Skip to content

AORUS FI27Q – Đánh Giá Gaming Gear

AORUS FI27Q

AORUS FI27Q – Trong “cơn bão” màn hình chơi game đổ bộ vào thị trường hiện nay, không ít hãng sản xuất linh kiện truyền thống cũng đổ xô đi làm các sản phẩm màn hình “siêu tốc” của riêng mình với đủ loại thiết kế và mẫu mã khác nhau, “trải thảm” trên nhiều phân khúc.

Thế nhưng AORUS, một thương hiệu con “chuyên game” của Gigabyte lại không chọn đi theo con đường “truyền thống” này khi lựa chọn tạo ra nét độc đáo riêng của mình khi tập trung vào nhóm các màn hình có kích thước 27 inch, tích hợp thêm một số công nghệ đặc thù để hình thành nên dòng sản phẩm “Màn hình chiến thuật” (Tactical Monitor) rất riêng của mình.

Gần đây nhất, hãng đã “cập nhật” các sản phẩm của mình lên tấm nền có tốc độ quét hình lên đến 165Hz với tên mã AORUS FI27Q cùng một biến thể khác dòng P dành cho các sự kiện thể thao điện tử với một số tính năng tăng cường riêng biệt cho môi trường sôi động này.

Được thiết kế với một triết lý riêng, không chạy theo xu hướng chung so với phần đông màn hình chơi game trên thị trường hiện nay, liệu sản phẩm của AORUS có thực sự làm nên sự khác biệt?

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!


BẠN SẼ THÍCH

AORUS FI27Q – THIẾT KẾ ĐẸP MẮT

Là một màn hình chơi game, tất nhiên AORUS FI27Q cũng sở hữu một thiết kế “hầm hố” theo “chuẩn game”, thế nhưng phải nói rằng nhóm thiết kế của AORUS đã thể hiện rất chừng mực ngay từ khâu đóng hộp với một vỏ hộp đơn giản, không quá màu mè, nhưng sở hữu kích thước khá lớn so với các màn hình cùng kích thước khác như Thinkview G270 nhà nhóm đã từng đánh giá.

Tổng thể của màn hình mang màu đen thuần túy với mặt trước sở hữu kính bảo vệ tràn ra ba cạnh xung quanh với cạnh dưới dày lên đôi chút với logo AORUS nổi bật.

Sản phẩm được trang bị chân đế chữ V chắc chắn theo “trào lưu” thiết kế hiện đại với khớp cổ xoay linh hoạt 360 độ với khả năng nâng, hạ độ cao linh hoạt tùy theo người nhìn, giúp game thủ có thể đạt được góc nhìn thoải mái nhất.

Các chi tiết trên viền màn hình và chân đế đều được chế tác và gia công tốt với các đường cắt gọt sắc sảo, nước sơn chắc chắn và mịn, khó trầy xước hay bong tróc tạo ra ấn tượng mạnh về chất lượng cao của sản phẩm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Về mặt “đèn đóm”, AORUS FI27Q được trang bị ở mức khá vừa phải với logo hãng phát sáng và hai dải đèn LED RGB hai bên tạo hình hai cánh chim đại bàng, tất cả đều có thể điều khiển hiệu ứng đồng bộ với hệ thống thông qua tính năng RGB Fusion 2.0 trên hệ thống.

Lượng đèn trang trí vừa phải cùng với kết cấu sản phẩm đơn giản, sử dụng tông màu đen thuần túy làm cho sản phẩm có vẻ “lịch lãm” và sang trọng đúng mực, không quá “cải lương” hay màu mè rối rắm theo kiểu các màn hình chơi game Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh thị trường phân khúc phổ thông hiện nay.

Mặc dù cũng sở hữu một hệ thống Menu “một nút” như nhiều màn hình chơi game ra mắt gần đây, thế nhưng điều làm nên sự khác biệt của AORUS FI27Q với các màn hình khác chính là ở khả năng liên kết trực tiếp với máy tính và điều khiển các tính năng thông qua cáp USB.

Ngoài ra cáp USB còn đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho card âm thanh tích hợp bên trong màn hình, để thực hiện vai trò một “trung tâm chiến thuật” đúng nghĩa, thay vì phải vòng dây lấy tín hiệu âm thanh từ card onboard có chất lượng không thỏa mãn được ý đồ của AORUS.

Đó là chưa kể đến lượng kết nối hùng hậu, bao gồm cả hai cổng USB Type A cho người dùng kết nối với ổ cứng gắn ngoài, hay với chuột và bàn phím, hai cổng HDMI và một cổng DisplayPort cho phép người dùng sử dụng tính năng “Hình trong hình” (Picture in Picture – PIP) với hai thùng máy cùng lúc, nhờ đó biến màn hình thành “góc chiến thuật” của bạn mà không cần phải loay hoay với thùng máy.

Nhìn chung, những ấn tượng ban đầu sau khi “đập hộp” đối AORUS FI27Q là rất tốt, cả về thiết kế lẫn những tính năng bên ngoài, không quá “ngầu” như các dòng màn hình chơi game “ngồn ngộn trang trí” của ASUS mà đạt được phong cách rất riêng biệt, cũng rất sang trọng và lịch lãm trên “góc chiến thuật” của bạn.


AORUS FI27Q – CHẤT LƯỢNG HIỂN THỊ

Với các màn hình chơi game “xịn sò” hiện nay trên thị trường, các game thủ cao cấp không đơn thuần quan tâm đến chỉ số tốc độ quét hình, vốn đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản, mà còn đặt ra nhiều đòi hỏi hơn nữa về độ phân giải cao, chất lượng hiển thị màu sắc, thời gian đáp ứng… và còn nhiều tính năng khác nữa.

Hầu hết các tính năng đó bạn đều có thể dễ dàng tìm thấy trên … những dòng quảng cáo về AORUS FI27Q như độ phân giải màn hình lên đến 2K, tốc độ quét hình ở mức 165Hz, tấm nền màn hình IPS cho góc nhìn rộng với khả năng hiển thị màu 10bit đạt chuẩn HDR10 và thời gian đáp ứng chỉ 1ms.

Khoan nói về con số kỹ thuật, cảm nhận thực tế khi thử nghiệm màn hình chỉ gói gọn trong hai chữ “rất tốt”.

Độ phân giải ở mức 2K khá vừa phải cho màn hình kích thước lên đến 27 inch, không gây “rỗ hình” như với độ phân giải Full HD 1080p, cũng không tạo ra “gánh nặng” cho card đồ họa như với độ phân giải lên đến 4K.

Tốc độ quét hình lên đến 165Hz không tạo ra quá nhiều khác biệt khi so sánh với tốc độ 144Hz của các sản phẩm các năm trước, nhưng nó thích ứng tốt hơn với công nghệ AMD FreeSync 2, đặc biệt là với công nghệ AMD Anti Lag trên các card đồ họa dòng Navi mới ra mắt, tạo ra độ mượt mà cho các game thể thao điện tử hay các game bắn súng hành động nhanh.

Chất lượng màu sắc của AORUS FI27Q mặc dù đạt chuẩn HDR, nhưng trải nghiệm thực tế cho thấy khả năng thể hiện của màn hình không rực rỡ như các sản phẩm màn hình chơi game khác hay các Tivi cỡ lớn, và cũng bởi vì độ sáng màn hình không cao, chỉ 350cd/m2 , thậm chí còn không bằng màn hình chơi game BenQ EW3270U mà nhóm đã giới thiệu, nên chất lượng hình ảnh tổng thể không quá nịnh mắt với nhiều người quen chơi game trên các máy chơi game console và Tivi, nhưng rất dịu mắt với các game thủ chơi trong thời gian dài.

Tuy vậy, nhờ vào tấm nền màn hình 10bit đạt chuẩn HDR10 nên khả năng hiển thị màu sắc của sản phẩm ở mức rất tốt với dải màu chuyển vô cùng mịn màng, không bệt màu như với các màn hình giá rẻ sử dụng tấm nền 8bit giả lập (theo kết cấu 6+2), nhờ đó mà tính năng cân bằng màu chỗ tối (Black Equalizer) thể hiện rất tốt và rất chi tiết các vật trong môi trường thiếu ánh sáng.


BẠN SẼ GHÉT

“CƠM THÊM CHIẾN THUẬT” CHƯA “TỚI”

AORUS đã có những ý tưởng rất hay, rất táo bạo khi đưa ra khái niệm “Màn hình chiến thuật” (Tactical Monitor) bằng cách tích hợp card âm thanh vào trong AORUS FI27Q, thế nhưng đây lại là một ý tưởng chưa được phát triển đúng mực và xứng đáng với số tiền mà người dùng bỏ ra cho món… “cơm thêm” này.

Chất lượng hiển thị âm thanh trên sản phẩm khá bình thường, chỉ tương đương với chất lượng của chip âm thanh tích hợp trên các bo mạch chủ của hãng, thiếu vắng đi một số tính năng “thời thượng” mà các hãng “chuyên game” đang hướng tới như khả năng giả lập âm thanh vòm của Logitech Pro X, hay khả năng tương thích với các chuẩn âm thanh DTS hay Dolby Atmos.

Chất lượng hiển thị âm thanh trên sản phẩm khá bình thường, chỉ tương đương với chất lượng của chip âm thanh tích hợp trên các bo mạch chủ của hãng

Tính năng “cơm thêm” đáng mong đợi nhất là tính năng chống ồn chủ động (Active Noise Cancelling – ANC) hoạt động có phần hiệu quả, lọc được đến 80% tiếng ồn từ bên ngoài vào microphone tích hợp theo tai nghe.

Thế nhưng tính năng này lại bóp méo và làm giảm đi rất nhiều chất lượng của giọng nói, nó khiến cho giọng nói thu vào microphone có chất lượng mono giống như trên các điện thoại cũ của thập niên trước dù cho nền âm sạch hơn, điều này khiến cho việc trao đổi với nhau qua mạng cũng không thật sự dễ dàng như hãng đã quảng cáo.

Bỏ qua tính năng “cơm thêm” này thì AORUS FI27Q vẫn là một màn hình chơi game có chất lượng hiển thị tốt, ít có ảnh hưởng đối với người dùng thông thường, vậy nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm “móc hầu bao” tậu cho mình một sản phẩm để bổ sung cho “góc chiến thuật” của bạn.


GIÁ THAM KHẢO

N/A


HỖ TRỢ

GIGABYTE

THAM KHẢO

GIGABYTE

THÔNG TIN

  • Tên sản phẩm: AORUS FI27Q
  • Nhà sản xuất: GIGABYTE
  • Xuất xứ: ĐÀI LOAN
Bạc 8.5

AORUS FI27Q là dòng sản phẩm màn hình chơi game tốc độ cao với nhiều tính năng tốt cả về thiết kế lẫn khả năng thể hiện màu sắc, thế nhưng các tính năng chiến thuật "cơm thêm" như khử ồn chủ động lại không hoạt động tốt như mong đợi.