Skip to content

The Dark Pictures Anthology: The Devil in Me – Đánh Giá Game

The Devil in Me

The Devil in Me – Được phát hành vào giữa tháng 11 vừa qua, The Devil in Me là phần thứ tư và cuối cùng trong mùa đầu tiên của tuyển tập các trò chơi kinh dị có tên: The Dark Pictures Anthology, được phát triển bởi Supermassive Games.

Tương tự như đa số các trò chơi trước đây của hãng (The Quarry, Until Dawn, House of Ashes), The Devil in Memột tựa game mang tính chất điện ảnh tương tác.

Vào vai nhiều nhân vật khác nhau, người chơi sẽ phải khám phá môi trường xung quanh, đưa ra những quyết định quan trọng trong đối thoại lẫn hành động để đảm bảo sự sống còn.

Sau hơn 12 tiếng đồng hồ trải nghiệm tựa game, đây sẽ làm cảm nhận của Vietgame.asia về câu chuyện kinh hoàng mà The Devil in Me mang đến.

XEM THÊM

NỘI DUNG

Lonnit Entertainment là một đoàn làm phim tài liệu của Mỹ và tác phẩm hiện tại của họ tên là “Architects of Murder”, một bộ phim tài liệu nói về kẻ sát nhân hàng loạt đầu tiên của nước Mỹ – H. H. Holmes.

Với lượng người xem không cao, ông chủ của đoàn làm phim – Charles Lonnit – đã phải đau đầu suy nghĩ cách khiến cho nội dung trở nên thú vị hơn.

Cơ hội dường như đã đến khi Charles nhận được một cú điện thoại từ một vị doanh nhân ẩn mặt tên Graham Dumet. Dumet nói rằng bản thân là một người hâm mộ của H. H. Holmes và đã chi tiền xây dựng lại bản sao hoàn chỉnh của khách sạn World Fair, nơi H. H. Holmes bẫy những nạn nhân của hắn đến cái chết.

Dumet muốn mời đoàn làm phim Lonnit Entertainment đến để họ tự do quay phim và chụp ảnh, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu Charles gật đầu ngay trong buổi nói chuyện này. Vì tuyệt vọng, Charles đã đồng ý, bất chấp sự dè dặt của bản thân.

Không may cho đoàn làm phim, Graham Dumet thực chất là một kẻ tâm thần muốn bắt chước H. H. Holmes, và giờ đây, họ đang bị mắc kẹt trong một cái bẫy chết người khổng lồ.

Liệu đoàn phim có thể trốn thoát khỏi sự kinh hoàng này? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người chơi.

BẠN SẼ THÍCH

Không khí kinh dị được xây dựng tốt

Không lạm dụng “jumpscare” (hù bất ngờ) hoặc máu me, điểm khiến The Devil in Me đáng sợ, chính là môi trường mà người chơi được khám phá.

Địa điểm chính của trò chơi – khách sạn World Fair – là một khu vực đầy rẫy những hành lang chật hẹp, ít ánh sáng với nhiều khúc quanh. Điều này khiến cho việc mò mẫm xung quanh khách sạn luôn có cảm giác bất an.

Bên cạnh hành lang khách sạn, The Devil in Me còn nhiều địa điểm khác tạo cảm giác khó chịu cho người chơi. Chúng khiến cho người chơi muốn rời khỏi đây càng nhanh càng tốt, nhưng lại không dám di chuyển nhanh, bất chấp việc bỏ lỡ các manh mối quan trọng, giúp người chơi hiểu thêm về cốt truyện.

Cảm giác khó chịu khi khám phá khách sạn còn được tăng cao hơn nhờ vào mảng thiết kế âm thanh. Thật khó để diễn tả, nhưng các hiệu ứng âm thanh trong trò chơi đã không ít lần khiến người viết cảm thấy đứng tim, đến mức sau khi chơi được 1/3 game, người viết quyết định… hạ âm lượng xuống còn phân nửa.

Không lạm dụng “jumpscare” (hù bất ngờ) hoặc máu me, điểm khiến The Devil in Me đáng sợ, chính là môi trường mà người chơi được khám phá

Điểm sáng nhất của mảng thiết kế âm thanh có thể thấy trong một phân đoạn điều khiển nhân vật Erin, chuyên gia âm thanh của đoàn làm phim.

Trong phân cảnh này, Erin sẽ phải dùng thiết bị dò âm thanh của cô để tìm đường trong bóng đêm. Và âm thanh mà cô cần đến, dường như là… tiếng khóc của một người phụ nữ. Cảm giác buộc phải đến nơi mà theo lẽ thông thường chúng ta phải tránh xa, thật là điều khó chịu!

BẠN SẼ GHÉT

Các lựa chọn được thiết kế tệ

Là một tựa game nặng tính chọn lựa, thật đáng tiếc khi một số lựa chọn của trò chơi được kế khá hời hợt, không có gợi ý cho người chơi rằng lựa chọn nào là đúng.

Cụ thể hơn, trong khách sạn World Fair có những thử thách chết người được lấy cảm hứng từ dòng phim Saw và người chơi phải chọn thế nào để đảm bảo rằng cả hai người bạn đồng hành của mình sẽ sống.

Vấn đề ở đây, đó là trò chơi không hề cho chúng ta bất kì manh mối nào về “điểm yếu” của căn phòng chết chóc, hoặc gợi ý cho người chơi rằng nếu món đồ nhất định đang sở hữu có thể dùng để phá bẫy.

Điều này đã khiến cho các lựa chọn quan trọng trở nên mang tính “ăn may”, không phải là một thử thách cho sự quan sát và suy luận của người chơi.

Là một tựa game nặng tính chọn lựa, thật đáng tiếc khi một số lựa chọn của trò chơi được kế khá hời hợt, không có gợi ý cho người chơi


Dài, dai, hơi bị dở!

Trong bốn tựa game của thương hiệu The Dark Pictures Anthology, The Devil in Me có thể nói là tựa game có thời lượng dài nhất, với thời gian để hoàn thành một lượt chơi là 8 tiếng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, dài không có nghĩa là tốt. Nguyên nhân là do nhiều phân đoạn của trò chơi hoàn toàn có thể bị cắt bỏ. Sự tồn tại của các phân đoạn này không đẩy mạch chuyện đi tiếp mà chỉ khiến cho câu chuyện chậm rãi và lê thê, nhất là ở giai đoạn đầu và cuối của game.

The Devil in Me có bổ sung một số chức năng mới, chẳng hạn như việc sử dụng vật phẩm của riêng từng nhân vật để giải đố, hay khả năng di chuyển khá tự do, gần giống “parkour”.

Đây đáng ra là một điều tuyệt vời để làm mới công thức của dòng game, tiếc thay, sự tích hợp của chúng khá hời hợi. Khiến người viết thay vì cảm thấy hứng thú thì lại chán nản, các cơ chế này lại khiến cho nhịp của trò chơi còn chậm hơn nữa.

Nhìn chung, khoảng thời gian chơiThe Devil in Me của người viết là một trải nghiệm dai dẳng, và tuy tựa game cũng có chế độ “Curator’s Cut”, cho phép người chơi trải nghiệm là câu chuyện dưới một góc nhìn khác – nhằm tăng giá trị chơi lại – người viết cảm thấy hơi ngao ngán và có lẽ sẽ không thử lại trong tương lai gần.

Sự tồn tại của các phân đoạn này không đẩy mạch chuyện đi tiếp mà chỉ khiến cho câu chuyện chậm rãi và lê thê, nhất là ở giai đoạn đầu và cuối của game

6.5

Bên cạnh những khuyết điểm đã kể trên, The Devil in Me vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật, cũng như việc kẻ phản diện khá nhạt nhòa.

The Devil in Me là một cái kết đầy tham vọng của The Dark Pictures Anthology, nhưng tiếc thay về mặt chất lượng, nó đã trở thành một bước lùi.

Thông tin

  • The Devil in Me
  • Nhà phát triển
    Supermassive Games
  • Nhà phát hành
    Bandai Namco
  • Thể loại
    Phiêu lưu, Giải đố
  • Ngày ra mắt
    18/11/2022
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    Intel Core i5-8400 / AMD Ryzen 5 1600
  • RAM
    12GB
  • GPU
    Nvidia GeForce 2060 6 GB / AMD Radeon RX Vega 56, 8 GB
  • Lưu trữ
    65GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Intel Core i7-9700 3.00GHz (8CPU)
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 1660 SUPER
  • Lưu trữ
    500GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi BANDAI NAMCO. Chơi trên PC.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.

Thảo luận