House of Ashes là một trò chơi kinh dị điện ảnh được phát triển bởi Supermassive Games, nổi tiếng với tựa game Until Dawn.
Trò chơi phát hành trên toàn thế giới vào ngày 22 tháng 10 năm 2021 cho PC, Xbox Series X | S, PlayStation 5, Xbox One và Playstation 4.
Đây là phần thứ ba trong Tuyển tập các trò chơi kinh dị có tên là The Dark Pictures Anthology.
Vì người viết chưa trải nghiệm các tựa game trước trong The Dark Pictures Anthology là Man of Medan và Little Hope, bài viết này sẽ tập trung vào những gì mà House of Ashes đem lại, không phải là những gì mà trò chơi này đã làm tốt hơn.
Giờ thì, hãy cùng Vietgame.asia bước vào thế giới kinh dị mà Supermassive Games xây dựng lên, bạn nhé!
XEM THÊM
NỘI DUNG
House of Ashes lấy bối cảnh vào tháng 5 năm 2003, khi giai đoạn đầu tiên của cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ sắp kết thúc. Trung Tá Không Quân Eric King cùng một đơn vị lính thủy đánh bộ tinh nhuệ được giao nhiệm vụ đột kích vào một cơ sở vũ khí hóa học ngầm dưới dãy núi Zagros.
Khi King và đồng đội đến tọa độ, họ bị phục kích bởi một đội tuần tra địa phương của Trung Úy Salim Othman. Hai phe đọ súng với nhau, khiến cho vùng đất họ đang đứng rung động, mở ra các hố sụt trên mặt đất.
Cả hai bên của cuộc chiến bị ngã vào xuống hố và khi họ tỉnh dậy, họ tìm thấy mình trong đống đổ nát của một ngôi đền bị chôn vùi của người Sumer.
Ẩn trong bóng tối của ngôi đền này là những sinh vật cổ xưa độc ác. Chúng gần như không thể bị ngăn cản và cuộc săn lùng của chúng đã bắt đầu.
BẠN SẼ THÍCH
Sự lựa chọn có ý nghĩa
Là một trò chơi “Interactive Drama” (tức Kịch Tương Tác), giá trị chính của House of Ashes được thể hiện không phải qua các phân cảnh hành động hay lén lút.
Thay vào đó, giá trị chính của những tựa game của thể loại này chính là những lựa chọn mà nó đem đến cho người chơi.
Tuy nhiên, khi nhắc đến thể loại game này, chắc hẳn nhiều game thủ sẽ nghĩ đến căn bệnh chung của nó. Đó là “sự lựa chọn không có ý nghĩa” hoặc còn gọi là “ảo giác của sự lựa chọn” (illusion of choice).
Gọi là vậy, đó là vì trong nhiều tựa game (đa phần là của Telltale), người chơi không thể thay đổi câu chuyện dù cố gắng lèo lái nó mức nào đi nữa.
House of Ashes đã làm rất tốt trong việc hạn chế điều này. Trải qua ba lượt chơi, người viết đã thấy rõ sự khác nhau giữa các lựa chọn, dù là những lựa chọn nhỏ.
Các lựa chọn của game có thể là những cuộc trò chuyện, quyết định trong nhiệm vụ hay thậm chí là các QTE (Quick Time Event).
Sự phân bổ của các lựa chọn cũng khá là tốt, với một số lựa chọn từ đầu game – tưởng chừng là vô thưởng vô phạt – thực sự ảnh hưởng vào cuối game.
Trải qua ba lượt chơi, người viết đã thấy rõ sự khác nhau giữa các lựa chọn, dù các lựa chọn đó tương đối nhỏ
Không dừng lại ở đó, nhiều lựa chọn của game chỉ có thể được mở khóa nếu như người chơi dành thời gian khám phá khu vực xung quanh.
Một yếu tố khác cũng liên quan đến sự lựa chọn, đó là tính cách của các nhân vật.
Ví dụ, một trong những nhân vật mà chúng ta sẽ điều khiển là Jason Kolchek. Anh là một Trung Úy nhập ngũ vào lính thủy đánh bộ sau thảm họa 11 tháng 9.
Chính vì điều này, Jason sẽ mặc định cư xử thù hằn với Salim Othman, Trung Úy của Vệ binh Cộng hòa.
Khi hai nhân vật này giao tiếp, người chơi (trong vai Jason hoặc Salim) có thể công kích người còn lại, dẫn đến một số lựa chọn bị khóa trong tương lai. Ngược lại, nếu cả hai đoàn kết với nhau, một số lựa chọn mới sẽ được mở ra.
Giá trị chơi lại cao
Do tựa game có tương đối nhiều lựa chọn và phần lớn các lựa chọn dẫn đến kết cục khác nhau, giá trị chơi lại của House of Ashes khá là cao.
Không chỉ vậy, có nhiều lựa chọn chỉ có thể được mở nếu như tìm được vật phẩm trong khoảng thời gian khám phá, và các vật phẩm này cũng tương đối khó tìm.
Bên cạnh đó, House of Ashes cũng có chế độ chơi cộng tác cục bộ 5 người hoặc trực tuyến (online) 2 người, điều này cũng dẫn đến một số phân cảnh cũng như cuộc trò chuyện được bổ sung thêm tình tiết.
Cuối cùng, đó là chế độ Curator’s Cut. Nói đơn giản thì đây là phiên bản “Director’s Cut” của game, bổ sung thêm các phân cảnh mới, góc nhìn mới và dĩ nhiên là lựa chọn mới.
Ví dụ như ở đầu game, thay vì điều khiển vị Trung Tá Eric King thì chúng ta sẽ được vào vai vợ của anh – đặc vụ Rachel King.
Hoặc là ở phân đoạn bắn nhau giữa quân Mỹ và Iraq, thay vì vào vai các thành viên trong tiểu đội của Mỹ thì chúng ta sẽ chơi lại cảnh đó trong vai Trung Úy Vệ binh Cộng hòa Salim.
Là một tựa game có thời lượng tương đối ngắn (gần 5 giờ đồng hồ 1 lượt chơi), giá trị chơi lại cao là điều rất cần thiết.
game có tương đối nhiều lựa chọn và phần lớn các lựa chọn dẫn đến kết cục khác nhau, giá trị chơi lại của House of Ashes khá là cao
BẠN SẼ GHÉT
Kinh dị hả, là gì, ăn được không?
Một trong những yếu tố khiến cho tác phẩm kinh dị thực sự đáng sợ, đó là việc nhân vật chính không đủ khả năng để đối đầu với thế lực săn đuổi họ. Cảm giác bất lực khi đối mặt với kẻ địch, cái chết luôn cận kề là điều khiến cho người viết lo lắng.
Ví dụ, trong game Tormented Souls, nhân vật chính là một người phụ nữ bình thường và bị giới hạn vũ khí, khiến cho cảm giác kinh hãi tăng cao mỗi khi gặp kẻ địch.
Hoặc là Resident Evil 7, khi Capcom chọn nhân vật chính mới là thường dân, vì các nhân vật cũ (như Leon, Chris hay Jill) giờ đây đã quá giàu kỹ năng và kinh nghiệm.
Dàn nhân vật chính của House of Ashes là những người lính đặc nhiệm với trang bị tận răng. Cứ mỗi khi kẻ địch xuất hiện, phản ứng đầu tiên của họ là nã đạn và sử dụng chiến thuật để đối phó.
Đúng là súng đạn không thực sự hiệu quả trong việc giết những con quái vật, nhưng việc các nhân vật mà chúng ta quá thiện chiến và không hoảng sợ đã khiến cho việc truyền đạt cảm giác sợ hãi đến người chơi thất bại.
Nguyên nhân thứ hai, do House of Ashes được thiết kế với mục tiêu đảm bảo phần lớn thời gian có thể chơi online 2 người, điều này cũng có nghĩa các nhân vật thường được ghép cặp với nhau.
Thám hiểm một khu vực u ám, chật hẹp là điều khá là đáng sợ… nếu đi một mình. Nếu đi “hai mình”? Chẳng có gì phải lo.
Nguyên nhân thứ ba, đó là cách trò chơi bố trí những phân đoạn.
Cụ thể hơn, trò chơi sẽ phân thành hai phần, gọi nôm na là “khám phá” và “hành động”.
Sẽ không có QTE bất ngờ, không jumpscare (hù bất ngờ), không kẻ địch tấn công
“Khám phá” là khi người chơi tự do điều khiển nhân vật và camera đặt sau vai. Chúng ta sẽ đi tìm một địa điểm hoặc tìm kiếm các tài liệu và/hoặc vật dụng cần thiết để trò chơi diễn biến tiếp.
“Hành động” là khi trò chơi chuyển góc camera liên tục như một bộ phim hành động, chuẩn bị để người chơi ra quyết định nhanh hoặc thực hiện QTE.
Vấn đề ở đây, đó là tuy một số phân đoạn khám phá đưa người chơi vào không gian chật hẹp để cảm thấy lo sợ, chỉ cần chơi qua một lần cũng đã đủ để người viết nhận ra rằng sẽ chả có chuyện gì xảy ra cả.
Sẽ không có QTE bất ngờ, không jumpscare (hù bất ngờ), không kẻ địch tấn công. Những con đường hẹp và tối này chỉ đơn giản là đi từ điểm A đến B.
Nguyên nhân cuối cùng, đó là thiết kế của những con quái vật trong game. Chúng khá là… bình thường, không gây ra sự sợ hãi. Nếu phải miêu tả đơn giản thì chúng giống như đám parademon xuất hiện trong Justice League, binh đoàn Chitauri của Avengers và nhân vật Man-Bat trong Batman: Arkham Knight kết hợp với nhau.
Người viết tự đánh giá bản thân là dạng… yếu bóng vía (tới mức chơi game kịnh dị là ở trong phòng sáng, tắt âm thanh và mỗi lần chơi không quá 30 phút), nhưng khi chơi House of Ashes, người viết không thấy sợ gì cả.