Tactics Ogre: Reborn – Bạn đã từng nghe tới Final Fantasy XII? Final Fantasy Tactics? Chắc hẳn bạn đọc đã từng nghe qua, hoặc thậm chí là “nằm lòng” luôn cả game nếu bạn là một fan cứng, vì dù sao dòng Final Fantasy vẫn quá nổi tiếng.
Hai tựa game trên, cộng thêm Vagrant Story và hậu bản Final Fantasy XII: Revenant Wings, sau đó là Final Fantasy Tactics A2: Grimoire of the Rift, đều nằm trong một thế giới giả tưởng gọi là “Ivalice” do Yasumi Matsuno dựng lên, trải dài xuyên suốt nhiều thiên niên kỷ! Tất cả những tựa game trên đều có chung một ưu điểm: một cốt truyện xuất sắc, với một thế giới hấp dẫn, sinh động, có chiều sâu, và đã thể hiện được tài năng của Yasumi Matsuno.
Nhưng trước khi về với đội Square (do chính “cha đẻ” Final Fantasy, Hironobu Sakaguchi mời về), thì Matsuno đã từng dựng lên một dòng game khác, ít được biết tới hơn, với tên gọi Ogre Battle.
Tựa game đầu tiên ra mắt năm 1993 với tên Ogre Battle: The March of the Black Queen, , tựa game thứ hai ra mắt năm 1995 có tên là Tactics Ogre: Let Us Cling Together, và Tactics Ogre: Reborn là bản nâng cấp của… bản làm lại ra mắt hồi năm 2010.
Ngay từ khi ra mắt, Tactics Ogre: Let Us Cling Together đã được khen ngợi vì một cốt truyện chia nhánh cực kỳ lôi cuốn, và một lối chơi chiến thuật có chiều sâu hấp dẫn.
Vậy, liệu “bản làm lại của bản làm lại” này có bắt được cái “hồn” của tựa game? Hay đây lại là một thất bại của Square Enix?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện kinh điển
Là một bản làm lại (lần thứ hai), Tactics Ogre: Reborn nhìn chung không hề thay đổi những gì tinh tuý nhất của nghệ thuật kể chuyện của Tactics Ogre: Let Us Cling Together!
Mặc dù không phải là một tựa game mang tính “điện ảnh” như Uncharted hay The Last of Us, xuyên suốt mạch truyện kéo dài từ 50-70 giờ chơi (tùy tốc độ chiến đấu của người chơi), người chơi vẫn trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp, căng thẳng, cho tới phẫn nộ, cho tới đau thương, và pha vào đó là những khoảnh khắc giải trí.
Tactics Ogre: Reborn diễn tra trên một quần đảo tên là Valeria, và theo chân hai chị em Catuia và Denam, cùng với người bạn thân thuở thơ ấu Vyce, những người dân của tộc Walister.
Quần đảo Valeria này hiện đang có tình hình chính trị vô cùng bất ổn, khi các dân tộc tiến hành những cuộc chinh phạt lẫn nhau, nhằm chiếm quyền cai trị.
Tộc Walister là một dân tộc thiểu số trên quần đảo Valeria, chiếm cứ một vùng nhỏ biên cương của xứ này, tuy nhiên nhiều năm qua họ vẫn phải chịu sự đàn áp của Tộc Galgastani, tộc có nhiều dân nhất Valeria, và thường xuyên phải hứng chịu những đợt “thanh trừng”. Lẽ tất nhiên, họ bắt đầu kháng cự lại.
Đầu game, bố của Denam và Catuia đã bị một Kỵ Sĩ Hắc Ám hạ sát trong một đợt tấn công vào ngôi làng quê nhà của hai người, và cả hai bắt đầu lên kế hoạch trả thù. Không lâu sau, họ lên kế hoạch ám sát Ngài Lanselot, Kỵ Sĩ của xứ Xenobia, mà lầm tưởng là tướng quân của nhóm Kỵ Sĩ Hắc Ám.
Sau một hồi phân giải hiểu lầm, Denam đã thuyết phục được nhóm kị sĩ xứ Xenobia đi giải cứu Công tước Rowney, thủ lĩnh nhóm kháng chiến, và sau một hồi khổ chiến, họ đã cứu được Công tước ra ngoài.
Tuy nhiên, khi Denam thực sự gia nhập hàng ngũ kháng chiến, cậu sẽ phải đối mặt với sự thật của chiến tranh, của những phương thức hắc ám, những giao kèo bẩn thỉu mà các bên liên quan sẵn sàng thực hiện để chiến thắng.
Cậu bắt đầu hoài nghi về cuộc kháng chiến, về đất nước này, về những gì mà Công tước Rowney sẵn sàng làm, và cậu – do người chơi nhập vai – sẽ phải đưa ra những quyết định cực kỳ khó khăn, để có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột sắc tộc này.
Chủ đề chiến tranh, chính trị có lẽ không phải là lạ: chính Square Enix cũng đang ra sức “vắt” chủ đề này với liên tiếp những tựa game như Triangle Strategy, DioField Chronicle hay sắp tới là Final Fantasy XVI.
Tuy nhiên, hiếm có tựa game nào đạt tới độ “chín” của Tactics Ogre: Reborn, khi những sự thật trần trụi của chiến tranh, của những chiêu trò chính trị cả minh cả ám, đều được phơi bày, với người chơi là tâm điểm trong cái guồng quay số phận nghiệt ngã đó.
Người chơi không phải chỉ có “đi bộ vuốt râu”, xem tấn kịch của quần đảo hiện ra trước mắt, mà họ sẽ phải trực tiếp đưa ra những quyết định mang tính chất sống còn đối với cuộc chiến, và mỗi quyết định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chiến, tới cốt truyện, tới số phận của mỗi nhân vật, và cả kết thúc của câu chuyện.
Người viết vẫn nhớ mãi kết thúc của Chương 1, khi Denam phải đưa ra một quyết định mang tính chất bước ngoặt của toàn bộ mạch truyện: liệu cậu có “vấy máu” lên tay mình đổi lấy một sự an toàn và bảo hộ, hoặc nghe theo đạo đức từ trái tim để rồi đối mặt với trùng trùng điệp điệp chiến đấu?
Hoặc một quyết định sai lầm của người viết đã khiến cho một nhân vật mà người viết hết sức yêu thích chết một cách đầy đau đớn (và người viết đã quyết định “hi sinh” 6 giờ chơi để “làm lại cuộc đời”).
Hoặc chỉ cần làm một hành động sai lầm ở chương Hai, người viết đã không thể thu nạp được một nhân vật rất mạnh ở chương cuối cùng.
cốt truyện của Tactics Ogre: Reborn dễ dàng được xếp vào dạng kinh điển, và rất đáng để người chơi trải nghiệm
Khác với những tình tiết “nham nhở” của DioField Chronicle, các tình tiết cốt truyện của Tactics Ogre: Reborn diễn tiến một cách hợp lý, logic, vừa xoáy sâu được vào những đấu tranh nội tâm của các nhân vật chính vừa thể hiện được những sự vận chuyển của đại cục.
Mặc dù thời lượng có vẻ hơi dài, và đối với người bận bịu thì việc “cày” game sẽ khá tốn thời gian, tuy nhiên trong toàn bộ thời lượng đó, có rất ít khoảnh khắc mà người viết cảm thấy game đang “câu giờ” một cách vô nghĩa, mỗi lời thoại, mỗi tình tiết đều dường như ẩn chứa một hệ quả mà người viết chỉ mong chờ được khám phá.
Phiên bản Tactics Ogre: Reborn còn đi kèm tính năng giúp người chơi “tua” lại những điểm mấu chốt trong cốt truyện, giúp họ coi những “dòng thời gian” mới mà không phải chơi lại từ đầu mỗi lần, đem lại giá trị chơi lại rất lớn mà không làm nản lòng người chơi.
Nói tóm lại, cốt truyện của Tactics Ogre: Reborn dễ dàng được xếp vào dạng kinh điển, và rất đáng để người chơi trải nghiệm, dù cho họ có phải người hâm mộ game chiến thuật hay không.
Lối chơi chiến thuật chặt chẽ, có chiều sâu
Như tên gọi, Tactics Ogre: Reborn có lối chơi chiến thuật theo lượt trên bản đồ dạng ‘isometric’ (góc nhìn nghiêng từ trên xuống) giống với Final Fantasy Tactics (hay chính xác hơn, là Final Fantasy Tactics giống Tactics Ogre: Reborn!).
Để mô tả lại cơ chế đồ sộ của Tactics Ogre: Reborn, với tất cả những cơ chế kỹ năng, nghề nghiệp, trang bị, thì có lẽ sẽ mất vài trang web, do đó người viết sẽ chỉ mô tả lại cảm xúc cá nhân khi trải qua hầu hết trận chiến: đó là… cuốn!
Lối chơi của Tactics Ogre: Reborn có nhiều khả năng tùy chỉnh theo ý thích của người chơi tới nỗi người viết liên tục thử nghiệm nhiều đội hình khác nhau, nhờ vào khả năng chuyển đổi nghề nghiệp mà không mất kinh nghiệm linh hoạt của game, nghĩa là thay vì cấp bậc của người chơi sẽ bị “reset” về 0 mỗi lần đổi sang nghề nghiệp mới, thì bây giờ cấp bậc của họ cũng giữ nguyên.
Để “cân bằng” lại, Square Enix đã đưa vào cơ chế “cấp bậc tổng” của cả đội hình, gọi là Union Level: sẽ có một “trần trên” của cấp bậc cho toàn bộ, và không ai có thể vượt quá cấp bậc này.
Cấp bậc tổng này sẽ dần dần được nâng… theo cốt truyện, do đó không có chuyện người chơi cày cật lực để dễ dàng “ủi” qua cốt truyện, mà khiến cho mỗi trận chiến là một thử thách lớn đối với người chơi, đòi hỏi người chơi phải thực sự nắm rõ được cơ chế, lối chơi và vận dụng nó một cách tối đa.
Lối chơi của Tactics Ogre: Reborn có nhiều khả năng tùy chỉnh theo ý thích của người chơi tới nỗi người viết liên tục thử nghiệm nhiều đội hình khác nhau
Tựa game còn đưa vào thêm một số cải tiến khác so với bản cũ, đó là khả năng “tua” lại trận chiến (như Fire Emblem: Three Houses), những lá bài “buff” rải rác khắp sàn đấu để đẩy nhanh tiến độ chiến đấu, khả năng tăng tốc độ trận đấu lên gấp đôi, những lá bùa để tăng kinh nghiệm, khả năng hồi sinh nhân vật trong vòng ba lượt kiểu Final Fantasy Tactics… v.v. để đảm bảo một trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Tóm lại, ngoại trừ một số điểm có khả năng gây ức chế như cấp bậc tổng hay lá bài “buff” ngẫu nhiên lại rơi gần vị trí địch, thì có thể nói lối chơi chiến thuật có chiều sâu của Tactics Ogre: Reborn sẽ làm hài lòng những tín đồ đam mê chơi game chiến thuật, với rất nhiều thứ để khám phá, và thử thách lúc nào cũng hiện hữu.
Âm nhạc và lồng tiếng chất lượng cao
Âm nhạc của phiên bản gốc đã hay, giờ đây bạn có thể trải nghiệm nền nhạc được tân trang lại với chất lượng cao, thể hiện được toàn bộ “cái” chất của Tactics Ogre: Reborn.
Tuy nhiên, điểm nhấn lớn nhất là game thêm vào lồng tiếng!
Với một tựa game dài toàn chữ là chữ, thêm vào lồng tiếng giúp trải nghiệm trở nên thú vị hơn hẳn. Thay vì cảm giác như đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa toàn chương với hồi, thì giờ đây bạn sẽ cảm giác như được xem Game of Thrones với những tiếng thét xé tâm can của các nhân vật vậy.
Chất lượng lồng tiếng cũng là tương đối tốt (ở phiên bản lồng tiếng tiếng Nhật), với sự góp mặt của nhiều diễn viên lồng tiếng gạo cội như Tomoaki Maeno, Takaya Hashi v.v.
Với một tựa game dài toàn chữ là chữ, thêm vào lồng tiếng giúp trải nghiệm trở nên thú vị hơn hẳn
BẠN SẼ GHÉT
Thiếu một số cải tiến quan trọng
Điều bất mãn lớn nhất của người viết có lẽ là cơ chế cấp bậc tổng của đội hình!
Đây, nói thật, có lẽ là một “con dao hai lưỡi”. Trong những ngày bình thường, người viết sẽ cảm thấy vô cùng cuốn hút, có thể ngồi hàng giờ để đấu trí với địch thủ. Tuy nhiên, trong những ngày đi làm mệt mỏi, thì việc thử thách liên tục mà không có cách nào để “ăn gian tiến độ” có thể khiến bạn hơi… nản.
Đó là chưa kể cấp bậc tổng này cân bằng không được tốt lắm, có đoạn cốt truyện thì rất dễ vì trần cao, có đoạn thì lại tưởng như bất khả do cấp độ địch là quá cao mà địch lại quá đông, trong khi đó người chơi không thể “cày” để qua bàn cho dễ được.
Kế đến, dù nhiều cải tiến nhưng Tactics Ogre: Reborn vẫn thiếu vài tính năng mà người chơi muốn thấy trong một tựa game hiện đại. Ví dụ như việc quản lý trang bị của tầm… 20 nhân vật là người viết bắt đầu cảm thấy “oải”, do không có nút “tự động tối ưu” như Triangle Strategy chẳng hạn, mà cái gì cũng phải thực hiện bằng tay.
Vẫn có rất nhiều cơ chế không được giới thiệu, mà bắt người chơi phải “tự mò”, chẳng hạn như cơ chế thu phục, yêu cầu người chơi phải biết chỉ số “Lòng trung thành” nằm ở đâu – mà trong hướng dẫn cơ bản không hề nhắc tới!
Một vấn đề khác là mặt hình ảnh của trò chơi trên Switch.
Thực sự người viết đã mong những mô hình nhân vật có thể làm theo phong cách 2D-HD mà Square Enix rất hay làm, tuy nhiên, dù hình ảnh chân dung nhân vật làm rất rõ nét, nhưng mô hình nhân vật trong chiến đấu thì nhìn như mấy game Final Fantasy điện thoại rẻ tiền, xong áp bừa một bộ lọc vớ vẩn nào đó lên, khiến hình ảnh trở nên mờ mịt và nhìn rất kém chất lượng!
Thêm nữa, game không có cơ chế xoay bản đồ chiến đấu như Final Fantasy Tactics, khiến mảng chiến đấu đôi khi trở nên khá khó khăn do địch bị che khuất.
mô hình nhân vật trong chiến đấu thì nhìn như mấy game Final Fantasy điện thoại rẻ tiền, xong áp bừa một bộ lọc vớ vẩn nào đó lên, khiến hình ảnh trở nên mờ mịt và nhìn rất kém chất lượng