn, “ngầu” hơn và cũng thỏa mãn các fan của đèn nền RGB hơn so với các phiên bản trước đây.


ASUS ROG Theta 7.1 – “Chất lượng” của hệ thống loa đa chiều

Nói đến các tai nghe sử dụng hệ thống nhiều củ loa cùng lúc, có khá nhiều rào cản về kỹ thuật cần phải vượt qua, và phải nói rằng, ASUS đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong số đó với ASUS ROG Theta 7.1 để làm cho sản phẩm này “chất” hơn so với thế hệ tai nghe ASUS Strix 7.1 trước đây.

ASUS ROG Theta 7.1

Có một mâu thuẫn chính tồn tại trong thiết kế tai nghe nhiều củ loa, đó chính là các màng loa đơn độc dạng dynamic có kích thước càng nhỏ thì càng không đủ “lực” để tạo ra các âm thanh có độ chi tiết cao, thế nên đã có thời kỳ các hãng âm thanh “thi đua” ra mắt những tai nghe có màng loa khổng lồ, với kích thước từ 50mm trở lên, thậm chí đối với tai nghe hàng đầu của Sony hiện nay là Sony MDR-Z1R sở hữu màng loa có kích thước lên đến 70mm.

Chính vì thế mà các kỹ sư âm học đem đến một giải pháp “chữa cháy” đáng khích lệ cho các tai nghe sở hữu nhiều củ loa, đó chính là hiệu ứng “cộng hưởng” bass giữa các củ loa này để tạo ra tiếng bass dày hơn, mạnh hơn, “lực” hơn so với việc giao “nhiệm vụ” cho một củ loa… tý hon nào đó.

Cách làm này lại dẫn đến một vấn đề rắc rối khác với các tai nghe dạng này, chính là nó tạo ra chất lượng âm thanh rất “đục” do gặp vấn đề “nhiễu chéo” giữa các loa với nhau, điều này khiến cho các tai nghe dạng này thường rất ấn tượng với khả năng tái hiện âm thanh đa chiều, nhưng chất lượng âm thanh thể hiện hiện thì chỉ thuộc hàng… cho có và chẳng mang lại bất kỳ giá trị “thưởng thức” nào cả về game lẫn phim ảnh, đó là chưa nói đến sử dụng chúng để nghe nhạc.

ASUS ROG Theta 7.1

Thêm vào đó, việc bố trí nhiều củ loa cũng đồng nghĩa với việc các hệ thống DAC (Digital to Analog Converter – Bộ chuyển đổi tín hiệu số sang tín hiệu tương tự) hay Amp (Amplifier – Bộ khuếch đại tín hiệu âm thanh) thông thường hoạt động “nhiễu loạn” lẫn nhau, chưa kể đến vấn đề thiếu hụt về công suất cấp nguồn khi các thiết kế card âm thanh rời qua cổng USB kiểu cũ không lấy đủ năng lượng cung cấp cho các củ loa này.

Trên thực tế, bằng vào những tiến bộ công nghệ mới nhất, ASUS đã giải quyết gần như tất cả các vấn đề này trên ASUS ROG Theta 7.1, đem đến cho người dùng một bộ tai nghe có chất lượng tốt hơn hẳn so với trước đây.

Các củ loa đều được chế tạo bằng vật liệu nam châm mới với “công lực” cao hơn so với các mẫu nam châm cũ, cho ra công suất loa tốt hơn dù có kích thước bé hơn. Thêm vào đó, hệ thống bốn loa này được cung cấp sức mạnh từ bốn chip Amplifier điện tử ESS 9601, đem đến tín hiệu đủ sạch cho từng củ loa, cũng như đủ sức “kéo” cho cả tám củ loa hoạt động ở điều kiện tối ưu nhất.

Đó là chưa kể đến các kết nối USB 3.0 và USB Type C với chuẩn USB Power Delivery có thể cung cấp mức công suất tối thiểu ở 4.5W và cao nhất lên đến 100W, cao hơn rất nhiều các thế hệ USB trước đây, đủ cung cấp năng lượng cho cả bốn chip amp để “kéo” tai nghe có trở kháng cao.

Thử nghiệm tai nghe trên thực tế, kết quả thu được là vô cùng ấn tượng. Mặc dù “nghỉ chơi” với các thế hệ DAC đến từ ESSTech lừng danh trong thế giới âm nhạc, để đến với chip xử lý âm thanh tất cả trong một thuộc loại “cây nhà lá vườn” là Supreme FX S1220A, nhưng sự lựa chọn của đội ngũ kỹ sư âm thanh đến từ hãng là vô cùng chính xác.

Khi đặt song song hai mẫu tai nghe “anh em” là ASUS ROG Delta sử dụng chip Quad DAC của ESSTech (có kết cấu tương tự với mẫu DAC sử dụng trên các điện thoại “chuyên nhạc” LG V Series) và ASUS ROG Theta 7.1, dễ dàng nhận ra được sự khác biệt của hai mẫu tai nghe này cả về âm hình lẫn âm trường.

Có thể thấy được chip DAC của ESSTech cho ra âm thanh có độ chính xác cao hơn, âm hình tròn trịa hơn, kiểm soát bass tốt hơn thì ngược lại, phiên bản DAC “đặc trị” của Supreme FX lại sở hữu âm trường rộng rãi hơn, “định vị” âm thanh trong không gian chuẩn xác hơn rất nhiều, một điều mà rất nhiều game thủ quan tâm sâu sắc khi “móc hầu bao” tậu về cho mình một mẫu tai nghe 7.1

Rõ nét nhất có thể kể đến khi thử nghiệm cùng game Battlefield V, một trong những game có đầu tư xuất sắc về mặt âm thanh từ phía đội ngũ phát triển game với các hiệu ứng âm thanh được thu trực tiếp trên các khu vực thử nghiệm vũ khí, tái hiện lại rõ nét bằng các hiệu ứng âm thanh đa chiều trên các dàn loa và tai nghe hỗ trợ tính năng này.

Điều dễ thấy nhất là trong khi ASUS ROG Delta thể hiện tiếng động rõ ràng mạch lạc nhưng hơi “tù túng” về mặt không gian, thì ASUS ROG Theta 7.1 thể hiện âm thanh với chiều sâu vô cùng ấn tượng. Tiếng kim hỏa đập vào vỏ đạn, tiếng đạn rít, hay tiếng nổ đều được tái hiện rõ nét trong không gian, rõ ràng đến độ người chơi có thể nhắm mắt và phát hiện được chính xác vị trí nguồn tiếng động, chứ không “mài mại” vị trí do phần mềm “giả lập” không gian trên các tai nghe stereo thông thường.

Thử nghiệm tai nghe với phim điện ảnh, mà người viết thích nhất là bộ phim Bird Box do Netflix thực hiện, một bộ phim cực kỳ xuất sắc khi tái hiện âm thanh trong môi trường không gian chân thực, người viết cũng vô cùng bất ngờ khi tất cả các vị trí âm thanh được định hình cực kỳ rõ nét các âm thanh, từ tiếng bước chân di chuyển trên gác gỗ cót két phía trên, đến tiếng chuông định vị của lũ trẻ, hay thậm chí là tiếng nói thì thầm trong đêm… tất cả hiện ra chân thực như bạn đang nhìn qua một khung cửa sổ hơn là đang xem một bộ phim điện ảnh.

Bên cạnh đó, bộ microphone được trang bị trên tai nghe cũng được tích hợp công nghệ xử lý tiếng ồn chủ động thông minh (ANC – Active Noise Cancelling). Tính năng này đang trở thành “mốt” trong thời gian gần đây, thậm chí đến mẫu màn hình “chiến thuật” AORUS FI27Q của Gigabyte cũng được trang bị tính năng này, thế nhưng sản phẩm của ASUS có khả năng thể hiện vẫn xuất sắc hơn rất nhiều.

Phải nói rằng tiếng ồn nền (background noise) có mức giảm rõ rệt, tôn lên rõ nét tiếng nói của người dùng, nhưng ở chừng mực nào đó, bộ xử lý tín hiệu âm thanh tích hợp bên trong tai luôn cố gắng giữ mức độ giảm bớt tiếng ồn này trong một mức độ phù hợp mà không làm biến dạng tiếng nói như trên mẫu màn hình “chiến thuật” của Gigabyte, đem lại giọng nói rõ ràng, trong trẻo cho người nghe, đảm bảo trao đổi thông suốt giữa các thành viên trong cùng đội nhóm cho các giải đấu lớn, đặc biệt là các giải đấu trình diễn với vô vàn tiếng ồn đến từ các phía.

Tuy vậy, nếu so sánh chi tiết, khả năng khử ồn của ASUS ROG Theta 7.1 vẫn thua sút đôi chút về độ chi tiết của âm thanh so với mẫu sản phẩm Corsair VIRTUOSO RGB WIRELESS SE đến từ Corsair, thế nhưng chất lượng thu âm đã thuộc nhóm top trên các sản phẩm tai nghe tốt nhất dành cho game thủ.

ASUS ROG Theta 7.1

Nhìn chung, ASUS ROG Theta 7.1 hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ của mình với tư cách là một tai nghe nhiều củ loa với khả năng thể hiện âm thanh chân thực, tái hiện chuẩn xác vị trí của tiếng động trong không gian ba chiều và sở hữu một hệ thống microphone tích hợp khử ồn chủ động hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện “chiến đấu”.


BẠN SẼ GHÉT

Một số vấn đề chưa “đạt”

Với mức giá thuộc loại “cao khủng khiếp” trong dải các sản phẩm tai nghe đến từ ASUS, mẫu tai nghe đa chiều ASUS ROG Theta 7.1 vẫn có một số vấn đề mà người dùng cần phải cân nhắc.

Vấn đề thứ nhất nằm ở trong thiết kế sản phẩm, với việc “nhồi nhét” khá nhiều củ loa vào mỗi bên tai, khiến cho mẫu tai nghe này nặng hơn khá nhiều người anh em ASUS ROG Delta, thậm chí là nặng gần bằng mẫu tai nghe không dây “khủng long” Sennheiser GSP 670 Wireless Gaming Headset mà Vietgame.asia từng giới thiệu với bạn đọc, gây mỏi đáng kể cho người dùng nếu sử dụng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, dù sở hữu thiết kế đệm tai hybrid, thế nhưng việc “nhồi” quá nhiều chip xử lý, chip amp và các hệ mạch vào trong tai nghe bên trái khiến cho phần tai nghe này nóng lên rất nhanh, tỏa nhiệt gây nóng và dễ ra mồ hôi cho tai nghe bên trái.

Vấn đề thứ hai vẫn là cố hữu của các dòng chip xử lý đến từ Supreme FX, bao gồm cả dòng chip S1220A tiên tiến nhất trang bị trên ASUS ROG Theta 7.1 hiện nay. Âm thanh thể hiện vẫn không đạt độ trong, độ chi tiết và chính xác như chip xử lý đến từ ESSTech được trang bị cho ASUS ROG Delta, nên nếu sử dụng để nghe nhạc, chất lượng thể hiện của sản phẩm có đôi chút thua sút “đàn anh” của mình.

Bên cạnh đó, mặc dù các kỹ sư âm thanh đến từ ASUS đã rất khéo léo tinh chỉnh cho cả hai mẫu tai nghe này đạt được âm thanh nghiêng về trung tính khá giống nhau, không “thừa thãi” âm dải bass như các tai nghe dòng Fusion, nhưng điều đó cũng phần nào làm cho dải bass của mẫu tai nghe này khá “hiền”, bị rolled off ở mức khá sớm và không có cảm giác hơi thiếu “lực” ở các pha cháy nổ, hay tiếng rền rĩ của động cơ xe mà các tai nghe “chuyên game” khác thể hiện rất tốt.

Nhìn chung, ASUS ROG Theta 7.1 là một bước tiến rất dài, rất mạnh mẽ và cũng rất tốt của dòng tai nghe đa chiều sử dụng cùng lúc nhiều củ loa hiện nay. Sản phẩm đã khắc phục được rất nhiều điểm yếu kỹ thuật của dòng tai nghe này để đem đến cho người dùng một mẫu tai nghe chất lượng, đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của game thủ về một “dàn âm thanh đa chiều di động” cho mục đích chơi game và xem phim hiện nay.


GIÁ THAM KHẢO

6,990,000đ


HỖ TRỢ

ASUS

THAM KHẢO

AZ Audio

THÔNG TIN

  • Tên sản phẩm: ASUS ROG Theta 7.1
  • Nhà sản xuất: ASUS
  • Xuất xứ: Đài Loan

BÀI MỚI NHẤT

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bạc 8.0

Nhìn chung, ASUS ROG Theta 7.1 là một bước tiến rất dài, rất mạnh mẽ và cũng rất tốt của dòng tai nghe đa chiều sử dụng cùng lúc nhiều củ loa hiện nay. Sản phẩm đã khắc phục được rất nhiều điểm yếu kỹ thuật của dòng tai nghe này để đem đến cho người dùng một mẫu tai nghe chất lượng, đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của game thủ về một "dàn âm thanh đa chiều di động" cho mục đích chơi game và xem phim hiện nay.