ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe – Trong vài năm gần đây, các mẫu bàn phím chơi game đã liên tục được áp dụng nhiều công nghệ mới như tăng tốc độ quét tín hiệu, trang bị các loại switch mới và áp dùng nhiều công nghệ kết nối nhằm giảm thời gian phản hồi.
Tuy nhiên, để tạo nên một mẫu bàn phím chơi game tốt không chỉ phải tập trung về các công nghệ mới, mà còn về trải nghiệm sử dụng, chất lượng gia công, cảm giác gõ và khả năng tuỳ biến cho người dùng.
Như muốn giải quyết các vấn đề đó, ASUS đã cho ra mắt mẫu bàn phím ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe với thiết kế cao cấp cùng nhiều các tính năng hấp dẫn, đặc biệt hơn khi được trang bị mẫu switch quang học “nhà trồng” ROG RX.
Nhìn qua, mẫu bàn phím có gì đặc biệt?
Hãy cũng Vietgame.asia “đào” sâu hơn trong bài đánh giá!
Bạn sẽ thích
ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe – Giải pháp bàn phím “tất-cả-trong-một”
Thoạt nhìn ngay từ vỏ hộp, ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe gần như đã đem đến giải pháp “tất-cả-trong-một” cho game thủ: đa dạng hình thức kết nối – từ có dây đến không dây như Bluetooth và thông qua 2.4GHz, đầy đủ phủ kiện – khi gồm cả một chiếc kê tay, và mẫu switch quang học “độc lạ” ROG RX cho phản hồi siêu nhanh.
Ở mặt sau, một số thông tin kỹ thuật thú vị hơn của mẫu phím cũng được ASUS được tiết lộ. Đáng chú ý nhất phải kể đến chế độ kết nối đa thiết bị “tri-mode”, khi mẫu phím sẽ dễ dàng chuyển đổi giữa kết nối dây, không dây và Bluetooth, trong khi vẫn có thể kết nối đến ba thiết bị cùng lúc.
Bắt đầu mở hộp, có thể thấy tuy ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe sở hữu cấu trúc TKL (tenkeyless) nhỏ gọn, chiếc bàn phím vẫn có độ nặng nhất định khi vẫn giữ được sự đơn giản của mình trong thiết kế.
Mặt trước, cấu trúc phím của mẫu bàn phím gần như không khác so với “người anh em” ROG Strix Scope NX TKL Moonlight White khi vẫn giữ thiết kế nút Control trái dài với một số nút đặc trưng như nút “riêng tư” và dãy nút đa phương tiện có thể bật tắt.
Chiếc bàn phím cũng sử dụng thiết kế hở chân switch dạng low-profile thịnh hành trong thời gian qua, với các góc bo sắc đậm chất ROG tuy tấm nền nhôm xước có phần hơi khác khi được làm nhám hoàn toàn nhằm tôn lên thiết kế cao cấp hơn.
Chưa kể, phần chân đế và mặt sau của mẫu phím được làm từ nhựa cứng cũng được gia công cực kỳ chắc chắn với phần dập logo sắc sảo.
Về phần “đèn đóm”, ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe có dải đèn LED RGB tương đối… khiêm tốn khi chỉ được trang bị trên từng phím và logo ROG.
Tuy nhiên, đây có thể coi như nhằm tiết kiệm pin khi mẫu phím được ASUS cho biết có thể “trụ” đến 76 giờ sử dụng với cài đặt đèn mặc định, và còn có thể lâu hơn khi sử dụng với chế độ không đèn.
Nhắc đến điểm đáng chú ý nhất của mẫu phím, chắc chắn phải nằm ở mẫu switch ROG RX được trang bị bên trong.
Không như người “anh em” ROG Strix Scope NX TKL Moonlight White, ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe sử dụng mẫu switch RX của ROG, là mẫu switch quang học với thời gian kích hoạt thấp hơn nhiều so với các mẫu switch cơ truyền thống.
Ở bài đánh giá, mẫu phím được trang bị switch ROG RX Blue – mẫu switch clicky mang cảm giác gõ tương tự Cherry MX Blue được sản xuất bởi Cherry MX.
Theo hãng sản xuất, ROG RX là mẫu switch quang học được thiết kế hoàn toàn từ đầu với thiết kế bốn trục (so với một trục hình dấu cộng ở các mẫu switch phổ biến) nhằm mang lại khả năng phân bổ lực đều hơn, cùng với đèn LED được trang bị nằm giữa cho khả năng phát sáng đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của ROG RX phải nói đến cảm biến quang học với thời gian phản hồi kích hoạt thấp hơn so và khả năng debounce (kích hoạt và ngừng kích hoạt sau khi vượt qua điểm kích hoạt) chính xác hơn nhiều so với mẫu switch cơ truyền thống.
Về độ bền, mẫu switch quang ROG RX có thể vượt qua đến 100 triệu lần nhấn, cao hơn rất nhiều so với 70 triệu lần của ROG NX và các mẫu switch cơ.
Giữa hai mẫu switch “nhà trồng” của ROG, ROG RX trên ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe sẽ mang lại thời gian kích hoạt phím nhanh hơn nhiều khi chơi, nhằm mang lại độ chính xác cao và ổn định hơn khi điều khiển so với ROG NX trên ROG Strix Scope NX TKL Moonlight White.
Khi so với đối thủ, ROG RX Blue có thể mang lại độ chính xác nhất định khi điều khiển với hành trình tương đối dài ở 1.5mm so với 1mm của Corsair OPX hay 1.2mm của Razer Optical Switch.
Trong trải nghiệm game thực tế, ROG RX Blue đem lại cảm giác gõ khá cân bằng, cùng với cảm biến quang học mang lại trải nghiệm chơi “tức thời” hơn, khi vẫn giữ được tiếng “click” đặc trưng cho phản hồi gõ chắc tay.
Ở các dòng game thiên về điều khiển như CS:GO, Rainbow Six Siege và Apex Legends, ROG RX Blue sẽ mang lại cảm giác chắc chắn và chính xác hơn khi di chuyển, cũng như tạo sự linh hoạt nhất định khi lướt phím.
Ngoài tập trung vào cấu trúc phím, đi kèm với ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe là một chiếc kê tay nam châm, được đệm nhằm mang lại độ thoải mái khi chơi game trong thời gian dài.
Nhìn chung, khi quyết định “tất tay” cho mẫu phím, người dùng như nhận được một gói sản phẩm “tất-cả-trong-một” khi giải quyết được gần như đầy đủ các vấn đề của người mua phím, từ mẫu switch quang học, chất lượng hoàn thiện tốt, hay đèn RGB đủ khiêm tốn cho đến phụ kiện đi kèm với chiếc kê tay nam châm có chất lượng tuyệt vời.
Bạn sẽ ghét
ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe – Một số điểm trừ
Tuy đưa ra như một giải pháp “tất-cả-trong-một” cho người dùng, ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe vẫn còn một số “hạt sạn” nhất định.
Đầu tiên, do thiết kế chân bốn cạnh của switch ROG RX khá… độc lạ, việc người dùng thoải mái tuỳ biến mũ phím như trên các mẫu phím khác đã trở nên không thể.
Đây không hẳn do cấu trúc của switch quang, nhưng như một lựa chọn của nhà sản xuất khi các mẫu switch quang khác trên thị trường đều có thể thay đổi mũ phím với cấu trúc dấu cộng thường gặp.
Bên cạnh đó, một số tính năng điều khiển đa phương tiện riêng cũng “vắng mặt” trên ROG Strix Scope RX TKL Wireless Deluxe, khi một số sản phẩm khác trong cùng phân khúc cũng được trang bị như dải cảm ứng LED tăng giảm âm lượng trên ASUS Falchion Wireless Gaming Keyboard hay con lăn vật lý trên đối thủ Corsair K70 RGB TKL.