Skip to content

Crysis Remastered – Đánh Giá Game

Crysis Remastered

Crysis Remastered – Mặc dù khái niệm “sát thủ phần cứng” xuất hiện từ khá sớm với sự ra mắt của “bộ ba” Far Cry, DOOM 3Half-Life 2 đủ sức làm trì trệ cả những thế hệ phần cứng mạnh mẽ nhất thời bấy giờ, thế nhưng mãi đến tận năm 2007, khi Crysis chính thức xuất hiện trước cộng đồng game thủ thế giới thì cái danh hiệu này mới tìm được một chủ nhân xứng đáng.

Thậm chí trong rất nhiều năm sau đó, câu cửa miệng của rất nhiều game thủ khi đi sắm cho mình một dàn PC mạnh vẫn luôn là “Có chơi được Crysis hay không?”, hay thậm chí có không ít fan cuồng của hệ máy PC “gáy to” với giới game thủ trên hệ console rằng dù sở hữu những lời khen có cánh nhưng các thế hệ console mạnh mẽ thời bấy giờ như XBOX 360 hay PlayStation 3 đều không “gánh” nổi Crysis.

Nhiều năm đã trôi qua, sự tiến bộ về công nghệ cũng mang đến những phần cứng vô cùng mạnh mẽ, và cả thế giới game cũng đón nhận không ít những tựa game đẹp lung linh như Assasin’s Creed Odyssey, Ghost of Tsushima, hay gần đây nhất là New World do Amazon phát triển với khả năng “nướng chín” các mẫu card đồ họa EVGA RTX™ 3090, nhưng Crysis vẫn luôn chiếm một vị trí vô cùng sâu đậm trong lòng game thủ và người yêu công nghệ, và lâu lâu, tựa game này vẫn còn được người dùng mang ra để thử nghiệm một số mẫu phần cứng mới toanh.

Cũng chính vì khả năng “sát thủ phần cứng” mạnh mẽ làm cho không ít game thủ phải chùn bước, nên dù đạt được rất nhiều thành công và tiếng vang, studio khai sinh ra dòng game là CryTek suýt phải phá sản vào năm 2014 trước khi được tái cấu trúc và hoạt động cho tới ngày nay.

Gần đây, với trào lưu Remastered, Remake, Reboot và thậm chí là… Reforged các tựa game xưa cũ, Crytek đã quyết định “hồi sinh” cho bộ ba game Crysis Trilogy với công nghệ “Remastered” đặc biệt từ chính hãng.

Trong bài viết này, người viết sẽ giới thiệu đến bạn đọc phần đầu tiên, và cũng là phần tạo được nhiều ấn tượng sâu sắc nhất của loạt game với tên gọi Crysis Remastered.

Liệu máy của bạn có đủ mạnh để chơi Crysis?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Crysis Remastered - Đánh Giá Game

Đẹp, đẹp nữa, đẹp mãi!

Về mặt kỹ thuật, chỉ cần trải nghiệm trong vòng hơn 30 phút, người viết có thể đánh giá chất lượng đồ họa Crysis Remastered ở mức đẹp và chân thực, thậm chí rất đẹp theo tiêu chuẩn hiện đại dù đây chỉ là một phiên bản “tút tát” của một tựa game ra mắt cách đây ngót nghét 14 năm.

Là một studio thiên về kỹ thuật với mong muốn tạo ra được một engine mạnh mẽ sở hữu nền tảng đồ hoạ hàng đầu thế giới vào những năm đầu thế kỷ XXI, Crytek đã… vô tình thành công với tựa game Far Cry vào năm 2004, nhưng cuối cùng lại đánh mất tựa game này vào tay ông lớn Ubisoft, thế nên Crysis có thể xem như một nỗ lực lấy lại tên tuổi của studio còn non trẻ này, đồng thời cũng là màn ra mắt giới thiệu và chào bán của bộ engine làm game CryEngine danh tiếng.

Thế nên Crytek đã tạo ra một tựa game vượt qua rất xa những tiêu chuẩn đồ hoạ của thời kỳ bấy giờ, thậm chí không ít những tựa game có đồ họa theo đường lối tả thực ra mắt trong vài năm trở lại đây cũng không đạt được những tiêu chuẩn của Crysis lập ra vào năm 2007.

Crysis Remastered - Đánh Giá Game
Bộ Nanosuit được tạo nên bởi 67,252 đa giác

Trước hết là trong cuộc đua dựng hình bằng đa giác.

Phải biết rằng Crysis là tựa game vượt trước mọi thời đại khi sử dụng hàng chục ngàn đa giác để dựng hình cho các nhân vật của mình.

Chỉ riêng nhân vật chính với bộ nanosuit hầm hố đã cần đến… 67,252 đa giác để hiển thị, với các nhân vật phụ trong màn chơi được dựng bằng hơn 22,000 đa giác trong khi đó trò chơi có đồ hoạ thuộc hàng đỉnh cao trên hệ máy PlayStation 3God of War 3 ra mắt sau Crysis tận 3 năm, và sau đó nữa là God of War: Ascension với nhân vật chính Kratos chỉ được dựng hình với xấp xỉ 20,000 đa giác, trong khi các con quái trong màn được dựng “thô” hơn rất nhiều mà đã kéo hệ máy console vô cùng mạnh mẽ này trở nên ì ạch với tốc độ khung hình chỉ vào khoảng 25fps mà thôi.

Con số này của Crysis gần tương đương với những tựa game mới như God of War (2018) hay Red Dead Redemption 2 ra mắt trong một vài năm trở lại đây, thế nên về mặt chất lượng hình ảnh, dù vẫn giữ nguyên mô hình các nhân vật ra mắt từ 2007 lên phiên bản Crysis Remastered, bạn sẽ không thấy các mô hình này “cứng” theo kiểu Call of Duty: Modern Warfare 2 Remastered, dù hai tựa game này ra mắt cùng thời kỳ và được “tút” (remastered) lại cùng năm.

Crysis Remastered - Đánh Giá Game
Cát là biểu hiện rõ nét nhất của gói nâng cấp vân bề mặt độ phân giải 8K

Sau đó nữa là hàng tá những công nghệ tiên tiến bậc nhất thời bấy giờ trong thư viện DirectX10 như đổ bóng theo thời gian thực, engine vật lý tích hợp thẳng vào trong game cho phép phá huỷ và tương tác với gần như mọi vật thể, hiệu ứng luồng ánh sáng… khiến tựa game thiết lập những tiêu chuẩn hình ảnh tiến bộ vượt thời đại, thậm chí tiệm cận với rất nhiều tựa game ra mắt ở giai đoạn sau này.

Đó là chưa kể đến thư viện vân bề mặt của tựa game sở hữu hệ thống dữ liệu vân chuẩn 1080p, vượt qua mức tiêu chuẩn 720p của hầu hết các tựa game vào thời bấy giờ.

Còn nhớ vào thời điểm tựa game vừa ra mắt, người viết khi đó sử dụng vi xử lý Intel Core 2 Duo E6300 mẫu card đồ hoạ NVIDIA GeForce 8800GT, mạnh thứ tư trong dải sản phẩm của NVIDIA lúc bấy giờ (xếp sau GeForce 8800 Ultra, GeForce 8800GTX và GeForce 8800GTS), mà chỉ chơi được tựa game ở mức thiết lập High với độ phân giải 720p ở tốc độ xấp xỉ 30fps.

Để cho các game thủ dễ hình dung thì điều này tương đương với việc người dùng hiện nay sử dụng hệ thống sở hữu vi xử lý AMD Ryzen 7 5600x cùng card đồ hoạ GeForce RTX 3070 mạnh mẽ mà chẳng thể nào đẩy thiết lập cao nhất của tựa game ở độ phân giải 1080p.

Crysis Remastered - Đánh Giá Game

Dông dài đôi chút để bạn đọc có thể dễ dàng hình dung được, cho dù là khi bạn chơi với phiên bản nguyên gốc ra mắt hồi năm 2007, chất lượng đồ hoạ, yếu tố cốt lõi làm nên danh tiếng của tựa game Crysis, thì những trải nghiệm của bạn cũng vẫn rất tốt ở năm 2021 này.

Vậy, Crytek và Saber Interactive đã cải thiện được gì với phiên bản Crysis Remastered?

Dễ thấy nhất, bộ vân bề mặt của tựa game đã được nâng cấp lên đến độ phân giải 8K, đem đến hình ảnh thuộc loại sắc nét và rõ ràng khi chơi trên cả những mẫu màn hình tiên tiến nhất hiện nay.

Điều này làm cho rất nhiều những chi tiết nhỏ trở nên sắc nét hơn, nhất là hoa văn trên máy móc của các quái vật ngoài hành tinh hay các bãi biển cát trắng đẹp tuyệt vời với làn nước trong xanh.

Crysis Remastered - Đánh Giá Game
Ánh sáng phản xạ vô cùng phức tạp với môi trường trong nhà

Bên cạnh đó, khó nhận biệt hơn một chút, Crytek đã tích hợp cho tựa game khả năng xử lý hiệu ứng dò tia Ray Tracing bằng… phần mềm.

Điều này bắt nguồn từ một dự án đầy tham vọng của Crytek được bắt đầu sau cái kết của Crysis 3, phiên bản cuối cùng của dòng game ra mắt vào năm 2011.

Các kỹ sư của hãng đã tìm kiếm một biện pháp tăng cường chất lượng đồ hoạ của game lên đến mức cao nhất với Ray Tracing, công nghệ vốn chỉ thuộc về giới làm phim và hiệu ứng đặc biệt thời bấy giờ, cần đến những cỗ máy có sức mạnh khổng lồ để dựng hình từng khung ảnh một.

Crytek đã tích hợp cho tựa game khả năng xử lý hiệu ứng dò tia Ray Tracing bằng… phần mềm

Sau hai năm phát triển, kết quả của Crytek là một công nghệ đặc sắc mang tên Sparse voxel octree global illumination – SVOGI, ra mắt vào năm 2013 và được tích hợp vào trong bộ CryEngine của hãng, 5 năm trước cả những nỗ lực của NVIDIA và Microsoft đạt được kết quả nhất định trong việc sử dụng phần cứng chuyên biệt xử lý các hiệu ứng Ray Tracing.

Công nghệ này sẽ sử dụng CPU để tính toán, xử lý các luồng ánh sáng và phản xạ của chúng với môi trường xung quanh để giả lập hiệu ứng chiếu sáng môi trường (Global Illumination – GI) chỉ bằng phần mềm nhờ vào việc sử dụng khéo léo các tập lệnh trong thư viện Vulkan.

Hiệu ứng cháy nổ được tăng cường

Trên thực tế, GI vẫn luôn là lĩnh vực “khó nhằn” nhất trong việc ứng dụng công nghệ Ray Tracing vào làm game, bởi lẽ những thay đổi của nó đối với chất lượng đồ hoạ của game là khá tinh tế và khó có thể dễ dàng nhận diện được bằng mắt thường nhưng lại cần đến sức mạnh phần cứng xử lý vô cùng mạnh mẽ.

Thậm chí cho dù với sức mạnh xử lý đồ hoạ được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, với phần cứng riêng biệt dành riêng xử lý dò tia, cũng chỉ duy nhất có tựa game Metro Exodus dám ứng dụng hạn chế công nghệ này khi ra mắt vào năm 2019, và chỉ … bung lụa vào năm nay với phiên bản Metro Exodus Enhanced Edition mà thôi.

Điều này đủ thấy tham vọng to lớn của Crytek ở thời điểm đó có phần viễn vông như thế nào.

Thế nhưng phải nói rằng, nhờ vào SVOGI mà người dùng sở hữu các mẫu card đồ hoạ cũ mạnh mẽ mà không hỗ trợ dựng hình với Ray Tracing bằng phần cứng như AMD RX 5700 XT có thể trải nghiệm được hiệu ứng khá đặc biệt này trên Crysis Remastered dù “ngốn” khá nhiều sức mạnh xử lý của hệ thống.

Bên cạnh đó, Crytek cũng không quên tích hợp thêm gói hiệu ứng phản xạ (Ray Traced Reflection) để tăng thêm phần thực tế cho tựa game, giúp cho game vốn đã đẹp, nay lại càng đẹp hơn, đến gần sát hơn các tựa game hiện đại ứng dụng công nghệ Ray Tracing, chẳng hạn như “người anh em song sinh” Far Cry 6 cũng chỉ vừa ra mắt gần đây.

Khi đặt hai “thiên đường nhiệt đới” so sánh song song với nhau, rất khó để có thể chê bai chất lượng đồ hoạ của Crysis Remastered dù rằng những nâng cấp về đồ hoạ của tựa game “có tuổi” này rất khó thể hiện ra với cái nhìn tổng thể.

Thêm vào đó, tầm nhìn của người chơi cũng được đẩy ra xa hơn rất nhiều với các hiệu ứng xử lý hậu kỳ (Post Processing), các hiệu ứng vật lý được tăng cường với các vụ cháy nổ trở nên mãnh liệt với ánh chớp nổ cùng các mạnh vỡ vật lý văng tứ tung vô cùng có uy lực.

Tất nhiên, tất cả những yếu tố này đều “ngấu nghiến” sức mạnh phần cứng của bạn một cách không thương tiếc.

Nhưng không thể phủ nhận rằng ngoài những yếu tố xưa cũ về mặt lối chơi và cốt truyện và cả hệ thống AI vô cùng thông minh đã từng làm nên thành công cho phiên bản gốc, những nâng cấp về đồ hoạ đã khiến cho Crysis Remastered trở thành một tựa game đẹp, dù người chơi có săm soi bằng cái nhìn hiện đại đi chăng nữa.

BẠN SẼ GHÉT

Crysis Remastered - Đánh Giá Game

Vấn đề cũ chưa qua, vấn đề mới đã tới!

Trên thực tế, sở hữu một nền tảng đồ hoạ bắt kịp thời đại dù chỉ là phiên bản nâng cấp nhẹ từ một tựa game ra mắt từ năm 2007, Crysis Remastered vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề, cả những vấn đề đã xuất hiện từ cách đây 14 năm đến những vấn đề mới phát sinh từ quá trình “tân trang” lại game.

Vấn đề cũ thì có rất nhiều.

Nhẹ nhàng một chút, có thể kể đến lỗi xung đột với phần mềm gõ chữ Unikey khiến cho bàn phím trở nên “bất hoạt” vẫn còn nguyên ở đó. Thôi thì cũng dễ chấp nhận vì Crytek cũng chẳng cần phải quan tâm đến Unikey là phần mềm nào.

Hay lớn hơn một chút, toàn bộ các hoạt động trong game đều chỉ gói gọn trong duy nhất… hai nhân xử lý của CPU mà thôi.

Phải nói rằng khi Crysis nguyên bản ra mắt vào năm 2007, đại đa số các game thủ đều chỉ sở hữu các vi xử lý đơn nhân, hay “khá khẩm” hơn đôi chút là các vi xử lý hai nhân dòng Core 2 Duo.

Thế nên các lập trình viên của Crytek sử dụng một nhân để “gánh” các tác vụ đồ họa, phần tài nguyên còn thừa của nhân này (công nghệ siêu phân luồng Hyper Threading nếu người dùng sử dụng vi xử lý đơn nhân), hay một nhân xử lý vật lý khác (nếu người dùng sử dụng vi xử lý hai nhân) sẽ được sử dụng cho các tác vụ nhẹ hơn như điều khiển NPC, hay kích hoạt kịch bản trong game…

Chuyện sẽ chẳng có gì to tát khi game được lập trình theo phương thức này vào năm 2007, thế nhưng khi đưa vào bối cảnh một tựa game được tút tát lại rất nhiều như Crysis Remastered ra mắt vào năm 2021, bạn sẽ gặp hàng tá những rắc rối không tưởng tượng nổi.

Tốc độ khung hình bắt đầu thất thường ở nửa sau game

Chẳng hạn như cho dù bạn dùng đến vi xử lý có đến 12 nhân, 24 luồng xử lý như AMD Ryzen 9 5900x hay “bèo bọt” hơn như sử dụng mẫu APU AMD Ryzen 5 5600G chỉ sở hữu 6 nhân và 12 luồng xử lý thì tựa game vẫn chỉ hoạt động trên hai nhân.

Điều này khiến cho game bị nghẽn cổ chai nặng với hầu hết các card đồ hoạ trên thị trường hiện nay, dù cho đó là những card đồ họa “đời Tống” như ASUS STRIX RX480 8GB hay một card đồ hoạ cao cấp mạnh mẽ như ASUS TUF GAMING RX 6800 XT.

Bạn sẽ cảm nhận được những cơn “nấc cụt” nhè nhẹ khi CPU không đủ khả năng xử lý dữ liệu cho card đồ hoạ khiến trải nghiệm game trở nên tệ hại, dù cho bạn sở hữu một cấu hình máy đủ mạnh mẽ để “chiến” mọi tựa game hiện đại ngày nay ở mức thiết lập cao nhất.

game bị nghẽn cổ chai nặng với hầu hết các card đồ họa trên thị trường hiện nay

Thậm chí bản thân người viết có chút nghi ngờ rằng với vấn đề phân bổ xử lý cơ bản này, liệu có tồn tại cỗ máy PC chơi game nào trên thị trường hiện nay đủ sức gánh được game ở mức thiết lập cao nhất “CAN IT RUN CRYSIS?” hay không.

Thế nên điều đáng buồn là Crysis Remastered lại tiếp tục trở thành một sát thủ phần cứng thế hệ mới, đủ sức “diệt sát” bất kỳ phần cứng “hạng nặng” nào trong khi chất lượng đồ hoạ của tựa game không thật sự tương xứng với danh hiệu đó.

Bên cạnh đó, Crytek cũng có một pha xử lý khá cồng kềnh khi thực hiện phiên bản “tút tát” cho tựa game của mình dựa trên nền phiên bản được cắt giảm rất nhiều các tính năng đồ hoạ dành cho PlayStation 3 và XBOX 360, thay vì tiến hành trực tiếp trên phiên bản gốc.

Họ phải thêm thắt lại các mô hình chất lượng cao vào game, tút tát lại nhiều hiệu ứng bằng các bản cập nhật về mặt engine thế hệ mới. Nhưng tất cả cũng chỉ có thế.

Mây khói chỉ còn… ở xa xa

Rất nhiều tính năng và hiệu ứng đã… một đi không trở lại khi bị cắt giảm hoàn toàn và triệt để trên phiên bản chuyển hệ dành cho console, cũng sẽ không có mặt trên phiên bản Remastered lần này.

Chẳng hạn như hiệu ứng vật lý của cỏ bị loại bỏ hoàn toàn, hay các yếu tố sương mù, hơi nước, và mây dạng nổi khối (Volumetric Cloud) cũng không còn xuất hiện trên phiên bản mới.

Với những người chơi đã trải nghiệm phiên bản nguyên gốc của tựa game, tương tác vật lý của cỏ cây trong game thậm chí còn tốt hơn rất nhiều một tựa game mới ra mắt gần đây là Horizon Zero Dawn khi những vạt cỏ không chỉ biết đung đưa theo chuyển động của nhân vật, mà còn có thể dạt ra, đổ rạp xuống xung quanh vụ nổ, đem lại ấn tượng mạnh mẽ về sức mạnh của vụ nổ hơn bất kỳ “ngôn ngữ” nào có thể diễn tả được.

Những yếu tố này rất nhỏ, nhưng nó thể hiện sự tỉ mỉ của đội ngũ thiết kế trò chơi, khiến cho cả những game thủ khó tính phải trầm trồ kinh ngạc khi săm soi từng chi tiết nhỏ, đem lại một ấn tượng sâu sắc mà rất nhiều tựa game khác ra mắt sau đó hàng chục năm vẫn không thể nào đạt được.

Nhìn chung, đây đều là những vấn đề mang tính chất hết sức đáng quan tâm đối với Crysis Remastered, nó khiến cho trải nghiệm game trở nên khó chịu hơn hẳn, khác xa cái cảm giác mượt mà trong từng chi tiết nhỏ mà phiên bản gốc từng mang đến cho game thủ.

7.0

Crysis Remastered thừa hưởng những yếu tố đi trước thời đại hàng chục năm của phiên bản đầu tiên, cùng với những nâng cấp sâu sắc về mặt đồ hoạ khiến cho chất lượng mặt hình của game vẫn tương đương các tựa game ra mắt trong một vài năm gần đây.

Thế nhưng những pha xử lý cồng kềnh của Crytek khi sử dụng bản chuyển hệ thay vì bản nguyên gốc, hay cơ chế phân luồng xử lý dữ liệu trên hai nhân CPU khiến cho tựa game trở nên rất khó trải nghiệm, không còn cảm giác mượt mà trong từng chi tiết nhỏ của phiên bản ra mắt hồi năm 2007.

Thông tin

  • Crysis Remastered
  • Nhà phát triển
    Crytek
  • Nhà phát hành
    Crytek
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    17/09/2021
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    64bit
  • CPU
    Intel® Core™ i5-3450
  • RAM
    8GB
  • GPU
    Nvidia® GeForce™ GTX 1050 Ti/AMD® Radeon™ RX 470
  • Lưu trữ
    20GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64bit
  • CPU
    Intel Core i7 8700
  • RAM
    16GB RAM
  • GPU
    MSI RX 480 Armor
  • Lưu trữ
    2TB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi CRYTEK. Chơi trên PC.