Skip to content

The Last Stand: Aftermath – Đánh Giá Game

The Last Stand: Aftermath

The Last Stand: Aftermath Nếu bạn đã từng có một thời chơi game trên các trang web sử dụng Adobe Flash như Newgrounds, thì The Last Stand chắc cũng không phải là một cái tên lạ.

Được phát triển bởi Con Artist Games, The Last Stand là một thương hiệu game sinh tồn zombie lấy bối cảnh ở thời hậu tận thế. Bắt đầu vào năm 2007, cho đến nay thương hiệu đã có 5 tựa game.

Tác phẩm mới nhất của họ là The Last Stand: Aftermath, được ra mắt vào ngày 16 tháng 11 vừa qua.

Điều khiến phiên bản này đáng chú ý, đó là việc trò chơi này không phải là một tựa game chơi trên trình duyệt, mà là một tựa game tải về thiết bị của bạn, cụ thể hơn là PC, PlayStation 4, PlayStation 5, và Xbox Series X/S.

Với bước chuyển mình lớn như vậy, liệuThe Last Stand: Aftermath có thành công? Và hơn thế nữa, liệu tựa game này có tìm được chỗ đứng riêng, khi thị trường game hiện tại đang bị bão hòa bởi các tựa game sinh tồn zombie?

Vietgame.Asia sẽ tìm kiếm câu trả lời giúp bạn, bằng cách… cố gắng sinh tồn lâu nhất có thể trước sự truy đuổi của lũ xác sống lì lợm.

NỘI DUNG

The Last Stand: Aftermath

The Last Stand: Aftermath lấy bối cảnh 15 năm sau các sự kiện của The Last Stand: Union City. Phần lớn dân số thế giới đã bị xóa sổ bởi đại dịch zombie và một khu căn cứ có tên “The End” là pháo đài hy vọng cuối cùng của thành phố Union.

Để đảm bảo an toàn, người dân của khu phức hợp đã lập một thỏa thuận, đó là bất kỳ ai bị nhiễm hoặc tiếp xúc với vi rút zombie sẽ hy sinh cuộc sống của họ để ra ngoài khám phá, tìm đồ tiếp tế cho mọi người.

Và có thể, nếu may mắn, sẽ tìm được hy vọng cho sự sống còn của nhân loại.

BẠN SẼ THÍCH

The Last Stand: Aftermath

Một trải nghiệm Roguelike thú vị

Thông thường, với các tựa game zombie, người chơi sẽ được tạo nhân vật chính của riêng mình hoặc được nhập vai vào một nhân vật có quá khứ đau buồn. Suy cho cùng, đây là điều mà những tựa game The Last Stand trước đó đã làm.

The Last Stand: Aftermath không làm điều trên, thay vào đó, trò chơi sẽ lựa chọn ngẫu nhiên những nhân vật cho chúng ta điều khiển.

Vì sao tựa game lại làm thế? Đó là vì trò chơi đã áp dụng yếu tố Roguelike vào thể loại kinh dị sinh tồn thuần túy.

Bắt đầu từ căn cứ mang tên “The End”, người chơi sẽ leo lên chiếc xe ô tô cà tàng, khám phá các khu vực dân cư trên lộ trình đến biên giới của thành phố.

Ở mỗi địa điểm dừng chân, người chơi sẽ đối đầu với những đàn zombie trong lúc tranh thủ tìm kiếm bất cứ những gì hữu ích như nhiên liệu cho xe, vũ khí, đạn dược, đồ ăn, thức uống, thuốc men,…

Nhưng quan trọng nhất trong hành trình của người chơi, chính là “đồ tiếp tế” (supply) và “kiến thức” (knowledge). Vì sao lại quan trọng? Người viết sẽ giải thích sau.

Khi nhân vật của chúng ta thiệt mạng, trò chơi sẽ đưa chúng ta trở lại khu căn cứ The End để bắt đầu với một nhân vật khác.

The Last Stand: Aftermath

May mắn thay, chúng ta cũng không hẳn phải bắt đầu lại từ con số 0. Nguyên nhân là vì The End sẽ cử người tới chỗ chúng ta chết để mang chiếc ô tô về, cùng với đó là những “kiến thức” và “đồ tiếp tế”.

Sở dĩ người viết nhấn mạnh vào chúng ở trên, đó là vì kiến thức và đồ tiếp tế thực chất là hai đơn vị tiền tệ của trò chơi.

Kiến thức sẽ được dùng để nâng cấp các kỹ năng liên quan đến chiến đấu, khám phá khu vực xung quanh cùng nhiều yếu tố quan trọng khác. Trong khi đó đồ tiếp tế có thể được dùng để mua thêm trang bị cho đầu mỗi lượt chơi.

Cả hai yếu tố này giúp cho việc sinh tồn dễ dàng hơn, đảm bảo rằng mỗi lượt đi của chúng ta sẽ ngày càng xa hơn trước.

Cả hai yếu tố này giúp cho việc sinh tồn dễ dàng hơn, đảm bảo rằng mỗi lượt đi của chúng ta sẽ ngày càng xa hơn trước


The Last Stand: Aftermath

Bị nhiễm bệnh? Không phải là dấu chấm hết!

Trong những tác phẩm liên quan đến đại dịch zombie, khi một nhân vật đã bị nhiễm bệnh, thi họ hiển nhiên trở thành gánh nặng của cộng đồng.

The Last Stand: Aftermath không đi theo hướng này, thay vào đó, trò chơi sẽ đưa chúng ta vào vai những người không may bị nhiễm bệnh và chúng ta sẽ cố gắng vì cộng đồng hết mức có thể với thời gian sống hữu hạn.

Thời gian này không được tính bằng đồng hồ, mà là thanh sức khỏe của nhân vật. Bắt đầu với giá trị là 100, sức khỏe của nhân vật sẽ bị hạ xuống dần dần khi vi-rút lây lan khắp cơ thể.

Quá trình lây lan diễn ra còn nhanh hơn khi bị các zombie tấn công. Càng bị nhiễm bệnh, sức khỏe người chơi càng yếu đi.

Tuy nhiên, quá trình lây lan không phải là một điều hoàn toàn tiêu cực, đó là bởi vì khi càng nhiễm bệnh, cơ thể của nhân vật sẽ có những đột biến, tăng cường khả năng chiến đấu hoặc lén lút.

Mặc khác, người chơi cũng có thể cố gắng duy trì độ dài của thanh sức khỏe bằng cách sử dụng những liều thuốc kháng vi-rút tìm được trong lúc khám phá hoặc sử dụng các nâng cấp để làm chậm quá trình lây lan.

Và như thế, The Last Stand: Aftermath đã đưa cho người chơi một câu đố cân não. Cố gắng duy trì sức khỏe lâu nhất có thể, hay chấp nhận sự lây lan của vi rút khắp cơ thể để có khả năng đặc biệt (và chết nhanh hơn)?

The Last Stand: Aftermath đã đưa cho người chơi một câu đố cân não. Cố gắng duy trì sức khỏe lâu nhất có thể, hay chấp nhận sự lây lan của vi rút khắp cơ thể để có khả năng đặc biệt (và chết nhanh hơn)?


Một số ưu điểm khác

Bên cạnh hai yếu tố lớn ở trên,The Last Stand: Aftermath cũng có nhiều điểm cuốn hút được người viết.

Mảng chiến đấu được thực hiện khá tốt, với các hiệu ứng âm thanh cũng như cử động nhân vật giúp truyền tải cảm giác “lực” rất tốt đến người chơi.

Hệ thống vũ khí, bao gồm cả tầm xa (các loại súng ống) và tầm gần (bất cứ thứ gì có thể cầm lên để đánh zombie) đa dạng.

Nếu may mắn, người chơi có thể tìm thấy những vật dụng để nâng cấp vũ khí như hộp tiếp đạn kéo dài, đèn la de, nòng hãm giật.

Trong trường hợp súng hết đạn và vũ khí cận chiến hỏng, thì nắm đấm cũng là một lựa chọn. Và trò chơi cũng có hệ thống kỹ năng để bổ trợ cho việc này.

Trong trường hợp súng hết đạn và vũ khí cận chiến bể, thì nắm đấm cũng là một lựa chọn. Và trò chơi cũng có hệ kỹ năng để bổ trợ cho việc này

Bên cạnh chiến đấu trực diện, tựa game cũng cho phép chúng ta lén lút bằng cách học những kĩ năng liên quan, sử dụng các nâng cấp phù hợp và sử dụng các vật phẩm gạch vụn, chai thủy tinh để đánh lạc hướng.

Trò chơi cũng có một hệ thống chế tác đồ với số lượng công thức tương đối đa dạng. Người chơi có thể chế tác thuốc men từ các thảo mộc tìm thấy ven đường, nòng hãm thanh từ chai nhựa và băng keo, hộp y tế từ băng gạc và cồn cùng nhiều thứ khác…

BẠN SẼ GHÉT

Một số điểm trừ nhỏ

Không có trò chơi nào hoàn hảo, và The Last Stand: Aftermath tất nhiên không phải là một ngoại lệ.

Vấn đề đầu tiên, đó là ở góc camera chéo từ trên xuống. Góc camera này tương đối đủ để cho người chơi một cái nhìn rõ ràng xung quanh, tuy nhiên, nó khá là phiền toái khi người chơi bước vào một góc khuất.

Đúng là trò chơi sẽ cho chúng ta nhìn xuyên qua vật cản khi vào trường hợp đó, song tầm nhìn của người chơi vẫn bị giới hạn.

Nếu trò chơi phép chúng ta đổi góc camera theo bốn hướng là đông, tây, nam, bắc thì quá trình khám phá sẽ dễ chịu hơn nhiều.

Chức năng khử răng cưa của trò chơi cũng chưa được thực hiện tốt. Dù không phải là dạng game thủ đặt nặng yếu tố đồ họa, người viết vẫn cảm thấy lạ khi đã chỉnh tất cả mọi yếu tố lên tối đa nhưng hình ảnh vẫn không rõ nét.

Những địa điểm mà người chơi dừng chân cũng hay bị lặp lại, nhất là khi chúng ta chơi liên tục nhiều giờ đồng hồ. Tuy trò chơi đã cố cho lộ trình mỗi lần đi mỗi khác, việc số lượng địa điểm hơi hạn chế vẫn khiến việc bị lặp lại không tránh khỏi.

Khi một nhân vật chết, tựa game cũng không có lý giải gì cho việc vì sao những gì mà nhân vật này thu thập được biến mất hoàn toàn, nhất là khi trò chơi lại lý giải rằng căn cứ phái người đem chiếc ô tô cà tàng trở lại.

Không những vậy, khi tìm lại đến đúng nơi mà nhân vật trước chết, thì thi thể (kèm theo cái ba lô chứa đựng cả một kho đồ quan trọng) cũng không còn đó.

Khuyết điểm này có thể được khắc phục nếu như trò chơi nói rằng bên ngoài khu căn cứ The End, vẫn có những nhóm người cố gắng sinh tồn và họ sẽ nhặt bất cứ thứ gì người chơi để lại.

Thậm chí, sẽ tốt hơn nữa nếu chúng ta gặp được những người khác khi đang khám phá. Họ có thể đối xử với người chơi bạo lực hoặc hòa bình, tùy vào các tình huống.

Không có trò chơi nào hoàn hảo, và The Last Stand: Aftermath tất nhiên không phải là một ngoại lệ

Bạc 8.5

Quyết định kết hợp yếu tố Roguelike vào thể game kinh dị sinh tồn thuần thúy đã biến The Last Stand: Aftermath từ câu cửa miệng "Lại một tựa game zombie nữa à?" trở thành một trải nghiệm cuốn hút và một trò chơi độc đáo!

Không chỉ vậy, vì được thiết kế để hoàn thành sau nhiều lượt, The Last Stand: Aftermath là một tựa game rất dễ gây ghiền. Người viết rất có thể sẽ tiếp tục chơi tựa game này ít lâu trước khi đánh giá trò chơi tiếp theo.

Thông tin

  • The Last Stand: Aftermath
  • Nhà phát triển
    Con Artist Games
  • Nhà phát hành
    Armor Games Studios
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    16/11/2021
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    Intel i7-10700K
  • RAM
    8 GB RAM
  • GPU
    NVIDIA GTX 1080
  • Lưu trữ
    5GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10 Pro 64-bit
  • CPU
    Intel Core i7-9700 3.00GHz (8CPU)
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA GeForce GTX 1660 SUPER
  • Lưu trữ
    500GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Armor Games Studio. Chơi trên PC.

Tác giả

Mango

Chơi game từ khi còn nhỏ trên chiếc máy SNES, Mango sở hữu một gu trò chơi tương đối đa dạng. Tuy nhiên, vì có sở thích võ thuật nói chung và thể thao đối kháng nói riêng, Mango ưa chuộng nhất là những trò chơi đánh đấm, cụ thể hơn là dòng game Yakuza.