King of Seas – Xuyên suốt quá trình phát triển của ngành công nghiệp game, lối chơi thủy chiến (Naval Combat) đã không còn quá xa lạ với phần đông người chơi, dần trở nên thu hút không chỉ bởi những trận chiến gây cấn mà còn là dịp để nhà phát triển phô diễn sức mạnh đồ họa của game, có thể kể vài cái tên nổi bật như World of Warship, Assassin’s Creed III (phần game đầu tiên của thương hiệu sát thủ giới thiệu lối chơi thủy chiến – NV), Assassin’s Creed IV: Black Flag, Sea of Thieves, v.v.
Không kém cạnh, các hãng game và studio vừa và nhỏ cũng có những sản phẩm đáng chú ý, như gần đây là King of Seas đến từ 3DClouds, hứa hẹn kế thừa và phát triển dựa trên lối chơi này.
Hơn hết, nhà phát triển còn tận dụng cơ hội đây để “vực dậy” câu truyện về những tên cướp biển hung tợn và cuộc phiêu lưu của chúng trên khắp bảy đại dương rộng lớn.
Vậy cuộc hành trình qua bảy đại dương của King of Seas có gì thú vị?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài viết sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
GIẤC MƠ BIỂN CẢ
Khởi đầu trò chơi, King of Seas cho người chơi tham gia vào cuộc hành trình của một trong hai đứa con của vị vua cai trị khắp bảy đại dương: Marylou và Luky.
Và tất nhiên, họ đã trở thành cướp biển sau một biến cố bất ngờ!
Do không có nhiều điểm khác biệt giữa hai tuyến nhân vật, nên cuộc hành trình, tức nội dung câu truyện, được xây dựng một cách khá bài bản, dễ đoán, từng tuyến nhân vật phụ được giới thiệu song song với vai trò, không gây rối xuyên suốt trò chơi.
King of Seas trừ đi hai nhân vật chính có phần “khuôn mẫu” của chúng ta, hầu hết tạo hình nhân vật đều mang một chút “thô”, pha nhiều nét “ngộ nghĩnh” khá đặc trưng.
Đồng thời, trò chơi sở hữu các giai điệu nhẹ nhàng, bản nhạc bắt tai, pha trộn trong bầu không khí vui tươi, đem đến sự gần gũi và kèm cảm giác phấn khởi cho người chơi.
Game còn có cho mình một thế giới rộng mở, đây vốn là mô hình đã xuất hiện rộng rãi trong nhiều tựa game thời nay, nhưng thực sự để khai thác tốt nội dung này là điều chẳng dễ dàng chút nào.
Tuy vậy, King of Seas mặt khác đã làm khá tốt trong việc khai thác một khu vực rộng lớn, cũng như thành công khơi gợi sự vui nhộn cùng động lực phiêu lưu trong chuyến hành trình tương đối “dài hơi” của mình.
King of Seas không giới hạn việc khám phá của người chơi qua cấp độ, thay vào đó, bạn sẽ được cung cấp một tấm bản đồ trống không, chỉ cho biết mỗi vị trí hiện tại, buộc người chơi phải tìm đến những tên vẽ bản đồ từ khắp mọi nơi để cải thiện tầm nhìn, khá giống cơ chế đồng bộ hóa (synchronization) của dòng Assassin’s Creed.
Nhờ vậy, trò chơi luôn đặt nặng khả năng quan sát, định hướng của người chơi.
Qua đó mà buộc bạn phải thường xuyên “vặn não” nhớ hướng đi để có thể mua bán, trao đổi hàng hóa hiệu quả hơn với những hòn đảo khác, cũng như tránh chạy nhầm vào căn cứ của địch.
Giá trị hàng hóa cũng sẽ có sự khác nhau trên mỗi hòn đảo, buộc người chơi phải liên tục di chuyển đến khu vực mới.
King of Seas mặt khác đã làm khá tốt trong việc khai thác một khu vực rộng lớn, cũng như thành công khơi gợi sự vui nhộn cùng động lực phiêu lưu trong chuyến hành trình tương đối “dài hơi” của mình
Tuy nhiên, các nhiệm vụ chính lẫn phụ lại vẫn luôn được đánh dấu, cố định trên bản đồ, giúp giữ trọn định hướng ban đầu của trò chơi, nhưng cùng lúc không gây cản trở tiến trình của bạn.
Riêng phần hiệu năng, trò chơi luôn khóa ở mức 60FPS nhưng được tối ưu khá tốt, rất hiếm khi diễn ra tình trạng sụt khung hình, kể cả trong những phân cảnh “ngập tràn” hiệu ứng.
THỦY CHIẾN
Trò chơi lấy đề tài cướp biển mà không có thủy chiến thì đúng là thiếu sót nhỉ?
King of Seas đem đến cơ chế chiến đấu có chiều sâu, nhưng cũng khá gần gũi theo cách riêng của mình.
Ngoài tính năng giương buồm để tăng và giảm tốc, hướng gió cũng góp phần không nhỏ trong việc quyết định tốc độ di chuyển của người chơi.
Nghe qua thì có vẻ “mệt não”, nhưng trong những cuộc chiến, hai yếu tố trên lại giúp đẩy mạnh khả năng kiểm soát, tính toán của người chơi, tạo nên sự kịch tính kèm thử thách trong mỗi cuộc đụng độ.
Điển hình là khi bạn đang cần tránh né luồng đạn từ một con tàu hung tợn nào đó, việc dễ dàng tính toán trước tốc độ sẽ cho phép vượt mặt chúng, cũng như tạo điều kiện cho một màn “úp sọt” ngoạn mục!
Cơ chế nâng cấp phụ tùng cho tàu mang đậm tính “cày cuốc”, người chơi chỉ có thể tìm được đồ “ngon” qua việc liên tục tấn công tàu buôn, hoặc mua chúng tại những khu vực cách xa căn cứ ban đầu.
Những kỹ năng phụ trợ cũng góp phần không nhỏ, là yếu tố mang tính “lật kèo” trong hầu hết trận đấu, đều có thể được mở rộng thông qua mua bán, tấn công tàu địch.
Qua đó, thời gian người chơi đầu tư cho việc khám phá thế giới của King of Seas càng nhiều, những “phần thưởng” trò chơi đem đến cũng dần trở nên hậu hĩnh hơn.
King of Seas đem đến cơ chế chiến đấu có chiều sâu, nhưng cũng khá gần gũi theo cách riêng của mình.
BẠN SẼ GHÉT
Ý TƯỞNG “MÁY MÓC”
Tuy mang nhiều điểm sáng giá, King of Seas cũng khó thể nào tránh khỏi những mặt gây ức chế cho người chơi.
Hệ thống điều khiển của trò chơi được gói gọn trên các phím bấm, người chơi hoàn toàn không thể mở rộng sang chuột, khiến việc trải nghiệm trở nên cồng kềnh hơn trên hệ máy PC.
King of Seas đôi lúc đem đến những nhiệm vụ quá nặng tính “cày cuốc” như buộc bạn phải thu thập đủ một lượng tiền khổng lồ hay chịu sự truy sát của bốn con tàu hải quân cùng lúc.
Chưa kể, tương đương với độ khó của từng nhiệm vụ, những tên địch luôn có cấp độ vượt trội hơn so với người chơi, và luôn tăng dần theo bậc hiện tại của bạn, khiến nhiều nhiệm vụ trở nên cực kỳ khó hoặc gần như không thể hoàn thành trong nhiều trường hợp.
King of Seas còn đem đến một số nội dung chỉ có thể được “mở khóa” vào giai đoạn giữa hoặc gần cuối game, nhưng cũng không để lại quá nhiều ấn tượng.
Như hệ thống công thành đây chỉ đơn giản là yêu cầu bạn “rút cạn” dần thanh máu của những khẩu pháo tại một cảng nào đó và lặp lại hành động này khắp nơi trên bản đồ.
Và còn một loạt nội dung như bạch tuộc khổng lồ, tàu ma hay núi lửa phun trào, nghe thì có vẻ hấp dẫn và có thể sẽ được nhà phát triển bổ sung trong tương lai, nhưng thời điểm hiện tại thì chúng chỉ đóng vai trò là “vật cản” không hơn không kém.
King of Seas còn đem đến một số nội dung chỉ có thể được mở khóa vào giai đoạn giữa hoặc gần cuối game, nhưng cũng không để lại quá nhiều ấn tượng.
THÔNG TIN
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7/8/10 64 bit
- CPU: Intel Core i5-2500K 3.3GHz hoặc AMD FX-8150 3.6GHz
- RAM: 4 GB
- VGA: GeForce GTX 550 Ti hoặc Radeon HD 6790 2GB VRAM
- HDD: 4 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Home 64-bit
- CPU: Intel Core i5-9300h 2.4GHz
- RAM: 16 GB
- VGA: Nvidia Geforce GTX 1660ti 6 GB
- SSD: 512 GB SSD NVMe M.2 PCle Gen 3×2
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI TEAM 17 – CHƠI TRÊN HỆ PC