Gigabyte M27Q X – Trong một vài năm trở lại đây, khi mà tốc độ quét hình dần được đẩy tới những mức giới hạn vô cùng ấn tượng, lên đến 480Hz với những sản phẩm đầu bảng dành cho những tuyển thủ thể thao điện tử hàng đầu thì yếu tố này không còn là cân nhắc hàng đầu của game thủ khi chọn mua một mẫu màn hình chơi game mới.
Các game thủ cao cấp giờ đây mong đợi nhiều hơn ở chất lượng hình ảnh hiển thị, ở thiết kế công thái học thuận tiện cho người dùng, ở những tính năng hỗ trợ đi kèm giúp cho việc chơi game và làm việc trở nên đơn giản, dễ dàng và thuận tiện hơn.
Chính vì thế mà chính Gigabyte cũng không “giấu riêng” những công nghệ “đầu bảng” cho dòng màn hình chơi game cao cấp mang thương hiệu AORUS của mình, mà dần “phổ cập” những công nghệ này xuống cho các dòng màn hình tầm trung.
Trong số các sản phẩm màn hình chơi game ra mắt đầu năm nay, đáng chú ý nhất là mẫu màn hình Gigabyte M27Q X sở hữu hàng loạt những tính năng thời thượng, những công nghệ hàng đầu cùng khả năng hiển thị vô cùng ấn tượng không thua kém là bao với các dòng màn hình cao cấp nhất trên thị trường hiện nay.
Vậy mẫu màn hình tầm trung này “ngon” thế nào? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
GIGABYTE M27Q X – NGỒN NGỘN CÁC CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI!
Cũng tương tự như mẫu màn hình chơi game “siêu khổng lồ” có mức giá mềm nhất thị trường màn hình chơi game Gigabyte G34WQC A, mẫu màn hình chơi game tầm trung Gigabyte M27Q X cũng được đóng gói theo phong cách vô cùng đơn giản với vỏ hộp bằng giấy tái chế, in đơn sắc chứ không quá bóng bẩy như vỏ hộp của các dòng màn hình cao cấp trên thị trường hiện nay.
Về tổng thể, mẫu màn hình chơi game thế hệ mới này của Gigabyte vẫn giữ nguyên thiết kế khá đơn giản, không có nhiều yếu tố “làm màu” đã có từ một vài năm nay với chân màn hình kích thước lớn, gắn trên bộ đế chữ V bằng kim loại chắc chắn.
Phía sau chân đế là khớp nối có thể điều chỉnh linh hoạt chiều cao phần màn hình hiển thị, cũng như ngửa hay gập màn hình xuống một góc nhỏ cho người dùng dễ dàng sử dụng.
Cũng với nguyên do mẫu màn hình này vẫn được xếp vào nhóm các màn hình chơi game tầm trung của Gigabyte mà hãng không trang bị một mẫu chân đế đa năng hơn, có thể xoay màn hình sử dụng theo chiều dọc như trên mẫu màn hình cao cấp dòng AORUS như phiên bản AORUS FI27Q.
Tuy nhiên, màn hình tương thích với tay treo chuẩn VESA, thế nên người dùng hoàn toàn có thể sử dụng màn hình với một tay treo đa năng để tăng cường độ linh hoạt của màn hình trong các kịch bản sử dụng nhất định.
Phần dưới màn hình là các cổng kết nối, trong đó bao gồm cả cổng kết nối USB Type C dành cho các thiết bị xuất hình thông qua chuẩn này, 2 cổng USB Type A thông dụng, có thể kết nối với thiết bị ngoại vi như bàn phím và chuột, 2 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng DisplayPort 1.4.
Đặc biệt nhất là nút KVM (Keyboard, Video, Mouse) cho phép người dùng chuyển đổi nhanh giữa các nguồn phát và điều khiển chúng chỉ với duy nhất một bộ bàn phím và chuột.
Công nghệ này lần đầu ra mắt cùng với mẫu màn hình Gigabyte M27F ra mắt hồi năm 2020.
Công nghệ này được trang bị trên Gigabyte M27Q X, biến mẫu màn hình chơi game tầm trung này trở thành trung tâm của hệ thống giải trí và làm việc đa nhiệm của người dùng với khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa hai nguồn phát, nhất là khả năng kết nối trực tiếp với Macbook Pro thông qua cổng USB Type C.
Phần màn hình có thiết kế ba viền mỏng, viền dưới dày hơn đôi chút so với ba cạnh còn lại như hầu hết các mẫu màn hình chơi game hiện đại ra mắt một vài năm trở lại đây.
Về tổng thể, ngoại hình của mẫu màn hình này khá bình thường, không khác biệt rõ rệt so với các dòng màn hình chơi game có cùng kích thước khác do Gigabyte sản xuất từ trước đến nay.
Thế nhưng ẩn bên trong vẻ ngoài vô cùng bình thường của Gigabyte M27Q X là một tấm nền có khả năng hiển thị tốt bậc nhất trên thị trường hiện nay.
Đây là tấm nền IPS có kích thước 27″ cho góc nhìn rộng đến 178 độ, độ phân giải 2560×1440 với tốc độ quét hình siêu cao, lên đến 240Hz, cũng như độ sáng đạt chuẩn HDR400 của VESA.
Bên cạnh đó, theo những thông tin mà Gigabyte cung cấp thì mẫu màn hình này cũng có độ bao phủ dải màu điện ảnh DCI-P3 lên đến 92% và 140% dải màu sRGB, phù hợp cho các nội dung điện ảnh và người làm việc sáng tạo nội dung cần đến các màn hình có khả năng tái tạo màu sắc chính xác và chân thực.
Nếu bỏ qua những thông số nhàm chán này thì phải nói rằng, Gigabyte M27Q X có khả năng hiển thị màu sắc và hình ảnh HDR ở mức cực kỳ xuất sắc,
Đặc biệt là khi người dùng mở tính năng hiển thị nội dung HDR trong Windows, màu sắc không bị bạc đi như với các màn hình sử dụng tấm nền VA khác trên thị trường hiện nay mà trở nên rực rỡ hơn, trong trẻo hơn và hút mắt hơn.
Thế nhưng ẩn bên trong vẻ ngoài vô cùng bình thường của Gigabyte M27Q X là một tấm nền có khả năng hiển thị tốt bậc nhất trên thị trường hiện nay.
Thậm chí nếu bạn hạ tốc độ quét hình xuống chỉ còn 120Hz, màn hình sẽ “tận dụng” độ nhấp nháy của đèn để thể hiện được màu sắc lên đến 10bit, và một trải nghiệm phim ảnh hay các game hiện đại như Halo Infinite và God of War PC là vô cùng đẹp mắt và ấn tượng, vượt hơn xa chất lượng hiển thị các mẫu màn hình chơi game truyền thống, đem đến cho game thủ những khung hình mãn nhãn nhất.
Thậm chí nếu đem so sánh với một vài mẫu màn hình chơi game dòng cao cấp cũng sử dụng tấm nền IPS siêu tốc đến từ các hãng khác, chất lượng hiển thị hình ảnh HDR ở chế độ 10bit màu của Gigabyte M27Q X cũng xuất sắc và gây choáng ngợp hơn rất nhiều, chứ không nói đến các màn hình “chuẩn HDR” phổ thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, khi chuyển sang chế độ hoạt động ở tốc độ cao 240Hz, mẫu màn hình chơi game này đem đến khả năng hiển thị tuyệt vời với hiện tượng bóng ma (ghosting) ở mức rất thấp nếu so sánh với các màn hình sử dụng tấm nền VA thông thường, phù hợp với các game thủ yêu thích các tựa game hành động, các bộ môn thể thao điện tử eSports.
Ngoài ra, khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm của Gigabyte cũng đã thể hiện rất tốt trên mẫu sản phẩm này khi mức độ hở sáng gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.
Các mức chuyển màu đều vô cùng mượt mà, trong khi độ lệch màu xám giữa các vùng là không quá đáng kể để có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Nhờ đó mà những người sử dụng màn hình cho mục đích sáng tạo nội dung hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm của mình.
Cuối cùng, hai loa công suất nhỏ tích hợp bên trong màn hình cũng có chất lượng khá hơn so với các dòng màn hình có tích hợp loa trên thị trường hiện nay, dù vẫn không bằng được các loa gắn ngoài.
Hai loa này không chỉ là trang bị có mặt thuộc loại “cho có”, mà đủ “công lực” để thể hiện các cuộc trò chuyện, họp hành qua mạng to và rõ ràng, đủ sức phục vụ những nhu cầu cơ bản nhất của người dùng nếu bạn không muốn đeo tai nghe hay mua sắm thêm các loa gắn ngoài.
Có thể nói, với khả năng chuyển đổi vô cùng linh hoạt giữa các nguồn phát và chất lượng hiển thị xuất sắc, thậm chí vượt qua cả một vài mẫu màn hình dòng cao cấp có cùng kích thước trên thị trường hiện nay, Gigabyte M27Q X thể hiện mình là một mẫu màn hình chơi game tầm trung sáng giá cho những game thủ rủng rỉnh hầu bao và có yêu cầu cao với chất lượng hiển thị đồ hoạ.
BẠN SẼ GHÉT
GIGABYTE M27Q X – NHỮNG “ĐÁNH ĐỔI”!
Ngon lành là vậy, thế nhưng khi chọn Gigabyte M27Q X làm “chiến hữu” cho mình, bạn sẽ phải đánh đổi một vài bất lợi nhất định.
Trước hết, do đặc điểm cố hữu của dòng tấm nền IPS, độ tương phản về màu sắc sẽ kém hơn các màn hình tấm nền VA.
Điều này cũng dẫn đến một vấn đề khác là các cảnh tối trong game thể hiện không quá tốt, nên dù đã có tính năng Black Equalizer hỗ trợ, bạn vẫn sẽ không thực sự có quá nhiều lợi thế trong những cảnh “nhá nhem”.
Bên cạnh đó, khi lựa chọn chất lượng, bạn hoàn toàn phải đánh đổi kích thước hiển thị khi ở cùng mức giá, bạn sẽ có một vài lựa chọn khác sử dụng tấm nền VA nhưng với kích thước lớn hơn nhiều.
Dù vậy, những đánh đổi này là vô cùng xứng đáng nếu như bạn quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hiển thị.